Thứ bảy, 20/04/2024,


Nhà thơ, nhà báo Minh Tâm - Khúc vĩ thanh làng Choa đã tắt (18/11/2013) 
 
Dân Việt - Khúc vĩ thanh một đời lay lắt bên chữ nghĩa đã tắt ở cái tuổi 54 của mình, bỏ lại mẹ già, vợ dại, con nhỏ và cả những ước mơ về làng Choa quê anh con chưa trọn vẹn.
Đã nhiều lần anh đối mặt với cái chết trong chiến tranh nhưng rồi anh chỉ bị một vết thương nhỏ. Có vẻ tử thần cứ đùa dai với anh, khiến anh nhiều năm trời phải chiến đấu với bệnh tật, lên bàn mổ mấy lần... Và rồi anh ra đi.

Nhà báo Minh Tâm (thứ ba từ trái sang) cùng các phóng viên báo NTNN
trong ngày kỷ niệm 25 năm thành lập báo (1984-2009)
Thế mà trong những lúc đau đớn và đơn thân nhất chưa bao giờ chúng tôi thấy anh có dấu hiệu đầu hàng bệnh tật bởi anh là người có một nghị lực sống phi thường. Nhưng một cơn tai biến đã khiến anh - nhà báo Minh Tâm - cây viết một thủa lẫy lừng của báo NTNN trút hơi thở cuối cùng. Anh về bên dòng sông Mã quê mình ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Khúc vĩ thanh một đời lay lắt bên chữ nghĩa đã tắt ở cái tuổi 54 của mình, bỏ lại mẹ già, vợ dại, con nhỏ và cả những ước mơ về làng Choa quê anh con chưa trọn vẹn.
Ký ức một người anh
Tôi về mái nhà NTNN thì Minh Tâm lúc đó đang nằm ở Thanh Hóa dưỡng bệnh, theo như mấy người đồng nghiệp gắn bó với anh trong nhiều năm ở báo thì anh về quê với mẹ là “ xác định rồi” vì đời anh coi như đã hết.
Cơ thể anh chưa đến 40kg, cao 1m70 mà lại gánh đủ thứ bệnh trên người, từ tiểu đường, mỡ máu cao huyết áp và vừa mới trải qua một cơn tai biến, khiến anh phải nằm liệt một chỗ.
Cái số anh cô quả lấy đến 2 lần vợ mà chẳng có ai thương, phải đem tấm thân tàn về để mẹ già ở quê lại một lần nữa hầu hạ chăm bẵm. Nói về chuyện tình cảm thì chắc anh thuộc hàng... hiếm có, cưới 3 lần vợ mà được 2 bà với đúng một đứa con... Lúc đó tôi chưa biết mặt anh ra sao.
Nhưng trong mỗi lần tụ họp của báo, mấy anh em phóng viên cứng cựa nói về anh nhiều lắm và tôi đã nghĩ con người này chắc hẳn đã là một phần lịch sử của gia đình NTNN nên mặc dù không có mặt anh nhưng vẫn được những đồng nghiệp ghi nhận và nhắc tới.
Rồi đến đúng dịp tờ báo tròn 25 tuổi, tháng 6 năm 2009 anh đã tái xuất. Minh Tâm đã trở lại trong ánh hào quang một thuở cầm bút lẫy lừng của mình. Nhiều đồng nghiệp của anh thuở trước tỏ ra kinh ngạc bởi không ngờ một Minh Tâm bệnh tật lại đủ sức tự đi từ Thanh Hóa ra được đến cơ quan, chỉ có điều đến được địa chỉ cơ quan ở 13 Thụy Khuê, anh phải nhờ sự trợ giúp của một cây gậy...
Tôi và anh hầu như không mất giây nào để làm quen vì anh đã nói “tớ nằm ở quê, nhưng ngày nào cũng theo dõi báo mình, và cũng đọc các cậu rồi”. Cũng từ cái câu nói của một người đàn anh mà tôi nhận thức được sống và làm việc ở gia đình Nông thôn phải cư xử với nhau như những người thân thực sự bằng một thứ tình cảm kiểu “nhà quê” đúng bản chất của những con người đang ra tỉnh.
... Minh Tâm là người thật thà, anh thật thà đến mức toan tính. Cái điều anh nghĩ về cảnh của mình, ai cũng nhìn thấy, đôi khi anh so đo mấy chuyện vặt vãnh, ai cũng biết cả, nhưng tuyệt nhiên tôi chưa gặp ai nghĩ ác về anh, mà người ta đều rơi vào một trạng thái buộc phải đồng cảm trong sự thật thà toan tính của anh.
Vĩ thanh của làng Choa
Nhiều người vốn đã nghĩ về Minh Tâm là một người ghê gớm, đến mức đanh đá, sẵn sàng mắng như tát nước vào mặt kẻ khác, sẵn sàng chiến đấu bằng lí lẽ, bằng sở cứ trên báo chí để minh định một sự thật, đang còn bị khuất lấp ở đâu đó, sẵn sàng liều chỉ vì một điều thách đố cỏn con hay vô cớ đấu khẩu với một chị đàn bà chanh chua mỏ đỏ... nhưng đó là cái vẻ bề ngoài để che đậy cho một Minh Tâm chất chứa nếu ai đó đã biết đến anh với 2 tập thổ ngữ làng Choa.
Làng Choa là cái nào thì anh cũng không biết nữa nhưng nó là cái làng nằm ở trong anh, trong cái xứ Thanh quê anh được con sông Mã vỗ về bồi đắp.
Để nói về làng Choa của Minh Tâm, xin mượn lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Tôi đọc xong một bài của Minh Tâm về làng choa và muốn đọc tiếp và đọc tiếp. Sự lôi kéo tôi như vậy phải chăng là bởi chính thổ ngữ của làng Choa. Thổ ngữ ở đây, theo tôi, chính là ngôn ngữ sáng tạo và lối tư duy của thi sĩ Minh Tâm.
Tôi không biết “Thổ ngữ làng Choa” là thế nào, nhưng ngôn từ, hình ảnh và lối nói của thi sĩ Minh Tâm đã tạo nên một “thổ ngữ” của anh.... Ở đó là sự ngang tàng, là tính bộc trực, là sự giễu nhại, là “lý sự”. Không một bài thơ nào của thi sĩ Minh Tâm lại chỉ chìm đắm trong những cảm xúc miên man mà thơ lục bát lâu nay thường như vậy.
Mỗi bài thơ lục bát trong Thổ ngữ làng choa là một cái lý thật sâu sắc về cuộc đời này. Cáu trời hắt rượu lên mây/Nước rơi xuống mặt – phẩy tay: Thế à!/Bữa nhầm khoác áo cà sa/Soi gương giật thột, hỏi: Ma hay người (Thế à – Thổ ngữ làng Choa).
Đây là một trong những bài thơ chứa đủ những đặc tính mà tôi đã nói ở trên. Những bài thơ như thế làm cho tôi đọc xong lại phải tìm đến bài thơ tiếp theo.
Người ta từng nức nở với hai câu lục bát của Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Hay xuýt xoa với những câu thơ lục bát của Đồng Đức Bốn : Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro…
Còn tôi thì kinh ngạc với những câu thơ lục bát của thi sĩ Minh Tâm như: Trời kia cột bóng với hình/ Xác mình đè xuống chân mình mà đi… hai câu thơ vừa đau đớn, vừa cao ngạo và vừa thẳm sâu. Sự nức nở và xuýt xoa kia đi qua tôi trong một khoảnh khắc và chỉ một lần, còn sự kinh ngạc này sẽ bám theo tôi rất lâu".
Minh Tâm là thế, một người đáng trách nhưng không đáng ghét. Anh ra đi để lại tập 3 làng Choa còn dang dở, bài báo Tết đã gửi chưa kịp đăng... Sự ra đi của anh để lại khoảng trống vô vàn trong lòng những anh em dưới mái nhà NTNN...
Gia Tưởng
(Nguồn Dân Việt)
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: