Thứ bảy, 20/04/2024,


"Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao" (19/12/2008) 

         "Họ là những số phận lạ kỳ, đã dành cái chết làm nên một lời nhắn nhủ. Họ là người tài nên lời nhắn nhủ cũng không nên bỏ ngoài tai: Ở kiếp nào thế nào không cần biết, cũng không thể biết được; nhưng đang là kiếp người thì hãy làm người, làm cho tử tế, cũng không dễ đâu".

         Xin mượn một câu của cố nhà thơ Trần Quốc Thực để làm tựa cho bài viết mà chúng tôi lấy từ nguồn vanchinh.net. Bài viết khiến cho người đọc cứ ám ảnh không yên. Nhất là vào những ngày cuối năm này...

 

Tháng Sáu giỗ Văn, tháng Tám giỗ Lâm
Tháng Bẩy Duật làm thơ hoả thiêu cho một người đang sống
Giỗ chạp quá lòng ta thành oản chuối
Gõ phím nào cũng hương khói vòng quanh

 

          Trong những ngày làm tuyển tập Thơ Phạm Tiến Duật cho kịp có sách trước khi bạn về Trời, Nguyễn Khắc Phục không mấy hôm không đọc những câu thơ trên đây. Thơ của Phục nhưng nỗi ai oán, nỗi ấm ức trong ấy thì không của riêng ai: sao năm nay, năm Đinh Hợi không biết là năm gì mà lại có nhiều nhà văn nhà thơ rủ nhau đi như thế? Vậy mà rồi ngay sau đấy là nhà thơ Vũ Cao, Chính Hữu còn gần như là cùng dắt tay nhau mà lững thững về đất. Nhưng cũng đã hết đâu, ngày cuối cùng của năm 2007 vẫn còn một nhà thơ nữa, nhà thơ Trần Quốc Thực lại âm thầm bỏ vợ bỏ con bỏ bè bạn mà âm thầm đi.

 

           Không chỉ nhiều về số lượng. Cái chết còn lấy đi của văn đàn quá nhiều tài năng không dễ gì thay thế vào cái chỗ trống mà phong cách của họ để lại: Kim Lân, Hữu Mai, Phan Cự Đệ, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Trịnh Thanh Sơn, Trần Quốc Thực… Lấy đi nhiều trong cái phạm trù bao giờ và ở đâu cũng chỉ là số ít, ấy là tài năng, bảo không đau xót, không giật mình sao được. Hôm đưa tang Phạm Tiến Duật, tôi thấy Đỗ Chu ngậm ngùi, lần đầu tiên tôi thấy ông ngậm ngùi: "Nó đã vỗ vai đến lứa chống Mỹ chúng ta. Nó tỉa dần, tỉa dần cho đến lúc vãn cũng chẳng mấy chốc".

 

Nhiều văn nghệ sĩ trong bức ảnh này đã trở thành "Những người muôn năm cũ".

 

Đỗ Chu là một kiểu thánh phán không cần ốp đồng, có thể phán mọi điều nghịch lý trở nên có lý một cách giản dị. Mong sao lần này ông nhận định sai, hay nếu cứ phải đúng thì hẵng cứ đúng chầm chậm. Không hay hớm gì, không báu bở gì cái sự chết mà lũ lượt kéo nhau đi vội vã như cái năm Đinh Hợi vừa rồi.

 

Trong khi Đỗ Chu khào khào phán bảo, tôi vẫn không dứt nổi một câu hỏi không có câu giả nhời: Bốn mươi năm trước, Phạm Tiến Duật được cả nước yêu mến, tranh cãi nhau ai yêu quý Duật hơn ai, tôi từng chứng kiến Lê Huy Quang và Chu Hoạch đánh nhau theo nghĩa đen vì, theo chỗ anh nọ bảo anh kia mày cứ suốt ngày Duật Duật, kỳ thực cả hai đều yêu quý Duật. Một người như thế, từng lĩnh xướng cho cả một thế hệ đồng ca-suy cho cùng, khi cả nước chuyền tay nhau đọc Vầng trăng quầng lửa là một dạng đồng ca chứ còn là gì; vậy rồi mươi năm sau (1978), trên cánh đồi dứa của nông trường Ba Vì lại phải nhớ đồng ca; đã phải nằn nì hỏi cái áo của cô thanh niên xung phong phơi trên dây thép trong khi cô đang tất tả ngoài nương đồi:

 

Áo có quen anh không, áo có nhớ anh không?

 

Nhưng đó chưa phải tận cùng của cô đơn, tuy sau này Phạm Tiến Duật chua dưới bài thơ rằng đến cô vợ cũng không hát cùng mình. Tận độ của cô đơn phải là khi ông nhìn Cây tháp nước bỏ hoang ở phường Trung Tự, nơi có căn hộ của ông. Tôi nói tận độ cô đơn là nói cái chỗ nó không còn cam chịu là loài gậm nhấm, nó đã biến hoá thành vật thể hung dữ có sức mạnh huỷ diệt cả quầng, cả tảng:


Giá em cứ ở xa nơi cuối bãi đầu ghềnh
Như cây tháp hoang giữa đảo hoang nào đó
Em lại cứ hiện hình ở giữa phường Trung Tự
Đã có khi đi, lại đập vào mắt cả khi về

 

Một số văn nghệ sĩ tại nhà riêng của nhà thơ Hoàng Cầm.

 

            Sẽ hãi hùng biết bao, nếu trong những ngày thiêm thiếp đi, Phạm Tiến Duật không có những bạn bè hết lòng. Có lẽ nỗi sợ cái chết nó cũng na ná như ông từng cảm thấy và, một lần nữa tôi tái khẳng định câu thơ dẫn sau đây có giá trị bổ sung thịnh Đường:

            Phần nào của người nóng lên đến chóng mặt

           Phần nào của người lạnh ra thế, người ơi

 

Nhà thơ Vũ Cao người cao lớn, ông được sinh ra có nhẽ vì tạo hoá muốn có một vị tướng cầm quân. Ấy vậy mà ông lại cứ lững thững đi giữa làng thơ mà cười khà khà. Tôi cũng không hiểu nổi, nom ông hiền thế, hồn nhiên thế mà lại có thể làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi quần anh tụ hội, mà làm rất lâu năm. Nhưng hoá ra tôi nhầm và số phận có lý. Ông đã lấy cái tình mà cảm hoá tài tật, như trong thơ, ông đã bí ẩn hoá sự chung thuỷ và đẩy nó, chôn nó vào miếu huyệt lòng người:

 

Mấy năm cô ấy làm du kích
            Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng

 

Núi đôi còn đó làm tiếng cồng chiêu hồn cho mất mát và thương đau trầm tích. Và như vậy, Vũ Cao sẽ còn dù tết này ông vắng mặt trên thế gian


            Thế hệ chúng tôi không được nhìn thấy cụ Phán Men - biệt danh của cụ Nguyễn Văn Tố - Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nền cộng hoà non trẻ, người chuyên men tường mà đi để khỏi va vào ai, khỏi choán lối của ai. Nhưng khi nghe kể về cụ Tố, chúng tôi lại có ngay hình ảnh men tường trong tâm trí, ấy là nhà thơ Chính Hữu mà tài hoa phải kể ở hàng bậc nhất trong số các nhà thơ đương đại. Ấy là tính người. Còn thơ thì Đồng chí đột ngột trỗi vượt lên khỏi nền cảm xúc có phần yếm thế và cá nhân của Thơ Mới, nó sừng sững gân guốc một mỹ cảm hào hùng của những con dân đi cứu nước khi đất nước lâm nguy; nó còn là một lối thơ lạ hẳn để rồi, cùng với Nhớ của Hồng Nguyên, Ngọn gió Tuy Hoà của Trần Mai Ninh, Chiến sỹ của Nguyễn Đình Thi phác nên diện mạo mới của thơ Việt hiện đại. Hình tượng đầu súng trăng treo đặt cạnh Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu vẫn sừng sững bẩy tám trăm năm nay cũng không hổ thẹn. Trong đám tang ông Chính Hữu, tôi cứ tha thẩn nghĩ, khéo mà câu "ra người thiên cổ" không phải đặt vào đâu, vào ai cũng ổn. Nghĩ thế, nên tôi đã nán lại để nhìn gương mặt bất động một lần nữa, lần cuối cùng. Không phải thời nào cũng dễ có một Chính Hữu để mà chiêm ngưỡng.

 

Thời bây giờ cái ăn không thiếu, thuốc men cũng vậy nên cái chết ở tuổi 60 như Trịnh Thanh Sơn, như Trần Quốc Thực được coi là vắn số. Sơn tuổi Mậu Tý, quyết liệt yêu, quyết liệt làm người. Như vậy cuộc đời ông là một quá trình hoá giải nghịch lý ẩn tàng trong tính nết. Thấy con gái đẹp thì yêu, yêu chết thôi nhưng vẫn gồng gánh vợ con từ quê ra Hà Nội, lo cho tròn vẹn; lo cho vợ con yên ấm nhưng vẫn không chừa yêu. Hoá giải xong thì ung thư. Lại ung thư vòm họng là một bộ phận khoẻ mạnh nhất trong cơ thể Sơn, lạ thế. Có người bảo Sơn bị bạo bệnh vì uống rượu nhiều quá, chai 65 uống cạn, uống khan. Nhưng không có rượu thì lấy cái gì mà trợ sức cho những bước liều mình mà băng qua ghềnh thác, cho những phút yếu lòng nhìn ngang trái đỡ ghê? Vả lại, rượu dù chưng cất thế nào cũng còn có cắn. Cắn của những ly rượu Sơn đã uống bỗng một hôm hoá thành câu thơ để đời: Ta ngồi rót biển vào chai. Tôi đọc câu thơ, thấy mằn mặn ly trần gian, thấy nhân nhẩn đắng ly làm người.

 

Bài Tiễn mà bạn sẽ đọc dưới đây Trần Quốc Thực đã viết, đã in trong tập Miền chờ từ năm 1989 và nó cứ thảng thốt hay trong lòng bầu bạn. Nó càng thảng thốt hơn, vì mười mấy năm nay Thực sống trong bệnh tật và cứ lặng lẽ như một cái bóng ở đâu đó trong ngôi nhà nhiều góc khuất 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội là trụ sở tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn. Cũng từng ấy năm Thực sống trong rượu và nghèo túng. Vì ông có biết làm gì đâu ngoài làm thơ là cái việc rất ít khi thành…tiền, mà thơ có thành tiền được thì rồi cũng lại thành rượu để rồi, trong những khi khật khưỡng say, Thực lại làm thơ nữa. Tôi là bạn Thực, từng viết những bài về các tập thơ, nhưng thơ Thực hay đến nỗi tôi không dám viết lời bình. Lời bình nào đặt cạnh Ngày mai tôi đã khung trời khác/ muốn nhắn gì sang không dễ đâu cũng là khiếm nhã.

 

Đành cứ chép nó ra đây, để bạn đọc vừa đọc vừa thương nhớ người vừa giã biệt chúng ta.

 

TIỄN


Bạn đi nhé, thôi không tiễn nữa
một tay nâng chén dâng ngang mày
Bạn đi nhé, thôi, không giấu nữa
một tay còn bận giấu khăn tay

 

Ngày mai bạn đã phương xa lắc
ngẫm nhau, nắng se sẽ ngả mầu
Ngày mai tôi đã khung trời khác
muốn nhắn gì sang không dễ đâu

 

Tiễn nhau một bận qua bậu cửa
Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao
Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến mất
Tôi đã gói khăn ở kiếp nào

 

Chỉ có khổ thơ cuối thì buổi chiều vào nhà xác của bệnh viện 354 quân đội tìm không thấy ông, vợ con ông, anh em cùng các cháu ông đã đưa ông về Phùng Hưng, lo xoá bớt nét nhăn nhàu chuẩn bị cho ông ra mắt bạn bè lần cuối, tôi mới chợt gai người mà ngộ ra. Hay có thể mười mấy năm cái khăn chỉ là cái khăn tay, nhưng do thấm đẫm nước mắt lâu ngày, nó đã là tấm vải liệm và làm cho cả câu thơ cũng biến đổi theo, câu thơ cũng đã hoá vải liệm? Rồi câu thơ vải liệm đã thành khung trời khác, khung trời mà để đến được, người ta phải đi bằng con ngõ xanh, xa ngoắt? Về kiếp con người thì tôi đã biết, ít thôi nhưng cũng coi là biết. Còn kiếp nào ông đã viết trong thơ trên kia thì tôi mù tịt. Tôi không biết khung trời mà ông đang ở từ cuối năm ngoái người đọc thơ có nhiều Đường Minh hoàng hay ít, nhưng tôi chắc Thực vẫn làm thơ với một niềm thiêng và với những chữ nuột nà như khấn như nguyện khiến mọi người phàm phu đang ồn ào đều phải yên lặng. Tôi cũng không biết bây giờ một thân một mình thì ông sắm sửa tết nhất thế nào, đành chỉ coi mấy lời đây như một nén nhang, khói hương có sang được bên ấy, xin ông nhắn lại một lời, trong chiêm bao, như ông đã hẹn.


Giỗ chạp quá lòng ta thành oản chuối
Gõ phím nào cũng hương khói vòng quanh

 

Nhưng quy luật, như cái khuôn con tạo không cần biết đến nỗi đau của làng văn to hay nhỏ, nó cứ tấp nỗi đau tươi lên nỗi đau se; cứ như thể nó muốn con người đừng quá hớn hở với xuân sang, hãy dành một góc Tết mà ngậm ngùi nhớ người vừa nằm xuống. Họ là những số phận lạ kỳ, đã dành cái chết làm nên một lời nhắn nhủ. Họ là người tài nên lời nhắn nhủ cũng không nên bỏ ngoài tai: Ở kiếp nào thế nào không cần biết, cũng không thể biết được; nhưng đang là kiếp người thì hãy làm người, làm cho tử tế, cũng không dễ đâu.

Văn Chinh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: