Chủ nhật, 22/12/2024,


Trình diễn thơ, một hoạt động đặc sắc của Lễ hội Lục Bát (11/09/2013) 
 
Một trong những nội dung chương trình Ngày hội Lục Bát Quý Tỵ - 2013 là trình diễn Lục Bát của các CLB Thơ Việt Nam từ nhiều địa phương.
Sau diễn văn khai mạc của Nghệ sĩ, Nhà báo Bành Thông, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam là tiếng trống khai hội tưng bừng của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa XIII, ông Cao Sĩ Kiêm. Chương trình diễn thơ của các CLB thơ mọi miền đất nước hội tụ được mở đầu bằng tiết mục “Ca ngợi người cao tuổi”, múa phụ họa cồng chiêng của CLB thơ Song Hà - Bắc Hà, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hội viên CLB thơ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai trước giờ trình diễn. Ảnh Kim Uyên
Nhiều tiết mục diễn thơ của tập thể và cá nhân được thể hiện trước hàng nghìn khán giả và người yêu thơ. Theo những vần Lục Bát, thơ khiến tâm hồn ta lắng lại, chìm đắm trong không gian “Ngàn năm hồn Việt”. Nhiều bài thơ tự biên, tự diễn của các tác giả thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình mẫu tử, sự gắn bó thắm thiết keo sơn lòng dân ý Đảng... cũng có khi là những hoài niệm quá khứ, hay tâm trạng của con người trước vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước… Qua những vẫn thơ giản dị, mộc mạc nhưng đậm đà, sâu lắng với sự thể hiện đầy nhiệt huyết của người trình diễn cho người xem xúc cảm đam mê.
Nếu như trên sân khấu trình diễn thơ có sự xếp đặt thì các quán thơ ngoài trời của những “Lục Bát quán” với “áo the, khăn xếp” quấn quýt bên những “yếm thắm má đào” khiến không gian thơ của ngày khai hội càng thêm tưng bừng, nhộn nhịp. Những vần thơ dung dị, hồn hậu mang hơi thở của nhiều miền quê vút lên trong nắng thu vàng cùng cách thể hiện đầy ngẫu hứng... Những đặc sản vùng miền ngọt thơm lan tỏa tự nhiên khiến lòng người rạo rực bồng bềnh phiêu diêu trong những tứ thơ…
Không khí của ngày hội thơ càng tăng lên khi những CLB thơ tỉnh Hòa Bình với trang phục truyền thống biểu diễn cồng chiêng bên những tà áo dài đỏ thắm của các hội viên CLB thơ Việt Nam ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vượt hơn nghìn ki-lô-mét đến với ngày hội thơ chỉ để biểu diễn… thơ. Chỉ với hai tiết mục thơ “Mùa về” và “Gùi em” CLB Đức Cơ đã thể hiện những khát khao cùng tình yêu thơ cháy bỏng. Còn bên “quán thơ” của mình, CLB thơ Thăng Long ra quân với những đôi nhảy nhịp nhàng, điệu nghệ, tinh tế đầy lãng mạn như thổi thêm không khí náo nức của ngày hội thơ.

Trong tiếng nhạc tưng bừng và lời thơ trầm bổng, bà Đinh Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm CLB thơ vùng Mường Vang, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình tâm sự: “Năm nay là năm thứ 3 CLB tham gia ngày hội thơ. Chúng tôi ai cũng thích đi, chỉ mong đến ngày, trong đoàn 30 người. Có nhiều người không phải là hội viên cũng xin đi. Thơ chưa hay nhưng quan trọng là chúng tôi được giao lưu, học hỏi và nghe thơ của các CLB khác…”.
Ngày hội thu hút nhiều nhà tu hành, các đội nữ tế, nam tế, phường nhạc cụ truyền thống và các nghệ sĩ dân gian…, tất cả đều mặc trang phục dân tộc truyền thống. Ngay trong buổi đầu đã có hàng ngàn chữ kí của người yêu thơ ủng hộ cuộc vận động tôn vinh Lục Bát là “Quốc Thi”, và vận động để UNESCO công nhận Lục Bát Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt, với “Đêm hội Lục Bát” mà điểm nhấn là chương trình “Trình diễn Thời trang Dân tộc” mang tên “Hồn quê và Dáng Việt Quý Tỵ”; với những người mẫu trong trang phục, nhạc nền… đậm đà bản sắc dân tộc; xuất phát từ ý tưởng thật sự lãng mạn và độc đáo: Hãy cùng nhau đưa những bộ yếm đào “lên ngôi”!
Đúng như Nghệ sĩ, Nhà báo Bành Thông bộc bạch: “Cứ đến ngày thơ Lục Bát là người yêu thơ lại háo hức tụ hội, qua đó thể hiện sự khao khát với niềm đam mê cháy bỏng, tinh thần thơ đã ngấm vào máu người yêu thơ. Qua 5 mùa lễ hội, Lục Bát nhận được sự đồng thuận cao của người yêu thơ và nhân dân trong ngoài nước. Người tham gia năm sau luôn nhiều hơn năm trước, tổ chức cũng chuyên nghiệp hơn. Tuy vẫn còn nhiều CLB do điều kiện xa xôi chưa đến tham gia được nhưng họ vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt thơ. Mong muốn của Ban tổ chức cũng như người yêu thơ cả nước là Lục Bát được tôn vinh là Quốc Thi. Tuy nhiên, người yêu thơ cả nước cần phải nỗ lực rất nhiều để đưa những vần thơ Lục Bát đạt đến giá trị đặc sắc trở thành tinh hoa, là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
KIM LONG
Nguồn: báo NCT
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: