Thứ bảy, 27/07/2024,


Lục bát giữ hồn Việt (09/12/2008) 

Lần đầu tiên tôi biết được trang http://www.lucbat.com nhờ bài bình 'Hoá đá' cho tình yêu vĩnh cửu của bạn đọc Việt An bình thơ tôi. Thực ra trước đây tôi viết thơ lục bát như tự thân của nó. Nói như tiến sỹ Vương Cường “Minh Nguyệt không cầu kỳ thể loại. Thơ tự nó sinh ra thể loại chứ không phải thể loại sinh ra thơ”. Tôi không mấy khi chú ý đến những bài thơ của mình được viết theo thể loại nào. Vậy mà kiểm lại tài sản của mình tôi đã có 36 bài thơ lục bát.

Lục bát viết dễ, nhưng khó hay và không cẩn thận dễ bị trùng lặp ý tưởng vì những câu ca dao dân ca từ tiếng ầu ơ của bà của mẹ ngấm vào ta tử thủa ấu thơ. Nói đến Lào người ta nói đến điệu “ lăm vông”, nói đến thơ ca Việt nam người ta nói đến thơ lục bát. Đó là dòng thơ độc quyền của Việt nam trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên lục bát rất đại chúng ở Việt nam, từ đại thi hào Nguyễn Du, các nhà thơ lớn cho đến người nông dân một nắng hai sương đều có thể ứng khẩu thành thơ được. Một trong những hình thức lục bát cải biên là thơ Bút Tre. Về hay dở ta chưa cần bàn đến nhưng nó dễ nhớ dễ thuộc dễ ngấm sâu vào tâm hồn người Việt nam. Mỗi bờ tre mỗi gốc lúa đều như quyện những câu thơ lục bát từ ngàn đời:

 

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

 

Tôi đã từng theo mẹ đi tát nước dưới đêm trăng, từng nhìn thấy trăng vàng lung linh trong chiếc gầu sòng nên câu thơ đó lắng đọng trong tâm hồn như một lâu đài bằng vàng lấp la lấp lánh. Câu thơ là sự kết hợp giữa hình ảnh và ngôn ngữ tạo nên một cánh đồng đêm trăng quá đẹp và đôi trai gái ghẹo nhau…tình tứ làm sao, ý nhị làm sao? Chính vì những câu thơ thần như thế tôi đâm sợ, vì mình làm sao viết hay hơn được? Liệu mình có thể viết lạ đi được không?

 

 

Trong những người làm thơ lục bát ở Việt Nam thì tôi mê Nguyễn Duy nhất. Bài thơ của anh tôi thuộc từ thời sinh viên, nhưng câu thơ tinh nghịch mà trong như ngọc:

 

Trắng trong từng hạt rơi rơi
Để cho em nép vào tôi thế này
Trắng trong từng hạt bay bay
Để cho tay chạm vào tay - giật mình

    (Nguyễn Duy)


              Câu thơ cứ long lanh như giọt mưa vậy, tôi học toán lại đa đoan một chút với văn thơ,nên càng mê kiểu thơ đầy lô gíc và chính xác đến từng câu chữ. Đúng là những câu thơ mang tính trí tuệ mà không hề làm mất cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Việt. Câu thơ dí dỏm tinh nghịch của ... dân toán!

Trên tay tôi là tập thơ 'Lục bát sang sông' của anh Nguyễn Đăng Sâm, người đã ẵm khá nhiều giải thơ của báo Văn Nghệ cho thơ lục bát. Hôm anh được giải ba cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 2007 Đăng Sâm đang ở Hà nội. Anh gọi cho tôi khoe và rủ đi khao cafe nhưng tôi đang họp vậy là anh trêu luôn:


Đêm nay không trăng không sao
Thế mà Minh Nguyệt lạc vào... òng anh!

 

Tôi suýt cười phá lên! Trời ạ,cái bác nhà thơ 66 tuổi này mà tếu quá ta, chả trách anh em làng văn đồn rằng Đăng Sâm đa tình lắm. Không đa tình mới là lạ:

 

Ở đây có kẻ đa tình
Nửa đêm vác bút ra rình trăng lên
Bỗng đâu thiếu nữ bên thềm
Làm cho ngơ ngẩn đến quên nguyệt tà!
                 (Ngẫu hứng)

 

 

Hình như cứ có thơ lục bát là có trăng có sao, có cỏ cây hoa lá. Nó gần gũi như khí trời, như mặt đất, dòng sông, tiếng thì thầm của trai gái trong đêm. Nhà thơ say trăng say rượu say thiếu nữ đến quên rằng đêm đã qua trăng đã lặn thì đa tình hơn kẻ đa tình mất rồi.

Lướt qua những nhà thơ đương đại tôi bắt gặp 'Con quay' của nhà thơ - hiệu trưởng Đinh Đình Chiến:

Tháng ngày vẫn tít mù quay
Đông đúc phố chợ, mình nay một mình.
Con quay xoay cái đa tình
Nhớ em ta lại một mình- nhớ em.
                 (Con quay)

 

Hay ở cái điểm bài thơ quá ngắn mà ý tứ quá sâu rằng giữa cả biển người ta chỉ nhớ em ta. Hay ở cách gieo vần ' con quay xoay cái đa tình'. Thì ra cái nỗi nhớ nó cứ xoáy lòng người ta như con quay vậy, nó làm cho ngày tháng cũng 'tít mù quay'.

Lục bát đến với tôi thường là lúc tâm trạng “phá phách” nhất :

 

Ước gì em ước gì tôi
Cứ như Trái đất, Mặt trời chạm nhau
Nổ tung hai quả tinh cầu
Để tan vĩnh viễn trong nhau một lần
                      (Ước gì)

 

Tình yêu tựa áng mây trôi
Chợt gieo sấm sét, chợt rồi… lại xanh
                      (Viết cho tình yêu)

 

Tháng Năm chợt nắng chợt mưa
Dường như nước mắt vẫn chưa đủ buồn
                         (Tháng Năm)

 

Giữa chiều ngồi lặng thẩn thơ
Tim buồn hoá đá, hững hờ tháng năm
                           (Hoá đá)

 

Trăng rằm vằng vặc, Hồ Tây
Lả lơi ghẹo gió, gió lay lay cành
Dịu dàng em nắm tay anh
Mặt hồ nổi sóng, đập trăng vỡ oà
                    (Hồ Tây đêm rằm)

 

Ví mà đừng nhóm lửa lên
Rơm đâu dễ tự cháy mềm thành tro
                       (Ví mà)

 

Bần thần em lại nhớ anh
Ngoài kia nắng gió trời xanh tự tình
Bướm vờn hoa hé nụ xinh
Liếc nhau ánh mắt đa tình như dao
                      (Bần thần)

 

Thế là anh... thế là em
Giận nhau cũng tại hờn ghen thôi mà
Em ngồi đếm những cánh hoa
Để cho nước mắt vỡ oà, mặn môi!
                     (Thế là)

 

          Chợt giật mình nhớ ra bài thơ đầu tiên tôi viết năm mười hai tuổi là thơ lục bát:
Nhớ sao những buổi ông về
Bà ngồi đun bếp cháu chê ông gầy
                    (Nhớ nhà)

 

Thế mới bíêt lục bát ngấm vào trong máu từ thủa ấu thơ. Lục bát cứ quyện lấy khói lam chiều mà ôm ấp lấy làng lấy xóm.


Bầu ơi thương lấy Bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

          (Ca dao) 

 

Lục bát gần gũi với mọi tầng lớp lao động, mang lại niềm vui, xua đi những nhọc nhằn để quê hương vang mãi những lời ru:


Cái Cò, cái Vạc, cái Nông
Sao mày dẫm lúa của ông hời Cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà Vạc nó ngờ cho tôi

          (Ca dao)

 

Nhịp sống hiện đại, hối hả và không khuôn phép đã dẫn người ta đến trương phái thơ tự do. Không cần niêm luật, phù hợp với sự thay đổi, dễ hoà nhập với nền văn hoá đang đổi thay từng ngày của nhân loại. Làm sao để giữ gìn dòng thơ cổ truyền của dân tộc đây?

           Tôi có duyên may được nói chuyện với Thuỷ Hướng Dương, một trong những admin của trang lucbat.com, được biết hiện nay nhà thơ Đăng Vương Hưng cùng một số anh chị em tâm huyết, đang cùng nhau xây dựng trang web này để lưu trữ các bài thơ lục bát hay của nhiều thế hệ tác giả miễn phí và tự nguyện. Tôi thấy thật mừng vậy là thơ lục bát không bị thất truyền, nền văn hoá của dân tộc không bị mai một. Cùng với sự thăng hoa của ngôn ngữ Việt, lục bát mãi là hồn thơ của Việt nam, gần gũi với người dân Việt nam như cây đa, giếng nước sân đình, như ruộng khoai nương sắn, như bát nước vối giữa trưa hè mát rượi tình quê.
          Chỉ nghĩ thế là tôi hạnh phúc!

 

Vũ Thị Minh Nguyệt

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: