Thứ năm, 28/03/2024,


Người Ba lần được gặp Bác Hồ và chuyện đời sau gần nửa thế kỷ (Kỳ cuối) (27/12/2008) 

 

Một điều khá đặc biệt của đại gia đình ông Hải là cứ khoảng 1-2 tháng lại có cuộc họp toàn thể. Gần như đầy đủ sáu cặp vợ chồng, trai gái, dâu rể. Ngoài việc thắp hương ban thờ tổ tiên, ông bà, thăm nom cha mẹ, sức khoẻ của nhau, trọng tâm vẫn là buổi hàn huyên chuyện làm ăn, sinh sống. Cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Nào chuyện Mạnh Tuấn mở rộng kinh doanh ra sao, chuyện Trọng Tú vừa đi tham quan nước ngoài thế nào, chuyện thời sự về các chế độ, chính sách nhà nước mới ban hành, chuyện học hành của các cháu... Lắng nghe và thấu hiểu, sẵn sàng mở lòng. Ai có khó khăn, khúc mắc gì đều thổ lộ. Anh chị em người góp ý, người góp công, góp của, chẳng nề hà gì. Trong những buổi họp ấm áp tình nghĩa gia đình như thế, ông bà luôn có chính kiến tham góp, gơị ý  cặn kẽ. Kinh nghiệm, sự từng trải lịch lãm của cha mẹ đều làm sáng thêm nhiều điều cho từng trường hợp, cho từng tình huống.

 

Tôi có gạn hỏi bà Cưu, làm sao để cho cả đại gia đình, đến 23 người, con cháu, cả các cháu họ con ông bác nữa, luôn có sự đồng thuận, hoà hợp?

Bà Cưu nói: Tôi với ông nhà tôi về ở với nhau, cho dến giờ đã  55 năm, nhưng hai vợ chồng chưa bao giờ to tiếng với nhau. Sống từ lúc nghèo khổ, đói khát túng thiếu, nhiều lúc tưởng không gượng mà sống được, nhưng bao giờ cũng thương yêu, giúp đỡ, bảo ban nhau gắng mà sống cho tốt lành. Bởi thế các con tôi thường bảo nhau, về cách sống không phải tìm đâu xa, hãy học chính tấm gương của ông bà. Còn tôi thường nói với các cháu, tuy bây giờ các con đã khá giả, nhưng phải luôn nghĩ, so với đời cha mẹ trước kia là một trời một vực, nhưng đối với xã hội chưa là gì. Nhiều người còn giỏi giang, giàu có hơn nhiều. Đặc biệt, đã là anh chị em ruột thịt là phải có ý thức giúp đỡ nhau. Có thương yêu tận tình với những nguời trong gia đình mới có tấm lòng bao dung, độ lượng, thương yêu người khác ngoài xã hội. Người có phải cưu mang nguời thiếu thốn. Như gia đình Khải – Cúc chẳng hạn. Tuy là anh trưởng, chị dâu trưởng đấy, nhưng trong cách làm ăn đôi khi vụng về, chậm chạp. Các em phải xúm vào lo cho. Như cái nhà hàng đặc sản Mạnh Khải bây giờ, đấy là cơ sở của em Tú. Nếu cho thuê mỗi tháng cũng hàng chục triệu bạc. Nhưng xuất phát từ tình cảm và nghe bố mẹ phân tích, vợ chồng Tú - Luyến đã nhường hẳn cho anh chị Khải - Cúc mở nhà hàng kinh doanh, không so đo tính toán thiệt hơn. Còn những việc khác, như quyết định lập công ty này khác, các anh cũng phải xin ý kiến bố mẹ. Ngay cháu Hoa, sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, có một công ty mời vào làm việc trong Bà Rịa- Vũng Tàu, lương tháng rất cao. Chúng tôi chỉ khuyên, tuỳ con thôi, nhưng theo bố mẹ, nên ở Hà Nội để đựoc gần gũi gia đình, cha mẹ, anh chị em. Thế là cháu Hoa nghe ra.

Thú thực, tuy các cháu bây giờ đã thành đạt, cũng được xã hội biết tới, nhưng chúng tôi thi thoảng vẫn phải ôn nghèo kể khổ. Như hồi xưa, mấy anh con trai đi học, mỗi đứa chỉ có một cái áo sơ mi cộc tay lành lặn đến trường. Mùa hè còn khả dĩ, còn mùa đông giá rét. Hồi đó tôi có một các áo bông bọc vải xanh sĩ lâm mặc  cho đỡ lạnh. Thế các con thì sao. Thế là ba anh em, từ anh Khải, đến Tuấn, Tú cứ thay đổi nhau. Ai đi học thì mặc cái áo của mẹ đút  vào trong quần, ngoài mặc sơ mi  bỏ ngoài quần, cho có vẻ tươm tất. Khổ thế, buộc phải làm thế. Có nhếch nhác một chút, nhưng được cái ấm áp.

Bà Cưu nói, những lúc “hồi tưởng” mấy đứa cháu cứ bảo bà kể chuyện ấy như chuyện cổ tích vậy. Bố chúng nó nói, chúng cũng không tin. Vì bọn trẻ bây giờ chúng được chăm bẵm đầy đủ từ trong trứng, mới lọt lòng đã sung sướng, chẳng phải thiếu thứ gì, chúng làm sao hiểu nổi cảnh cơ cực của ông bà, cha mẹ những người nghèo, những người bất hạnh, những hoàn cảnh rủi ro, không được khinh ghét ai. Sông có lúc, người có lúc mà. Bọn cháu chắt có thể thờ ơ những chuyện như thế, nhưng cả Khải, Tuấn, Tú thì không bao giờ quên. Khi ngồi chuyện trò riêng với tôi, Mạnh Tuấn cũng nhắc lại chuyện cái áo bông mẹ nhường cho khi đến trường. Kể lại mà nhà doanh nghiệp trẻ có khuôn mặt kiên nghị ấy cứ  ngẹn ngào, xúc động. Thương mẹ quá đi thôi. Cũng chính vì có những buổi trở về thời quá khứ đắng cay, cực khổ, đói khát của các cụ, của ông bà bố mẹ ngày xưa, những người con của hai ông bà đều biết giá trị đồng tiền chân chính do mồ hôi, công sức mình làm ra. Biết chắt chiu, tằn tiện. Việc gì cần đến tiền, là chi không do dự. Còn việc vô bổ, một xu cũng không mất. Một doanh nhân đã nói với tôi, doanh nhân thành đạt là người biết kiếm tiền và biết xài tiền. Tuấn, Tú là những doanh nhân như vậy. Các anh đã chi ra hàng trăm triệu đồng cung tiến, tu bổ, trùng tu đền chùa ở địa phương. Sẵn sàng cứu trợ cho đồng  bào vùng lũ lụt, bị thiên tai tàn phá nhà cửa, bị thiệt mạng trong bão lốc, lũ quét... Nhưng rất dè sẻn trong những cuộc thù tạc bất đắc dĩ.

Hàng năm, các con lại thúc giục ông bà đi du lịch một chuyến. Mới rồi đi du lịch Thái Lan, một chuyến đi xuyên Việt gần tháng trời. Kinh phí do các con đóng góp, người ít ngưòi nhiều, như Tuấn nói, không bao giờ có chuyện bổ bán theo “xuất đinh” như thường thấy ở nhiều gia đình khác. Các con thường bảo, chúng con còn trẻ, cuộc đời còn dài, còn nhiều cơ hội đi đó đi đây. Còn cha mẹ tuổi đã cao, sức khoẻ còn đang sung mãn, nên tranh thủ đi du ngoạn. Cả thời trẻ cha mẹ đã hy sinh vì con cháu, nay dưỡng già cũng là hợp lẽ trời. Có thế con cháu mới vui, mới mãn nguyện .

 

Vợ chồng doanh nhân Đỗ Trọng Tú.

 

Hiện nay, ngoài vui vẻ xum vầy với cháu con, ông Hải vốn có nghề địa lý của các cụ truyền lại, rất tường phong thuỷ, nhiều người biết tiếng nhờ vả. Thế là có ai nhờ, ông lại hăm hở lên đường. Ông tâm sự, còn sức khoẻ, thì phải tranh thủ giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác đã thành ý thức thường trực trong huyết quản người chiến binh năm xưa, cũng là nguồn hạnh phúc của ông. Và, ông bà cũng tình nguyện tham gia những hoạt động ở làng xã. Ông Hải thường xuyên có mặt trong những sinh hoạt của Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hôi chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc của xã, Cụm trưởng cụm dân cư rất nhiệt tình, trách nhiệm, dược bà con tin tưởng, quý mến. Còn bà sinh hoạt trong Hội phụ nữ ở địa phương, được nhiều bằng khen các cấp, các ngành. Huyện và xã phong tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá” nhiều năm liền. Vợ chồng ông bà được trao Huân chương Chống Mỹ hạng II, hạng III cùng nhiều huy chương các loại. Trong gia đình, có bà bác ruột là mẹ liệt sĩ Đỗ Đức Tý (hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, ông Hải có trách nhiệm thờ cúng) đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Từ năm 2000 đến năm 2008, gia đình ông bà Đỗ Trọng Hải và các con đã ủng hộ, làm từ thiện, cung tiến, xây dựng nhà tình nghĩa từ dòng họ, đến các hoạt động trong thôn, xã, huyện, tỉnh… tổng cộng 24 đợt, tới 354.250.000 đồng.

Danh hiệu gia đình văn hoá, ông bà mẫu mực, cháu con thảo hiền có lẽ là danh hiệu đáng hãnh diện nhất, xứng đáng nhất với đại gia đình ông Đỗ Trọng Hải. Tôi đã đứng lặng ngắm nhìn ngôi nhà ông bà đang cư ngụ. Đây là mảnh đất địa phương cấp cho hơn ba mươi năm trước. Lúc đó cả Gia Lộc còn ngổn ngang gò đống, ao chuôm, đất hoang hoá, không trù phú nhà ngang, dãy dọc khang trang như bây giờ. Ngôi nhà này do chính bàn tay ông bà cùng mấy anh lớn lúc đó đăm đất làm gạch xây lên. Nhà gạch, mái ngói nhưng đơn sơ, đến cái mái bằng sau này mới làm được. Ngôi nhà giản dị, ngoài sân nhỏ là những chậu cây cảnh, có những lồng chim lúc nào cũng có tiếng chim hót líu lo, thật thanh cảnh, vui tai. Kề đó là con muơng nhỏ, trông ra ngã tư Gia Lộc đêm ngày ồn ã tiếng xe cộ lưu thông, bụi mù đường. Ông bà ở riêng, nhưng nhà con gái con rể, con trai con gái lớn kề bên, lũ cháu thường chạy sang chơi với ông bà. Cảnh hai vợ chồng già nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười lảnh lót của trẻ thơ, không thấy buồn vắng bao giò.

Kể từ năm 1960, ba lần được gặp Bác Hồ, đến nay với ông Đỗ Trọng Hải đã 48 năm. Bốn mươi tám năm, cuộc đời nhiều biến động, biết bao sự đổi thay,nhưng mỗi lần nhắc tới kỷ niệm vinh dự ấy, ông bà và con cháu hình dung như việc mới diễn ra. Thấy vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc sao gần gũi, ân cần  đến thế. Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn. Câu thơ đó sâu thẳm trong lòng người bí thư đoàn đầu tiên của xã Phương Hưng năm xưa, nay không những vẫn sống động trong  tâm khảm vợ chồng ông mà còn hun đúc cho thế hệ cháu con. Mỗi người một vị trí xã hội, có người đã trở thành doanh nhân tiêu biểu, những nguời lính xung kích của đất nước thời hội nhập, dựng xây và phát triển. Chao ôi, đời các cụ, đời ông bà nghèo khó cay cực lắm nỗi, mà nay đã hoàn toàn đổi khác là một đièu thật lạ lùng, như một huyền thoại.

 

         Đại gia đình trong lễ mừng thọ bà Nguyễn Thị Cưu năm 2008.

 

Dân gian thường nói, nghèo hèn, đã nghèo là đi đôi với hèn, hèn kém. Nhưng với ông bà Đỗ Trọng Hải và những người con thì ngược lại. Nghèo nhưng không chấp nhận cái hèn. Từ vũng bùn nghèo đói đã vụt đứng lên bằng ý chí mãnh liệt, một nghị lực hiếm có. Ngẩng đầu nhìn mặt trời. Tự cứu trước khi trời cứu! Xin ông trời phù trợ cho chúng con may mắn. Phải làm giàu bằng chính đôi tay cần cù và đầu óc thông minh tỉnh táo của chính mình. Trong lòng luôn cháy bỏng khát vọng sống, đúng, khát vọng sống, sống cho ra Con Người đàng hoàng. Con cháu của hai ông bà được như ngày nay, lại có tương lai sáng sủa đang mở rộng, không bao giờ lãng quên quá khứ, có lòng hiếu thảo với bậc sinh thành, đó là “báu vật cuộc đời” ban tặng, là nhờ ơn đức tổ tiên. Ông bà có được báu vật đó, thật là có phúc lớn. Thử ngẫm lời Phật dạy: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã. Những thành viên trong gia đình, có những người như thế, điển hình như Đỗ Mạnh Tuấn, đã không đánh mất mình, đã vươn lên sau những lần trắng tay, đứng chênh vênh trên bờ vực phá sản, nay là một doanh nhân tài năng, đức độ. Rồi như vợ chồng Thanh Nhàn- Xuân Khám, vợ chồng Mạnh Khải- Nguyễn Thị Cúc... tuy vất vả khó khăn, nhưng tấm lòng thơm thảo biết bao. Vợ chồng Tú- Luyến ăn ở ân tình, có trước có sau... Đựơc như vậy thì còn vấn vương chi nữa những cái buồn, hãy sống khoẻ, sống vui với cuộc đời hôm nay...

Viết “Chuyện đời tôi” của ông Đỗ Trọng Hải, người chấp bút cũng học được bao điều bổ ích. Hãy luôn đứng vững trên đôi chân của mình trên mặt đất này, dưới ánh sáng chói chang của mặt trời, không chịu khuất phục trước gian nan, thử thách, tự khẳng định giá trị của mình. Lan man nghĩ, hạnh phúc ở ngay trong gia đình anh, đừng đi tìm nó trong khu vườn những người xa lạ. Không có gia đình, con người học yêu thương ở đâu, học hy sinh ở đâu? Và, sự hưng thịnh của xã hội chỉ có thể dựa trên sự hưng thịnh của gia đình... Xã hội ta sẽ hưng thịnh bởi có những gia đình hưng thịnh như gia đình ông Đỗ Trọng Hải. Đáng suy ngẫm lắm thay. Đáng khâm phục lắm thay!

Rất cám ơn gia đình ông Đỗ Trọng Hải, Trung tâm Thanh niên Việt Nam đã giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo cho chúng tôi hoàn thành những trang sách này.

 

                      Hà Nội, cuối năm 2008

                       Nhà báo - NSƯT Vũ Hà

 

_______________

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành   món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

           

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: