Dân Việt - Tôi về làm việc tại Báo Nông Thôn Ngày Nay năm 1999 thì Minh Tâm đã là một phóng viên viết mảng phóng sự và phóng sự điều tra của báo đã khá lâu.
Để tìm hiểu từng phóng viên, nhất là các cây viết gạo cội của báo, tôi thường lần tìm lại các số báo mà họ có bài. Người đầu tiên mà tôi “nghiên cứu” là Minh Tâm...
Nhà báo, nhà thơ Minh Tâm.
Tôi lần lại các số báo Nông Thôn Ngày Nay có bài của anh. Thì ra anh là cây bút “đánh đấm” cũng ra trò. Sau này tôi còn được, hoặc phải tiếp những nhân vật trong các bài viết của anh. Cảm ơn có, “kiện cáo” cũng có, mà “xin xỏ” cũng không phải là ít.
Người “giận lắm, thương nhiều”
Ai gặp Minh Tâm lần đầu thường có cảm giác rất khó gần. Mặt thì đanh lại. Cái nhìn như soi mói. Ăn nói có vẻ trịch thượng. Tuy nhiên càng gần anh càng nhận ra rằng đằng sau cái vẻ “soi mói, trịch thượng” ấy là một tâm hồn dễ xúc động, dễ bị tổn thương và rất cả tin.
Một bận có một thương binh đến tòa soạn kêu cứu vì bị chính quyền xã ăn chặn tiền thương binh hàng tháng của anh ta. Minh Tâm nhận đơn, vô cùng bức xúc. Anh gần như nổi điên với cách hành xử của chính quyền khi đưa cho tôi bài viết về trường hợp anh thương binh nọ. Anh coi việc ăn chặn tiền xương máu của thương binh là việc cần phải xử lý ngay. Anh kêu gọi anh em tòa soạn Báo Nông Thôn Ngày Nay quyên góp để giúp anh thương binh trong lúc khó khăn.
Tôi hiểu tâm trạng anh. Anh cũng là thương binh, một bàn tay vẫn co quắp. Tôi an ủi anh, nhưng yêu cầu anh phải xuống địa phương tìm hiểu thật kỹ sự việc vì tôi không tin rằng chính quyền (một địa phương gần thủ đô) lại dám ngang nhiên làm một việc “tày trời” như vậy. Anh đi địa phương. Ngày hôm sau về, gặp tôi anh lại đùng đùng nổi giận: “Thằng cha này nó lừa mình anh ạ. Nó bị tai nạn lật xe khi tự ý bỏ đơn vị về quê và bị xử lý kỷ luật nặng!”. Minh Tâm là con người như vậy. Giận đấy, thương đấy!
Tôi rời Báo Nông Thôn Ngày Nay năm 2003. Thi thoảng có gặp Minh Tâm. Theo thời gian anh trầm tĩnh hơn, nhưng lại có vẻ “ngông cuồng” hơn. Cứ gặp là anh lại lôi ra quán rượu. Làm vài ly là anh lại đòi đổ nước mắm (nếu là nhắm với đậu), hoặc mắm tôm (nếu là ăn thịt chó) lên đầu bạn nhậu. Chả ai trách anh. Mà có ai trách Minh Tâm bao giờ.
Minh Tâm từng đoạt giải Ba và Tư (không có giải Nhất) cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010); Giải Tư cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm hồn Việt” năm 2011. Các tác phẩm thơ đã xuất bản: “Lục bát làng Choa” (NXB Hội Nhà văn 2010, “Thổ ngữ làng Choa” (NXB Văn học 2011).
|
Thế rồi tai ương bỗng ập xuống đầu anh. Minh Tâm ốm nặng và nằm liệt giường gần 2 năm trời. Tới thăm anh, nhìn anh tiều tụy, tôi không cầm được nước mắt. Thấy vậy, anh động viên tôi: “Em ốm thế này, nhưng lại hóa may bác ạ. Giời lấy đi cái này lại cho mình cái khác”. Anh rút ra một cuốn sổ và đọc cho tôi nghe chừng chục bài thơ toàn thể lục bát (mà sau này anh in trong 2 tập “Lục bát làng Choa” và “Thổ ngữ làng Choa”). Thì ra Minh Tâm đã tìm ra cho mình một cuộc đời mới- đời thơ. Anh chống gậy đi khắp đó đây. Bệnh tật không đánh gục được anh:
Cuối đời ta lại tập đi
Gẫy sừng thành nghé sá chi tội tình
Trời kia cột bóng với hình
Xác mình đè xuống chân mình mà đi.
(“Thổ ngữ làng Choa”)
Đa mang nghiệp văn chương
Minh Tâm sinh năm 1959 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tham gia quân đội, bị thương và giải ngũ, về lại với cuộc sống đời thường, anh theo nghiệp cầm bút. Cuộc đời anh nhiều lận đận. Cộng tác với nhiều tờ báo trước khi trở thành phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay:
Gồng mình mò đến Thăng Long
Tậu nhà, sắm vợ mỏi còng cả lưng.
(Bài “Gọi làng” trong tập “Lục bát làng Choa”).
Lập nghiệp, lấy vợ, sinh con ở đất thủ đô, nhưng Minh Tâm luôn đau đáu về cái mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên. Anh thương nhớ cái đồng quê nay hầu như vắng bóng lũy tre thổi mát trưa hè ru lớn tuổi thơ anh. Anh nhớ canh rau muống, nhớ vại cà, lọ dưa. Cái nhớ đau đáu của một người đã chạm tới tuổi già:
Làng giờ đã tắt bóng tre
Hoàng hôn rụng bặt tiếng me (bê) gọi bầy
Trời nồng vắng cả dáng mây
Tìm rau lỡ gặp rặt dây muống già
Hỏi cà chỉ nụ không hoa
Hỏi tương chum đã hóa ra mảnh sành.
(Bài “Đồng hoang” - tập “Lục bát làng Choa”).
Nhớ làng, nhớ xóm, nhớ mẹ già, anh em, bè bạn bao nhiêu thì Minh Tâm, dường như, lại càng thấy mình có tội với vợ, với con vì cuộc đời đã trót đa mang cái nghiệp văn chương “bầu rượu- túi thơ”:
Ta vô tích sự với em
Rượu say lướt khướt đêm đêm em buồn
Ta hèn bán ta vụng buôn
Em làm vợ lại kiêm luôn vai bà.
(“Vô tích sự”- “Lục bát làng Choa”).
Hoặc:
Nhà ta chữ lắm hơn tiền
Cha ba xu rượu thăng thiên bốc giời
Mẹ nhường cha bó gối ngồi
Được đà cha thốc lời lời đại ngôn.
(“Con gái rượu”-Thổ ngữ làng Choa”).
Những ngày gần đây Minh Tâm thường hay gọi điện cho bạn bè và đọc thơ. Mới tháng trước đây thôi, tôi và Minh Quang (phóng viên NTNN) ngồi nhậu bên đầm sen Tây Hồ thì Minh Tâm gọi điện, đọc thơ. Biết chúng tôi đang nhậu, anh đi taxi và đem theo cả cô con gái rượu tới. Anh chống gậy, đi liêu xiêu. Cô con gái rượu thì cứ hễ cha đưa chén lên miệng là lại nhắc: “Ba uống ít thôi nhé!”. Anh uống đã ít đi nhiều, người thì gầy khô, nhưng giọng đọc thơ thì vẫn cứ sang sảng. Minh Quang ép anh ăn rồi mới được uống. Anh văng tục và bảo: “Để em đọc các bác nghe kẻo mai kia ai đọc cho mà nghe”. Thời gian gần đây Minh Tâm trăn trở nhiều về thời cuộc. Anh rơm rớm nước mắt tổng kết về cuộc đời mình:
Bao năm rắc thính dử mồi
Cuối đời tay trắng ta ngồi câu ta
Gieo nắng nỏ gặt mưa sa
Ngỡ lừa thiên hạ té ra lừa mình.
(“Đi câu”- “Thổ ngữ làng Choa”).
Dường như hôm ấy Minh Tâm đã dự cảm được điều chẳng lành sẽ đến với anh. Anh cứ bịn rịn không muốn về. Rồi anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ cuối cùng trước khi chúng tôi đưa anh và cô con gái rượu ra taxi:
Mượn heo may liệm tình côi
Thôi từ nay ta từ tôi giã nàng
Cõi yêu cụt nấc leo thang
Lên trời luận tiếp hợp tan
kiếp người.
(“Điếu Văn Tình” - “Thổ ngữ làng Choa”).
Không ngờ đây lại là lần cuối tôi gặp Minh Tâm. Nhìn thần sắc anh hôm ấy tôi cứ lo lo, nhưng không ngờ anh lại ra đi sớm và đột ngột như vậy. Sáng qua vừa thức dậy nghe giọng nhà báo Xuân Ba ở đầu máy bên kia: “Minh Tâm nó mất sáng nay rồi!”.
Đau xót quá Minh Tâm ơi! Anh ra đi giữa lúc đang còn bao nhiêu dang dở. Những buổi hàn huyên, những lúc “trà dư tửu hậu” để luận về thời cuộc, về kiếp người, về quê Choa...
Thắp nén nhang cầu cho anh “Lên trời luận tiếp hợp tan kiếp người” nhé, Minh Tâm ơi!
Lê Thọ Bình
(Nguồn: Dân Việt)