Thứ sáu, 26/04/2024,


Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Hãy để Lục Bát góp phần vào Hồn thiêng sông núi ! (09/09/2013) 
(GD&TĐ) - Ngày 7 & 8/9/2013 tại Trung tâm Văn hóa Thành phố, số 4 Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã diễn ra “Ngày hội Lục bát lần thứ 5 - Qúy Tỵ 2013”. Trao đổi với phóng viên, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, người sáng lập website lucbat.vn và khởi xướng Lễ hội này chia sẻ:
- “Ngày hội Lục bát Qúy Tỵ” - Theo ông, đây có phải là một lễ hội Văn hoá - Tâm linh độc đáo, nhằm khẳng định tầm quan trọng và sức sống mãnh liệt của Thơ Lục bát trong dòng chảy văn hoá Việt?
- Lục bát không chỉ là thơ. Đó còn là hồn cốt Việt và gắn rất chặt với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt… Một điều lạ nữa, Lục Bát là “xương sống” của tất cả các làn điệu dân ca. Ngay đến những bài hát văn trong thế giới tâm linh, hát xoan, hát xẩm, ca trù, quan họ, chèo… đều dùng thể loại Lục Bát. Có thể nói, những gì bác học nhất, dân gian nhất đều có Lục Bát ở trong đó. Do vậy, những người yêu lục bát đã phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn báo chí tổ chức được 5 mùa lễ hội, được sự đồng thuận cao của người yêu thơ cả nước và cộng đồng người Việt trên thế giới.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng đọc chúc văn trong Lễ hội Lục Bát Quý Tỵ - 2013
- Ban tổ chức mong muốn góp phần vận động để tôn vinh “Lục bát là Quốc thi” và tiến tới “Lục bát là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”?
- Chúng tôi đang cố gắng vận động để Lục Bát trở thành Quốc thi. Xa hơn nữa, Lục Bát sẽ trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quan họ, hát xoan, ca trù… đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới phi vật thể. Không cớ gì, lục bát lại không được công nhận. Nếu không có Lục Bát thì sẽ không có lời của những làn điệu dân ca hay đến vậy. Thứ nữa, lục bát có đầy đủ căn cứ về khoa học, lịch sử. Điều quan trọng nhất là nó đã lan tỏa và phát triển liên tục. Lục bát đã có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm. Nghe nói, không chỉ riêng người Việt mà người Chăm, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đều dùng thể loại lục bát để sáng tác… Có lẽ, đó là kết quả của sự “giao thoa văn hóa” từ bao đời nay giữa các dân tộc. Nếu các nhà nghiên cứu, phê bình tìm hiểu về lục bát, sẽ phát hiện thêm rất nhiều điều thú vị. Thực tế những mùa lễ hội vừa qua, BTC đã mời các Cao tăng nhà Phật tham gia lễ hội này. Trong lễ hội có rất nhiều đặc trưng của văn hóa tâm linh: Rước thơ Lục Bát, dâng hương thơ Lục Bát và đọc chúc văn Lục Bát, phát lộc cũng bằng thơ Lục Bát (Tập “Lộc Phát” chính là Thơ Lục Bát gọi theo dân gian, gắn với tên của 12 con giáp).
Chúng tôi tin là sớm muộn gì thì Lục Bát cũng sẽ được Nhà nước ta công nhận là Quốc Thi và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhiều người đã đặt câu hỏi: bao giờ Lục Bát sẽ được công nhận? Xin thưa, Website Lục Bát Việt Nam chỉ là một trang cộng đồng, phi lợi nhuận, không phải là một cơ quan hành chính. Chúng tôi chỉ nêu ý tưởng và bằng các hoạt động cộng đồng, mong muốn góp phần khơi dậy tình yêu với Lục Bát, tạo dư luận để mọi người quan tâm tới Lục Bát. Nếu những người yêu thơ và trân trọng văn hóa dân tộc cùng chung tay góp sức, thì các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc và ý tưởng, đề xuất của chúng tôi mới có thể trở thành hiện thực.



Lễ Dâng hương Thơ Lục Bát do các Cao tăng Nhà Phật chủ trì diễn ra trang trọng



Lễ Phát lộc Lục Bát cho những người yêu thơ đến từ mọi miền đất nước


Một người yêu thơ nhận "Lộc phát" do các Cao tăng phát lộc...
 
- Điểm nhấn của chương trình mùa lễ hội năm nay theo ông là gì?
- Lễ hội năm nay có 2 chương trình quan trọng nhất: Lễ trao thưởng lần thứ nhất cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp” và Đêm trình diễn thời trang dân tộc “Hồn quê và Dáng Việt Qúy Tỵ”.
Với lễ trao thưởng “Tổ quốc và đạo pháp”. Đây là cuộc thi được ủng hộ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; được triển khai trên phạm vi toàn quốc, diễn ra trong 6 năm. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng tôi nêu ra ý tưởng trao bộ giải thưởng bằng vàng và bạc thật, (có chứng nhận của một Công ty Vàng bạc uy tín). Chủ tịch Hội đồng Giám khảo là Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy không chỉ với vai trò là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, mà còn là người chứng minh, tâm linh hóa giải thưởng đó. Tóm lại, đây là một mùa Lễ hội Thơ tràn ngập không khí của tâm linh, mà chỉ có Lục Bát mới làm được điều ấy.
Ngay sau Lễ trao thưởng “Tổ quốc và Đạo pháp”, là chương trình Trình diễn Thời trang dân tộc mang chủ đề “Hồn quê và Dáng Việt Qúy Tỵ”, với một ý tưởng lãng mạn: Đưa áo dài và những bộ yếm đào thiếu nữ “lên ngôi”…
- Lễ hội lục bát những năm trước, đã thu hút hàng ngàn người tham gia, cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú, hấp dẫn, mang tầm cỡ quốc gia và có sức lan tỏa rộng khắp. Còn mùa lễ hội năm nay?
- Đến với Lễ hội Lục Bát là đến với cội nguồn của dân tộc, với hồn quê, đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Sau mỗi mùa lễ hội, số lượng người tham dự năm sau luôn đông hơn năm trước. Chúng tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm và tổ chức chuyên nghiệp hơn. Năm nay, Trung tâm Hội nhập và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ với “Đêm hội Lục Bát”. Chúng tôi hy vọng đây là nhịp cầu gắn kết văn hóa doanh nhân đối với các doanh nghiệp. Kết nối văn hóa tâm linh trong truyền thống kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp và doanh nhân vào cuộc sẽ có nguồn kinh phí để đảm bảo tính bền vững của mùa lễ hội hàng năm. 
Tất cả các hoạt động của Mùa lễ hội Lục Bát đều được tổ chức miễn phí và nhiều sân chơi phong phú; để công chúng yêu Lục Bát trong cả nước có cơ hội được trực tiếp tham gia các hoạt động; chứ không phải chỉ đến xem và đi chơi hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tuấn Trần (thực hiện)
 
 
              Lục Bát dễ làm nhưng khó hay!
Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Lục Bát không chỉ là Thơ, mà đó còn là Hồn Việt. Nó rất thiêng liêng, có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm nay. Lục Bát từng có sứ mệnh là công cụ chuyển tải kho tàng tri thức khổng lồ của cha ông ta, từ đời này sang đời khác. Một thời gian rất dài, nhiều người dân mình không biết chữ đã nhờ Lục Bát để diễn đạt những tri thức, kinh nghiệm truyền lại cho  đời sau thông qua những câu cao dao, tục ngữ, dân ca... Thậm chí nhiều hương ước của làng xã cũng được chuyển thể thành Lục Bát, để dễ thuộc và dễ nhớ. Thơ Lục Bát gắn liền với hồn thiêng sông núi, văn hóa Việt. Nó đã song hành cùng dân tộc ta qua bao đời nay.
Lịch sử văn học Việt Nam từ bác học đến dân gian cho thấy, hầu hết các nhà thơ thành danh đều dùng thể Lục Bát để truyền tải tâm tư, tình cảm, tư tưởng của mình… Tuy nhiên, trong phong trào sáng tác thơ ca của các Câu lạc bộ hiện nay, thì nhiều người viết những câu 6 và 8 có vần đã nhầm tưởng đó là thơ Lục Bát; thực ra, đấy mới chỉ là ghép vần, diễn ca và hò vè. Thơ Lục Bát dễ làm nhưng rất khó hay. Bởi thế, dù có nhiều người làm thơ Lục Bát, nhưng vẫn hiếm tác giả thành công ở thể loại này.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Thị Thanh Liêm - thanhliemdainam@yahoo.com - 0987641698 - Ngành Tiếng Trung Đại học Đại Nam 56 Vũ Trọng Phụng Hà Nội  (Ngày 10/09/2013 15:38:14)

Ngày hội Lục bát 2013 diễn ra vào 7 và 8/9/2013 tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội(số 4 Phùng Hưng, Hà Đông) đã thành công tốt đẹp. Ngày hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thể hiện mong muốn góp phần vận động để tôn vinh Lục bát là Quốc thi và tiến tới việc lập hồ sơ đề nghị Lục bát là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xin có mấy vần thơ nhỏ chia sẻ cùng Nhà thơ Đặng Vương Hưng – Người sáng lập lucbat.vn :

LỤC BÁT HỒN VIỆT

Lục bát ngàn năm giữ trọn lòng
Dòng đời nối nhịp xứng cha ông
Non ngàn núi thẳm vùi xương trắng
Biển rộng khơi xa đổ máu hồng
Dạ xót chân thù chen ải Bắc
Tâm sầu bóng giặc lấn trời Đông
Lòng dân sáng mãi hồn Nam Việt
Đất nước cùng thơ vững tựa đồng.

Đại học Đại Nam Hà Nội, 08/09/2013
Trần Thị Thanh Liêm
http://tiengtrungdainam.com

  Dương Văn Trung - Xuantrung@gmail.com - 0936469045 - Bình Minh - Nam Trực - Nam Định  (Ngày 10/09/2013 11:10:26)

Hãy để Lục Bát góp phần
Hồn thiêng sông núi! xa...gần ngân vang
Cảm ơn người sáng lập trang
Năm Châu bốn biển mở mang cõi bờ!

HỒN QUÊ...

Hồn thiêng sông núi trường tồn
Ngàn năm Lục Bát mang hồn quê Hương
Câu Thơ sáng toả vầng Dương
Hồn quê...vang vọng phố phường...năm Châu!

Dương Trung

  LÊ ĐỨC LANG - leduclang_010153@yahoo.com.vn - 0988260269 - 350 Nguyễn Thái Học - TP. Quy Nhơn  (Ngày 09/09/2013 17:15:00)

Rât tự hào qua lời phát biểu của nhà thơ Đặng Vương Hưng, người sáng lập Website lucbat.vn, nhân ngày Hội Thơ Lục Bát lần thứ 5, năm Quý Tỵ - 2013 tại Hà Nội: "Lục Bát không chỉ là Thơ, mà đó còn là hồn cốt Việt và gắn rất chặt với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt..."

Hồn thiêng sông núi là đây
Câu thơ LỤC BÁT tháng ngày vang xa
Tự hào dân VIỆT NAM ta
Vang trong tiếng hát lời ca ngọt ngào.

TÚ LA-LÊ ĐỨC LANG - TP. QUY NHƠN.

  Hồng Đức - hongduc746@gmail.com - 0936818300 - Xuân mai - Chương mỹ - Hà Nội  (Ngày 09/09/2013 15:27:38)

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm và đê xuất của nhà thơ Đăng Vương Hưng trong trả lời phóng viên Báo GD v TĐ. Do tính chất đặc trưng văn hóa thuần Việt và đại chúng của nó Lục Bat cần trở thành Quốc thi. Tôi rất mong Bộ văn hóa thông tin và ngành văn hóa các cấp vào cuộc để cho phong trào chơi thơ lục bát rộng khắp và Ngày hội Lục Bát trở thành một ngày hội sinh hoạt văn hóa quần chúng tầm cỡ quốc gia. Đó cũng là nét sinh hoạt văn hóa thuần Việt, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

  Lục Thị Bích Hạnh - Tuoixechieu113@yahoo.com.vn - 01665460480 - Thanh Trì- Hà Nội  (Ngày 09/09/2013 13:14:33)

Năm nay là năm thứ 2 tôi được tham dự Lễ Hội Lục Bát. Đến với Lễ Hội năm nay có nhiều điều bất ngờ dành cho tôi.Ngay khi bước chân vào là những cô gái xinh đẹp đứng 2 hàng ngang đón khách. Phía trong hội trường đã chật kín người, khâu tổ chức chu đáo.
Các tiết mục tham dự thi Lục Bát rất hay: Đặc biệt là bài ngâm thơ về 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, hay tiết mục Ngâm thơ Hải Phòng rất đặc sắc, bên cạnh đó là màn hát xẩm cũng thật ấn tượng.
Thật tuyệt vời khi được tham dự lễ Hội Lục bát Quý Tỵ 2013. Tôi cũng rất mong muốn Lục Bát sẽ được Nhà nước công nhận là Quốc Thi và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chúc mừng BBT Lục bát đã tổ chức Lễ Hội Lục Bát Quý Tỵ thành công rực rỡ.

Các bài khác: