Thứ năm, 28/03/2024,


Có một xứ Huế trong thơ (25/12/2008) 

     Một không gian sông núi hài hoà, một quần thể kiến trúc độc đáo với những cung điện, lâu đài, thành quách, lăng tẩm, chùa chiền đã có hàng trăm năm tồn lại lưu giữ cho hôm nay và muôn sau dấu ấn huy hoàng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, một vùng đất tao loạn hay thanh bình, tranh chấp hoặc hoà hợp, giao thoa và riêng biệt đều mang những dấu ấn đặc biệt khó quên. Đó là một vùng văn hoá đặc sắc không phải chỉ có những công trình kiến trúc, âm nhạc tiêu biểu đã được công nhận là di sản văn hoá của nhân loại mà còn có cả nền thi ca “rất Huế” nữa



     Huế. Dù ở thời nào cũng có nhiều khoảng lặng trầm sâu khơi dậy những cảm hứng và ý tưởng sáng tạo cho các thi nhân. Chỉ mới núi Ngự, sông Hương đã là một niềm thơ vô tận.

 

Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

(Bùi Giáng)

 

     Câu thơ nhẹ và êm như lời thưa của con gái Huế. Đơn sơ như chẳng có gì cả , thế mà sao đọc lên nghe xao xuyến thế. Thi sĩ họ Bùi nói cái điều rất hiển nhiên, cái điều đã tồn tại muôn thuở là 'núi Ngự bên bờ sông Hương' mà ta thấy vẫn hay. Cái hay nhờ hai chữ 'Vẫn còn'; vẫn còn núi Ngự sông Hương là vẫn còn Huế mộng mơ gợi cảm. Hay diễn đạt một cách khác nếu không có núi Ngự sông Hương thì liệu Huế có còn là Huế nữa hay không?

     Sông Hương gần gụi và hiện rõ hơn trong thơ Hàn Mặc Tử

 

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?

Có chở trăng về kịp tối nay

(Đây thôn Vỹ Dạ)

 

     Lòng thi sĩ ngổn ngang thương nhớ giai nhân nên cảnh trong thơ cũng hiu hiu buồn. Trên sông Hương gió mây cũng chia rẽ đôi đường, cảnh vật như cứ bị rời ra, sự hội tụ hình như đang còn ở phía trước, đang còn là ước vọng của thi nhân. Cả con thuyền đậu bến sông trăng cũng không cầm chắc có chở được trăng về cho người đợi hay không.

 

Sông Hương chừ có chờ mong
Răng con thuyền nhỏ ngóng trông bên bờ..?
Rêu phong thành cổ xa mờ
Thinh không bỗng thoảng ơ hờ tiếng chuông

(Xa Huế)

 

     Buồn quá!Tôi đọc thơ về sông Hương, xư­a hay nay đều gặp giọng buồn. Hương giang, phận sông là phận gái, đẹp đẽ, mềm mại, dịu dàng mà vẫn đa đoan mỏng manh đầy bất trắc. Cứ như trời đất bắt phải thế, không làm sao thoát được kiếp hồng nhan bạc mệnh. 

 

Áo sánh sóng thương ai

Tà triều Hương tím bãi

Lòng nguồn cơn mưa mãi

Tình động mái buồn đò đẩy sông suông

(Lê Đạt)

 

dẫu xa cách bóng chim ngàn
lòng xưa sau vẫn nguyện son sắt tình
Huế bây chừ - Huế lặng thinh
em như cánh hạc nội thành sương khuya
(Cánh hạc Nội Thành - Thái Tú Hạp)

 

     Trăng suông. Sông suông. Đều nhạt, lạnh, và buồn cả. Ơ hờ đời sông kiếp nữ. Đến như Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng khi viết 'Tiếng hát sông Hương' cũng không thoát khỏi giọng buồn:

 

Trên dòng Hương giang

Em buông mái chèo

Trời trong veo

Nước trong veo

Em buông mái chèo

Trên dòng Hương giang

Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn

Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng

 

     Do vậy chả trách chi Nguyễn Bính khi đến xứ sở núi Ngự sông Hương vào mùa mưa đã phải nao lòng kêu lên: 

 

Giời mưa ở Huế sao buồn thế

Cứ kéo dài ra đến mấy ngày

Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?

Mà nhớ mà thương đến thế này!

(Giời mưa ở Huế).

     Huế - mưa – buồn, tiếng giọt mưa hay những tiếng tơ lòng thi nhân:

 

Huế ơi rơi rớt giọt sầu
Chiều ni xa Huế mưa ngâu ngập lòng

(Xa Huế)

 

 

     Nét buồn của sông Hương, của Huế là nét buồn đẹp. Buồn của tri âm, của nhớ thương, của thế thái nhân tình, của những khát khao và hy vọng. Đó là nỗi lòng sâu thẳm của một vùng đất nhiều biến động thăng trầm, nhiều trầm tích văn hoá mà ta chưa đi đến tận cùng. Buồn. Nỗi buồn bao giờ cũng gần với thơ hơn cả. Nó như là biểu hiện của tâm hồn, của cách sống không nông cạn, nhạt nhẽo và hời hợt. Chính vì thế mà qua sông Hương nhà thơ Thu Bồn đã cảm nhận được một Huế “rất sâu”: 

 

Nhịp cầu cong và con đường thẳng

một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu

con sông dùng dằng con sông không chảy

sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

(Tạm biệt)

 

     Gắn với sông Hương phẳng lặng là một Huế cổ kính, trầm tư, nhiều u hoài. Phải chăng Huế hay trầm tư­, u hoài vì dòng đời luôn chảy trong bóng những luỹ thành của những triều vua đã quá vãng nhưng dấu vết của thời vàng son đó còn hiện hiển giữa bạch nhật thanh thiên. Bây giờ vẫn có cảm giác thế huống hồ là xư­a như Vũ Đình Liên đã viết:

 

Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh

Thuyền đi trong bóng tối luỹ thành xưa

Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh

Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ 

(Lòng ta là những hàng thành quách cũ).

 

     Nói như thế không có nghĩa là cuộc sống của con - người - Huế bị thụ động, bị khuất chìm trong cái bóng của dĩ vãng, trái lại Huế đẹp sinh động và quyến rũ hơn nhiều nhờ vào những cô gái Huế. 

 

Đây phong vị Thần kinh

Cầu Tràng Tiền mấy nhịp?

Cô gái Huế đa tình

Vành nón nghiêng khép nép

(Thơ Đinh Hùng)

 

Nón bài thơ, suối tóc thề
Dáng con gái Huế đi về tuổi thơ.

(Áo lụa - Phạm Sỹ Sáu)

     Sau này, khi ở xa quê nhà thơ Thanh Tịnh vẫn mang Huế đi theo bằng những hình ảnh kỷ niệm thân thuộc không bao giờ quên được: 

 

Mười một năm trời mang Huế theo

Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo

Giọng hò mái đẩy vờn mây núi

Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo

(Nhớ Huế quê tôi)

 

     Cũng có nỗi nhớ nhung như vậy, nhà thơ Hải Bằng - một người con của Huế - đã viết:

 

Thiên Mụ nước ngời rung bóng tháp

Tràng Tiền trắng nhịp trời mai trong

Tịnh Tâm cá móng hồ sen động

Hình ảnh quê hương đã thuộc lòng

(Bức tranh cuối tuần) 

 

     Chính cái buồn, cái phẳng lặng, cái sâu lắng đã tạo nên nét riêng cho con người và cảnh vật Huế. Thơ bắt nhịp vào những cái đó của Huế đã tạo ra được nhiều tác phẩm hay khi viết về vùng đất này. Thơ viết về Huế xư­a và nay hầu như không có bài nào lên giọng ồn ào mà được người đọc ghi nhớ. Người ta nói về Huế bằng giọng trầm, giọng trung, từ tốn, thong thả mà lắng đọng, diết da kiểu như Nguyễn Trọng Tạo viết trong “Con sông huyền thoại”: 

 

Con sông mình hạc xương mai

vàng son in bóng đền đài hoa khôi

đến đây tôi gửi bóng tôi

vớt lên thì vỡ, tan rồi lại nguyên 

 

     Huế là miền thơ. Bởi thế, những gì tôi viết trên đây mới chỉ là chấm phá. Còn nhiều, nhiều bài thơ rất hay cho Huế, của Huế vẫn chưa được nêu ra. Biết làm sao đây, ơi Huế?

Theo tác giả Nguyễn Hữu Quý

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn thị thu nguyệt - vangtrangme_313@yahoo.com.vn - 0908114313 - 29  (Ngày 02/09/2019 15:43:34)

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn Núi Ngự bên bờ sông Hương
( Bùi Giáng )
Ngàn năm Huế vẫn còn thương
Ai đi cũng nhớ vấn vương bên lòng
( Thu Nguyệt )

Các bài khác: