Thứ sáu, 19/04/2024,


Tưởng nhớ Trương Tửu, nhà văn quyết liệt đổi mới (18/11/2013) 
 
NDĐT - Sáng 18-11, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS nhà văn Trương Tửu (18-11-1913 – 18-11-2013) với sự tham dự của gia đình nhà văn cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ tôn kính tâm huyết, sự nghiệp Trương Tửu.

Nhà văn Trương Tửu (1913-1999)
Cử toạ đã cùng xem phim tư liệu về cuộc đời, lao động nghề nghiệp, những đóng góp và cống hiến của nhà văn Trương Tửu (1913-1999), một trong những gương mặt nổi bật trên văn đàn, trong đời sống văn hóa Việt Nam cả trước và sau 1945.
Trong những đoạn phim tư liệu này, các chuyên gia, nhà văn đề cao Trương Tửu ở sự thông minh, tinh thần ham học tập, nghiên cứu, tính trung thực và tranh đấu vì học thuật, đặc biệt là sự quyết liệt trong việc đi tìm những cái mới và đổi mới nghiên cứu văn học.
Các chuyên gia, trong đó có những người từng là học trò của GS Trương Tửu, chia sẻ những ký ức, kỷ niệm về một người thầy đầy cuốn hút trong cách giảng dạy. Đồng thời, tiếp tục đánh giá, ghi nhận những thành tựu và đóng góp quan trọng của GS Trương Tửu cho văn học nước nhà với khoảng 30 tác phẩm gồm cả sáng tác và nghiên cứu đưọc công bố rộng rãi.
GS.NGND Nguyễn Đình Chú - một trong những học trò của GS Trương Tửu chia sẻ: "Thầy của chúng tôi, GS – nhà văn Trương Tửu, đã đi qua cuộc đời này 87 năm với bao nhiêu vinh quang rạng rỡ nhưng cũng không ít nhọc nhằn vất vả”.
Theo GS Nguyễn Đình Chú, GS Trương Tửu là con người thù ghét bất công, nhà nghèo nhưng giàu nghị lực và quyết tâm và bền bỉ lao động học thuật, cũng là con người có nhiều năm tháng “kết duyên thắm thiết với cách mạng”, đồng thời là một GS sáng danh trong giảng đường đại học. Khi gặp nạn trong nghề, gặp khó khăn nhiều chục năm ròng Giáo sư không ngã lòng mà vẫn kiên trì sống bằng nghề thuốc và nghiên cứu, viết sách y học.

Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm
ngày sinh GS nhà văn Trương Tửu (18-11-1913 – 18-11-2013)
GS Phong Lê nhận định về các tác phẩm của GS Trương Tửu: “Ấn tượng về những gì đã được đọc là rất sâu. Đọc những gì ông viết và những gì người khác viết về ông. Rồi nhớ mãi. Bởi cách viết và phương pháp viết của ông, gồm cách nghĩ, cách lập luận, cách kết luận trong từng công trình; và cách điều chỉnh, bổ sung hoặc tước bỏ trong cả hệ thống công trình, để cuối cùng vẫn là trung thành, nhất quán với bản thân trên 25 năm sự nghiệp viết của mình”.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh GS nhà văn Trương Tửu, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây và NXB Văn học vừa cho ra mắt công chúng tập 3 trong bộ tuyển tập Trương Tửu. Bộ sách gồm: Tập 1 - “Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình” xuất bản năm 2007, Tập 2 “Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi” năm 2009, và tập 3: “Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa”.
LƯU NGUYỄN
(Nguồn: Nhân dân điện tử)
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: