Thứ tư, 15/01/2025,


Còn một người muôn năm cũ (29/12/2008) 

Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen...câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm nói về sự trù phú của Kinh Bắc một thời có lẽ bây giờ chỉ nằm trong ký ức của những người hoài cổ. Chợ Hồ, chợ Sủi, về mặt địa danh vẫn tồn tại nhưng nằm yên lặng như minh chứng cho phế tích về một thời hội hè đình đám. Làng tranh Đông Hồ cũng vậy, nếu như có những giai đoạn, người người làm tranh, nhà nhà làm tranh thì đến Đông Hồ những ngày này, tìm những nghệ nhân hoặc gia đình còn đắm đuối với giấy điệp, bản vẽ, mực tàu... có lẽ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay...

 

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

 

Chưa có một tài liệu sử học mang tính khoa học nào nói về sự tồn tại của nghề vẽ tranh của Đông Hồ là bao nhiêu năm nhưng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong những người còn nặng nợ với duyên nghiệp của tổ tiên thì khẳng định với tôi, ít nhất phải có trên năm trăm năm. Theo gia phả dòng họ, ông Chế cho biết, từ thế kỷ 15, đời vua Cảnh Hưng, gia đình ông đã có truyền thống làm tranh. Làng Đông Hồ ngày xưa nằm trong xã Tú Hồ, trong bốn thôn của xã chỉ duy nhất có người thôn Đông Hồ là làm được tranh. Cũng là thôn duy nhất không có ruộng cày cấy. Người dân chỉ chuyên tâm vào làm vẽ tranh. Và ở thời hoàng kim của làng, không có gia đình nào là không có người tham gia vẽ tranh. Nhưng mỗi gia đình có một thế mạnh và những bức vẽ khác nhau nên tạo ra được những nét đa dạng và phong phú của loại hình nghệ thuật này. Từ tháng 8 âm lịch, người dân đã bắt đầu làm tranh, đợi đến tháng 12 âm sẽ đem bán ở đình Đông Hồ, phục vụ người dân và du khách thập phương. Ngày đó, chợ đình cũng chỉ họp một tháng 5 phiên, những bức tranh như: Đám cưới chuột, Đàn lợn âm dương, đánh ghen, trèo dừa... là được người dân ưa chuộng nhất. Nhà ai ít nhất cũng phải có một vài bức tranh treo trong nhà. Nó là dấu hiệu cho năm mới.

 

          

Nhà ông Nguyễn Đăng Chế từ lâu đã trở thành 'Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian' của làng tranh Đông Hồ - Ảnh:  Văn Quân.

 

So với các loại hình nghệ thuật khác, tranh Đông Hồ là một loại hình mang đậm dấu ấn của văn hoá dân gian. Các bức tranh đều khuyết danh, được nhiều thệ hệ bồi đắp, phong phú thêm dần vào nội dung các bức vẽ. Cũng không ai có thể đưa ra một câu khẳng định chính xác. Tranh Đồng Hồ có bao nhiêu loại, bao nhiêu nội dung... Đến một người bỏ cả đời ra làm tranh, nhằm vực lại nét văn hoá của tổ nghiệp như ông Chế bây giờ có trong tay 180 bản vẽ các loại tranh. Cũng chẳng biết đã đủ hay không, nhiều hay ít? Dù ông Chế có nói rằng, phát hiện bất kỳ một bản vẽ nào, dù có phải mua với giá bao nhiêu, ông cũng sẽ cố gắng có được để thu về một mối.

Một bức tranh Đông Hồ được hình thành bởi năm màu sắc. Màu trắng của giấy Điệp, đỏ của son, vàng của hoa hoè, đen lá tre và xanh của chàm. Tức là hoàn toàn màu và chất liệu tự nhiên có trong dân gian. Không bị chi phối của hoá chất. Và, mỗi bức tranh đều là những bài học ý nghĩa được đúc rút từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống. Ví như Đám cưới chuột, họ hàng nhà chuột muốn cưới vợ, rước chú rể cùng lá cờ ghi chữ “Nghênh hôn” thì bên cạnh lại phải có một bộ phận khác mang quà cáp đến cho ‘ông mèo” với lá cờ “Thủ lễ”. Đó là bức tranh nhằm đả kích tầng lớp thống trị thời phong kiến. Hay bức tranh “Hứng dừa” lại là lời ca về lòng chung thuỷ, thuận vợ thuận chồng với hai câu thơ: “Trong như ngọc trắng như ngà/Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau”. Bức “Đánh ghen” có vẽ cây đa, một ông chồng và hai bà vợ là một ngụ ý lên án chế độ đa thê. Bà vợ hai được chồng yêu chiều nên thách thức bà vợ cả, ông chồng khó xử chẳng biết can ngăn ra sao nên các tác giả dân gian cho thêm vào hai câu thơ: “Thôi thôi nuốt giận làm lành/Chi đừng sinh sự nhục mình nhục ta”. Tranh Đông Hồ là những bức tranh phản ánh về cuộc sống, văn hoá, tình cảm và tín ngưỡng... Được các tác giả khuyết danh nghĩ ra nhưng nhìn vào những phân tích ở trên thì chúng ta có thể thấy, dù khuyết danh nhưng đó phải là sản phẩm của những người trí thức, được đọc sách vở thánh hiền. Hàng trăm năm nay, vẽ tranh đã tạo nên cho Đông Hồ một tên gọi, một sự nhắc nhớ về cội nguồn văn hoá. Câu ca này đã có rất lâu, nhưng nhiều người già vẫn thuộc: “Cô kia mà thắt lưng xanh/Có về làng Mái với anh thì về/Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Làng Đông Hồ, ngày xưa còn có tên gọi là làng Mái

 

Một người muôn năm cũ...

 

Bây giờ vào làng Đông Hồ hỏi thăm gia đình ông Chế thì ai cũng biết. Ông cũng chẳng nổi tiếng gì nhưng ở cái làng mà một thời nhà nhà vẽ tranh cho đến bây giờ những người còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có gia đình ông, thì mọi người phải biết. Có một thời gian dài làm giảng viên của trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp, rồi cán bộ của NXB Mỹ Thuật thì có thể nói chất “nghệ”, nhu cầu được gắn với giấy điệp, bản khắc... trong ông còn đậm lắm. Đấy chưa kể, ông còn là hậu duệ đời thứ 22 của một dòng họ vẽ tranh Đông Hồ nức tiếng xứ Kinh Bắc một thời.

Năm nay đã 73 tuổi, từ khuôn mặt cho đến dáng đi chẳng khác một lão nông tri điền nhưng được mục sở thị những ngón tay ông múa trên tấm giấy điệp rất mực tài hoa thì mới hiểu tại sao, ở người đàn ông đã thất thập cổ lai hi này lại đam mê và còn đắm đuối với nét văn hoá của cha ông đến vậy. Về hưu năm 1995, sau bao nhiêu năm mải mê với công việc của viên chức nhà nước, có tuổi trở về làng. Bước vào mảnh đất sản sinh ra nghề vẽ tranh mà như bước vào nơi xa lạ, ông Chế đã khóc nức nở. Dấu tích của một thời chẳng còn mấy, ông Chế đã ba ngày ba đêm ra thắp hương lên phần mộ của tổ tiên để làm sao các bậc tiền nhân soi đường chỉ lối cho ông có thể vực lại nghề truyền thống của dòng họ, làng xã, chứ cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa từ tranh Đông Hồ có lẽ sẽ biến mất thực sự. Mà như thế thì những thế hệ đi sau như ông và lớp con cháu quả thật có tội với bậc tiền nhân. Ông viết đơn đi khắp nơi, run rủi thế nào, nhà văn hoá Hữu Ngọc cũng biết chuyện, ông Ngọc ngồi nói chuyện với ông Chế suốt một buổi chiều rồi từ giã ra về, chẳng biết ý tứ thế nào nhưng ông Chế bảo, những tâm tư tình cảm cũng như trăn trở ông kể hết. Ở tuổi của ông, để làm kinh tế hoặc vụ lợi gì cho mình thì không có lý. Ba ngày sau, Quỹ văn hoá Thuỵ Điển và nhà văn hoá Hữu Ngọc lại xuống Bắc Ninh. Lúc này con đường của ông Chế ít nhiều đã bớt đơn độc. Chút tài sản tích góp được mấy chục năm làm công chức, ông Chế bỏ hết ra tìm mua những bản khắc cổ đang còn rải rác trong nhân gian. Mấy đứa con ông phát hoảng nhưng giờ thì ít nhiều chúng đã hiểu tấm lòng của ông.

 

       

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người muôn măn cũ ít ỏi vẫn còn đắm đuối với tranh Đông Hồ - Ảnh:  Văn Quân.

 

Hiện nay ông Chế đang có trong tay 26 bản khắc cổ. Có những bản đã tồn tại gần 10 đời, những bức tranh tồn tại hàng trăm năm... Hai người con thấy ông đắm đuối quá, cũng tình nguyện bỏ nghề làm hàng mã đang phát triển để quay lại cùng bố làm tranh. Để có thể có đất gây dựng lại nghề truyền thống, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, UBND Huyện Thuận Thành đã cho gia đình ông thuê 5500m2 đất để ông có thể hoạt động như mục đích đề ra: sưu tầm, bảo tồn, phục chế và phát triển tranh Đông Hồ. Còn sức còn làm. Cái mong muốn mà ông Chế bảo ông còn có thể thực hiện được là đào tạo những nghệ nhân làm tranh. Nhưng thấy vẫn còn mông lung lắm. Vì ở làng, bây giờ chỉ còn gia đình ông và một hộ nữa là vẫn đang theo nghề vẽ tranh. Với một làng nghề truyền thồng có hàng trăm năm như Đông Hồ thì có thể nói đây là những hộ gia đình đang đơn thương độc mã. Cũng chẳng biết họ sẽ xoay xở như thế nào với cơ chế thị trường…

 

Hướng đi nào cho tranh?

 

“Đúng là với một làng nghề có truyền thống lâu đời như Đông Hồ mà chỉ còn hai hộ gia đình làm thì qủa là buồn và đáng lo.” Ông phó chủ tịch xã Song Hồ, Nguyễn Như Điều cũng phải cám cảnh nói với chúng tôi như vậy. Theo lời ông Điểu, với những nét văn hoá độc đáo không chỉ của Bắc Ninh mà còn mang tính quốc gia như tranh Đông Hồ mà bây giờ ở vào một hoàn cảnh như vậy thì không ổn. Nhưng ở thẩm quyền của xã thì xã chịu. “Người dân không tìm được đầu ra. Mà cấp xã như chúng tôi thì liên hệ giao dịch để tạo một hướng đi cho những nghệ nhân là rất khó. Cũng mong làm sao các cơ quan báo chí, rồi các tổ chức xã hội nêu ra được thực trang để biết đâu qua đó có những hướng giải quyết, vực dậy chưa nói nhưng bảo tồn và lưu giữ những nét văn hoá phi vật thể này thì rất cần. Có chủ trương là chúng tôi thực hiện ngay. Thậm chí đào tạo cho con em bằng việc mở các lớp học chúng tôi cũng sẵn sàng.”

 

       

Những mẫu tranh Đông Hồ cổ và mầu Giấy điệp vẫn bừng sáng trong căn nhà của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - Ảnh: Văn Quân.

 

Có dịp tiếp xúc với một số người nước ngoài đến thưởng ngoạn tranh ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, họ cũng tỏ ra rất thú vị và yêu mến những nét hoạ từ bức tranh đã tồn tại trên đất nước Việt Nam hàng mấy thế kỷ. Ông Chế bảo ngày nào cũng có khoảng 8 đến 10 đoàn khách quốc tế đến thăm và thưởng ngoạn tranh. Cuối năm 2007 vừa qua, ông Lê Doãn Hợp, uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cũng đã có dịp đến thăm và viết lưu niệm tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: “Chúc bác Nguyễn Đăng Chế tiếp tục phát huy truyền thống gia đình trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc từ nghề làm tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và chấn hưng văn hoá dân tộc, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế thắng lợi.” Với ông Chế, những ghi nhận đó là nguồn động viên để ông tin vào con đường mình đang đi. Nhưng ông cũng buồn, vì tuổi đã cao, mà con đường thì còn xa quá...

 

Văn Quân

(Nguồn: Vietimes)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: