Năm 1989 ông Đỗ Trọng Hải nghỉ hưu, đúng thời điểm thời điểm Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới. Bản thân ông tư duy cũng đã thay đổi căn bản. Nhà hẹp nhưng đất rộng, lại ngay kề mặt đường thị trấn Gia Lộc. Nghiên cứu “tổng quan” vấn đề, xét năng lực bản thân, ông chủ gia đình quyết định lập xưởng cơ khí mang tên HTX Hợp Thành, chuyên thu mua phụ tùng ô tô phế thải về tái chế. Mua thêm máy móc linh kiện phụ tùng... để lắp ráp thành xe Công Nông, một phương tiện giao thông, vận tải rất phổ biến thời ấy, nhất là các vùng quê.
Những năm1980 - 1990 thì xe Công Nông thoả sức tung hoành, rất đắc dụng. HTX Hợp Thành mới đầu chỉ có người cha và mấy anh con trai lăn lưng ra làm suốt từ “vươn thở tới tiếng thơ”, nghĩa là từ mờ sáng nhạc thể dục đến tối khuya nhạc hiệu Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt
Rồi Tuấn, anh con trai thứ hai, Tú, con trai thứ ba mở xưởng riêng. Có thời điểm tới hơn trăm người thợ. Cơ hội thoát nghèo từ đây. Cơ hội làm giàu cũng từ đây. Ông cán bộ nghiên cứu năm nào bây giờ mới ngộ ra. Khoa học và thực tiễn là một cặp phạm trù không thể tách rời. Nếp tư duy công chức không thể thích ứng thời kinh tế thị trường. Phải mạnh mẽ trong tiếp cận đời sống mới có thể tồn tại. Tồn tại hay không tồn tại? Tất cả xuất phát từ ý chí, từ niềm tin và sự khôn ngoan trí thức.
Nguồn lực tinh thần này ông Hải đã tận tình truyền dẫn cho các con. Nhưng chắc hai ông bà không ngờ, việc lập HTX Hợp Thành trước mắt là “xoá đói, giảm nghèo” cho gia đình đông con nhiều cháu, 10 năm sau đã có thể gọi là có của ăn của để. Nhưng từ tấm gương đầy ý chí, nghị lực của cha, sự tần tảo hy sinh của mẹ, đã khai mở con đường lập thân lập nghiệp cho các con. Niềm say mê nghề cơ khí, ô tô, nhất là ý chí dám nghĩ, dám làm, hơi phiêu lưu nữa của ông Hải đã làm cho hai con trai thứ hai là Đỗ Mạnh Tuấn và con trai thứ ba là Đỗ Trọng Tú trở thành doanh nhân thành đạt chuyên ngành ô tô.
Vợ chồng ông bà Đỗ Trọng Hải và các con trai.
Ông đã kể cho các con của mình nghe bí quyết làm giàu của người Nhật. Đấy là dịp các doanh nhân Nhật Bản đến Hải Dương tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhân lúc rảnh rỗi ông có hỏi các chuyên gia Nhật: Bên Nhật có nhiều người giàu có, họ làm giàu bằng cách nào vậy? Bạn nói có ba cách. Làm giàu bằng quyền lực, con đường giàu tắt, con cái dễ sinh hư. Không tồn tại lâu dài. Làm giàu bằng thủ đoạn, man trá, giàu nhanh, nhưng dễ vào vòng lao lý. Còn làm giàu bằng trí tuệ, sự khôn ngoan lịch lãm trên thương trường, nhất là có ý chí mãnh liệt, đó là cách làm giàu chân chính, bền vững hơn cả.
Ông Hải đã chuyện trò, trao đổi với các con trai như những người đàn ông đích thực.Và họ đã nhất trí chọn cách thứ ba và gia đình ông đã thành công…
Đến nay thì con cái ông bà đều đã trưởng thành. Xin được thống kê đại gia đình Đỗ Trọng Hải vào thời điểm chúng tôi thực hiện “Chuyện đời tôi” của ông. Nhà có sáu người con đẻ, nay đã yên bề gia thất :
Một là, Trưởng nam: Đỗ Mạnh Khải, 45 tuổi. Vợ là Nguyễn Thị Cúc. Đã có hai con trai là Đỗ Trọng Thành. 16 tuổi, đang học lớp 10. Con trai thứ hai là Đỗ Thành Trung, 8 tuổi, học lớp 3.
Hai là, Thứ nam: Đỗ Mạnh Tuấn, 41 tuổi. Vợ là Nguyễn Thị Thu Hương, 38 tuổi, có hai con, con gái Đỗ Thị Vân Anh, 17 tuổi, học lớp 11. Con trai Đỗ Trung Kiên, 8 tuổi, học lớp 3.
Bà là, Thứ nam: Đỗ Trọng Tú, 39 tuổi. Vợ là Trịnh Thị Luyến, 38 tuổi, có ba người con. Con gái Đỗ Thị Hiền, 17 tuổi, học lớp 11. Con trai Đỗ Việt Cường, 13 tuổi, học lớp 6. Con trai Đỗ Đại Dương, 4 tuổi.
Bốn là, Trưởng nữ: Đỗ Thị Thanh Nhàn, 47 tuổi, chị gái lớn nhất, hiện là cán bộ Trạm bơm Phương Hưng. Chồng là anh Nguyễn Xuân Khám, 46 tuổi, bộ độ giải ngũ, nguyên là sĩ quan điều khiển tên lửa trong quân đội, giờ trực tiếp phụ trách trạm thu mua phế liệu, phế thải ngay gần nhà cha mẹ. Hai người đã có cô con gái lớn là Nguyễn Thị Thu Thuỷ, 21 tuổi, đang là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ. Cô con gái thứ hai là Nguyễn Thị Quỳnh Trang, 18 tuổi, đang học lớp 12.
Năm là, Thứ nữ: Đỗ Thị Tuyết Dung, 37 tuổi, là cán bộ phòng Kinh doanh Công ty Hợp Thành. Chồng là Nguyễn Đức Đông, lái xe cho Công ty. Đã có hai con trai, là Nguyễn Đức Nam, 17 tuổi, học lớp 11 và Nguyễn Đức Bắc, 6 tuổi.
Sáu là, con gái út của ông bà là Kỹ sư Đỗ Thị Thanh Hoa, 31 tuổi, hiện là cán bộ Phòng tư vấn Bộ Xây dựng. Chồng là anh Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Công ty Thương mại- Dịch vụ Y tế ở Hà Nội, có con trai Nguyễn Minh Dũng, mới lên 4 tuổi.
Có lẽ trong gia đình, vợ chồng ngưòi con gái trưởng là vất vả hơn. Chị Nhàn, anh Khám dường như suốt ngày “bám trụ” ở trạm thu mua phế liệu. Lần nào về cũng thấy anh chị luôn chân luôn tay với những bao phế liệu xếp chất ngất. Gưong mặt sậm màu nắng gió. Niềm tự hào của hai anh chị, tuy lam lũ nhưng vẫn đủ sống dư dật, nuôi hai cô con gái ăn học tới nơi, tới chốn. Con gái lớn đã là sinh viên đại học. Cô thứ hai sắp tốt nghiệp phổ thông trung học. Sẽ phải cho cháu học lên thôi. Thời buổi này, bọn trẻ không qua đại học sao có thể đổi đời. Hôm mới rồi biết tin chúng tôi về, anh Khám từ sớm đã câu hai con cá chép to để ông bà tiếp khách. Cảm động quá đi thôi. Quá ngọ, đến bữa, anh chị vẫn bận bịu công việc. Bảo cả nhà đã tranh thủ ăn cơm rồi. Mời các bác cứ tự nhiên. Anh chị nở nụ cưòi hiền, rồi lại tất tả. Bà Cưu rưng rưng, hai vợ chồng nhà ấy vất vả y hệt như tôi với ông nhà tôi hồi xưa. Chẳng ngơi chân ngơi tay lúc nào. Tất cả là vì tương lai các con...
Anh con trai cả Đỗ Mạnh Khải trông nguời vâm váp mà chân chất, hiền lành, ít nói. Khải vốn học truờng Trung cấp cơ điện. Đã có giấy gọi đi học nước ngoài, nhưng nghe lời cha ở nhà lập thân. Khải là con truởng, đã cùng cha mẹ gánh vác mọi việc thời gian khó, khi HTX Hợp Thành buổi đầu dựng nghiệp. Cần cù, cẩn thận. Được ông Hải tin cậy giao cho chạy chiếc xe cẩu và thử những chiếc xe Công Nông mới xuất xưởng. Sau ra ở riêng, anh cùng người vợ tần tảo là chị Nguyễn Thị Cúc bàn nhau. Nghề cơ khí , ô tô dường như không thích hợp với sở truờng, nên mở nhà hàng đặc sản. Cách đây hai năm, trên mảnh đất hơn 400 mét vuông một quán ăn rộng rãi, khang trang khai trương với biển hiệu “Nhà hàng Mạnh Khải”, đặc sản gà tươi, hương vị quê. Gà làm hàng là thứ gà đồi, chuyển từ Bắc Ninh, Bắc Giang về. Gà chuẩn nặng từ 1 kg đến 1,3 kg, không hơn không kém. Gà thịt mềm, xương nhỏ, rất ít mỡ. Gà quay, gà luộc, lẩu gà tươi là đặc sản của nhà hàng. Mỗi ngày có trên dưới trăm thực khách. Hôm mới rồi, vào buổi trưa, tôi đã chứng kiến bốn dãy bàn đều đông khách. Từng nhóm. Sáu bẩy người, có dãy hàng chục người. Đấy là các cuộc liên hoan, tổng kết các ban phòng của những cơ quan gần đó. Rồi đãi đằng bạn hữu, lễ sinh nhật, dựng nhà mới. Đây là điểm ẩm thực hấp dẫn không chỉ riêng cư dân ở huyện Gia Lộc. Nhiều thực khách sành điệu từ thành phố Hải Dương cũng tìm tới. Thế mà cả nhà hàng chỉ “biên chế” có 10 người, kể cả hai vợ chồng KhảI - Cúc. Chị Cúc người nhỏ bé nhưng dáng vẻ lanh lợi, luôn nở nụ cười thân thiện với mọi người. Đặc biệt, khách vào không phải đợi lâu, chỉ dăm bẩy phút các món ăn đã được mang ra, nhất là món gà quay, rất hấp dẫn, ai cũng hài lòng. Ông bà có khách quý cũng đặt món ăn ở đây. Được cái thuận tiện là ngay gần nhà ông bà, ới cái là có ngay. Ông Hải nói, Khải tuy chậm mà chắc. Làm ăn thật thà, lấy chữ Tín làm trọng, nên ngày càng thu hút đông đảo khách hàng. Còn Mạnh Khải thì ngắn gọn, đấy là do bố rèn giũa từ ngày còn làm thợ. Phẩm chất ấy còn giữ đến bây giờ.
Bất ngờ với tôi là Đỗ Mạnh Tuấn. Anh hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Hợp Thành, chuyên sản xuất, dịch vụ thương mại về ô tô, một công ty có cơ sở khá hoành tràng toạ lạc trên mảnh đất hơn 2000 mét vuông nằm ngay bên đường quốc lộ 5, cách Gia Lộc chừng hơn 20 km. Nghe bố điện thoại có nhà báo về làm việc với bố mẹ, thế là phải “khẩn trương” kết thúc công việc với khách hàng, đánh xe về Gia Lộc. Con đường lập nghiệp của Mạnh Tuấn cũng gian truân lắm. Hai lần đã phải trắng tay vì phá sản. Nhưng không hề nản lòng, rút ra bài học thấm thía vì thiếu trình độ quản lý, hiểu biết về kỹ thuật hạn chế và công nghệ sản xuất non kém. Từ đó Tuấn quyết từ “vực thẳm” vụt đứng lên. ông chủ trẻ trắng đêm suy nghĩ, trước hết phải xây dựng được thương hiệu cho mình bằng chính lời nói và sản phẩm mình làm ra. Như dịch vụ hàng hoá, phải có tín nhiệm với khách hàng. Từ năm 2005, doanh nghiệp tư nhân Hợp Thành đã cổ phần hoá. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của Đỗ Mạnh Tuấn. Có hẳn một xưởng sản xuất các loại thùng xe ô tô, cung cấp cho thị phần miền Bắc. Công suất mỗi ca là 60 thùng xe, trọng tải từ 50 kg đến 15 tấn, chủ yếu là xe Ben, mặt hàng hạ thấp giá thành,thu hút lao động. Triết lý kinh doanh của ông chủ doanh nghiệp Hợp Thành là hãy đi bằng chính đôi chân của mình, dám nghĩ dám làm, từng bước đi vững chắc, vượt qua mọi thách thức. Tuấn nói đó cũng là do học được từ người cha thân yêu. Nay Công ty Hợp Thành là cổ đông chiến lược của TSC. Nơi nào cần đến mặt hàng thùng xe ô tô phải nghĩ ngay đến Hợp Thành. Tâm sự với tôi, Tuấn cảm động nhắc tới công giáo dục của người cha, sự tảo tần hy sinh của mẹ. Hình ảnh người mẹ phải nguợc xuôi hàng chục cây số đi mua gạo về cho gia đình hồi xưa còn đọng mãi trong ký ức. Đền ơn mẹ, Tuấn đã mày mò thu mua phế liệu, tự mình lắp ráp hẳn một cái xe đạp cho mẹ đi. Đó là kết quả suốt ba năm trời ngồi chữa xe đạp ở cổng bệnh viện huyện, ky cóp từng đồng mua phụ kiện. Khi được đôi vành xe, khi cái moay-ơ, xích líp, rồi đến cái khung... Cái xe từng ngày hình thành. Đến khi xong xuôi vẫn còn thiếu hai cái chắn bùn, đã mang về cho mẹ. Nghe Tuấn kể lại, bà Cưu ngồi bên cứ ràn rụa nước mắt. Những ngày gian khổ ấy đã nuôi ý chí chàng trai phải làm giàu cho cha mẹ đỡ khổ. Vì cả nhà sáu anh chị em đều đang tuổi ăn tuổi lớn, cái ăn bữa nay lo bữa mai. Từ cuộc đời mình, Tuấn rèn cho các con phải học hành cho giỏi mới có thể lập nghiệp, lập thân, giúp ích cho đời. Đến nay, trong 10 doanh nhân trẻ của Hải Dương ở thời điểm này thì hai anh em Mạnh Tuấn- Trọng Tú đã được vinh danh. Trong lễ trao tặng Cúp Vàng doanh nhân Tâm- Tài lần thứ II và Cúp Vàng “Thương hiệu- Nhãn hiệu” lần thứ III năm 2008, MạnhTuấn đã xúc động mời cha mẹ và cả đại gia đình đến dự. Nhắc tới sự kiện này, Tuấn nhỏ nhẹ. Tiền tài chỉ là một vấn đề. Làm nguời con hiếu thảo với cha mẹ, một công dân có ích cho xã hội, mới là đáp lại công sinh thành,dưõng dục của mẹ cha. Còn ông Hải thì chân thật, mỗi người con của ông bà, mạnh yếu khác nhau, mỗi người một tính cách, một phận số. Mỗi đứa con nay đều là niềm tự hào của cha mẹ, trong đó có Mạnh Tuấn là nguời con trai giàu nghị lực, nhẫn nhịn, hy sinh, luôn cưu mang giúp đỡ người khác, nhất là những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.
Hai vợ chồng cô em gái Đỗ Tuyết Dung và em rể Nguyễn Đức Đông hiện đang làm việc tại Công ty Hợp Thành của Đỗ Mạnh Tuấn. Nhìn Tuấn, một người đàn ông cương nghị, đôi mắt chứa chan tình cảm, tôi thầm nghĩ đấy là kỳ vọng vô cùng đối với ông bà Đỗ Trọng Hải.
Nói chuyện với cô Trịnh Thị Luyến, vợ của doanh nhân Đỗ Trọng Tú thật thú vị. Luyến nói. Năm 1989 Tú và Luyến đã biết nhau, rồi yêu nhau, năm 1991 mới thành hôn. Hồi đó, sau khi học hết cấp III, Luyến làm nhân viên bán hàng cho HTX. Còn Tú thì lái xe Công Nông. Năm 1993 hai vợ chồng được cha mẹ cho ở riêng, lập xưởng chế xe Công Nông. Không có vốn, ông Hải phải đứng ra vay ngân hàng 10 triệu đồng, lãi suất 2,7 %, cung cấp cả máy hàn, máy khoan cho con. Lại trông con cái cho hai vợ chồng rảnh tay làm ăn. Chỉ một năm sau đã trả hết nợ. Hai năm sau đã dành dụm mua được một mảnh đát hơn 60 triệu đồng ngay trên địa bàn Gia Lộc, vẫn duy trì xưởng sản xuất xe Công Nông. Năm 1998 đã mua thêm một mảnh đất hơn 400 triệu. Sau khi xe Công Nông không còn thịnh hành, vợ chồng Tú - Luyến đã mạnh dạn thuê miếng đất hơn 11.000 mét vuông trong thời hạn 50 năm. Đầu tư san lấp và xây dựng “Chợ ô tô Hải Dương” đồng thời thành lập công ty cổ phần Đại Cường nằm trong khu Công nghiệp Gia Lộc 1, Thạch Khôi, thành phố Hải Dương. Đây là công ty kinh doanh dịch vụ các loại xe có tải trọng từ 500 kg đến 60.000 kg, gồm xe Ben, xe tải bàn, xe đặc chủng. Đỗ Trọng Tú là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Là dân kỹ thuật, từng lăn lộn nhiều trên thị trường ô tô, đặc biệt có thời gian đi Trung Quốc như... đi chợ, tham gia lắp ráp, tư vấn kỹ thuật cho một số hãng ô tô trong nước. Là một người thông minh, nhạy bén, Đỗ Trọng Tú nhận thấy mô hình khu triển lãm công nghiệp hạng nặng của Trung Quốc có rất nhiều ưu điểm. Từ đó Trọng Tú quyết định thành lập mô hình tương tự trong lĩnh vực mua bán ô tô, tập trung đầy đủ các hãng xe ô tô lắp ráp trong nước để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách về tất cả các loại xe, các hãng xe, các thiết bị thay thế tại một địa điểm.
Doanh nhân Đỗ Trọng Tú (thứ 2 từ trái qua).
Chợ ô tô Hải Dương ra đời từ ý tưởng táo bạo đó. Chợ quy tập đủ các tên tuổi ô tô lắp ráp trong nước như Cửu Long, Đông Phong, Trường Hải, Chiến Thắng, Hoa Mai, TSC, Việt Trung vân vân. Hiện nay công ty Đại Cường đã mở rộng mô hình chợ ô tô ra các địa phương lân cận như Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hà Nội… mỗi năm đưa ra thị trường gần 1000 xe ô tô các loại, Giám đôc Đỗ Trọng Tú đã được trao danh hiệu Doanh nhân trẻ tiêu biểu của tỉnh Hải Dương cùng nhiều giải thưởng khác. Năm 2007 Đỗ Trọng Tú vinh dự được tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Trung Quốc và tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm và làm việc tại Nhật Bản. Sắp tới doanh nhân Đỗ Trọng Tú lại được cử đi tháp tùng Thủ tuớng Chính phủ trong chuyến công du nước ngoài. Trong những cuộc Đỗ Trọng Tú được vinh danh trong Lễ trao cúp Vàng Doanh nhân Văn hoá, hoặc lễ trao giải Vì sự nghiệp văn hoá Doanh nhân Việt Nam, doanh nhân tiêu biểu giải Bach Thái Bưởi… tổ chức ở thủ đô Hà Nội, giải Doanh nhân trẻ xuất sắc của Hải Dương... vợ chồng Tú - Luyến đều mời cha mẹ tham dự. Ông bà Đỗ Trọng Hải đã rất tự hào vì sự thành đạt của các con.
Còn cô con dâu Trịnh Thị Luyến khi nói chuyện riêng với tôi, đều nói thành công trong kinh doanh, trong sự nghiệp cũng như có một gia đình riêng hạnh phúc đủ đầy như bây giờ, tất cả, tất cả đều do cha mẹ vun đắp, chỉ dẫn, bảo ban. Đức hy sinh của mẹ chồng, vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ của ông Đỗ Trọng Hải, những lần ông thường dẫn lời Bác dạy đã cho hai vợ chồng trẻ có một phong cách lành mạnh , có một tâm hồn trong sáng trong ứng xử với cộng đồng cũng như trong đời sống gia đình. Đặc biệt Luyến vợ Tú cũng như chị Cúc vợ anh Khải, chị Thu Hương vợ Mạnh Tuấn, ba “nàng dâu” đều ca ngợi mẹ chồng, đều lấy bà làm tấm gương để noi theo, nhất là tình yêu thương chồng con, hy sinh nhẫn nhịn vì mọi người.
Khi được hỏi, đến nay hai ông bà đã về già, tuổi đều ngoài 70, nói đến các con của ông bà, điều gì là tự hào nhất? Ông Hải chậm rãi: Thứ nhất là xuất thân “con nhà cua ốc”, bản thân lúc bé cũng sống khốn khổ vì nghèo túng, nên các con đã ý thức phải đứng vững từ đôi chân của chính mình giữa cuộc sống đầy gian khó này. Thứ nữa là phải trung thực, trung thực với chính mình, với mọi người, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, tuyệt đối không dối gian, lừa lọc. Còn về sinh hoạt. Tôi vốn là người từ nhỏ tới giờ, không nghiện ngập gì, trà rượu, hút sách. Nên con cháu cũng theo bố. Đặc biệt với các anh gắn liền với kinh doanh, thường tiếp đãi, khách khứa nhiều. Nếu cứ ham tiệc tùng, bù khú dễ rơi vào cạm bẫy, tha hoá lúc nào không biết. Tôi để ý, một hai lần tiếp xúc, từ Mạnh Khải đến Tuấn, Tú đều không ai hút thuốc lá.
NSƯT Vũ Hà (còn nữa)
__________
LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.