Thứ năm, 25/04/2024,


Người Ba lần được gặp Bác Hồ và chuyện đời sau gần nửa thế kỷ (Kỳ 2) (23/12/2008) 

                                              

     Với Đỗ Trọng Hải, thời trẻ trai ba lần gặp Bác thì quả là hạnh phúc vô cùng. Sự kiện hiếm hoi đó đến với anh quá bất ngờ và cực kỳ ấn tượng. Đến nỗi bây giờ đã qua 48 năm, mỗi khi nhắc tới, ông Hải vẫn thấy Bác hiển hiện trước mắt, từ cử chỉ ân cần, giọng nói ấm áp, tiếng cười hiền hậu... như mới hôm qua hôm kia, kỷ niệm  tràn đầy, tràn đầy xúc cảm...

 

      Giấc mơ đẹp giữa cuộc đời  

 

      Lần thứ nhất vào đầu năm 1960. Do thành tích tuyệt vời cải tiến nông cụ, Bí thư chi đoàn Đỗ Đức Kếu thay mặt tuổi trẻ Phương Hưng hết phải đi báo cáo ở “Hội nghị nông dân toàn tỉnh” lại đến “Hội nghị Lao động vinh quang của Thanh niên Hải Dương”, ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Và cơ may đã đến. Anh được mời lên Thủ đô tham dự “Hội nghị thanh niên điển hình toàn quốc”, cùng đi với đồng chí Quyện, phó Chủ tịch tỉnh. Đại hội được thông báo là sẽ có cán bộ cao cấp nhất của Trung ương tới dự, nhưng không được biết cụ thể là ai và bao giờ đến. Chương trình nghị sự vẫn tiến hành như dự định. Cả hội trường rộng mênh mông chen cứng thanh niên, trên áo ngực lấp lánh huy hiệu Đoàn. Có 6 báo cáo điển hình buổi sáng hôm ấy. Báo cáo của Phương Hưng- Hải Dương xếp cuối cùng. Nhưng sau đó, chủ toạ “đôn” lên ngay sau báo cáo mở màn về thành tích 5 tấn của Thái Bình. Đỗ Đức Kếu lên diễn đàn tập trung báo cáo, hồi hộp đến mức không dám nhìn xuống cử toạ. Phải đến mấy phút sau mới trấn tĩnh trình bày lưu loát những gì anh cùng với tập thể thanh niên Phương Hưng đã làm, đã thao diễn, đã vận động bà con hợp tác xã sản xuất theo nông cụ cải tiến. Hiệu quả sử dụng cày 51 thế nào, máy cắt lúa ra sao... Kếu hào hứng, say sưa không hay biết Bác đã đến từ lúc nào. Bác không lên ngồi ghế Chủ tịch đoàn, mà ngồi ở hàng ghế phía dưới cùng các cháu thanh niên. Bí thư Phương Hưng vừa dứt bản báo cáo trong tiếng vỗ tay vang dội cả hội truờng thì Bác đã nhanh nhẹn đi lên phía trước sân khấu.

      Bác Hồ ra hiệu cho Kếu đến gần Bác, vỗ vai thân mật. Bác nói: Qua hội nghị chuyên đề nông nghiệp này, các cháu phải chú ý nghe cho rõ, phải cố gắng truyền đạt, phổ biến cho từng đoàn viên, thanh niên ở cơ sở của mình. Không chỉ tuyên truyền, cần phải mang hết tâm huyết ra áp dụng trong sản xuất. Bác có lời khen cháu Kếu đã biết vận dụng kỹ thuật vào thực tiễn. Đất nước ta còn nghèo, Bác và nhân dân trông chờ vào các cháu thanh niên…

       Cuối cùng Bác chúc đại hội thành công, đại thành công.

      Tiếng vỗ tay lại nổ như sấm. Tiếng hô Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm vang lên như vỡ cả hội truờng. Lúc đứng bên Bác Đỗ Đức Kếu như người trong mơ. Anh chỉ biết nhìn Bác, rưng rưng. Nghe lời Bác khen “cháu Kếu đã biết vận dụng kỹ thuật vào thực tiễn” Kếu như không tin vào tai mình. Quá khứ đói nghèo, cay cực thuở nào. Thân phận thằng ở khốn khổ năm nao bỗng ùa tràn. Thế mà hôm nay Kếu được nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu, được đứng gần Bác, được Bác vỗ vai động viên, được Bác nhắc tên. Lúc nghe lời Bác căn dặn Kếu tự nhủ, cháu sẽ đóng góp hết mình cho đất nước, cho nhân dân. Còn cứ thảng thốt, đây là thật hay mơ, mơ hay thật! 

       Trên đường trở lại Phương Hưng Kếu cứ mê man trong men say hạnh phúc, lan man bao nỗi niềm, thổn thức những khúc nhôi. Cha ơi, mẹ ơi, sao không còn sống đến ngày này. Ngày con được gặp Bác Hồ, một điều mà con không dám nghĩ tới ngay cả trong mơ. Cạc ơi, giờ em ở đâu. Nếu em biết tin này. Phúc lớn cho cả nhà ta, cả họ Đỗ nhà ta. Về tới ngõ, Kếu đi như chạy vào nhà. Vừa khóc nghẹn ngào, vừa run run thắp nén nhang lên ban thờ cha mẹ. Và Cưu ơi, hãy ngồi đây anh kể cho mà nghe. Chuyện anh  được gặp Bác Hồ trên Hà Nội. Bác còn khen anh nữa cơ, gọi rõ tên anh là cháu Kếu. Ngồi lặng nghe chồng say sưa nói mà Cưu cứ khóc ròng. Hạnh phúc quá lớn, đến quá bất ngờ, cả hai vợ chồng  đều không thể tưởng tượng. Từ thân phận chân lấm tay bùn, bữa cơm bữa cháo lăn lóc trên cánh đồng khô cỏ cháy, đã lụt là lút cả làng, thế mà nay được đứng gần vị lãnh tụ tối cao, được Bác Hồ nhắc tên. Chao ôi... Và cả hai cũng đâu có ngờ, Bác đến hội nghị chỉ một lát, nhưng những việc gì Kếu làm Bác đã nghe, Bác còn nhớ mặt, nhớ tên anh nông dân Hải Dương chất phác, giàu nhiệt tình lại biết cải tiến sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Chính dấu ấn đó là tiền đề cho sau này hai lần anh lại vinh dự gặp Bác.

      Hơn một tháng sau, một đồng chí cán bộ huyện đoàn Gia Lộc đánh xe tới nhà nói với Kếu: Anh khẩn trương bàn giao công việc cho thường vụ xã đoàn, chuẩn bị xống áo đi công tác xa một thời gian dài. Đi đâu? Làm việc gì? Đấy là điện khẩn từ trên Tỉnh đoàn, huyện chỉ biết truyền đạt. Kếu vừa hồi hộp, vừa lo lắng.

Anh cán bộ huyện đoàn đi rồi, Kếu cứ ngây người. Thực lòng Kếu chẳng muốn đi xa. Vì căn nhà vách đất mái rạ trống huơ trống hoác của hai vợ chồng ở ngoài cánh đồng, không có hàng xóm láng giềng. Anh em họ mạc gần gũi không còn ai. Cưu chỉ có một mình. Mình đi công tác xa, xa là ở đâu. Đi thời hạn không báo trước, đi bao lâu, bao giờ mới được về. Đầu óc rối như tơ vò... Nhưng  chị Cưu bảo chuyện đoàn thể là trọng, không thể đặng đừng. Anh cứ  đi công tác, mọi việc đồng áng, nhà cửa em khắc lo liệu. Nghe vợ nói vậy, Kếu cũng yên tâm phần nào, nhờ vợ chuẩn bị tư trang, sẵn sàng đến giờ gọi thì đi.

      Khoảng 10 giờ sáng ngày 5-6-1960, một chiếc xe com-măng-ca đít vuông đi vào ngõ. Ngoài lái xe còn có anh Tiền, Bí thư Tỉnh đoàn và một cán bộ lạ mặt, tuy trẻ nhưng trông rất chững chạc, lúc vào nhà mới biết anh ở trên Trung ương Đoàn về đón, đưa lên Hà Nội. Nhà hai vợ chồng trẻ, chẳng có của nả nào là đáng kể. Chị Cưu mang ấm nước vối rót ra mấy cái bát ăn cơm mời khách. Mọi người ngồi bệt xuống chiếu. Anh cán bộ TW Đoàn nói vui, Bí thư Kếu cải tiến nông cụ thì giỏi, nhưng kinh tế yếu quá. Cố gắng sắm bộ bàn ghế để lần sau cho khách có chỗ uống trà đàng hoàng chứ. Vợ chồng Kếu chỉ biết cười xoà. Các anh đâu biết, khi mới lấy nhau, cái giường, cái chiếu còn chẳng có. Vợ chồng chỉ biết ôm nhau nằm trong đống rạ, đống rạ chứ  có được đống rơm đã là may...

      Khi lên xe, ra khỏi làng anh cán bộ mới nói, chuyến này đi lâu. Và có thể được gặp  vị lãnh đạo cao cấp. Hỏi chuẩn bị đầy đủ chưa, Kếu bảo tất cả trong tay nải, vợ lo cho, chỉ có hai bộ quần áo vải thôi. Xe chạy trên đường làng với tốc độ bình thường, tới đoạn sắp ra đường cái bỗng thấy một nguời con gái từ bãi ngô chạy ra vẫy vẫy tay ra hiệu cho xe dừng lại, mặt đầm đìa mồ hôi. Anh Kếu ơi, anh Kếu ơi, quên cái khăn mặt, quên khăn mặt của anh. Hoá ra đó là cô Cưu. Thở không ra hơi, chỉ nói độc có vậy, rồi nhoẻn cười. Kếu cảm động ứa nước mắt. Chỉ vì quên cái khăn mặt cũ mà cô vợ  trẻ đã phải chạy tắt qua mấy cánh đồng để đón xe đưa cho chồng. Nhân đấy các anh hỏi chuyện lấy nhau có yêu nhau không hay là bị cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Kếu thành thật kể hết cả, chẳng giấu điều gì. Cảnh hai nhà nghèo khổ ở cạnh nhau, chung một hàng rào. Cảm nhau từ hồi mới lớn, thương nhau rồi thành vợ thành chồng. Ngày cưới bà con thương tình cũng giúp dập chút đỉnh. Vợ chồng làm năm mâm, sang nhất có ba cái xỏ lợn, một nồi canh măng to đùng. (Cho tới bây giờ, canh măng vẫn là món ăn bà Cưu khoái khẩu, dường như bữa ăn nào cũng có bát canh măng). Ngày cưới ngoài ông già bà cả, hầu hết là các bạn thanh niên. Họ xúm vào căng cái phông màu xanh xẫm,trên dán hình hai con chim bồ câu  trắng cắn mỏ nhau cùng dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Rất vui, hò hát suốt thôi...

 

 

      ...Xe đưa Kếu đến nhà khách ở 25 phố Nguyễn Du, gần hồ Thiền Quang.ở đây Kếu được giới thiệu một người bạn cũng rất trẻ, áng chừng bằng tuổi Kếu, 25 tuổi. Anh tên là Kiều Văn Điền, người Hà Tây. Cán bộ TW Đoàn nói hai người sẽ làm chung một nhiệm vụ. Nhiệm vụ thế nào đồng chí cán bộ cao cấp sẽ trực tiếp trao đổi, giao cho các đồng chí. Suốt 10 ngày, Kếu và Điền được lo ăn ở chu đáo. Chế độ ăn tương đối khá. Đi ăn hay làm gì đều có người hướng dẫn. Tuyệt đối không được tự động ra ngoài hay viết thư về nhà. Ban ngày được dẫn đến phòng riêng đọc sách báo. Có những buổi được cán bộ nói chuyện thời sự , chính trị trong nước và thế giới. Tối thứ bẩy, chủ nhật có một hai người dẫn đi chơi phố, xem phim, xem văn công,văn nghệ. Hai chàng trai “ nhà quê” rất hãnh diện được vào rạp chiếu bóng Tháng Tám ở phố Hàng Bài xem phim truyện, nhớ nhất là phim anh hùng Đổng Tồn Thuỵ  của Trung Quốc, cả phim Bạch Mao nữ, bị địa chủ Hoàng Thế Nhân ức hiếp. Vào cả nhà hát Lớn thành phố xem các vở diễn của đoàn kịch Trung ương. Có đêm xem xong còn được xe cho đi dạo quanh phố phường Hà Nội vào đêm, ăn bát phở nóng mới về nơi nghỉ. “Lên xe xuống ngựa” đàng hoàng, thoải mái. Sướng như tiên. Ông Hải cười cười kể lại.

      Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 6 năm 1960, vừa ăn sáng xong, đang thư thả thưởng thức ám trà ngon thì cán bộ Trung ương Đoàn tới. Anh nói hai người khẩn trương chuẩn bị. Mặc quần áo tề chỉnh, đầu chải mượt rẽ ngôi, áo đeo huy hiệu Đoàn Thanh niên. Khoảng chưa đầy 15 phút đã xong, chúng tôi đi lên hướng Ba Đình. Đến cổng Phủ Chủ tịch xe dừng lại. Hai đồng chí vệ binh nét mặt trang nghiêm đưa ba chúng tôi vào phía trong. Kếu không dám nhìn toà nhà sang trọng, mênh mông, chỉ chăm chắm rảo bước. Đi về hứơng cây đa cổ thụ tôi bỗng nhìn thấy Bác đang ngồi đọc báo bên cạnh gốc cây xà cừ. Cách khoảng năm mét, đồng chí cán bộ đoàn đi theo hai vệ binh ra phía cổng, Kếu và Điền cứ sững người đứng nhìn Bác.

      Bác ngẩng lên hỏi luôn:

      - Có phải cháu Kếu ở Hải Dương, cháu Điền ở Hà Tây không. Hai cháu lại cả đây.

      Chúng tôi xúc động quá, miệng cứ lắp bắp chẳng nói thành lời.

      Bác ôn tồn. Nhìn sang người đàn ông đứng kế bên nói:

      - Đây là chú Kỳ thư ký của Bác. Chú mời hai cháu ngồi xuống ghế, rót nước mời các cháu uống. Bây giờ ba bác cháu ta nói chuyện nhé.

      Bác nhìn sang tôi hỏi:

      - Cháu Kếu văn hoá lớp mấy rồi?

      - Dạ thưa Bác, cháu mới học xong lớp năm bổ túc ạ.

      - Còn cháu Điền, lớp mấy?

      Điền thưa:

      - Cháu lớp bốn ạ.

      Bác nhỏ nhẹ:

      - Giờ Bác cho hai cháu sang Nam Ninh học tập. Nam Ninh là một tỉnh bên Trung Quốc, đang có phong trào cải tiến nông cụ khá rầm rộ, đã sản xuất ra loại máy cấy cầm tay phù hợp với nước ta. Hai cháu sang học tập, tiếp thu kiến thức kỹ thuật của bạn, rồi về phổ biến cho bà con. Thủ tục giấy tờ, hộ chiếu sang bên Nam Ninh, chú Vũ Kỳ sẽ chuẩn bị cho hai cháu.

      Riêng tôi, ông Hải kể tiếp, được Bác gọi vào phòng riêng. Bác đưa cho tôi một lá thư viết bằng chữ Nho. Bác gói cẩn thận, dán liêm phong. Bác cười nói:

      - Đây là cái “bùa”. Bác đưa cho tôi và dặn. Cháu sang Trung Quốc, khi gặp một cán bộ là thư ký riêng của Mao Chủ tịch, nguời ấy sẽ hỏi “Đây là đâu?”. Cháu phải trả lời “Đây là Bắc Kinh”. Chính đồng chí ấy sẽ nhận bức thư của Bác gửi bác Mao. Bác dặn, đồng chí ấy khi gặp cháu trên ngực áo có đeo 5 cánh hoa màu đỏ ở cúc áo thứ ba. Đồng chí đó chính là người sẽ nhận thư. Còn cháu, nhớ đeo huy hiệu Đoàn viên ở túi áo bên trái. Đấy là ký hiệu để người ấy nhận ra cháu.

      Bác Hồ còn hỏi giấy tờ vẫn mang tên là Kếu chứ.  Anh lễ phép thưa. Đỗ Đức Kếu là tên khai sinh. Năm 1957 đã thay tên là Đỗ Trọng Hải. Nhưng bây giờ ở làng người ta vẫn gọi cháu là Kếu thôi ạ. Cháu xin lấy giấy tờ tên Kếu.

       Sau buổi ấy, ngày 24-6-1960 Kếu và Điền lên tàu liên vận sang Trung Quốc.

      Tàu chạy đến Bằng Tường thì cả Kếu và Điền được chuyển sang tàu  của Trung Quốc đến ga Nam Ninh, được bạn đón tiếp long trọng và đưa về địa điểm nghỉ ngơi. Sáng hôm sau  (ngày 25-10-1960) riêng Đỗ Đức Kếu được xe đón đi Bắc Kinh, trên xe ngoài lái xe có một đồng chí phiên dịch và một cán bộ Trung ương Đoàn Trung Quốc. Kếu được bố trí ở một khách sạn sang trọng. Sáng ngày 26 có một người Trung Quốc đến tìm gặp. Kếu nhìn thấy trên ngực áo người đó đeo 5 bông hoa cánh màu đỏ ở cúc áo thứ ba. Đúng như ký hiệu Bác đã dặn. Tuy vậy Kếu vẫn hỏi dồng chí phiên dịch “Liệu có tin cậy không”? Đồng chí phiên dịch nói “Đúng”. Lúc ấy tôi mới tháo “lá bùa” treo trong cổ áo đưa cho người đó. Sau  khi hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất Bác giao cho, tôi được xe đưa trở về Nam Ninh.

      Tấm hộ chiếu năm nào đã thất tán, chỉ duy có chiếc vé tàu còn giữ lại được. Gần 50 năm tờ giấy cũng không còn nguyên vẹn. Chỉ còn một mặt của một mảnh. Đây là chiếc vé bên nước bạn cấp. Bên trái ghi đường đi lượt về, có giá trị 120 ngày, đường sắt Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nơi bán vé: Hà Nội. Ký hiệu:  00335. Đi từ ga Nam Ninh, đến ga Hà Nội. Đi từ 24 tháng 6 năm 1960 đến ngày 22 tháng 10 năm 1960. Số vé 724/ 723, giá tiền là 20 đồng. Phía dưới đóng dấu tròn Bộ Giao thông- Bưu điện, trong là chữ Tổng cục Đường sắt. Đấy là tất cả “bút tích”  còn lại của Đỗ Đức Kếu lần xuất ngoại đầu tiên của cuộc đời.

      Bốn tháng ở Nam Ninh, Kếu và Điền đều rất tích cực học tập. Mày mò tìm tòi bí mật của máy móc. Riêng máy cấy Nam Ninh các bạn hướng dẫn vô cùng chi tiết, từ tác dụng đến thao tác máy. Chiếc máy này có năng suất gấp từ 10  đến 15 cấy tay. Các anh đã nắm rất vững chức năng và thao tác máy khá thành thạo. Sau 120 ngày học tập bên nước bạn, hai thanh niên Việt Nam trở về quê hương với bao dự định bỏng cháy. Trong chuyến tàu đưa Kếu và Điền về, có một toa hàng chở đầy máy cấy Nam Ninh do Mao Chủ tịch gửi tặng Hồ Chủ tịch. Khi về nước, hai anh được điều về công tác ở Xưởng 250, là cơ sở cải tiến nông cụ của miền Bắc lúc đó. Kếu và Điền đã đưa máy cấy Nam Ninh đi thao diễn gần hết các tỉnh đồng bằng  sông Hồng, phổ biến kỹ thuật bảo quản, bảo dưỡng, thao tác máy. Các HTX nông nghiệp rất hoan nghênh sự nhiệt tình, năng nổ của hai chàng trai, hai đoàn viên thanh niên được Bác Hồ trực tiếp gặp gỡ, trao nhiệm vụ.

 

 

 

      Lần thứ ba Đỗ Đức Kếu được gặp Bác cũng vào năm 1960, khi miền Bắc bước vào vụ mùa. Lãnh đạo Xưởng 250 cho xe đưa Điền và Kếu ra ngoại thành, một xã thuộc huyện Từ Liêm Hà Nội. Hai người đến trước một thửa ruộng xấp nước, dưới ruộng đã để sẵn hai cái máy cấy Nam Ninh. Chừng ba mươi phút sau có đoàn ô tô to, ô tô nhỏ đi đến. Và một đoàn người, đông lắm, xuống xe đi bộ ra phía ruộng. Kếu sững sờ vì nhìn thấy Bác nhanh nhẹn bước tới. Bác mặc bộ quần áo nâu giản dị, đi dép cao su, đầu đội mũ cát. Một đồng chí giới thiệu, đây là đoàn đại biểu quốc hội khoá III hôm nay tới xem thao diễn máy cấy Nam Ninh. Điền đứng một máy, Kếu một máy. Đang chuẩn bị thì Kếu bất ngờ thấy Bác xăn quần, bỏ dép lội xuống ruộng, cất tiếng: “Chú Kếu đâu, mang máy cấy ra đây, Bác cháu ta cùng cấy nào”! Kếu vui mừng hướng dẫn Bác tra mạ và điều khiển máy.

      Bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam cũng xăn quần lội ruộng, tươi cười: “Tôi cấy tay, chú Kếu cấy bằng máy, xem ai nhanh hơn ai. Các vị trên bờ làm trọng tài, tính phút giùm tôi”.

Buổi thao diễn thật tưng bừng. Khoảng mươi mười lăm phút, Bác Hồ mới dừng tay. Suốt buổi đứng cạnh Bác, Kếu thấy tim mình cứ đập liên hồi như trống ngũ liên, nhưng hết sức tập trung. Có lúc Bác bảo cứ để mình Bác làm. Bác cười rung chòm râu bạc. Máy ảnh, máy quay phim nhiều lắm. Hình ảnh Bác đang cấy, Kếu đứng bên đã ghi vào khuôn hình.

      Sau buổi “thao diễn lịch sử” trên, Đỗ Đức Kếu được về thăm gia đình. Cả họ, cả làng đến thăm hỏi. Ai cũng mừng vui khôn xiết. Bẵng đi một thời gian, bỗng một hôm chị Cưu chạy về nhà, vừa tới ngõ đã kêu ríu rít: Anh Kếu ơi! Có phải là anh đây không? Thì ra bức ảnh Kếu đang thao diễn máy cấy với Bác Hồ đã được in trên bìa một cuốn sách mỏng về máy cấy Nam Ninh - Trung Quốc.

      Một điều thú vị hơn là, Đoàn Văn công Tả Ngạn đã dàn dựng một hoạt cảnh chèo mang tên “Trăng lên hoa đua nở”, gồm 4 cảnh, nói về cuộc đời của Đỗ Đức Kếu. Từ chuyện gia đình có 35 người bị chết đói năm 1945, chỉ còn lại duy nhất anh Kếu là người “nối dõi tông đường”. Rồi chuyện anh Kếu từ  một chú bé nghèo khổ thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn và Bí thư Thanh niên đầu tiên của xã Phương Hưng. Chuyện anh Kếu cải tiến nông cụ và vinh dự được gặp Bác Hồ… Hoạt cảnh chèo “Trăng lên hoa đua nở” đã được biểu diễn nhiều đêm ở Hải Dương và các tỉnh miền Duyên Hải hồi đó.

       Đến dịp kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch lần thứ 118 năm nay (19-5-1890 - 19-5-2008), xem trên Truyền hình Việt Nam, bộ phim nói về Bác, Đỗ Trọng Hải bất ngờ nhìn thấy bức ảnh hồi năm 1960 đứng bên Bác thao diễn máy cấy Nam Ninh, bức ảnh ghi lại phút giây hạnh phúc nhất của đời mình. Lần mò mãi ông mới tìm thấy bức ảnh trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông cảm động rơi nước mắt.

      Cán bộ bảo tàng đã vui lòng phóng bức ảnh cỡ lớn tặng Đỗ Trọng Hải. Nay trong căn nhà nhỏ ở của ông bà bên dòng mương xóm Tân Lập, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc - Hải Dương, bức ảnh lịch sử đó bày trang trọng trong phòng khách gia đình, trưng đèn xanh đỏ xung quanh sáng suốt ngày đêm ngay kế ban tờ tổ tiên.

      Ai tới thăm, ông Hải cũng tự hào kể câu chuyện 48 năm trước: Đấy, tôi đứng bên Bác đấy. Chỉ có hai Bác cháu mặc bộ nâu thôi nhé. Lúc đó tôi mới 25 tuổi, nay đã 73 rồi... Chắc chắn bức ảnh - niềm tự hào lớn lao dòng họ Đỗ ở Gia Lộc, không chỉ hiện hữu bây giờ mà còn lưu truyền mãi cho thế hệ con cháu mai sau.

Một giấc mơ đẹp giữa chang chói cuộc đời!

 

      ... Và câu chuyện 48 năm sau

 

      Bốn mươi tám năm  kể từ sau lần thứ ba (năm 1960) Đỗ Trọng Hải gặp Bác, được cùng Bác thao diễn máy cấy Nam Ninh trên cánh đồng ngoại ô Hà Nội. Nhà cải tiến nông cụ ấy tạm xa đồng ruộng về làm việc ở Xưởng cơ giới Nông cụ Hà Nội, rồi về Phòng nghiên cứu cải tiến Nông cụ Viện Khoa học- Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Ông làm việc ở cái cơ quan nghe “to tát” này trên thủ đô suốt 19 năm, nghĩa là suốt những tháng năm dồi dào sinh lực sáng tạo nhất của đời người. Đây là điều may mắn hay không may mắn của số phận một anh nông dân thành một cán bộ “nghiên cứu”?

      Ông Hải đã được học lớp Trung cấp Cơ khí (năm 1962); Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Hải Dương (năm 1970), rồi còn học các lớp bồi dưỡng chính trị. Nhưng tất cả “vốn liếng” ấy vẫn không thể gợi mở chân trời của khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Khi chuyện trò với ông tôi không muốn hỏi về thời gian đó nhiều, nhưng tôi có thể hình dung cung cách của một công chức “sáng vác ô đi, tối vác về” chán chường mệt mỏi đến thế nào. Cán bộ Hải bây giờ không còn cái xung lực của anh Kếu những năm xưa. Gắn với ruộng đồng,với cây lúa vườn cây, với nắng mưa giông bão, với cái cày con trâu thân thuộc, với bao lo toan mùa màng, tháng ba ngày tám. Không được ngày ngày hít thở khí trời trong lành, tiếng chó sủa đêm đêm, tiéng gà gáy ran khắp làng trên xóm dưới gọi bình minh dậy, xa cả vị nồng nàn đất đai đánh thức những khát khao... Xuất thân từ nông dân, chính những khát khao “chân quê” mới bừng thức những tìm tòi sáng tạo. Như hiện nay, bao anh nông dân ở châu thổ sông Hồng, ở miền đất đỏ Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long, văn hoá cũng mới lớp 4, lớp 5 như anh Kếu ngày xưa thôi, và cũng như Kếu ngày xưa đã cải tiến bao nông cụ có hiệu quả thiết thực trong sản xuát của người dân quê.  Họ được vinh danh là “ các nhà khoa học chân đất” thời hiện đại. Như  Nguyễn Đức Tâm ở Lâm Đồng cải tiến máy cắt cỏ thành máy cắt lúa. Anh Đào Kim Chính ở xã Cát Nhơn, Phù Cát, Bình Định nổi tiếng vì đã cải tiến thành công chiếc máy gặt lúa FUTU do Nhật Bản chế tạo để phù hơp với đồng đất Việt Nam. Anh nông dân Đào Kim Tường ở Quảng Trị với chiếc máy bóc đậu phộng “Made in Vietnam” phổ biến khắp Bình Định và Tây Nguyên. Anh nông dân Nguyễn Văn Long ấp Thuận Diễn, An Hiệp, Châu Thành, Bến Tre sáng chế ra máy dệt có cách luồn sợi độc đáo. Anh Huỳnh Thái Dương ở xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận với chiếc máy bóc vỏ và tách hạt ngô. Anh nông dân Cao Xuân Dũng ở Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam cải tiến máy đập lúa liên hoàn nay có mặt khắp xứ Quảng, ra cả Nam Định, Quy Nhơn, Tuy Hoà. Mới đây tôi đã sững sờ khi biết anh Trần Công Chức ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh- Quảng Trị có ý tưởng “ điên rồ” làm đập chặn dòng Bến Hải để lấy nước tưới cho đồng ruộng khát cháy của ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Sơn...

      Còn nhiều nhiều những “nhà khoa học chân đất” xuất hiện trên “đất nước ngàn cánh đồng” thân yêu của chúng ta. Dẫn dắt hơi lan man một chút và cũng lan man nghĩ, giả sử hồi ấy Đỗ Trọng Hải không phải điều “lên tỉnh” làm việc nghiên cứu gần 20 năm, cứ để anh Hải hồi đó về lại Phương Hưng, có thể “số phận “đã chuyển hướng khác. Còn ông Hải nghe chuyện chỉ nói, đúng là ở địa phương tôi có thể như các ông ấy. Gắn sự nghiệp của mình với đồng ruộng. Nhưng hồi ấy cấp trên dứt khoát giữ lại. Được giao nhiệm vụ đặc trách đoàn cố vấn đi tăng cưòng cho các tỉnh như Hà Nội, Hải Dưong, Vĩnh Phú, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An… về nông nghiệp. Rồi bị đưa đẩy hết công tác này đến công tác khác, nhiều việc không thích hợp với khả năng của mình, cuối cùng về viện Kỹ thuật nông nghiệp. Công việc cứ cuốn đi đến ngày tôi xin về hưu truớc tuổi. Giá mà... Nhưng cuộc đời đâu lúc nào cũng giá mà, nếu như... Vấn đề là phải vượt lên hoàn cảnh, vượt lên phận số.

      Năm 1989, mặc dù chưa đến tuổi hưu, nhưng Đỗ Trọng Hải đã xin thôi nhiệm, tạm biệt nơi đô thành hoa lệ mà xa lạ về với miền quê yêu dấu. Trước đó vài năm, bà Cưu thức thời hơn đã xin ở nghỉ công việc cán bộ thuỷ lợi huyện về nhà, cái chân ở trạm bơm nhường chỗ cho cô con gái lớn chưa có công ăn việc làm.. Tôi nghĩ đây là bước ngoặt đúng lúc nhất, đúng thời nhất,sáng suốt nhất của hai ông bà. Thế là từ nay hai ông bà mới có điều kiện thường xuyên bên nhau dồn trí lực  đắp bồi cho con cái. Mà có phải ít đâu, “hiếm hoi” có... 6 người con, cả nếp cả tẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi học. Ngổn ngang bao nỗi. Chẳng nhẽ chỉ trông vào mấy sào ruộng, mấy luống rau thì sao đủ sống. Không rơi vào cảnh khổ cực, cay đắng như ông bà năm xưa, nhưng cũng không phải hết nghèo khó nếu con cái lại tiếp tục cuộc đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

 

NSƯT Vũ Hà (còn nữa)

 

 

 __________

     LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: