Thứ bảy, 20/04/2024,


"A, ông Quang Huy là có thật" (23/12/2008) 

     Bắt đầu làm thơ từ năm 19 tuổi, những bài thơ đầu tiên được hoàn thành trong thời gian học tập tại Trung Quốc, nhà thơ Quang Huy đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả với mảng thơ lục bát và rất nhiều những tác phẩm dành cho thiếu nhi… Thế nhưng, chính những đứa trẻ khi đọc, khi học thơ ông rất thích lại không tin ông chính là nhà thơ Quang Huy khi chúng gặp.

 

     Thơ là tính nết, là con người

 

     Nhà thơ Quang Huy có thế mạnh về thơ lục bát. Ông tâm sự, thơ lục bát là thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Nó đi cheo leo trên một sợi dây vô hình giữa một bên là là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài vè nông cạn. Nói về thơ, Quang Huy cho rằng: Một trong những năng lực cần thiết là thơ phải có nhạc tính. Cái âm nhạc ấy làm cho thơ lay động hơn, ký thác hơn trong những tâm trạng không ngừng mới mẻ mà nhà thơ diễn đạt. Điều ấy có lẽ quan trọng hơn sự cố gắng hiện đại hóa của thơ, trên ngôn ngữ xù xì, thô ráp khoa trương và luôn luôn nhảy cóc một cách tùy tiện, vô nghĩa nhiều khi tự nó khó hiểu ngay cả với người viết ra nó. Tuy nhiên thơ phải có nghĩa từ sự tưởng như vô nghĩa, phải có lý từ sự tưởng như phi lý. Và nó bất ngờ đến chiếm tâm hồn người đọc từ lúc nào không biết.

 

     Năm 1960, bài thơ “Sim” của ông đã được giải thưởng thơ của tạp chí văn nghệ cùng các nhà thơ tên tuổi khác như Nguyễn Bính, Ngô Quân Miện, Giang Nam, Ngô Văn Phú…với những câu lục bát rất đỗi mộc mạc:

 

“Nhớ hồi lên chín lên mười

Chiều chiều hai đứa lên đồi hái sim

Anh ngồi đưa nón cho em

Hàm răng tím ngắt màu sim mỉm cười”

                                 (Sim, trích)

 

     Thơ là người, con người ông nhã nhặn, hiền hòa, lịch thiệp, hóm hình nên thơ ông thiên về những vẻ đẹp của tâm hồn con người, của cảnh sắc thiên nhiên được viết một cách trau chuốt, kỹ lưỡng, chữ nghĩa, ý tưởng bay bướm, hào hoa. Trong suốt mấy chục năm cầm bút ông luôn kỹ lưỡng với tất cả những tác phẩm của mình. Và có rất nhiều bài thơ của ông đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Hư vô, Nỗi niềm Thị Nở…

 

     Nhà thơ Quang Huy chỉ cho tôi cuốn sổ tay của ông, trong đó dấu tích của mỗi bài thơ từ khi hình thành đến khi hoàn thiện. Với những gạch bỏ, thêm thắt chằng chịt…có những bài thơ chỉ ông mới biết phải đọc thế nào cho đúng. Nhưng Quang Huy là thế, với ông, thói quen cẩn thận đã có từ khi ông bắt đầu cầm bút làm thơ. Bao giờ ông cũng mang bên mình một cuốn sổ tay để ngay khi có cảm hứng là ghi lại tức thì, chỉ một vài câu thôi nhưng từ đó có thể được cả bài thơ hay chí ít một điều gì đó mang tính xuất thần. Ông cho rằng, chính người viết phải biết nâng niu, gọt giũa những tác phẩm của mình thì mới có được tác phẩm hay và dành được thiện cảm từ phía độc giả. Tôn trọng thơ là tôn trọng độc giả và tôn trọng chính mình.

 

     Ông Quang Huy là có thật

 

     Năm1967, khi nhà thơ Quang Huy đang công tác ở Hội Văn nghệ Nghệ An, ông có tham gia một trại sáng tác cho thiếu nhi, vào thời điểm đó ông bắt đầu viết nhiều cho thiếu nhi. Quyển sách đầu tiên cho thiếu nhi của ông là “Hoa Xuân Tứ”. Đó là một cuốn truyện viết về cậu bé Tứ. Ngay từ dạo lên 5 tuổi, Tứ đã không may bị một tai nạn làm cụt cả hai cánh tay. Vậy mà sau đó, với nghị lực phi thường, em đã tập viết bằng cách cặp quản bút giữa cổ và vai, một kiểu viết rất kỳ lạ và đã theo học rất đều đặn từ lớp vỡ lòng tới lớp 6. Ngoài ra em còn dùng đôi bàn chân làm vô khối công việc mà ai biết cũng đều hết sức thán phục.

 

 

     Cuốn truyện đã được nhận một trong những giải cao nhất của cuộc thi văn học thiếu nhi do T.Ư Đoàn và Hội Nhà văn tổ chức. Ông kể: Tôi còn nhớ mãi cái giải thưởng năm ấy. Giải thưởng nặng tới ngót nghét 20 kg gồm một phong bì tiền mặt khá khiêm tốn và các vật phẩm như chăn len, quần áo may sẵn, xoong nồi nhôm, cốc chén và cả bát đũa nữa; toàn là những hàng viện trợ của Liên Xô! Tôi nhét tất cả vào trong một hộp các - tông và chở lặc lè bằng xe đạp về nhà.

 

     Còn bài thơ đầu tiên cho thiếu nhi của nhà thơ Quang Huy được đăng báo là bài "Ngoan"

 

Trăng ngoan trăng sáng sân nhà

Đèn ngoan đèn thắp cho bà ngồi may

Nước ngoan rửa trắng bàn tay

Lửa ngoan giúp mẹ thổi đầy nồi cơm

Trái ngoan trái chín đỏ vườn

Gió thơm gió quạt hương thơm khắp nhà

Biết nghe lời mẹ lời cha

Làm nghìn việc tốt gọi là bé ngoan”

 

     Bài thơ này sau đó được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhưng đã từ rất lâu và sau nhiều lần tái bản bây giờ không còn giữ trong SGK nữa.

 

     Mảng văn học viết cho thiếu nhi của nhà thơ Quang Huy, so với cả sự nghiệp thơ của ông là không nhiều nhưng lại mang đến cho ông khá nhiều thành công và cả những kỷ niệm vui đáng nhớ. Chẳng là, các cháu ông khi đi học gặp những sáng tác của ông mình thì hãnh diện lắm.Chúng đem khoe với bạn bè cùng lớp rằng “Bài thơ này là bài thơ của ông tớ đấy!”. Ấy vậy mà bạn nó không tin và còn cho rằng “Ông bạn thì làm sao làm được những bài thơ như thế, tác giả của bài thơ này chắc phải giống như một ông tiên ông bụt nào đó và ở đâu đó xa lắm như là bên nước ngoài cơ…”. Các cháu của nhà thơ Quang Huy nghe thế thì ức lắm vì rõ ràng đó là bài của ông mình vậy mà bạn bè lại nhất định không chịu tin nên về nhà bảo với ông “Ông cho cháu một chữ ký để cháu mang đến lớp cho bạn cháu biết là có ông thật”. Nhưng rồi khi nó mang chữ ký đó đến lớp bạn bè vẫn không tin, bạn nó cho rằng nó mạo chữ ký để dối bạn bè, rằng “mày ký nhăng cũng được chứ đó không phải chứ ký của nhà thơ”. Chẳng còn cách nào khác là dẫn bạn đến tận nhà…

 

     Nhà thơ Quang Huy kể: “Vậy là có hôm chúng kéo bốn năm đứa đến cổng nhà “rình” xem có đúng ông Quang Huy là có thật không. Rất nhiều lần như thế rồi…khi chúng gặp chính xác và biết đúng tôi là Quang Huy chúng mới ồ lên “A! ông Quang Huy là có thật”. Trẻ con chúng cứ cho rằng, nhà thơ phải là những người thần thánh lắm, chứ không thể là những người bằng da bằng thịt vẫn đi đi lại lại ngoài đời thường được.”

 

     Nhà thơ Quang Huy là có thật, và những tác phẩm của ông còn đang đồng hành cũng mỗi thế hệ học sinh!

Yên Khương

( Nguồn Thể thao & Văn hóa )

----------------------------

Chú thích ảnh:

- Ảnh trên: Nhà thơ Quang Huy và cháu nội

- Ảnh dưới: Vợ chồng nhà thơ Quang Huy

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Dũng Lê - trungdungvyvp@ gmail.com - 0982281529 - Vĩnh yên Vĩnh phúc  (Ngày 28/06/2019 16:20:17)

Tôi thích bài thơ SIM của nhà thơ Quang Huy từ khi tôi là đứa trẻ mới học cấp1 Nhưng thời đó chỉ thuôc thơ ( học truyền khẩu) chứ không biết tác giả là ai Rất tiếc gần đây
Tôi thấy có người lấy bài thơ SIM của nhà thơ Quang Huy ( sửa vài từ , thay tựa đề)
Ghi tên mình là tác giả của bài thơ đó
Tôi thấy gai gai vì họ " ăn cắp" trắng trợn chứ không gọi là " đạo" thơ nữa
"Nhà thơ Quang Huy là có thật " Sao không thấy ông lên tiếng Mà nhà xuât bản nọ vẫn duyệt bài cho người kia đăng bài của Quang Huy là sao Hay có thay đổi luật mới mà tôi không được biết

Các bài khác: