Thứ sáu, 19/04/2024,


Dịch giả Bích Lan khiến người hâm mộ rơi nước mắt (23/04/2013) 
 
Cuộc trò chuyện của dịch giả, nhà văn Bích Lan - tác giả tự truyện ‘Không gục ngã’ - tiếp thêm tinh thần và nghị lực cho nhiều bạn trẻ.
Chiều 20/4, tại chương trình giao lưu “Hạt giống tâm hồn” trong khuôn khổ Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), tác giả của 26 đầu sách dịch và cuốn tự truyện “Không gục ngã” đã giao lưu, trò chuyện với bạn đọc. Nhà thơ Hữu Việt - dẫn chương trình - mở đầu cuộc giao lưu bằng việc dẫn lại câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo - "Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao" - mà Bích Lan đã trích làm đề từ tự truyện của mình.
Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Năm 13 tuổi, trong một lần đang đi xe đạp trên đường, chị bị ngã xuống mương và phát hiện ra mình không thể tự đứng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Bích Lan mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ, chứng bệnh khiến chị phải bỏ dở việc học hành của mình khi mới lên lớp 8. "Đối với tôi, thời điểm đó chính là là đêm tối của số phận. 13 tuổi, từ một cô bé học sinh chuyên văn, đang có nhiều ước mơ, hoài bão, thích được chạy nhảy như nhiều bạn khác, tự nhiên tôi bị căn bệnh mà bác sĩ nói đến nay không chữa được, cắt đứt con đường đến trường. Tuổi 13, tôi có nhiều khát khao nhưng ý chí thì hoàn toàn chưa có. Khi gặp phải biến cố như vậy, tôi chỉ thấy mình đã rơi vào đêm tối nhất của số phận con người. Và tôi đã phải cố gắng rất nhiều", Bích Lan chia sẻ.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan
Là tác giả của 26 đầu sách tiếng Anh nhưng quá trình học ngoại ngữ đối chị hoàn toàn do tự học. Bích Lan kể, khi không còn khả năng đến trường, chị ở nhà nghe lỏm em mình đọc tiếng Anh và lấy sách tự học. Trong vòng 6 năm, vượt qua khó khăn, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, trong căn phòng nhỏ bé, thiếu thốn, chị mải miết học để "hy vọng có thể tìm thấy ánh sáng nào le lói phía trước". Và khi đã có chút "vốn liếng" trong tay, chị lại nghĩ, nếu chỉ học để giết thời gian thì không mở ra lối thoát nào cho trường hợp của mình. Trong 5 năm tiếp theo, Bích Lan mở lớp dạy tiếng Anh và có tới 200 học sinh theo học. Dịch giả, nhà văn cho biết, chị yêu công việc này nhưng đến khi bệnh tật đánh gục chị một lần nữa, chị đành bỏ dở. "Lúc đó, tôi tìm được con đường dịch sách, và đó chính là vì sao mà tôi nhìn thấy rõ nhất trong đêm tối của mình".
TS Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) cảm động rơi nước mắt khi nói về trường hợp của Bích Lan. Bà bày tỏ sự biết ơn tới người mẹ của Bích Lan đã sinh ra tấm gương đầy nghị lực. "Khi đọc những trang sách của Bích Lan, tôi đọc từng dòng chữ và biết rằng em đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua". Bà Hồng chia sẻ, với tư cách một người đã làm mẹ, hình dung nghị lực của một đứa bé con năm 13 tuổi, bà rất xúc động.
Diễn viên Mai Thu Huyền bày tỏ thán phục sự ham học của Bích Lan. Mai Thu Huyền cũng không cầm được nước mắt khi nhớ lại những trang tự truyện của Bích Lan mà chị đã đọc. Thu Huyền ấn tượng với khoảnh khắc Bích Lan rớt xuống mương mà không tự đứng lên được, chị úp mặt xuống lòng mương rồi may nhờ bàn tay của một người bạn kéo lên. Suốt thời gian đầu, biết gia đình khó khăn, Bích Lan giấu bệnh tật, lê bằng cả hai chân hai tay đến lớp. Nữ diễn viên chia sẻ, dịch giả, nhà văn Bích Lan xứng đáng là một tấm gương về nghị lực sống, để không chỉ những ai bất hạnh mà cả những người may mắn nhưng có lúc thiếu ý chí trong cuộc sống, nhìn vào và học tập.

Diễn viên Mai Thu Huyền khâm phục nghị lực của dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan.
Ngay cuốn sách dịch đầu tiên, Bích Lan đã thành công. Từ đó dịch sách trở thành phương thức chữa bệnh và lẽ sống của Bích Lan. Chị không bao giờ kêu ca mình làm việc khó khăn, mệt nhọc bởi niềm hạnh phúc khi dịch xong cuốn sách, chia sẻ được thông điệp đến với mọi người lớn lao hơn rất nhiều. Niềm khát khao sống trong chị đủ mạnh mẽ để làm bật ra ý chí, sự chịu thương, chịu khó. Bích Lan chia sẻ, chị nắm trong tay "bộ chìa khóa vượt khó", bao gồm: lòng yêu đời, sự kiễn nhẫn và niềm tin rằng, thách thức dù có lớn đến đâu cũng không mạnh bằng sức mạnh của con người.
Năm 2010, Bích Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm "Triệu phú ổ chuột" và trở thành hội viên Hội Nhà văn. Dịch giả Nguyễn Văn Dân cho biết, Bích Lan lao động bình đẳng như bao dịch giả khác. Năm 2010, khi cuốn sách được đưa vào xét giải thưởng Hội nhà văn, Hội đồng chấm giải đã đọc sách, đánh giá chất lượng cuốn sách từ trước khi nhận ra cô là dịch giả không may mắn mắc bệnh nan y. Giải thưởng vì thế hoàn toàn không có sự ưu ái nào mà là công sức, nỗ lực, tài năng của Bích Lan.
Mới đây, Bích Lan được nhắc tới nhiều hơn khi chuyển ngữ hai cuốn sách "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" của chàng trai không chân tay người Australia Nick Vujicic. Chị chia sẻ, việc dịch các tác phẩm của Nick vừa là một cái duyên vừa là "chuyện phải xảy ra như thế". Khi cuốn sách đến tay, chị thấy giữa mình và Nick có quá nhiều điểm giống nhau. Cũng như chị, Nick từng gặp phải những chông chênh, lo sợ mình là gánh nặng của gia đình. Bích Lan đọc cuộc đời Nick và thấy nó giống như cuộc đời mình được quay chậm lại. Nhưng điều chị đồng cảm nhất với Nick là quan điểm về cuộc sống, thái độ trước khó khăn: trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội và thách thức là để ta trưởng thành. Khi đã có chút thành công, chị hay Nick, đều khao khát được chia sẻ đến càng nhiều người càng tốt. Nick đã đi khắp thế giới để động viên nhiều con người vượt qua bất hạnh của cuộc sống còn chị nhân rộng tinh thần đó bằng cách dịch cuốn sách của anh. Giữa tháng 5 tới, Nick sẽ sang Việt Nam. Bích Lan cho biết, chị nằm trong đoàn đi đón Nick ở sân bay. Chị sẽ ôm Nick nhưng không nói gì nhiều mà chỉ nói rằng, tình cảm độc giả Việt Nam dành cho anh thông qua việc đọc cuốn sách mà Bích Lan dịch, đó là tất cả những gì chị muốn nói.

Bài, ảnh: HÀ AN – ĐẠT MA
(Nguồn: VnExpress)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn Bình Diệp - thanhphobienvt1954@.com.vn - 01212121954 - 69/5 Lê Hồng Phong P7 TP Vũng tàu  (Ngày 20/07/2013 21:30:08)

Bích Lan thật tuyệt vời, tôi yêu và ngưỡng mộ Bích Lan. Chúng ta từ nay và không cần phải mời người tàn tật nước ngoài đến Việt Nam nói chuyện như vừa rồi nữa nha quý vị......

Các bài khác: