Thứ bảy, 28/12/2024,


Ðể giải thưởng văn học thêm sự đồng thuận... (24/11/2013) 

Cũng như giải thưởng của các loại hình nghệ thuật khác, giải thưởng văn học một mặt khẳng định giá trị của tác phẩm và biểu dương nỗ lực sáng tạo của nhà văn, mặt khác là một cách thức hướng người đọc tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Chính vì thế, các tác phẩm được trao giải thưởng phải thật sự là kết quả của một quá trình thẩm định, đánh giá cẩn trọng để nhận được sự đồng thuận của cả giới sáng tác và người đọc...


Bìa tập thơ được giải thưởng của Đỗ Doãn Phương

 

 

          Mấy năm gần đây, giải thưởng văn học hằng năm của một số hội văn học thường hay bị "săm soi" và xuất hiện các ý kiến trái chiều. Như giải thưởng Hội Nhà văn chẳng hạn. Năm 2010, trong số sáu giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam gồm tập truyện ngắn Lỏng và tuột của Trần Ðức Tiến, tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi, tiểu thuyết Lính trận của Trung Trung Ðỉnh, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, tập thơ Bầu trời không có mái che của Mai Văn Phấn và tập thơ Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài thì Bầu trời không có mái che của Mai Văn Phấn là một trường hợp độc đáo, vì bên một số ý kiến ca ngợi, lại có một số ý kiến đánh giá không cao. Tới năm 2011, giải thưởng này được trao cho tập ký Huyền thoại tàu không số của Ðình Kính, tiểu thuyết Ðội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, tập sách Luận bàn minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến, tập thơ Hoan ca của Ðỗ Doãn Phương và tập thơ Ngày linh hương nở hoa của Ðinh Thị Như Thúy. Ngay lập tức một số người đánh giá không cao tác phẩm của Ðình Kính, một số khác bàn tán ồn ào theo hai chiều khen - chê khác nhau đối với tập thơ của Ðỗ Doãn Phương và Ðinh Thị Như Thúy. Năm 2012, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa thông báo giải thưởng thì "sinh chuyện". Dư luận ồn ào sau khi Y Ban - tác giả của tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Bằng khen), Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả tiểu thuyết Một thế kỷ bị mất (Bằng khen) từ chối nhận phần thưởng của Hội. Trong khi tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ (Giải thưởng) cùng hai tập thơ Hoa hoàng đàn nở muộn (Khuất Bình Nguyên), Chất vấn thói quen (Phan Hoàng) nhận Bằng khen, ít thấy điều ra tiếng vào thì trường ca Chân đất của Thanh Thảo (Giải thưởng), và hai tập thơ Màu tự do của đất của Trần Quang Quý (Giải thưởng), Giờ thứ 25 của Phạm Ðương (Giải thưởng) lại phải đối diện với một số ý kiến chê bai, chủ yếu trên internet. Tập phê bình Ða cực và điểm đến của Văn Chinh (Bằng khen) cũng bị chê tuy không nhiều và nhẹ nhàng hơn. Gần đây, giải thưởng năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội cũng vậy, có tờ báo cho rằng "đã có những đánh giá rất khác nhau".

          Vậy hiện tượng trên là bình thường hay bất thường trong đời sống văn học nước nhà? Thiết nghĩ, nếu coi việc đánh giá một tác phẩm văn học, bên một số tiêu chí chung, còn ít nhiều phụ thuộc vào thị hiếu, năng lực thẩm định của người đánh giá thì việc khen hay chê là không có gì lạ. Tuy nhiên, điều chúng ta cần suy nghĩ là tại sao mấy năm gần đây các giải thưởng văn học trong nước lại hay bị "săm soi" như vậy? Có người nói một cách dân dã, giải thưởng đã bị "dớp", đến mức tạo nên sự hoài nghi trong một bộ phận nhà văn và bạn đọc. Sự hoài nghi ấy nhiều khi không bắt đầu từ bản thân tác phẩm mà lại bắt đầu từ việc bàn tán về "tầm" và "tâm" của những người xét giải, thậm chí có tác giả còn lên internet để bàn tới những chuyện này chuyện nọ ngoài văn chương...

          Ở đây, xin không bàn đến chất lượng của tác phẩm được trao giải thưởng, mà chỉ bàn tới sự "phân hóa" trong bạn viết, bạn đọc hiện nay. Trong đời sống văn học thời gian gần đây, có lẽ thơ có vẻ như đang chuyển động mạnh hơn so với văn xuôi và lý luận phê bình. Trong khi thơ viết theo kiểu truyền thống vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ trên thi đàn, thì thơ với các kiểu diễn đạt "mới, lạ", mà một số người thường gắn các kiểu "mới, lạ" này với các khái niệm hiện đại, hậu hiện đại, cũng rất ồn ào... Tuy nhiên cái được gọi là hiện đại, hậu hiện đại đó chưa đủ sức tạo ra "thời đại mới" của nó. Sự cách tân, hình như còn thiếu một nền tảng cả về lý thuyết và thực tiễn, thiếu một sức sống cần thiết, một năng lượng đủ mạnh để bứt phá, để định hình, để khẳng định, như ai đó đã nói "nó chưa có kết quả gì đáng kể". Ý kiến đó là có cơ sở, vì khó có thể đặt niềm tin vào các bài thơ xa rời đời sống tâm hồn của dân tộc, thoát ly niềm vui nỗi khổ của nhân dân, mà hầu như chỉ chuyên chú đề cao tuyệt đối "cái riêng". Càng không thể tin rằng thơ "hũ nút, tắc tị, tục tĩu, dơ dáy" sẽ tạo ra sinh khí mới, tinh thần mới, diện mạo mới cho thơ Việt. Có chăng, thứ thơ đó chỉ làm cho công chúng quay lưng và chối bỏ, như chối bỏ một số sản phẩm từng được gọi là văn chương nhưng xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong khi đó văn xuôi lại phản ánh hai xu hướng là: quan tâm đến các vấn đề xã hội đương thời với số phận của con người trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của đời sống xã hội đang ở lúc chuyển đổi, ở đó cái tốt - cái xấu đan xen vào nhau thành những mảng sáng - tối tương phản nhau gay gắt; ở một hướng khác, một số tác giả khai thác chất liệu lịch sử, thông qua lăng kính đương đại để gửi gắm thông điệp nào đó về vấn đề xã hội - con người, hoặc lý giải về sự kiện - con người lịch sử. Các phương pháp hiện thực, hiện thực huyền ảo, truyện không có cốt truyện, phi hư cấu, phi chủ nghĩa cùng tồn tại, dễ được chấp nhận hơn so với thơ.
 

          Văn học có thể làm được gì cho con người? Ðó vẫn là câu hỏi đáng quan tâm đối với nhà văn. Trong cuốn Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov (do Trần Huyền Sâm và Ðan Thanh dịch) có đoạn: "Văn học có thể làm nhiều việc. Nó có thể chìa bàn tay thân ái, khi ta thật chán đời, nó xích ta gần gũi hơn với nhân loại, giúp ta hiểu hơn về thế giới và giúp ta sống còn. Không phải vì nó, trước tiên, là một phương pháp trị bệnh tâm thần, nhưng vốn là phương tiện mặc khải thế giới bên ngoài, nó còn có thể trong hành trình của mình thay đổi tự đáy lòng mỗi chúng ta... và một độc giả thông thường, tiếp tục tìm tòi trong các tác phẩm một ý nghĩa cho cuộc đời của mình, rất có lý khi chống lại các giáo sư, giới phê bình và nhà văn, những người đã cho rằng văn học chỉ nói đến bản thân nó, hoặc chỉ dạy mỗi một môn cho con người là thất vọng...". Từ đó suy ra, hình như một số người trong chúng ta đang hiểu sai, hoặc thiếu niềm tin vào các giá trị lâu bền và cả những chức năng thiết thực của văn học nên mới hoang mang, hay hăm hở chạy theo những ý nghĩa không thuộc về mình để cầm bút viết nên những điều như là như sự bắt chước vội vàng, thiếu cân nhắc hơn là "rút ruột" ra để viết. Ðổi mới không có nghĩa là khuấy nước trong thành đục, là coi rẻ hay bôi bẩn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tích lũy hàng nghìn năm nay. Ðồng thời, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống không có nghĩa là cũ kỹ, sáo mòn, dễ dãi trong sáng tác. Tính hiện đại và tính truyền thống không loại trừ nhau mà trái lại, luôn bổ sung cho nhau trong hành trình sáng tạo văn học trên cơ sở tài năng, sự từng trải của người cầm bút. Liệu có sự phân hóa và ít nhiều là cả định kiến giữa các bộ phận nhà văn với những lối viết khác nhau như là biểu thị của cách tân và truyền thống? Các nhà văn đều không bao giờ muốn những gì mình viết ra là cũ, nhưng "mới" như thế nào lại là điều cần cẩn trọng, và càng cẩn trọng hơn khi thẩm định, khẳng định "cái mới" ấy.

          Ðang có những nhìn nhận về văn học khác nhau, thậm chí trái chiều trong bạn viết và bạn đọc. Phải chăng đó là sự phân hóa khó điều hòa trong điều kiện văn học đang cần phải vượt thoát ra khỏi một số thói quen vốn có, một số quan niệm ít nhiều không còn thích hợp với bước phát triển mới của đất nước và thời đại, đặc biệt là sự xuất hiện các yếu tố mới trong nhận thức và yêu cầu mới trong nhu cầu thẩm mỹ của công chúng? Nếu đúng vậy, thì có thể nói việc trao giải thưởng cho tác phẩm văn học chính là một cách thức vừa để khẳng định, vừa để định hướng tư tưởng - thẩm mỹ cho sự tiếp nhận của công chúng, và trong phạm vi nào đó còn có ý nghĩa với cả người sáng tác. Do đó, để các giải thưởng văn học ngày càng nhận được sự đồng thuận cao của người sáng tác và người đọc, không nên vội vàng, hời hợt, thậm chí là thiếu trách nhiệm trong thẩm định tác phẩm, để rồi trao giải cho các tác phẩm có chất lượng chưa cao, thậm chí kém chất lượng. Vì nếu chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm chưa cao hoặc còn có thể phân tích để chỉ ra sự non kém về tư tưởng - nghệ thuật sẽ rất dễ làm đảo lộn các giá trị, và dễ làm cho bạn đọc lẫn lộn vàng - thau, thật - giả...

          Nhiều người cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một tác phẩm văn học là "hay". Dẫu có thể chưa xác định được các chuẩn mực cụ thể để xác định thế nào là "hay", thì "hay" vẫn là tổng hòa của nhiều giá trị tư tưởng - thẩm mỹ vừa hấp dẫn, vừa có khả năng tác động tích cực tới thế giới tinh thần sinh động của người tiếp nhận. Nếu coi tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn đưa tới xã hội, thì cái "hay" cần phải được kiểm định từ công chúng, từ sự phong phú, đa dạng của cuộc sống. Cái "hay" không chỉ làm nên sự xúc động, mà còn góp phần tạo dựng tính hướng thiện, góp phần tạo dựng niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người, của dân tộc và nhân loại. Nếu không khắt khe và cầu toàn, có thể nói trong mỗi tác phẩm văn học được coi là "hay" đã chứa đựng cả cái mới. Nói như vậy, tức là không nên định kiến với cách viết nào, miễn là cách viết ấy phải hướng tới cái "hay" đích thực. Ðể rồi sau khi tiếp nhận tác phẩm, người đọc nói "hay", ấy là khi hạnh phúc đến với nhà văn. Năm 2013 sắp kết thúc và như thường lệ, một số giải thưởng văn chương sẽ được trao. Tác phẩm nào, tác giả nào sẽ được vinh danh đang là sự quan tâm của những người yêu văn chương. Mong sao, các giải thưởng sẽ là minh chứng đầy thuyết phục, nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.



THANH KHÊ
(theo báo Nhân dân)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: