Thứ bảy, 20/04/2024,


Cha tôi, Nhà văn Nguyên Hồng (15/12/2008) 

Sáng ngày 15-12-2008, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Hải Phòng, Hội VHNT Bắc Giang vừa tổ chức trang trọng kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng. Chị Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái của Nhà văn đã có bài phát biểu cảm động về người cha kính yêu của mình. Lụcbát.com xin trích đăng (dẫn theo nguồn của vanvn.vn)

 

 

Trước hết, tôi xin thay mặt gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Hải Phòng, Hội VHNT Bắc Giang đã tổ chức buổi kỷ niệm trang trọng và ấm cúng này nhân ngày sinh lần thứ 90 của cha tôi, nhà văn Nguyên Hồng. Phải nói rằng tại thời điểm này, tôi thấy thật vinh dự và tự hào khi được nói: “Cha tôi, nhà văn Nguyên Hồng”. Những kỷ niệm đẹp và quí báu, sự đánh giá trân trọng và tình yêu của các bác, các anh chị dành cho cha tôi hôm nay khiến anh em chúng tôi thực sự cảm động, và hẳn ở cõi vĩnh hằng kia, cha tôi cũng cảm thấy ấm lòng.

 

Trong những câu chuyện gia đình, chúng tôi thường thích nhắc lại những kỷ niệm của thời thơ ấu, cái thời mà chúng tôi sống hồn nhiên trong trẻo trên ấp Cầu Đen, trên cái Đồi Văn Nghệ mà hồi ấy chúng tôi chưa ý thức được ý nghĩa lịch sử của nó ấy. Và hôm nay sẽ là lần đầu tiên tôi muốn được chia sẻ những kỷ niệm của anh em chúng tôi về cha tôi trước rất đông bạn bè, đồng nghiệp, học trò cũng như độc giả của ông.

 

Trong nhiều bài viết về cha tôi, cuộc sống của chúng tôi ở ấp Cầu Đen thường được nhận định là vô cùng vất vả và gian khổ. Nhưng có lẽ đó chỉ là cách nhìn của người lớn, của những người ở thành phố. Vì so với chúng bạn xung quanh, chúng tôi thấy mình còn sướng hơn nhiều. Vì chúng tôi được sống trong thế giới của sách, của tình yêu thương và những câu chuyện đầy hấp dẫn, uyên bác và hóm hỉnh giữa cha tôi với bạn bè văn chương của ông: các bác Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Như Phong... mà có lẽ khi đó chúng tôi chưa ý thức hết được là mình đã may mắn như thế nào khi được tiếp xúc với những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam đương đại. Có một lần anh trai cả của chúng tôi đã nói rằng: “những ngày cả bảy anh em mình được sống chung dưới một mái nhà là những ngày hạnh phúc nhất”.

 

Chắc ai cũng biết, cha tôi là người rất trọng sự học hành. Cả bảy anh em chúng tôi đều được ông cầm tay dạy viết những nét chữ đầu tiên. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu là cha tôi rất tự hào khi thấy các con học giỏi. Chính điều đó đã luôn thôi thúc tôi phải học giỏi trong bất cứ môi trường nào. Tôi còn nhớ hồi mới ra trường đi làm ở Hải Phòng, tôi theo học hai lớp ngoại ngữ ban tối. Có hôm hai em gái tôi ở Nhã Nam xuống chơi, trời lại mưa, tôi định nghỉ học ở nhà chơi với các em nhưng cha tôi không cho. Vậy là tôi vẫn phải đi học bình thường, trong bụng có phần ấm ức vì thấy cha tôi sao mà nguyên tắc thế.

 

Cha tôi là người hết mực yêu thương con người nói chung và yêu thương các con nói riêng. Mẹ tôi kể ngày xưa, hồi còn ở chiến khu, các bác thường bảo: “Nguyên Hồng có hai niềm đam mê, đam viết và đam mê con”. Đúng thế thật. Khi mẹ tôi sinh em gái út, cha tôi ở Hà Nội về là vào bệnh viện ngay, ông ngủ lại bệnh viện. Và ban đêm bao giờ ông cũng bế em để mẹ tôi được ngủ. Năm tôi học lớp mười, đến kỳ thi tốt ngiệp, ông về ở nhà để cai quản chúng tôi, không cho tôi làm việc hay học quá sức. Ông giặt quần áo cho tôi, ông dậy sớm hâm cơm cho chúng tôi và buổi tối nhắc chúng tôi đi ngủ sớm. Năm ấy tôi được đi thi tuyển để đi học ở nước ngoài. Đến hôm đi nghe kết quả ở Ban Tuyển sinh tỉnh, cha tôi cũng đi cùng. Ông định đưa tôi đến Ban Tuyển sinh xem kết quả thế nào rồi đạp xe ra Hà Nội luôn. Nhưng khi biết tin tôi đỗ, ông liền quay về nhà. Hôm tôi đi tập trung ở Tỉnh để ra Hà Nội học chính trị trước khi đi nước ngoài, ông lại đưa tôi đi. Ông dắt tôi vào Ban Tuyển sinh và nói: “Tôi giao con gái tôi cho các anh đây nhé”. Rồi ông chờ để đi cùng tôi ra tận Hà Nội. Bây giờ nghĩ lại thấy cha tôi lo lắng cho tôi thế. Vậy mà hồi ấy tôi ngượng lắm, vì mình lớn rồi mà bố lúc nào cũng đi kèm, trong khi bạn bè đứa nào cũng tự đi. Sau này đồng hương Hà Bắc cùng khoá, ai cũng nhớ chuyện này.

 

Ở nhà tôi, chép bản thảo cho cha tôi là một công việc đương nhiên. Tôi không nhớ mình bắt đầu chép bản thảo từ bao giờ, nhưng tôi rất nhớ có một mùa hè cả nhà tôi kê bàn ra vườn, dưới gốc khế để chép bản thảo. Bận rộn như một chiến dịch. Cho tới khi tôi đã đi làm, nhưng mỗi lần cha tôi đưa bản thảo và bảo” con chép cho thày”, thì đó vẫn là việc mà tôi phải hoàn thành trước hết.

 

Tôi rất nhớ những cái Tết ở nhà và cái cách mà cha tôi mừng khi thấy các con lục tục kéo nhau về. Cha tôi ngồi trong nhà ngang, cứ thấy đứa nào về là ông lại cầm chén rượu chạy ra sân “Sơn về đấy hả con?”, “Thư đấy à?”, rồi tợp một ngụm rượu, tủm tỉm cười quay vào nhà. Bao giờ nhà tôi cũng luộc bánh chưng vào đêm ba mươi và cha tôi bao giờ cũng ngồi canh cho tới khi vớt bánh. Ông cùng chơi cờ với các anh tôi, hoặc là anh Sơn tôi vừa đệm ghi ta vừa hát. Những ngày ấy đẹp và hạnh phúc biết bao, sao lại bảo là khổ? Hay là trẻ con thường chỉ nhớ lại những gì khiến chúng vui và sung sướng?

 

Cha tôi rất trân trọng và quan tâm những người mới chập chững bước vào con đường văn chương. Hồi mới đi làm ở Hải Phòng, tôi với cha tôi sống trong một căn hộ ở khu Cầu Tre. Vừa chân ướt chân ráo ở nước ngoài về, tôi đã thấy có một anh (mà sau này tôi biết anh tên là Đằng) ở cùng với cha tôi. Anh Đằng làm ở công ty Tàu Cuốc và đang tập viết văn. Anh ở cùng, ăn cùng chúng tôi. Hồi ấy tôi tức lắm, vì bỗng dưng mình lại phải cơm nước cho một ông lạ hoắc. Những lần cha tôi đi vắng, chỉ còn tôi với anh Đằng ở nhà. Anh Đằng hay đọc cho tôi nghe những truyện ngắn của anh rồi bắt tôi nhận xét.

 

 

Nhân đây tôi xin đính chính một điều. Trong một số bài viết về cha tôi, có nhận định rằng ông mua bán rất khéo. Tôi thì cho là ngược lại. Cha tôi rất thích đi xem chợ. Mỗi lần cha tôi hồ hởi khoe với cả nhà là vừa mua được một món rẻ ở chợ là mẹ tôi lại cười vì thực ra ông toàn bị mua hớ. Tôi nghĩ có lẽ vì cha tôi quá tin và yêu những người lao động lam lũ. Và với ông, quan trọng là thấy họ vui chứ không phải là việc ông mua rẻ được của họ mớ rau hay con cá. Còn nữa, có người cho rằng cha tôi là một người gia gia trưởng. Nhưng không phải thế. Ông vẫn thường cho anh em chúng tôi ngồi hóng chuyện bên mâm rượu của ông với các bạn văn. Và ông rất thích nghe chúng tôi kể đủ mọi thứ chuyện ở trường, ở chỗ làm việc.

 

Kỷ niệm về cha tôi thì nhiều lắm, kể không bao giờ hết được. Vì ông rất gần gũi với các con. Ông quan tâm đến từng đứa một kể cả khi chúng tôi đã ra ở riêng. Kỷ niệm cuối cùng về cha tôi, đó là bức điện chuyển tiền của ông gửi cho tôi từ Quảng Ninh vào tháng tư năm 1982 khi nghe tin tôi bị ốm. Và ngày 29/4, ông từ Hải Phòng về, qua nhà trẻ cơ quan bế con trai tôi ra bờ sông Tô Lịch ngồi một lúc trước khi ông về trên Nhã Nam. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi với cha tôi, vào ba ngày trước khi ông đột ngột rời bỏ cuộc sống mà ông yêu một cách mãnh liệt, rời bỏ những trang viết mà ông tha thiết trăn trở suốt cuộc đời, rời bỏ chúng tôi, những đứa con mà ông yêu bằng từng giọt mồ hôi, từng giọt nước mắt và những chăm sóc lo toan không ngưng nghỉ..

 

Xin cám ơn tất cả mọi người đã lắng nghe. Một lần nữa xin cám ơn tất cả!

 

         Nguyễn Thị Thanh Thư

 

Chú thích ảnh trong bài:

- Tác giả Nguyeễn Thị Thanh Thư 

- Nhà văn Nguyên Hồng Khi còn trẻ.

- Bút tích của một lá thư của nhà văn Nguyên Hồng

- Một số tác tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng

___________________________________________________

 

“Có thể dễ đồng tình khi người ta nói, tiểu sử nhà văn chính là tác phẩm của họ. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, không đâu như nước ta, con người văn chương và con người xã hội bện thành một thể thống nhất không thể tách rời. Bởi để giành lấy quyền được viết, được sáng tạo tự do, trước hết nhà văn phải tham gia giành quyền được tự do sống, tự do làm người. Nguyên Hồng tiêu biểu cho một kiểu nhà văn như vậy. Với 64 tuổi đời, gần nửa thế kỷ cầm bút, Nguyên Hồng là một tấm gương sáng đẹp về nghị lực sống và viết, về tính thương yêu sâu nặng đối với những người cùng khổ, về sự dấn thân cho đại nghĩa dân tộc, về lao động và nhân cách nhà văn.

 

Hình ảnh của Nguyên Hồng là hình ảnh của một lực điền trên cánh đồng văn học. Với sự nghiệp đồ sộ trên 30 tác phẩm đủ các thể loại, Nguyên Hồng nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8-1945 và có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ảnh hưởng của ông rất rộng lớn, đặc biệt là tầng lớp trí thức và dân nghèo thành thị. Nguyên Hồng là cán bộ lão thành cách mạng, một đảng viên trung kiên, trong sáng và mẫu mực. Tham gia phong trào Dân chủ ở Hải Phòng từ năm 1939, qua 2 lần tù ngục, ông vẫn giữ trọn khí tiết của người Cộng sản. Như ngọc càng mài càng sáng, từ tham gia Văn hóa Cứu quốc và tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đến việc đảm nhận các công việc tạp chí Tiền Phong, tạp chí Văn Nghệ, UVBCH Hội Nhà văn khóa I và khóa II, Hiệu trưởng trường đại học Nhân Dân ở Việt Bắc, giám đốc trường Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Ở bất cứ cương vị nào tâm đắc và tài năng của Nguyên Hồng đều tỏa rạng và có sức chinh phục to lớn. Không bận tâm tới cái danh và cái lợi tầm thường, cuộc đời Nguyên Hồng là cuộc đời một nhà văn phấn đấu và tu luyện không ngừng cho cái tận thiện tận mỹ. Con người ấy trái tim lúc nào cũng đau đau và khắc khoải với thân phận của con người nhưng bên ngoài lại vô cùng giản dị và chân thật, lúc nào và ở đâu cũng tạo nên một từ trường vô cùng gần gũi, thân thiết với mọi người.

 

Kỷ niệm 90 năm sinh của Nguyên Hồng, chúng ta một lần nữa khẳng định những cống hiến to lớn của ông đối với nền văn học nước nhà trong thế kỷ qua, đồng thời có thể rút ra rất nhiều bài học quý báu từ thân thế, sự nghiệp của nhà văn lớn. Chúng ta lưu giữ hình ảnh của ông như lưu giữ những năng lượng tinh thần quý báu của cổ nhân.

 

Trên dặm trường văn học đầy say sưa và khó nhọc, chúng ta luôn cảm thấy có Nguyên Hồng ở phía trước như những cây đại thụ tỏa bóng mát trên đường đời.”

 

    Nhà thơ Hữu Thỉnh

(Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: