Thứ bảy, 27/07/2024,


Ngày xuân đọc gì? (17/02/2013) 
Đã nhiều năm nay, Hội Nhà báo có sáng kiến khai hội báo xuân. Hàng trăm tờ báo, tạp chí từ trung ương, từ các ngành nghề, hội đoàn thể đến các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện được trưng bày, triển lãm chật cả mấy gian hội trường lớn. Đi hội báo xuân, ở đâu mình không biết, chứ tỉnh mình thấy người làm báo đến hội đông hơn người đọc báo.
 
Những ngày giáp tết bận bịu, không mấy ai ngồi đọc báo xuân, có người chỉ nhìn toàn cảnh rồi về, có người nể nả lật qua vài trang tờ báo mà mình quan tâm xong thôi. Phải công nhận, báo xuân năm nào cũng đẹp. Giấy tốt. In sang. Nhìn những tờ báo bạn, mình không khỏi tủi thân với những tờ Văn Nghệ, từ Văn Nghệ trung ương đến Văn Nghệ địa phương. Có cảm giác báo chí Văn Nghệ như cái “anh bất mãn” trước muôn hồng ngàn tía của ngày hội báo.
Là một người viết, tết nào mình cũng có năm bảy bài trên các báo. Như thế là ít. Có nhà thơ kiêm nhà báo thân quen khoe, tết kiếm được mấy chục triệu tiền nhuận bút. Có tờ báo trả nhuận bút năm, bảy triệu một bài. Mình viết báo nhỏ, gom góp một cái tết cũng đủ tiền bia. Cũng vui!  Có điều này thì thú thật, mình không mấy khi đọc báo xuân.  Có cậu bạn làm thơ, do quen biết sao đó có bài thơ được in ở báo trung ương. Tết đến chơi nhà, cậu ta nói xa nói gần mãi, mục đích là để cho mình tự nói ra, là đã đọc bài thơ của cậu ta trên báo trung ương, nhưng mãi không thấy mình nói ra điều đó, nên cụt hứng bỏ về. Khốn khổ, có bài in trên báo xuân thì có gì là to tát đâu chứ ! Báo ra nhiều như thế lấp đầy chữ vào đấy đâu có dễ! Và thú thật, mình đã mở tờ báo “lớn”đó ra đâu mà biết.!
Làm biên tập báo tết có lắm chuyện để kể. Có cả bi, cả hài. Có người thích được đăng để lấy sang, chứ không cần nhuận bút. Có người thì tính nhuận bút từ lúc gửi bài. Có người bài hay dở không khoe, lại khoe bài ấy được trả bao nhiêu tiền trên mạng. Biên tập báo tết cứ như ngồi trước một bàn tiệc xoàng nhưng người chế biến món ăn lại toàn chỗ thân quen cả. Cho nên, dẫu no cũng phải nếm đủ các món cho nó vui vẻ cả làng.!
Báo tết không đọc thì ngày xuân mình đọc gì?
Thì ra, có khối thứ để đọc, vừa hay, vừa bổ ích nhưng lại không in trên các báo. Lang thang trên mạng internet thấy thời gian trôi nhanh quá. Mấy ngày xuân trôi vèo như bóng câu qua cửa. Có bài báo mình đọc trên các blogs cá nhân. Có bài báo mình đọc trên các trang web của ai đó, họ không theo một khuôn phép nào, từ văn học, thời luận, xã hội, khoa học, triết học. Có khi cả tình ái nữa. Thì ra, mình tuổi tác rồi. Mình không thích bị tuyên truyền nữa rồi. Mình  thích đọc cái gì mình thích, vậy thôi. Thời bây giờ sướng thật. Không ai có thể là đầu mối của toàn bộ thông tin được cả. Chợt nhớ, một thời, cách đây cũng không lâu lắm, mình làm chánh văn phòng Ban Tuyên Giáo. Làm cầu nối trung chuyển các thông tin từ trung ương đến các chi bộ đảng. Tài liệu in rô-nê-ô. Ngoài việc sao gửi, còn biên soạn thêm thông tin của tỉnh nữa. Xong đóng dấu mật, xong gửi xuống cơ sở. Có lần mình xuống một xã vùng sâu, trong cuộc rượu với những người dân quê, có người ngồi cạnh bảo : Báo cáo anh, tôi tuy chưa đảng viên, nhưng thỉnh thoảng vẫn được đọc tài liệu mật do anh ký. Chợt thấy sao mà thương dân mình thế! Họ vừa đói thông tin, vừa mong muốn được tin cậy. Làm công dân của một nước độc lập tự do mà sao thấy người dân cứ khấp khểnh thiếu tự tin sao ấy! Nhớ hồi mẹ mình còn khỏe, cứ một câu ơn đảng, ơn chính phủ, hai câu ơn đảng, ơn chính phủ. Hình như nói như vậy thì mẹ mình yên tâm hơn!
Bây giờ, trong các cuộc trò chuyện vỉa hè, hay ngay cả trước các cuộc họp chi bộ, không khí trò chuyện đã cởi mở hơn nhiều. Nhưng vào các cuộc họp, mình thấy ai cũng nói như là nói miệng của người khác vậy. Giữa bụng nghĩ và miệng nói chẳng có gì ăn khớp với nhau cả. Báo chí thì dần như là một thứ trang sức. Địa phương nào cũng ra báo, ngành nào cũng ra báo. Không mấy tờ báo tự hạch toán lỗ lãi, mà sống dựa vào bao cấp. báo in phát không hoặc bán qua các cơ quan xí nghiệp, mua bằng ngân sách. Trang nhất và trang bốn giữa các báo trung ương và địa phương giống nhau như hệt. Đài địa phương đói tin, đói bài, nhiều khi sử dụng tin bài của đài bạn. Trong lúc đài nào cũng phấn đấu phát hai bốn giờ ngày.. Hiệu quả tuyên truyền của báo chí là rất thấp! Báo chí ít người đọc nhưng sao người ta thích ra báo thế nhỉ? Có tờ tin công đoàn, gần như chẳng có nhà báo nào ở đó cả, nhưng tờ báo in couché bốn màu cả trăm trang, trông lãng phí đến xót cả ruột. Nhiều lắm, nhưng hình như đã đến lúc không ai nói ai nghe nữa rồi. Mạnh đâu nấy làm thì phải. Cơ quan quản lý báo chí đã thấy, đã đòi quy hoạch lại lần ba, nhưng chạm các ngành lại rụt lại rồi.
Thời đại là thời đại thông tin. Thông tin là kinh tế, là tiền bạc. Báo chí có chức năng cơ bản là thông tin, nhưng kênh thông tin của báo chí đang lạc hậu dần, vừa chậm vừa mang tính  tuyên truyền lộ liễu nên không mấy ai còn tin vào thông tin của báo chí. Trong lúc ấy, thông tin mạng vừa nhanh, vừa khách quan hơn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những thông tin sai lệch, thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng thiết nghĩ, người đọc, người nghe cũng đủ tỉnh táo để so sánh kiểm chứng qua nhiều kênh khác. Có một nhà báo, làm phó tổng biên tập một tờ báo cũng khá to, không tiện nhắc tên, trong một lần trò chuyện, phát biểu vui rằng, ở Việt nam chưa có nhà báo nào đáng là nhà báo cả! Tuy là nói vui nhưng không phải không đáng suy nghĩ. Thiên chức của nhà báo lớn lắm. Nhà báo không chỉ là người phản ánh hiện thực đời sống mà nhà báo còn là người phát hiện, cảnh báo những vấn đề rộng lớn, nhiều khi liên quan đến vận mệnh của một quốc gia! Về việc này thì nhiều “nhà báo tay ngang” , qua mạng, đã và đang có những tầm nhìn rộng lớn, cảnh báo trước những vấn đề rất lớn mà lý ra những người lãnh đạo đất nước cần phải bỏ công suy nghĩ, để hiệu chỉnh đường lối, chủ trương của mình, nhưng tiếc thay, vì nhiều lý do, những ý kiến như vậy chưa được quan tâm xem xét.
 
Trí tuệ không là đặc quyền của ai, của tổ chức nào cả. Nhiều vấn đề lớn lại được  phát hiện bởi một người bình thường. Chúng ta đang gặp phải một lực cản to lớn là, sự thiếu tầm, thiếu tâm của những người được bố trí không tương thích giữa trình độ khả năng và vị trí họ đang nắm giữ. Tôi đã đọc nhiều bài viết của các nhà khoa học, nhà báo, nhà văn rất tâm huyết với đất nước hiện đang sinh sống và làm việc trên khắp thế giới. Bài toán đất nước đang được họ đưa ra những lời giải rất sáng rõ,  hợp lý, hợp tình. Nhưng sao ấy nhỉ? Sao người ta cứ cố đi giải bài toán đại số hiện đại bằng một định lý hình học sơ đẳng từ thời Platon thế nhỉ? Hay nói cách khác, những bài toán hiện thực thời nay không thể giải bằng phép cọng trừ nhân chia thuần túy được. Thưa quý vị!  Người ta đem toán học cao cấp giải cho thì lại không chịu, thà là ngồi họp hành liên miên nghe các thầy bói nói về voi rồi cãi nhau chứ không thèm nghe nhà thông thái giảng giải. Đó là một thực tế. Nhiều nhân tài muốn góp cho đất nước cái gì đó đành thở dài buông xuôi. Tôi đọc, và cảm phục tấm lòng cũng như tài năng của nhiều người. Mỗi người dẫn giải về một vấn đề, nhưng tựu trung là họ muốn mang đến một luồng gió mới, dân chủ và tự do, ngõ hầu xây dựng một xã hội Việt nam công bằng, dân chủ, văn minh, ở trong đó, mỗi người được phát huy hết tài năng của mình để dựng xây đất nước.  Có cái gì đó đang mất bình thường. Những người làm báo quốc doanh, công lập có biết không? Chắc chắn là có, nhưng báo chí ta đang hướng mắt đi đâu ấy!
Đọc gì trong ngày xuân.? Đọc nhiều lắm! Đọc trong đời sống bằng mắt nhìn của một người lương thiện. Đọc trên nhiều kênh để có một cái nhìn gần sự thật hơn. Khi đối tượng tồn tại lớn hơn một người ta nảy sinh ra sự so sánh, lựa chọn. Hình như ngày xưa mình có học câu này trong môn tâm lý học, hay logic thì phải?
VT ngày 15/2/2013
Nhà thơ LÊ HUY MẬU
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: