Thứ hai, 02/12/2024,


Các thế hệ làm thơ có "đối thoại" được với nhau? (09/11/2013) 

 

Những “đối thoại” trái ngược về thi ca

 

Chuyện thơ ca các thế hệ không cùng “kênh”, khó “đối thoại” được với nhau là chuyện không mới, đã từng xảy ra trong lịch sử văn học nước nhà, như trường hợp thơ của Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt… Ngay trong vài năm trở lại đây những cuộc “tranh luận” như thế này vẫn diễn ra và xem chừng chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại vĩnh viễn.

 

Khi Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh… xuất hiện, đời sống văn chương được dịp sôi động. Một bên thì cổ vũ tán dương không tiếc lời, một bên thì không thể chấp nhận được, không thể gọi là thơ được. Cho đến tận bây giờ, với độ lùi nhất định, những tranh luận đã giảm đi sức nóng, nhiều người từ nghi vấn, phủ định phần nào đã chuyển sang thái cực ghi nhận những đóng góp của các cây bút trẻ. Bên cạnh đó cũng còn không ít người vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận và phủ sạch trơn những sáng tác có tính cách tân, táo bạo của đa phần các cây bút trẻ.

 

Một gương mặt từng xuất hiện trong Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội cũng được nhắc tới với các bài thơ lạ. Bài thơ chủ yếu được triển khai bằng một câu. Câu đầu là câu nguyên văn, rồi các câu tiếp sau là sự giản lược của từng từ, cho đến khi kết thúc chỉ là một, hai từ. Khi được nghe bài thơ kiểu thế này, đã có nhà thơ khen ngợi, rằng dù câu sau được rút bớt đi một từ so với câu trước nhưng nó hoàn toàn đứng độc lập được và mang một ý nghĩa mới. Không những thế, người đọc và người nghe còn có cảm giác câu chữ có lúc như ngân dài ra rồi có lúc lại đột ngột co rút lại. Cái khó và cái tài của người làm thơ này là phải tìm được một câu hay. Nhưng sau đó, cũng lại có ý kiến của một nhà thơ thành danh khác cho rằng, thơ thế mà cũng gọi là thơ à? Thế này thì ai cũng làm được thơ mà mỗi ngày còn làm được cả một… rổ thơ!. Các ý kiến thật hết sức trái chiều.

 

Gần đây nhất, một số tác giả thơ được trao giải cũng vấp phải những câu hỏi vì không tìm được “tiếng nói” làm thoả mãn số đông công chúng. Như trường hợp Thơ Trần Dần được vinh danh ở giải thành tựu của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhiều câu, từ được tác giả sử dụng gần giống như cách viết của giới trẻ hiện nay. Dù đơn vị trao giải có thừa nhận những đóng góp đáng kể của Trần Dần thì vẫn còn quan điểm không thừa nhận. Tương tự như thế, ở giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trao cho các tác giả: Đinh Thị Như Thuý, Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương… được dư luận chia làm nhiều hướng. Hướng hoan nghênh sự nỗ lực đổi mới cách tân. Trái ngược với đó là hướng phản ứng, không chấp nhận. Bên cạnh đó là hướng im lặng chờ đợi theo thời gian để mọi ồn ào qua đi xem còn lắng đọng được gì… Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha còn đưa ra nhận định: “Nhiều ồn ào truyền thông về Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương cũng chưa đem lại những kết quả thẩm mỹ cho người đọc”.

 

Chắc chắn còn rất nhiều cuộc đối thoại trái chiều về thơ ca đã và đang diễn ra từng ngày từng giờ trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc hội thảo, toạ đàm, mạng xã hội và cả trong quán nước, quán nhậu…

Chuyện tranh luận, thậm chí phủ nhận thơ ca của tác giả này với tác giả khác trong cùng một thế hệ còn xảy ra huống hồ giữa các thế hệ già - trẻ khác nhau. Sau giải thưởng, sau sự xuất hiện một gương mặt tác giả mới, những khen chê không còn lạ trong đời sống văn học. Và khen – chê trở thành “quyền” của độc giả. Không có khen chê có khi còn bị cho là “hòn đá” ném xuống ao bèo, tõm một cái rồi mãi im lặng, nằm yên dưới đáy ao.

 

Thử tìm một vài nguyên nhân

 

Có hai nguyên nhân thuộc về khách quan và chủ quan dẫn đến cuộc đối thoại thơ ca không, hoặc chưa tìm được tiếng nói chung.

Về khách quan, một yếu tố có thể đa phần bị xem nhẹ và cho rằng nó chỉ tác động rất nhỏ, nhưng lại không thể không kể tới; đó là không gian và thời gian tác giả từng sinh sống và gắn bó. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương từng chia sẻ rất hay và chân thực về sinh quán của mình với nhà thơ Hồng Thanh Quang rằng: “Đến giờ phút này tôi nghĩ, rút từ bản thân mình ra, thì đúng là sinh quán quan trọng với nhà văn. Bởi vì xét cho cùng, bản chất của văn học là ký ức chứ không phải đoán định tương lai. Nói cách khác, văn học là cái còn đọng lại trong con mắt nhắm. Tôi viết, cố gắng lôi cái không khí của Thái Nguyên vào, và tôi nhận thấy phần lớn sáng tác của mình đều dính dấp tới vùng đất đó, ngay cả khi đẩy nó tới địa danh khác thì bóng dáng của vùng đất ấy vẫn phảng phất trong từng chi tiết. Mỗi nhà văn có vùng đất của mình và tác phẩm của họ mang “khí hậu” của vùng đất đó. Tôi cho rằng tác phẩm của tôi chủ yếu mang “khí hậu” Thái Nguyên, điều ấy chẳng biết là hay hay là dở nữa”.

 

Không gian mà tác giả từng được sống, được trải qua sẽ ảnh hưởng đến không gian nghệ thuật của nhà văn. Còn thời gian là thứ ghi lại và tạo ra những dấu mốc, giai đoạn, sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn người cầm bút sống trong giai đoạn chiến tranh sẽ có những điểm khác, hoặc có điểm giống với nhà văn sống trong giai đoạn hậu chiến. Nhà văn sống trong giai đoạn đất nước mở rộng cửa, thế giới có những trào lưu văn học gì, công nghệ thông tin đang phát triển vũ bão… cũng ảnh hưởng đến sự tiếp nhận, quan niệm văn chương của mỗi nhà văn.

 

Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là ở yếu tố chủ quan. Chẳng hạn, ở mỗi vùng đất có dăm bảy người cầm bút, họ cùng thế hệ, cùng chịu ảnh hưởng tất cả các học thuyết, xu hướng… nhưng lại không thể có hai người cầm bút giống y hệt nhau. Các kiến thức được thu thập, khả năng tự học hỏi, tích luỹ vốn sống… và tài năng ở mỗi người khác nhau đã tạo nên sự đa dạng và khác biệt cho tác phẩm.

 

Có ít nhất ba kiểu người cầm bút. Một là tuyệt đối trung thành với cái cũ, cái mà mình đã và đang theo đuổi. Coi đó là chuẩn mực, bất di bất dịch. Khác một tí là lệch chuẩn, là không chấp nhận. Hai là, đổi mới triệt để. Có thể các giá trị chưa đi đến tận cùng đỉnh điểm cao nhất nhưng luôn hướng, luôn cổ vũ sự làm mới, không chấp nhận sức ì, sự quay lại cái cũ. Ba là sự giao thoa cả cũ cả mới. Nghĩa là vẫn chấp nhận cái cũ và cái mới trong chừng mực nào đấy, chứ không phải tất cả. Khi một tác phẩm xuất hiện, nếu để cho ba kiểu người cầm bút như kể trên cùng đọc, cùng đánh giá thì kiểu gì cũng xảy ra “xung đột”, xảy ra đối thoại. Chỉ khác ở mức độ nặng nhẹ hoặc sự im lặng hay không mà thôi.

 

Nhà thơ Vương Trọng cho rằng: “Tuổi trẻ đời nào cũng có thế mạnh, nhưng sự sinh sau không có ưu thế gì trong thơ. Đừng nghĩ rằng thi ca phát triển tỷ lệ thuận với khoa học, kỹ thuật. Bởi thế, thế hệ @ (a còng) trong thi ca không nói lên điều gì ngoài việc có thể sáng tác bằng computer và gửi bài qua email. Với thơ, những đỉnh cao trong quá khứ còn sừng sững ở phía tương lai”.

Cùng nói về thơ trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa ra nhận định: “Thế hệ các nhà thơ trẻ xuất hiện mang đến một giọng nói mới cho thi ca nhưng đừng đòi hỏi tất cả họ phải là đại diện của nền thơ ca Việt Nam mà chỉ cần hai ba người tiêu biểu là đủ”.

 

Nghệ thuật luôn là sự khác biệt. Khác đến tận cùng. Và sự khác ấy luôn diễn ra như một đòi hỏi tất yếu. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận cái khác là căn nguyên của những cuộc tranh luận khó đi đến cùng. Chỉ có điều, sự gay gắt đôi khi là không cần thiết. Đã có những nhà văn nhà thơ tên tuổi phán quyết phủ sạch trơn tác phẩm đương đại không cùng “gu” sáng tác với mình là hành động có vẻ hơi vội vàng. Bởi tất cả vẫn còn ở phía trước, thời gian để phán xét vẫn còn ở phía trước. Hãy cứ để cho tác phẩm thử thách với thời gian sẽ có câu trả lời chính xác. Lịch sử văn chương đã từng có đấy thôi, tranh luận, phủ định… tốn kém không biết bao giấy mực, nhưng thời gian sau nhìn lại mới biết, mới khẳng định. Nhà thơ Trần Nhuận Minh chả từng phủ nhận giai đoạn từ khi cầm bút đến năm 1986, dù trong thời gian đó ông đã nhận không ít giải thưởng.

Đối thoại về thơ ca là cần thiết, là động lực để phát triển. Nhưng đối thoại như thế nào là việc đáng bàn. Bởi từ cuộc đối thoại, nhà văn bộc lộ bản thân, quan điểm nghệ thuật trước độc giả khá rõ. Không ít chân dung người cần bút tự hoàn thiện chân dung của mình sau mỗi cuộc đối thoại văn chương khiến độc giả yêu mến hơn, và cả… thất vọng hơn!.

 

Hà Anh


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: