Những bài hát trong phim "Những nẻo đường phù sa", "Dòng sông không trở lại" đã vượt ra ngoài khuôn khổ bộ phim để làm nên thương hiệu riêng cho nhạc sĩ Bảo Phúc. Với vẻ bên ngoài hiền lành, giọng nói rủ rỉ và nụ cười cởi mở, người đàn ông này khiến phía đối diện cảm giác như được gặp một người bạn cũ lâu năm. Nhưng tiếp xúc lâu hơn một chút mới thấy anh là người rất hài hước, hóm hỉnh. Bỏ lại sau lưng những vất vả của ngày tháng cơ hàn, vào độ chín của tài năng, người nhạc sĩ phối khí hàng đầu của Việt
Nhạc sĩ Bảo Phúc sinh ra trong một gia đình có tiếng. Cha là nhạc sĩ Vĩnh Phan, tước hiệu Ðinh hầu, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ truyền; mẹ là nghệ sĩ Bích Liễu, một giọng ca chầu văn nổi tiếng trong dòng nhạc cung đình Huế. Cha truyền con nối, anh em ông - nhạc sĩ Bảo Chấn, Bảo Kình - đều là những người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc. Theo truyền thống gia đình, Bảo Phúc học nhạc dân tộc, nhưng anh tỏ rõ năng khiếu âm nhạc khi thể hiện được nhiều nhạc cụ từ đàn tranh, bầu, kìm, đá đến piano, guitare...
Anh cho biết: "Thời Mỹ-ngụy, ai học nhạc dân tộc được miễn quân dịch bốn năm, nên anh học rất nhiều nhạc cụ và kiến thức đó rất hữu ích cho sự nghiệp âm nhạc của anh sau này". Rồi khi biến cố ập tới, gia đình anh cũng như bao gia đình thời đó, lâm vào hoàn cảnh nghèo túng. Cha mẹ anh vốn không dành dụm gì, nên cuộc sống khó khăn càng khó khăn hơn. Bảo Phúc đã phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống: bán báo, phụ mẹ bán chè, bánh bột lọc...
Ðể giải quyết những khó khăn của mình, anh bắt đầu tham gia những buổi chơi nhạc cho các cuộc liên hoan, đám cưới, hội nghị... Thù lao buổi diễn được quy thành lương khô, kem đánh răng, mì chính... Giờ đây, khi nhìn lại quãng thời gian đó, anh cảm thấy biết ơn những năm tháng khó khăn vì nó đã giúp anh hiểu sâu sắc về đời người. "Tôi nghĩ, một nhạc sĩ vào đời trên nhung lụa sẽ khó tiến xa" - anh tâm sự.
Ngoài tài năng về âm nhạc, Bảo Phúc còn có một khả năng thiên bẩm về hội họa, từng đoạt giải nhất hội họa toàn quốc năm 10 tuổi và giải ba thế giới với 104 nước tham gia. Bất ngờ tai nạn đã khiến anh hỏng một mắt, ý định trở thành họa sĩ của anh đã phải gác lại. Nhưng khả năng về hội họa đã gắn kết tình bạn giữa anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người tài hoa về nhạc cũng như họa. Những buổi trò chuyện tâm giao với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giúp anh hiểu rõ hơn về những thủ pháp sáng tạo thông qua hội họa, điển hình là lối vẽ thủy mặc.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã truyền cho Bảo Phúc về phong cách phối khí. Và điều thú vị nhất là anh đã hòa âm phối khí hơn 400 ca khúc trong số 650 ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh, cung cấp cho các hãng băng đĩa. Ngoài ra, điều quan trọng nhất mà nhạc sĩ Bảo Phúc học được ở người nhạc sĩ tài hoa là ảnh hưởng bởi lối sống.
Trịnh Công Sơn có thể nuốt vào lòng một nỗi đắng cay để sau đó hồn hậu nở một nụ cười nhân ái với mọi người. Chính vì thế mà Bảo Phúc biết bình thản trước những biến cố, bởi cuộc đời này quá ngắn ngủi cho những căm ghét và oán thù, và bởi ngày mai có thể ta sẽ không còn gặp lại người làm ta phiền lòng nữa!
Nhạc sĩ Bảo Phúc đến với ngành phối khí bởi thấy rằng đó là một mảnh đất còn hoang sơ và có quá nhiều thứ để khai thác. Sau khi đi sâu vào phối khí, nhạc sĩ lại thích đi vào những lĩnh vực khó hơn, như nhạc múa, nhạc phim, những ngành gọi chung là khí nhạc. Với nhạc phim, anh hứng thú hơn vì với mỗi bộ phim có nội dung khác nhau nên buộc phải làm nhạc theo những hướng khác nhau, do vậy anh có cơ hội thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Theo anh, âm nhạc đóng góp rất nhiều trong việc tạo hiệu quả cho một bộ phim hay, âm nhạc thành công là bộ phim đã thành công một nửa, nhưng ở nước ta hiện nay, vai trò của công việc này chưa được đánh giá đúng với giá trị của nó.
Là người say mê công việc, anh có thể ngồi suốt 12 tiếng trong phòng thu, một tháng có thể viết hòa âm một hơi 40 ca khúc và có thể nhận nhiều chương trình biểu diễn một lúc mà không bị kiệt sức hay "hụt hơi". Với anh, phía trước luôn là những dự định, bởi hạnh phúc nào hơn khi ta được khám phá những giây phút "phát sáng" của chính mình!
HOÀNG VŨ
(Báo Nhân Dân)