Thứ bảy, 20/04/2024,


Nghệ sĩ tài hoa của ca kịch Huế (15/12/2008) 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, một gánh hát người Huế đang lưu diễn trên đất bắc bỗng khựng lại giữa chừng khi nghe tin sông Bến Hải bị kẻ thù ngăn tuyến. Ðôi bờ cách trở. Gánh hát tan. Các số phận diễn viên gắn với đủ thứ nghề, phơi mặt với cơm gạo mắm muối, miễn sao trụ lại được trong cuộc sống khó khăn thời kháng chiến...

 

            Ở gánh hát thời đó có cặp vợ chồng mới cưới, ông tên là Ngọc Yến, bà là Kim Oanh, họ là đôi "trai tài gái sắc" nổi danh khắp xứ Huế thời bấy giờ, nhưng rồi họ cũng phải chịu chung cảnh ngộ với những người đồng nghiệp của mình. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ngọc Yến tham gia vào Ðội tuyên truyền tỉnh Hải Hưng một thời gian rồi sau đó về làm cán bộ thuế tại Lam Kiều - Hà Tĩnh.

 

            Năm 1957, gom cả số tiền bán nhà cửa, ông bà thành lập lại gánh hát rồi tiếp tục những chuyến công diễn ra tận Hà Nội. Chính gánh hát đó là tiền thân của Ðoàn ca kịch Trị - Thiên, sau này được Bộ Văn hóa - Thông tin thành lập để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

            Cho đến bây giờ, ước mơ của ông bà như phần nào đã được toại nguyện. Cả đại gia đình từ con trai, con gái, đến dâu rể, các cháu đều hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp. Riêng cậu con trai trưởng Ngọc Bình được coi như một tài năng quý của sân khấu ca kịch Huế.

 

            Ngọc Bình sinh ra ở Ðồng Hới. Có lẽ âm vang của biển, dòng sông Nhật Lệ và cả những câu hò khoan, hò hụi, vang theo nhịp chèo khua đã ban cho người dân nơi đây một cuộc sống giàu âm sắc. Với Ngọc Bình ngoài đặc ân đồng quê ấy, tuổi thơ anh còn được nghe, được nhìn những buổi tập, từng đêm diễn của nhiều nghệ sĩ tài năng cùng cha mẹ anh ở Ðoàn ca kịch Trị - Thiên. Vốn đã có "dòng máu di truyền", sau khi tốt nghiệp PTTH, Ngọc Bình quyết định lập nghiệp bằng con đường nghệ thuật sân khấu mà hai cụ thân sinh của anh đã đi qua.

 

            Năm 1973, anh chính thức có vai diễn đầu tiên (Châu Tuấn trong vở "Thoại Khanh Châu Tuấn") và đã để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả nhờ vào tài năng diễn xuất giàu tính sáng tạo, tự tin và giọng hát trầm ấm. Sau lần ra mắt đó, Ngọc Bình liên tiếp thành công nhiều vai diễn khác và giành nhiều giải thưởng cao quý tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) toàn quốc, khu vực như: vai Tà Lừng vở "Vòng tay oan nghiệt" (HCV - Hội diễn SKCN năm 1985).

 

            Năm 1990, Ngọc Bình giành HCV - Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp với vai Ðức trong vở "Lời trăn trối"; vai Kiếm trong "Rừng sương đỏ"; vai Si Ma trong vở "Truyền thuyết tình yêu"... Ðặc biệt, NSƯT Ngọc Bình là một trong số ít các nghệ sĩ thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sàn diễn. Năm 2000, lần đầu tiên anh thử sức qua vở diễn "Ca múa nhạc sử thi" nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, Ngọc Bình thể hiện hình tượng Bác Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong khán giả nhiều vùng miền từ Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Nghệ An...

 

                      

 

            Chính sự thể hiện xuất sắc này thêm một lần nữa tái hiện trong vở "Hương sen đất Việt", NSƯT Ngọc Bình đã vinh dự được trao giải B - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Cố đô Huế lần thứ ba (năm 2004). Không chỉ dừng lại ở sự thành công trong lĩnh vực sân khấu, anh cũng đã nhiều lần thử sức với điện ảnh và gặt hái thành công qua vai trung tá Ðậu trong phim "Nhận Huế làm quê hương"; vai thầy bói trong phim "Ðêm hội Long Trì"; vai tri huyện Thanh Chương trong "Trùng Quang tâm sử"...

 

            Ngoài tố chất một diễn viên tài hoa, Ngọc Bình còn là đạo diễn "mát tay" của hơn 100 vở diễn ở nhiều thể loại như: ca kịch, kịch nói, ca nhạc của SKCN, quần chúng. Sự thành công của anh trong lĩnh vực này một phần lớn nhờ vào năng khiếu bẩm sinh (NSƯT Ngọc Bình đã đảm nhiệm vai trò đạo diễn từ năm 1984). Ðể khẳng định vị trí của một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp chắc tay, Ngọc Bình đã theo học và tốt nghiệp Khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội năm 1995.

 

            Thành công đó của anh được thể hiện qua các vở diễn: "Duyên kỳ ngộ" (Giải đạo diễn xuất sắc - Hội diễn vùng Duyên hải phía bắc năm 1996); "Ðiều không thể mất" (Giải đạo diễn xuất sắc - Liên hoan SKCN các tỉnh phía bắc năm 2001); "Vú cát" (Giải đạo diễn xuất sắc - Liên hoan SKCN các tỉnh phía bắc năm 2003)... Ngoài việc tự khám phá để khẳng định mình qua các vai diễn bi, hài, già, trẻ đến vai trò một đạo diễn có uy tín nghề nghiệp, Ngọc Bình còn viết và chuyển thể nhiều kịch bản sân khấu có chất lượng và là người nghệ sĩ mẫu mực có sức cảm hóa nghề nghiệp đến nhiều thế hệ diễn viên.

 

            Năm 1995, giữ trọng trách Trưởng đoàn ca kịch Huế, Ngọc Bình lặn lội khắp nơi kêu gọi anh chị em đang lưu lạc với  nhiều nghề khác nhau trở lại đoàn luyện tập xây dựng các chương trình mang đậm bản sắc Huế. Dưới sự dìu dắt của anh, sự tận tụy của anh chị em trong đoàn đã từng ngày khẳng định ảnh hưởng của sân khấu ca kịch Huế đối với người xem trong và ngoài nước. Năm 1997 Ðoàn ca kịch Huế vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng hai và ngày càng trở thành một "thương hiệu" nghệ thuật dân tộc uy tín, thu hút người xem.

 

Theo NGUYỄN THANH TÚ

(Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: