Chủ nhật, 01/12/2024,


Về Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Ngô Thị Kim Cúc) (24/10/2013) 

       LBT: Nhân dịp 20/10, Ban Nữ công Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một chuyến đi thực tế về quê hương Đồng Tháp vào mùa nước nổi, trên đường đi đoàn ghé thăm tác giả của bài thơ nổi tiếng "Con tem quân đội"  Đinh Thị Thu Vân tại tư gia của chị. Đoàn gồm có 8 người, gồm các nhà văn: Trần Thị Thắng - Trưởng đoàn, Ngô Thị Kim Cúc, Kim Quyên; các nhà thơ: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Thu Nguyệt, Khánh Chi, Trương Nam Chi và nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ.
       Chuyên mục Lục Bát Quán xin được trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc và chùm thơ về Đồng Tháp của nhà thơ Trương Nam Chi cùng một số hình ảnh của chuyến đi.    

    

          Tám nàng, một chiếc xe bảy chỗ. Và 1001 chuyện phiếm không ngưng nghỉ trên xe, trừ lúc ngủ gục vì mệt hoặc tạm ngưng vì khô cổ. Hồi ký. Chân dung văn học và chân dung đời thường. Và cười…

           Đường về Đồng Tháp Mười đã được cộng thêm niềm vui bất ngờ từ bạn thơ Đinh Thị Thu Vân. Ngôi nhà của Thu Vân ở Long An nhiều ánh sáng trời, nhiều cây kiểng, nhiều món đồ souvenir thú vị cùng một bữa ăn ngon miệng từ những nữ đầu bếp từng viết sách dạy nấu ăn. Và nhất là, cả bọn được “khám phá” tủ vải, tủ áo cực kỳ đa dạng của Thu Vân, một nét tính cách mà ít người hình dung về nàng ấy.

           Chán Sài Gòn đang ngập đầy nước cống do mưa lớn chồng lên triều cường, các nàng tìm về Vườn Quốc Gia Tràm Chim (huyện Tam Nông- Đồng Tháp), trong mùa nước nổi. Nước ở đây đem về bao nhiêu cái lợi cho nhà nông: ngoài tôm cá hải sản còn lượng phù sa khổng lồ bồi bổ, giúp vùng đất phương Nam tốt lúa, tươi ngọt vô vàn cây trái miệt vườn.

           Những đồng sen bao la không còn san sát đan kết màu sắc-hương thơm, mà đã thưa đi bởi những đợt mưa kéo dài với những trận mưa trút nước mà người Sài Gòn cũng đã thường được hưởng thời gian gần đây. Mưa ở cấp độ mướt-bông-súng, nghĩa là bông súng còn không mọc kịp theo đà lên của con nước, bởi nước lên nhanh quá.

           Vườn Quốc Gia Tràm Chim nổi tiếng nhờ các loài chim nước có tên trong sách đỏ mà quý nhất là Sếu đầu đỏ/Hạc, và Cốc đế, Giang sen, Cò ốc…,cùng với Cò trắng, Cò bợ, Cò lửa, Cò lép, Trích, Vịt trời, Le Le khoang cổ, Diệc lửa, Diệc xám, Cú, Già đãy, Công đất, Chiền chiện, Sơn ca, Sẻ bụi…

          Là vùng đất nhận nước của sông Cửu Long và ngập suốt từ tháng 8 đến tháng 12, Vườn Quốc Gia Tràm Chim đã trở thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam/thứ 2.000 của thế giới. Ở đây vẫn còn bảo quản được giống Lúa Trời/Lúa Ma, mỗi vụ gặt lại cho khách du lịch cùng ngồi thuyền thu hoạch với nông dân. Lúa Trời là một nông sản đặc trưng mà người dân Tam Nông rất tự hào. Sống bên dưới những cụm lúa trời trong lòng nước là những giống cá quý như cá Còm, cá Mang Rồ, cá Duồng, cá Hô, chưa kể nhiều loạicá thông thường khác.

           Để tận hưởng cảm giác Mùa Nước Nổi, ban đêm các nàng ngồi xuồng ba lá đi thả lưới, đặt lờ, đặt lọp…, để sáng hôm sau ra thu hoạch. Do đang có chương trình du lịch thử nghiệm của Tràm Chim, các nàng lại ngồi xuồng ba lá vào rừng tràm để ngắm các loài chim đang sinh sản và nuôi con, nghe đủ thứ tiếng chim vang động cả một vùng trời.

          Dọc đường đi, giữa mênh mông trời và nước, ngoài sen lác đác và lục bình đã được gom lại chờ khô, tràn ngập cỏ năng, cỏ ống dưới bóng tràm. Một cảm giác bình yên và trong sạch tuyệt vời của hai buồng phổi được thanh lọc, tẩy sạch mọi khói bụi đô thành.

           Dù đã tắt máy từ xa nhưng sự có mặt của những chiếc xuồng cũng gây xáo động phần nào trên những thân cành tràm đính đầy các loại tổ với những cặp chim cha mẹ đang mớm thức ăn cho con và những cặp “tình điểu” choai choai đang hôn nhau mải miết…

           Bữa trưa rất cây nhà lá vườn kiểu Đồng Tháp: thịt chuột, cá lóc nướng, bông điên điển nhúng cá kho ngọt, rượu gạo… Và món quà giao lưu hết sức thú vị từ chủ nhà: những chuyện người thật việc thật mà chỉ dân tại chỗ mới có điều kiện thu thập được.

           Buổi chiều, giữa một đồng sen bát ngát, trên một cái tum mà mái và vách đều lợp lá dừa nước, người Sài Gòn nhấm nháp từng ngụm trà nóng thơm lừng, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, hít đầy phổi thứ gió thơm tho trong mát của đồng quê và tự hỏi, cuộc sống của những người đô thị so với những nông dân chân lấm tay bùn, chắc gì ai đã hạnh phúc hơn ai…

          Dù mây đen đã giăng kín, nặng trĩu cả bầu trời nhưng các nàng vẫn hăng hái ngồi xuồng để đi lòng vòng, ngắm cho mãn nhãn cảnh Đồng Tháp Mười giữa mùa nước nổi. Những ngôi nhà tranh, chuồng heo chuồng gà ngập chìm trong nước với những chú chó nhỏ đang vểnh tai dòm ra. Những con lộ đã bị khuất dưới cả mét rưỡi nước, chỉ còn thấy được các hàng cây. Những bông sen bông súng còn lại đã khôn ngoan xích tới gần nhau để đỡ bị cuốn trôi. Bông điên điển cũng không còn vàng rợp cả cánh đồng mà chỉ điểm xuyết vài cụm thưa thớt, lay lắt trong gió mạnh…

           Cuối cùng thì, đúng như lo sợ, một cơn mưa sầm sập như cầm chĩnh đổ đã khiến chiếc xuồng ba lá chứa đầy nước, khẳm hẳn xuống, có nguy cơ bị nhấn chìm. Ai nấy ướt như chuột lột, run như cầy sấy vì lạnh nhưng đều trân mình cố bảo vệ những chiếc máy ảnh đang chứa tất cả vốn liếng thu nhặt được trong suốt mấy ngày… May sao là cho đến khi đã rời khỏi xuồng, lực lượng vẫn được bảo toàn, cũng không nàng nào làm rơi máy ảnh, giày hay túi xách xuống nước.

           Rời Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, điều khiến tôi nhớ nhất vẫn là câu chuyện mà bạn văn Nguyễn Hũu Nhân đã kể. Câu nói của hai người nông dân tronglúc cãi nhau: “Đẻ con gái vàng đeo tới háng/ Đẻ con trai đem bằng khoán đi cầm”… Có thể hiểu hàm ý của câu nói này là con gái thường chịu thương chịu khó, cắc ca cắc củm nên cha mẹ mới sắm được vàng, trong khi con trai thường phá gia chi tử, chỉ gây nợ gây nần. Thế nhưng, cũng có thể đó là một não trạng mang tính thời cuộc: con gái sẽ lấy chồng giàu cho cha mẹ được nhờ, không loại trừ trường hợp lấy một anh Hàn Quốc hay Đài Loan nào đó…

           Quả là một thứ ngôn ngữ rất khẩu khí dân gian, vừa hình ảnh mà cũng vừa thời sự. Con gái đang có giá, và hôm nay lại là ngày 20 tháng 10. Người dân Đồng Tháp Mười, cũng giống như nông dân trên mọi miền đất nước, luôn biết cách làm giàu có phong phú thêm ngôn ngữ Việt Nam, hơn hẳn các loại “nhà” bằng cấp, chức danh đầy mình mà toàn xài hàng chợ hay hàng nhái, hoặc chỉ biết duy nhất một chuyện:¨thu-rồi-phát…

Ngô Thị Kim Cúc

 

Trái qua: Thu Nguyệt, Hồng Cầu, Kim Cúc, Thu Vân, Khánh Chi
Kim Quyên, Trần Thị Thắng, Nam Chi, Thùy Mỹ

 


CHÙM THƠ LỤC BÁT VỀ ĐỒNG THÁP MƯỜI (Trương Nam Chi)

 

Tháp Mười nước đã về chưa


Con tim dạo khúc nhạc buồn
Với tay chạm cánh chuồn chuồn ướt mưa


Tháp Mười nước đã về chưa
Vàng tươi điên điển đong đưa giữa dòng.


Sương khuya giăng mắc câu hò

Câu hò Đồng Tháp ngọt ngào
Vầng trăng mười sáu lọt vào mắt đêm


Nhịp chèo khua nước êm êm
Sương khuya giăng mắc tình em nồng nàn.


Neo tình

Trắng đồng nước
Trắng trời mây

Mùa này nước nổi
Đón
Bầy cá linh

Chèo ghe
Quăng lưới
Neo tình

Nôn nao con sóng
Buông mình
Dính câu.

Trương Nam Chi

 


Chuẩn bị chuyến giăng lưới, đặt lờ vào đêm trăng mười sáu mùa nước nổi

 


Cả đoàn hồ hởi xuống xuồng cho chuyến tham quan sân chim Tam Nông- Đồng Tháp

 


Khung cảnh Đồng Tháp Mười thật thanh bình yên ả...

 


Chụp ảnh lưu niệm tại Đồng Tháp

 


Món ăn mùa nước nổi không bao giờ vắng cá linh và bông điên điển
 


Ghé thăm tư gia của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân tại Long An
và được thưởng thức những món ăn Thu Vân chuẩn bị tiếp đãi bạn bè

 

 

Nguyễn Lục Bát

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Kiều Huệ - kieuhue_2007@yahoo.com.vn - 0907160178 - CLB Lục bát Saigon  (Ngày 05/11/2013 7:48:29)

KH xin chúc mừng đoàn đã có một chuyến du lịch được tổ chức vào ngày 20/10 mang ý nghĩa thật đẹp.Khi nào có dịp xin cho KH tham gia với nhé,Chúc các bạn nữ luôn trẻ trung xinh đẹp, nhiều niềm vui và dạt dào cảm tác .

Em về tìm kỷ niệm xưa
Giữa mùa điên điển đong đưa chiều vàng
Tháp Mười nước nổi mênh mang
Như ru tình khúc nồng nàn quê hương
Em về bến đợi yêu thương
Thanh bình yên ả thiên đường say mê
Thuyền đi có nhớ nẻo về
Thú vui giăng lưới trăng khuya mơ màng...

Các bài khác: