Thứ sáu, 19/04/2024,


Đỗ Trọng Hải - Người Ba lần được gặp Bác Hồ và chuyện đời sau gần nửa thế kỷ (21/12/2008) 

                                                     

     Tiếng vỗ tay lại nổ như sấm. Tiếng hô Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm vang lên như vỡ cả hội truờng. Lúc đứng bên Bác Đỗ Đức Kếu như người trong mơ. Anh chỉ biết nhìn Bác, rưng rưng. Nghe lời Bác khen “cháu Kếu đã biết vận dụng kỹ thuật vào thực tiễn” Kếu như không tin vào tai mình. Quá khứ đói nghèo, cay cực thuở nào. Thân phận thằng ở khốn khổ năm nao bỗng ùa tràn. Thế mà hôm nay Kếu được nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu, được đứng gần Bác, được Bác vỗ vai động viên, được Bác nhắc tên. Lúc nghe lời Bác căn dặn Kếu tự nhủ, cháu sẽ đóng góp hết mình cho đất nước, cho nhân dân. Còn cứ thảng thốt, đây là thật hay mơ, mơ hay thật!”…

       Đỗ Trọng Hải đã có tới ba lần được gặp Bác như thế. Không phải chỉ được đứng gần, mà còn được Người trực tiếp giao nhiệm vụ, được chuyện trò với Bác, nắm bàn tay ấm áp của lãnh tụ, gần gụi Bác. Đấy là vào năm 1960 khi chàng trai Đỗ Trọng Hải mới 25 tuổi, còn gọi theo tên khai sinh- Đỗ Đức Kếu. Từ đứa trẻ mồ côi “thời xa vắng” đã thành một Bí thư Thanh niên tài ba

 

      Cậu bé Kếu cất tiếng khóc chào đời năm 1935 trong căn lều mái rạ nơi quê nghèo vùng đồng chiêm trũng, thôn Chằm, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Đời ông bà nội của bé Kếu kiếm sống quanh năm ở mom sông. Tiếng là nghề chài lưới nhưng thực chất là đánh rậm, mò cua bắt ốc sống qua ngày đoạn tháng, với 7 người con nheo nhóc trong cái gọi là nhà, chứ thực là túp lều vách đất mái rạ. Bố Kếu, ông Đỗ Đức Ngỗng, là con trai thứ tư của gia đình. Đời cơ cực không kể đâu cho xiết. Rồi ông Ngỗng lấy vợ, bà Bùi Thị Sơ, lại sống chui rúc trong căn nhà mái rạ, ngày ngày bêu nắng ven sông kiếm con cá con tôm nuôi ba đứa con, hai con trai đầu và cô con gái út. Đứa con trai cả đặt tên là Kếu, gọi là Kếu lớn, phân biệt với thằng em cũng tên Kếu (Đỗ Đức Kếu), gọi là Kếu em. Con gái út đặt tên là Cạc. Bố mẹ nơi quê nghèo đặt tên con nôm na xấu xí để tránh tai hoạ. Cay cực đến thế mà trời cũng chẳng thương cho.

      Năm Ất Dậu (1945), dân ta bị chết đói khủng khiếp. Ngay thị xã Hải Dương hồi đó, mỗi buổi sáng có tới hàng chục chiếc xe ba gác đi nhặt xác người chết nằm rải rác khắp đầu đường xó chợ. Ông bố bé Kếu cũng chết đói năm ấy. Đau xót thay, năm sau, người mẹ tần tảo chịu thương chịu khó lâm bệnh, chết lả cũng vì đói khát khổ nghèo. Kếu lúc đó mới 11 tuổi đầu, người còi cọc chỉ biết lay khóc khản hơi gọi mẹ nằm trên chõng tre mà mẹ chẳng trở dậy cho. Mẹ ơi, mẹ ơi… Tiếng khóc ngẹn đắng giữa trời chiều tối sầm đầy giông bão. Từ đó ba anh em rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cầu bất cầu bơ chẳng biết bấu víu vào đâu. Cô Cạc bé nhất được bà dì ruột mang đến nhà thờ đạo cưu mang. Bà dì chết, còn bé Cạc mất tích, đến nay vẫn bặt vô âm tín. Giờ đây gia đình làm ăn khá giả, mỗi bữa ăn ngon lại nhớ đến người em gái không biết còn sống hay chết. Tội nghiệp quá em ơi. Cha mẹ chỉ sinh có ba anh em. Bác cả đã mất. Còn em. Em đang ở nơi nao. Còn sống hãy về quê mình, về với anh chị, với các cháu. Quê ta đã thay đổi nhiều lắm rồi, đường trải nhựa thênh thang, nhà nhà cao tầng dãy ngang dãy dọc nguy nga, gia cảnh nhà ta cũng khác xưa nhiều lắm, thế mà vắng em. Cạc ơi, em còn sống hay đã mất. Còn sống hãy về với  anh chị Kếu của em. Đang ăn bỗng nghẹn lòng, nước mắt lặng lẽ rơi tràn gò má...

 

Vợ chồng ông bà Đỗ Trọng Hải (tức Kếu) - Nguyễn Thị Cưu.

 

      Trở về những năm tháng cay đắng xa xưa ấy, bé Kếu mới 11 tuổi. Phải sống, bằng bất cứ giá nào! Kếu lớn suốt ngày lang thang ven sông. Kếu em thui thủi ngoài chợ làng. Quê nghèo cái chợ cũng nghèo. Bánh đa bánh đúc, củ khoai củ ráy, nắm rau nắm cỏ, hoạ hoằn ngày phiên mới nhìn thấy con gà con qué gầy nhom... Kếu tha thẩn, nhặt cái gì ăn được là cho vào mồm. Chợ lèo tèo xơ xác, ăn mày ăn xin có khi còn đông hơn người đi chợ. Nhiều hôm đám ăn xin tranh nhau bắp ngô luộc người ta ăn dở bỏ đi, đánh nhau chí chết. Có lần cả đám ăn mày kiếm được một rổ đỗ, vội vã đem luộc, tranh nhau ăn. Vì quá đói, ăn vội ăn vàng đến căng cả bụng. Tám đứa chết vì bội thực. Bé Kếu nhỏ nhất, ăn chẳng được bao nhiêu, may mắn thoát chết. Không ít ngày trời sập tối về nhà bụng vẫn đói meo. Nghĩ cảnh ăn xin ngoài chợ mãi thì có ngày chết đói, Kếu lần mò xin đi ở cho nhà ông Lý Liễu. Kếu phải cắt cỏ, chăn trâu, làm mọi việc vặt trong nhà. Thượng vàng hạ cám, việc gì cũng đến tay. Nhiều khi không mở được mắt. Thế mà chẳng trụ được lâu. Một lần bị bà Lý đánh đập vô cớ, Kếu bỏ đi. Lại tiếp tục đi ở. Đi ở cho những người họ hàng, hết nhà này đến nhà khác. Ba nhà cả thẩy. Vẫn chăn trâu cắt cỏ, vẫn đầu tắt mặt  tối. Vẫn ăn không đủ no. Có bữa đói quá, phải ăn vụng cả giải khoai luộc của lợn. Chui vào chuồng gà cũng không thoát thân, bị đánh “ lên bờ xuống ruộng”...

       Kháng chiến bùng nổ. Gia Lộc Hải Dương biến thành vùng tề. Tháng 1 năm 1950  Kếu được đích thân xã đội truởng Tuỳ giao làm quân báo cho xã đội. Nhanh nhẹn, tháo vát lại có trí nhớ tốt, Kếu được làm tổ trưởng tổ sáu người. Nhiệm vụ là vẽ sa bàn đồn bốt địch. Cụ thể là bốt Giỗ. Thu thập tin tức hàng ngày. Bao nhiêu lính Tây đen, Tây trắng, súng ống ra sao, quy luật hoạt động của chúng ra sao. Lô cốt có bao lỗ châu mai, kích thước thế nào. Rất chi là cụ thể tỉ mỉ. Thế rồi Kếu được chuyển lên làm du kích, cầm súng đánh giặc chống càn, phá tề, giải vây Bốt Bái. Tham gia chặn đánh quân giặc tại chợ Cuối, đánh tan đồn bốt của địch, vận động lính Pháp ra hàng. Kếu nhiều lần được chỉ huy khen ngợi vì những đóng góp cho phong trào. Chính thời gian này Kếu đã xoá nạn mù chữ cho chính mình. Hồi đi ở, chỉ học lỏm ngoài cửa sổ lớp học trường làng. Võ vẽ được dăm ba chữ cái. Giờ đây học của anh em đã đọc thông viết thạo. Kếu thực sự trưởng thành, chững chạc, là một thanh niên được tín nhiệm, tin cậy, yêu mến.

      Hoà bình lập lại (năm 1954) Đỗ Đức Kếu được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi đoàn thôn Chằm, xã Phương Hưng, một thôn có đến 86 đoàn viên. Một trang mới mở ra cho cuộc đời  người thanh niên nhiệt tình cách mạng ấy. Kếu dường như hoạt động suốt ngày đêm.Khác hẳn thời đi ở đợ trước kia. Nay làm việc cho làng cho xóm. Sức trẻ làm không biết mệt. Vừa vận động, tuyên truyền, Kếu vừa gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Chi đoàn thôn Chằm chẳng mấy đã nổi tiếng toàn xã trong phong trào làm phân xanh và bèo hoa dâu, phong trào học bổ túc văn hoá và xây dựng đội văn nghệ. Bí thư chi đoàn Đỗ Đức Kếu được bầu là Đại biểu đi dự hội nghị thi đua ở huyện, ở tỉnh, được tuyên dương là Thanh niên tiêu biểu.

      Năm 1958, Nghĩa Hưng chia thành hai xã: xã Phương Hưng (gồm bốn thôn: thôn Chằm, thôn Ngà, thôn Tó, thôn Phương Điếm), xã Nghĩa Hưng (gồm ba thôn: thôn Đức Đại, thôn Bung, thôn Hội Xuyên). Đỗ Đức Kếu được tín nhiệm làm phó Chủ tịch xã Nghĩa Hưng. Cuối năm 1958 được bầu là Bí thư chi đoàn xã Phương Hưng với 1.002 đoàn viên, thanh niên, ban chấp hành sáu người, 4 nam 2 nữ, hoạt động rất đều tay. Người Bí thư chi đoàn đầu tiên của xã như có sinh lực mới, sức sống mới, thực sự là đầu tàu cho cả phong trào của tuổi trẻ Phương Hưng những năm tháng đầu tiên sôi nổi xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Đảng uỷ mạnh dạn giao cho chi đoàn thanh niên là “mũi nhọn” trong công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp, cải tiến nông cụ. Kếu thay mặt các bạn mạnh dạn nhận trách nhiệm Đảng giao. Ngay từ những năm đó, Đỗ Đức Kếu đã nhuần thấm lời Bác dạy thanh niên: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Lời Bác  không chỉ là  châm ngôn hành động của Kếu thời trẻ mà còn theo suốt cuộc đời, nhất là vào thời gian sau này, khi phải đối mặt với khó khăn, thách thức của cuộc sống, nhất là vượt lên đói nghèo làm giàu chân chính cho gia đình, hướng đạo cho sáu người con làm ăn, lập nghiệp lập thân, trong đó có những anh con trai thành đạt trên thương trường, làm rạng danh dòng họ, là niềm tự hào của quê hương mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần cuối truyện.

 

Ông bà Đỗ Trọng Hải - Nguyễn Thị Cưu hạnh phúc bên con cháu.

 

      Cải tiến nông cụ. Một phong trào được dấy lên. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đấy là cả một vấn đề. Không đơn thuần là kỹ thuật mà là vấn đề của nhận thức, của thay đổi một tư duy. Tư duy của người dân quê truyền đời bao thế hệ của “xứ sở  ngàn cánh đồng”, suốt đời lăn lóc với đất đai, với cảnh muôn thuở con trâu đi trước cái cày theo sau. Cày đây là cái cày chìa vôi. Ôi, cái cày chìa vôi. Không biết có mặt trên mảnh ruộng đất nước này từ bao giờ, từ thưở “khai sinh lập địa”, thời vua Hùng mấy ngàn năm, thời khẩn hoang làm ra nền “ văn minh lúa nước” chăng? Chỉ biết cày chìa vôi có lưỡi nhọn, diệp nhỏ, thân cày giống hình cái chìa vôi bà ta, mẹ ta thường dùng, nhỏ xíu mỗi khi thư thả chuẩn bị ăn một miếng trầu bỏm bẻm lúc sáng sớm hay buổi chiều tà... Cái cày chìa vôi gắn bó với người dân quê khi vào vụ, nào là cày vỡ, cày xóc ngang, cày mò, cày ngả, cày rang, cày úp... đều có mặt cày chìa vôi. Nay thanh niên Phương Hưng, trực tiếp là bí thư chi đoàn Đỗ Đức Kếu cải tiến thành cày 51, cũng cày, diệp cày, mà thân cày đổi khác. Táo tợn hơn còn cải tiến cái bừa chữ Nhi (chữ Hán), có một hàng răng dài, nhọn, thành bừa đĩa để trâu kéo. Loại bừa này khác với  bừa ghim, bừa lia... Và sáng chế ra cả máy gặt cầm tay có hai lưỡi gặt lúa có năng suất cao... Những năm 1958- 1959, mặc dù “phấn khởi này a”, câu hát chèo quen thuộc ngân lên ở các sân khấu quần chúng, nhưng tinh thần không thể thay đổi nếp nghĩ, nếp sống, nhất là nếp cày cấy đã thâm căn cố đế “con trâu đi trước cái cày theo sau”, là bán mặt cho đất bán lưng cho trời trong đầu óc người nông dân. Làm sao thay đổi dù là nhỏ thôi một cái nhìn. Không gì bằng thực tế, mắt thấy, tai nghe. Bí thư Kếu bàn với chi đoàn tổ chức nhiều cuộc thao diễn. Anh cũng là người trực tiếp đầu tiên xuống ruộng thử nghiệm. Bà con ngồi kín cả đầu bờ xem đám trẻ làm. Ô, sao cày 51 nhẹ thế, trâu cứ đi xăm xăm. Cày bén, gọn luống mà tay cầm không phải chịu ghì như cày chìa vôi. Ban tổ chức đã mời đông đủ cán bộ huyện và Bí thư Thanh niên các xã trên địa bàn huyện cùng dự “Hội nghị đầu bờ” rất sôi nổi.  Bà con, kể cả người khó tính nhất, đều cười hể hả, khen lũ trẻ thế mà giỏi, thế mà tài. Qua cuộc thao diễn thành công ấy, chỉ trong 6 tháng, cả làng, cả xã đều làm theo cách mới, với cày 51 trăm phần trăm. Cả huyện Gia Lộc – Hải Dương cũng bừng bừng khí thế.

      Nhưng có lẽ không ai “sướng âm ỉ” bằng Đỗ Đức Kếu. Cứ ra khỏi ngõ là có người hỏi han, là có người chào mời, là chạm ánh mắt lấp lánh của bà con chòm xóm, nhất là các bạn trẻ, trong đó không ít các cô gái làng. Thế mà không hiểu cơ duyên nào cô Cưu lại “lọt mắt xanh” chàng bí thư giỏi giang, đẹp trai.

      Giờ đây, hai ông bà đã đều sang tuổi “ xưa nay hiếm”, con đàn cháu đống rồi, hỏi, ông bà chỉ cười. Bà Cưu bảo. Hai nhà chúng tôi ở gần nhau, sát bờ rào. Từ bé “hai đứa “ đã biết nhau. Lớn lên thành thiếu nữ, là chàng trai vẫn đằm thắm tình cảm. Còn ông thì nheo nheo cười, hóm hỉnh. Bà ấy là “người hàng xóm”, ở cạnh nhà tôi, “cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn”. Bà cười hồn hậu. Hoa chanh nở giữa vườn chanh, thày u mình với chúng mình chân quê... Mối tình “chân quê” của anh Kếu, cô Cưu cách đây gần nửa thế kỷ vẫn như thuở nào, đằm thắm, tình tứ. Chỉ khác thời tuổi trẻ, tình xưa nay càng nặng nghĩa tào khang. Vào bữa ông gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn mời ông, giữa đám con cháu mà cứ “em ăn đi”, rồi “anh ăn đi”. Bọn trẻ cười ngặt nghẽo. Thật hạnh phúc. Không hạnh phúc sao được, từ kiếp nghèo khó con sen thằng ở, nay ông bà đã có thể ngẩng cao đầu với thiên hạ bởi cuộc sống đủ đầy, đại gia đình có tới 23 con cháu, có những người con làm rạng danh dòng họ Đỗ ở Gia Lộc, cho cả quê hương, đất nước. Điều này sẽ đề cập phần sau trong chuyện “Cuộc đời tôi” của Đỗ Trọng Hải. Một cuộc đời như mọi  cuộc đời, nhưng lại hiếm thấy, nhất là vinh dự ba lần được gặp Bác.

 

NSƯT Vũ Hà (còn nữa)

 

_____________

     LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

        

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: