Thứ sáu, 26/04/2024,


HỘI THẢO NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG (04/11/2013) 
   Tác phẩm và cuộc đời Nhà văn Nguyên Hồng có ảnh hưởng rất lớn đối với lớp trẻ. Tác phẩm của ông là cuộc chuẩn bị to lớn để nhân dân bước vào Cách mạng tháng 8, chuẩn bị cho một thế hệ thanh niên xung phong đứng lên cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Ngày hôm nay, tác phẩm của Nguyên Hồng vẫn tiếp tục góp phần giúp con người Việt Nam giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc mình trước những thăng trầm, biến cố…
 

 

 
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh Nhà văn Nguyên Hồng (05/11/1918 – 2013), sáng 02/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị UBND TP. Hải Phòng  đã diễn ra Hội thảo “Nhà văn Nguyên Hồng - Cuộc đời và sự nghiệp văn chương” do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng phối hợp tổ chức. Tham gia hội thảo có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB, nghệ sỹ tại Hà Nội và Hải Phòng; Trung ương, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam; Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Thành ủy; văn nghệ sỹ đại diện các Hội VHNT các tỉnh: Bắc Giang, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Nguyên và đại diện gia đình Nhà văn Nguyên Hồng.
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 05/11/1918 tại  Nam Định. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, từ nhỏ theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo. Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật.. Ông là Đảng viên Đảng CSVN. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông từng làm biên tập Tạp chí Văn nghệ và trong ban phụ trách trường Văn nghệ Nhân dân ở Việt Bắc. Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá I và II). Biên tập Tạp chí Văn nghệ và trong Ban phụ trách Tuần báo Văn. Phụ trách Trường bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ (của Hội Nhà văn Việt Nam), Ban Văn học công nhân và là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng.  Nguyên Hồng  mất ngày 02/5/1982 tại Tân Yên (Bắc Giang).
Nguyên Hồng để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ trên 40 tác phẩm với nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký… Các tác phẩm chính của ông gồm: Truyện ngắn Linh hồn, các tiểu thuyết Bỉ vỏ, Sóng gầm, Núi rừng Yên Thế và tập thơ Trời xanh. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lần thứ nhất.
Qua gần 20 tham luận trình bày tại hội thảo về Nguyên Hồng, đời người đời văn, trong đó có các tham luận của PGS.TS Trần Đăng Suyền (Nguyên PHT trường ĐHSP Hà Nội I), TS Lê Bích Thị Hồng (Phó vụ trưởng Vụ văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW), PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (TBT Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam), Đạo diễn - NSƯT Đào Quang (Chủ tịch Hội VHNT Nam Định); Nhà văn Đỗ Nhật Minh, Nhà văn Lưu Văn Khuê, Nhà thơ Vân Long, Nhà thơ Thi Hoàng, Nhà thơ Trần Nhuận Minh, NSND Hoàng Cúc, Nhà thơ Vi Thùy Linh, chị Thanh Thư (Con gái Nhà văn Nguyên Hồng)… Các tham luận tại hội thảo đều nhất trí đánh giá, ghi nhận sự cống hiến lớn lao cho văn học và Tổ quốc của Nhà văn Nguyên Hồng.
Tổng kết hội thảo, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh năm vấn đề khi nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyên Hồng:
- Nguyên Hồng là một tác gia lớn, một tác giả sử thi lớn nhất của Việt Nam hiện đại, một nhà văn hiện thực xuất sắc của thế kỷ 20.
- Nguyên Hồng đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện quá trình hiện đại hóa văn học đầu tiên của nước nhà.
- Nguyên Hồng là một trong những nhà văn đặt nền móng vững chắc cho văn học Cách mạng và kháng chiến với: thi pháp mới, góc nhìn mới, tư tưởng mới và nhân vật mới. Ông là người hiện thực hóa Đề cương văn hóa năm 1943 bằng những tác phẩm tâm huyết của mình.
- Nguyên Hồng là một trong những người lãnh đạo, quản lý VHNT Cách mạng tận tâm, nhiệt huyết, mẫu mực nhất. Ông có khả năng to lớn tập hợp, đoàn kết, phát huy các tài năng văn học nghệ thuật để hướng tới sự phát triển chung.
- Nhân cách của  con người Nguyên Hồng trọn vẹn, mẫu mực, trong sáng, thủy chung, dấn thân triệt để cho cái đẹp.
Tác phẩm và cuộc đời Nhà văn Nguyên Hồng có ảnh hưởng rất lớn đối với lớp trẻ. Tác phẩm của ông là cuộc chuẩn bị to lớn để nhân dân bước vào Cách mạng tháng 8, chuẩn bị cho một thế hệ thanh niên xung phong đứng lên cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Ngày hôm nay, tác phẩm của Nguyên Hồng vẫn tiếp tục góp phần giúp con người Việt Nam giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc mình trước những thăng trầm, biến cố…
Một số hình ảnh ngày Hội thảo
 
 
 
 
 
 
 
 
  
(Tin bài, ảnh Đinh Thường)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: