Thứ tư, 06/11/2024,


Tản mạn: Thành Nam 36 phố phường (15/12/2008) 

Một góc Thành Nam

    

 Những ai đi xa về gần, dù không hẳn là người sinh ra ở Nam Định cũng vẫn có thể bất chợt gợi nhớ:

 

kia thắt dải lưng xanh,
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè...

 

     Một hình ảnh gợi cảm, tuy Nam Định nào phải chỉ có bến Đò Chè. Từ cuối thế kỷ trước, Nam Định đã được thực dân Pháp tôn xưng là 'thành phố sông' (ville - fleuve) và thuở còn là trấn lỵ của trấn Sơn Nam Hạ thì ở đây cũng đã ngang dọc nhiều phố rồi.

     Nam Thành cảnh trí, một bài lục bát được truyền khẩu hồi đầu thế kỷ này, với những tên phố và cảnh trí của nó cho thấy:

 

Nhất thành là phố Cửa Đông
Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao
Hàng Giày đẹp khách yêu đào
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân

 

     Hoặc là:

 

Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen

 

     Bài lục bát 54 câu, nhưng xem ra chưa lấy gì làm đầy đủ những tên phố, tên đường và ngõ. Chẳng cứ phải là thổ công Nam Định vẫn có thể thuộc từng đường, từng phố thành Nam như lòng bàn tay. Thuộc và nhớ cả phố cả đường, vì đã phố đã ngõ lại còn đường Hải Phòng, đường Hưng Yên, Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình và đường Cột Cờ...

     Nhớ và thuộc. Mỗi nỗi nhớ một niềm riêng, lạ lắm. Phố Hàng Rượu không một cửa hàng bán rượu mà hai dãy phố, bên thì vài ba, bên thì năm sáu cửa hiệu kim hoàn. Ai sức đâu mà nhớ vàng nhớ ngọc, cũng không dám nhớ các bà chủ, các cô chủ. Có chăng là đôi khi phảng phất nhớ Hàng Rượu, cái đường phố mùa hè lá bàng rợp bóng.

     Chỉ cách nhau một ngã tư, đi khỏi Hàng Rượu, qua bên kia, bước sang phố Vải Màn, nếu nhớ thì phải là tiếng bật bông (tiếng nghề của nghề làm chăn bông, đệm bông) trong những ngày mùa đông. Phố Vải Màn là phố của màn mùng, chăn, gối, nệm. Nghe tiếng bật bông cũng cảm thấy phần nào ấm áp. Nhưng thiên hạ vẫn luôn luôn nhắc đến phố Vải Màn vì cái món... bún chả!

     Nhà văn Vũ Bằng chỉ quen với phở Hà Nội mà chưa nếm phở Hợp Lợi ở bên đây cửa chợ Rồng và đặc biệt là phở Thiên Lương ở ngõ Văn Nhân, nơi từng là những quán trọ của sĩ tử mỗi kỳ thi hương. Phở Thiên Lương ngon đã đành, mà có thể thiên hạ rủ nhau vào cái ngõ nhỏ để ăn bát phở có phần nào vì chút lòng hoài cổ.

 

Nhà hát Thành phố 3-2


     Ở quán cà - phê Trung phố Bến Ngự, sáng chiều cứ là đông nghịt. Một gian tường mái xập xệ, nếu không muốn nói là một gian lều gồm cả bếp núc và bàn ghế lỉnh kỉnh thấp tè. Chủ quán, anh Trung người tầm thước, gù lưng tôm, quần áo lôi thôi nhếch nhác, tự tay pha cà-phê, cắt bánh mì, làm trứng, luôn miệng vâng dạ, dù lúc khách đông cũng không bỏ sót một ai.

     Có kẻ nói đùa, quán anh Trung được vì cùng dãy với nhà cụ lang Bánh. Những khách trẻ đến quán anh Trung chỉ là cái cớ để có dịp lượn qua lượn lại hầu mong một thoáng chiêm ngưỡng dung nhan hai cô cháu gái cụ lang. Thuốc cam cụ lang Bánh mấy chục năm nổi tiếng thành Nam, nhưng hai cô cháu gái vẫn giữ nguyên hương sắc bông hoa đồng nội. So về nhiều mặt từ trang phục đến gia thế tiền bạc, hai cô có phần thua kém các cô ở phố Hàng Sắt dưới, phố Hàng Giấy, phố Cửa Đông... Nhưng làm sao giải thích được cái si mê? Tất nhiên, đó chỉ là những câu nói đùa vui. Bởi vì hai phần ba số khách ăn uống ở quán anh Trung đều là những ông chủ gốc Tiều, gốc Quảng. Thường xuyên mỗi buổi sáng lại có cả cụ Lý Phú Tiên, Lý sự trưởng các bang người Hoa ở tỉnh Nam. Gia đình cụ Lý đã sinh sống ở phố Khách từ thuở còn tiêu tiền kẽm.

     Hàng cà-phê Trung thật là có một không hai. Cũng có thể nói cà-phê Trung đã tạo ra nỗi nhớ một thời cho phố Bến Ngự. Hiển nhiên là còn vô số cảnh vật, con người để nhớ. Nhưng với người viết mấy dòng này, nhớ hơn hết ấy là phố Hàng Dầu. Hai bên số chẵn, số lẻ, nhà lớn nhà nhỏ, nhà rộng nhà hẹp chưa đầy năm chục căn.

     Hàng Dầu mà chẳng bán dầu!

     Có một lúc Hàng Dầu được trong tỉnh ngoài tỉnh biết đến nhờ nhà Nam Mai buôn xe đạp và phụ tùng xe hơi. Hàng Dầu cũng có hiệu bán thuốc lào, hàng phở bình dân, hàng cơm nhà trọ. Nhưng Hàng Dầu khi ấy nổi tiếng là nhờ mấy nhà làm bánh mứt. Cuối tháng Chạp, tháng hai hội chùa Hương, tháng ba hội Phủ Giầy, tháng năm tết Đoan Ngọ, tháng tám tết Trung thu, khách các nơi tìm về phố hàng Dầu để mua bánh mua mứt của các nhà Nam Hòa, Nam Hòa Thái, Thái Hòa, Thắng Lợi, Cẩm Vân. Các nhà thường qua lại chuyện trò. Mỗi ông chủ nhà bánh mứt là một kho chuyện đời, chuyện nghề, cổ tích, rỉ rả khi này khi khác hầu như bất tận. Nếu là bánh dẻo bánh nướng thì nếm thử rồi phải phân tích đánh giá.

     Không biết trên khắp cả nước này, các thành phố, các tỉnh thành có được bao nhiêu phố có nếp sống, có không khí như phố Hàng Dầu thuở ấy...

 

Thành Nam cảnh trí

 

Hoàng hôn trên tượng đài Trần Hưng Đạo

 

Thành Nam cảnh trí an bài
Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông.


Nhất thành là phố Cửa Đông.
Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao.
Hàng Giầy đẹp khách yêu đào.
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân.


Ba năm một hội phong văn
Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường.
Ngọt ngào lên đến Hàng Đường
Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm


Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông,
Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng.
Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng,
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen,


Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền,
Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quì.
Trăm năm nghĩa bạc tình nghi
Hàng Đàn, Hàng Ghế chung nghề làm ăn.


Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm
Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà.
Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa
Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng


Cột Cờ lên đó mà trông,
Đò Chè lơ lửng bến sông cắm sào.
Phố Khách buôn bán vui sao,
Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người.


Hàng Dầu, Hàng Mã, Hàng Nồi,
Hàng Trống, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng
Hàng Cau, Hàng Nón, tưng bừng,
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây


Lang sa có mặt từ ngày,
Đỏ đèn Bến Củi đoạ đày hồng nhan
Hàng Thao tấp nập canh tàn,
Tám nghề, bẩy chữ mở hàng phấn son


Đình tàn cây quế héo hon,
Giáo phường cốt cách chẳng còn như xưa
Liễu Đào trải mấy nắng mưa,
Cầm tan phách lối đã thừa xót xa.

 

Một nét văn hóa Thành Nam


Trông về đất cũ quê nhà,
Lò Trâu, Bến Nứa thật là đau thương
Ao tù Thượng Lỗi chán chường,
Tịch điền Năng Tĩnh âm hồn oán ma


Cổng Hậu, Ngã Sáu, Cầu Gia
Trường Thi phút chốc hoá ra hận trường
Hắt hiu Văn Miếu cổ tàn,
Nhường như sĩ tử thở than lỗi thời.


Buồn thay lễ nghĩa suy đồi
Thánh Trần sao lại cùng ngồi Thánh Quan?
Đền Ông hương khói mơ màng,
Chùa Rào cùng với Cửa Nam tơi bời


Phù Long, Đồn Thuỷ qua chơi
Quê hương đất cũ ngậm ngùi tàn canh
Non xưa nước cũ tan tành
Nào ai phá luỹ, dâng thành là ai?

Thục Anh (Sưu tầm)

(Nguồn: NamdinhOnline.Net)

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: