Thứ bảy, 28/12/2024,


Phát hiện mới về nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử và cải lương (02/10/2013) 

Đây không đơn thuần là một cuốn sách giới thiệu về những loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam mà còn là một tập tài liệu vô cùng quý giá được hai tác giả khai thác một cách triệt để về giá trị lịch sử lẫn tầm quan trọng của việc lưu giữ và bảo tồn. Đặc biệt, Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sẽ là một nguồn quảng bá mạnh mẽ trước sự kiện đờn ca tài tử Nam bộ đang chờ UNESCO xét duyệt để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Được sàng lọc kỹ lưỡng qua các nguồn tài liệu phương Tây, sưu tầm những tấm ảnh quý giá nhất từ nhiều nơi, nội dung cuốn sách không phải là những bài viết liên quan đến hình thái của hát bội, đờn ca tài tử hay cải lương mà là sự chuyển mình của từng loại hình với thời cuộc. Bối cảnh của thời cuộc đó diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi mà người phương Tây coi nền văn hóa Việt Nam như một nền văn hóa thuộc địa, song những loại hình nghệ thuật của chúng ta lại thu hút người phương Tây qua các buổi biểu diễn ở chính tại đất nước của họ.

 


 

Đặc biệt, lịch sử đờn ca tài tử Nam bộ đã có một mốc son chói lọi ngay lần đầu tiên được biểu diễn tại Hội chợ Paris năm 1900. Ban nhạc tài tử đến từ Việt Nam đã có dịp biểu diễn cùng nữ vũ công huyền thoại của nước Pháp Cléo de Mérode. Cũng từ sự kiện đó, đờn ca tài tử của Việt Nam đã được công chúng phương Tây quan tâm hơn. Đặc biệt, các nhà báo, nhà văn và những nhà soạn nhạc Pháp đương thời bắt đầu nghiên cứu về loại nhạc này.

Đáng chú ý, nhà nhạc học Julien Tiersot đã ký âm lại một bản nhạc có tên Vũ khúc Đông Dương từng được biểu diễn tại hội chợ Paris năm 1900. Nhưng bản ký âm đó đã bị thất lạc, mãi cho đến gần đây, hai tác giả đã tìm thấy trên các tài liệu sưu tầm của mình và nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã phục dựng lại, sau đó được nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền chuyển sang ký âm nhạc truyền thống (xàng, hò, xừ…) để những nghệ nhân không biết về nhạc lý phương Tây vẫn có thể biểu diễn.

Có thể nói, đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình âm nhạc cần được lưu giữ, bảo tồn với sự giúp sức chung tay của nhiều giới, đặc biệt là những người yêu thích loại hình âm nhạc in đậm bản sắc dân tộc này. Với Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chúng ta càng có thêm lý do để tự hào về các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM phối hợp cùng Công ty Phương Nam phát hành rộng rãi tại các nhà sách trên toàn quốc với giá bán 45.000 đồng.


Theo Thế giới văn hóa

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: