(ĐSPL)-Nguyễn Du trước khi mất luôn đau đáu một nỗi niềm trăn trở: Số phận đau khổ của Kiều còn có Nguyễn Du khóc thương, vậy còn Nguyễn Du thì sao? Liệu ba trăm năm sau còn có ai nhớ, còn có ai khóc thương cho số phận khổ đau của ông?
Cảm xúc của con người tài hoa tột bậc ấy trong thảm cảnh cuối đời là như thế nào, có lẽ chỉ có người ấy mới biết. Nhưng nếu Nguyễn Du còn sống đến ngày hôm nay, liệu ông có mỉm cười thỏa mãn không khi chưa đầy ba trăm năm sau ngày ông mất không chỉ có một mà là hàng trăm hàng nghìn người vẫn đang khóc thương cho số phận chao đảo của ông?
Bìa cuốn sách "Khấp Tố Như".
Nguyễn Du không còn xa lạ đối với người dân Việt, Truyện Kiều cũng không phải là một danh từ xa lạ với đời sống tâm hồn của người dân Việt. Thậm chí chính Truyện Kiều và tâm hồn Nguyễn Du đã trở thành một phần gắn bó mật thiết, sâu sắc với đời sống của người dân Việt. Từ ngày Nguyễn Du mất, đã biết bao nhiêu áng thơ, áng văn viết về con người tài hoa này, viết về số phận người con gái tài sắc vẹn toàn Thúy Kiều đến với mỗi người dân Việt như một niềm sẻ chia sâu sắc. Và đến hiện tại sẽ không chỉ có người dân Việt Nam thấu hiểu nỗi đau khổ của ông nữa khi mà Bùi Mạnh Hảo - tác giả của tập sách Khấp Tố Như đã đưa những vần thơ xót thương của mình về cuộc đời ông đến với các bạn bè quốc tế.
Khấp Tố Như là một tập sách song ngữ với những phần chú thích rất sâu sát không chỉ góp phần giúp cho những bạn đọc quốc tế có thể hiểu thấu hơn, sâu hơn những vần thơ, văn chương và tiếng Việt của dân tộc Việt mà còn tái hiện lại cuộc đời đầy bi ai của đại danh hào Nguyễn Du cũng như những cảm xúc tiếc thương của Bùi Mạnh Hảo đối với Nguyễn Du và đối với cả nhân vật Thúy Kiều. Chỉ với mười một đoạn thơ của Bùi Mạnh Hảo đã mang tất cả những người yêu văn thơ trên thế giới cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du vượt qua được rào cản ngôn ngữ để chạm được tới những câu thơ còn mãi với thời gian.
Cùng với tập Khấp Tố Như, cũng như để giãi bày thêm những cảm xúc vẫn còn lắng đọng trong Bùi Mạnh Hảo sau khi đã khóc thương cho số phận Nguyễn Du, số phận Kiều, ông đã viết về người phụ nữ Việt Nam qua cuốn Đất nước hình con gái. Có thể nói, Bùi Mạnh Hảo là người đầu tiên ví von đất nước Việt Nam hình chữ S với hình tượng một cô gái yêu kiều thướt tha. Cũng qua tập sách ta thấy được tình yêu và lòng ngưỡng mộ vô bờ của một nhà thơ, nhà phân tích, phê bình đối với người phụ nữ Việt Nam - một đề tài vô cùng ít xuất hiện ở văn học chiến tranh Việt Nam.
Trong cuốn sách của mình, tác giả đã đề ra những đức tính vô cùng tốt đẹp của người phụ nữ Việt như tần tảo, hết lòng với gia đình chồng con nhưng khi đánh giặc họ cũng là những người xông xáo nhất, thành công nhất... Bùi Mạnh Hảo cũng đưa ra những nhận xét xác đáng, những người phụ nữ Việt ấy họ hết lòng vì gia đình, đất nước; họ hy sinh; họ tần tảo; họ chiến thắng giặc nhưng lại không hề ham hố công danh quyền lực; và những người phụ nữ tuyệt vời ấy lại chưa có phút giây nào được hưởng mùi vị của niềm sung sướng. Ông trăn trở suy tư lý do của sự bất công này, liệu chúng ta đã sai ở đâu chăng? Và làm thế nào để sửa chữa lỗi lầm vô cùng to lớn này? Làm thế nào để chúng ta có thể bù đắp xứng đáng cho những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ấy?
Hai cuốn sách của Bùi Mạnh Hảo đã đem tới cho người đọc những cái giật mình nhận ra. Hóa ra có rất nhiều sự vật, sự việc thường xuất hiện xung quanh chúng ta nhiều đến mức chúng ta không nhận ra sự vô tâm của chính bản thân mình, như khao khát cùng thấu hiểu Nguyễn Du của các bạn đọc quốc tế hay như sự hy sinh quá đỗi to lớn cũng sự nhiệt tình và thành quả của người phụ nữ Việt. Có lẽ sau khi cùng Bùi Mạnh Hảo nghiền ngẫm, chúng ta sẽ tìm ra được phương pháp cũng như trả lời những câu hỏi mà chính ông cũng chưa thể trả lời được trong hai cuốn Khấp Tố Như và Đất nước hình con gái.
Mạc Thanh Phương
(Nguồn: ĐSPL)