Thứ năm, 18/04/2024,


Như Huy: Làm nghệ thuật theo cách của Việt Nam! (08/12/2008) 

        

        hư Huy không muốn thành kẻ minh họa, người thi công hay là nô lệ của các quan niệm từ bên ngoài đang áp đặt khá phổ biến và thô thiển trong các loại hình nghệ thuật mới của Việt Nam. Như Huy là ai? Quả là một câu hỏi khó trả lời. Khó, không phải bởi đây là một nhân vật chuyên khai man lý lịch, lúc ẩn lúc hiện như đạo sĩ, hay là một kẻ ẩn tu, giấu mình trong phòng kín. Khó, cũng không bởi đây là một nhân vật vô danh, bởi trong lĩnh vực của mình, Như Huy khá nổi tiếng…

 

Như Huy: Tên đầy đủ là Nguyễn Như Huy. Sinh 1971 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1997. Một số triển lãm gần đây: 2008, Giám tuyển dự án Việt dã nghệ thuật; 2007, Giám tuyển và nghệ sĩ của triển lãm Những cuộc gặp gỡ bất ngờ và thảm họa vi tế, New York, USA, 2007; 2006, Giám tuyển và nghệ sĩ cho triển lãm, Xin Chào-My Darling, Gallery Stone and Water, Hàn Quốc; Triển lãm nghệ thuật châu Á, tại không gian phá cách Loop (Seoul) và Trung Hoa; 2005, triển lãm The Names [Những cái tên, hay là khúc biến tấu với Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm], tại Nhà Hát TP Hồ Chí Minh…

 

Giải thưởng: Scholarship for Residency (Học bổng cư trú và làm việc) tại Trung tâm văn hóa Cheongju, Hàn Quốc 2006; 2003, First Class Scholarship for Residence [Học bổng cư trú hạng nhất] tại Vermont Studio Center, USA; 1996, Scholarship for Exhibition [Tài trợ triển lãm, cá nhân] tại Vietnam Cultural Center, 24 Rue De’s Ecole, Paris, France…

 

Như Huy là một người đa diện, mà từ một góc nhìn nào cũng thấy cồng kềnh.

Như Huy mê đá banh. Thời còn ở Hà Nội, nghe đâu anh từng đá chung trong CLB cầu thủ trẻ Thể Công, đá chung với Hồng Sơn - một thời là danh thủ của Việt Nam. Khi vào học ĐH Mỹ thuật TP.HCM, anh nổi tiếng với danh hiệu “Huy béo”, “Huy voi”…, không phải vì thể trạng vốn là người to lớn, đô con, mà vì sự càn lướt trên sân bóng. Nghe đâu đội bóng của lớp anh luôn đoạt chức vô địch, và anh cũng ghi khá nhiều bàn thắng.

 

Mãi về sau này, khi công việc và gia đình khá bận rộn, Nhu Huy vẫn mê đá banh, nhiều thì tuần hai ba buổi, ít thì một buổi. Nếu có bận rộn quá hay do sức khỏe trục trặc một chút thì cũng tối thức khuya xem giải ngoại hạng Anh, World Cup, Euro… bù lại. Cứ đêm nào có truyền hình trực tiếp là anh lại nhắn tin cho bạn bè cùng “chí hướng” để cùng xem, dù đa phần ai ở nhà nấy, nhưng cũng không kém phần hào hứng.

 

Như Huy cũng là một nhân vật kì lạ trong lĩnh vực quảng cáo, cách anh làm xưa nay cũng chẳng giống ai, nhiều khi làm như không làm. Thời còn là sinh viên, anh đã từng nhận nguyên một show quảng cáo lớn của nhãn hiệu Kodak và chia cho cả trường cùng làm. Một sinh viên thời đó kể lại rằng, gần như sinh viên nào cũng được Như Huy trả công, có người làm nhiều còn kiếm được mấy chỉ vàng dắt lưng. Làm và ham chơi như thế nhưng khi tốt nghiệp ra trường anh đã đưa ra một luận văn khá táo bạo về danh họa Dương Bích Liên (1924-1988).

 

Như Huy cũng được biết đến như là một tay chơi có tầm cỡ. Thời cao điểm, gần như quán bar hay vũ trường nào ở Sài Gòn cũng có rượu do anh ký gởi. Một bartender của bar nhạc Carmen tiết lộ rằng Như Huy rất thích các loại rượu mạnh, đặc biệt là Wild Turkey của Mỹ. Cũng trong thời gian thức khuya cùng các quán bar, vũ trường, quán rượu, Như Huy đã thành một ca sĩ phóng túng. Phóng túng theo nghĩa, nếu vui, có thể lên ôm đàn guitar, ngồi piano chơi ngẫu hứng một vài bài. Các ca khúc của anh cũng được viết chủ yếu trong giai đoạn này, nhiều bài hát ngẫu hứng một vài lần rồi quên, nhiều bài các ca sĩ khác xin rồi làm thất lạc, sau này anh tập hợp lại một phần trong album Chạm vào (2005) với sự thể hiện của Tùng Dương và Nghi Văn.

 

Thật khó đánh giá các ca khúc của Như Huy, vì đây không phải là chuyên môn của tôi. Chỉ biết rằng nhiều ca khúc của anh như Có nhiều khi, Tóc ngắn, Chạm vào, Nằm mơ… cũng được nhiều người đón nhận. Tháng 10/2005, Như Huy đoạt giải Nhất giải Khán giả bình chọn ca khúc hay nhất tại cuộc thi của Bài hát Việt, Đài truyền hình Việt Nam.

 

Như Huy mang hình bóng các nhà quý tộc, đúng hơn là các hiệp sĩ Tây phương, văn võ toàn tài, thơ nhạc họa đều yêu thích và có những sáng tác tiêu biểu cho những yêu thích này.

 

Như Huy cũng là người dễ thích nghi, nhưng cũng rất thẳng thắn, quyết liệt.

 

Để chứng minh cho điều này có thể xem rất nhiều bài viết của anh về các tác giả như Trần Dần, Trịnh Công Sơn, Trần Trọng Vũ, Tiffany Chung, Motoko Uda, Sue Hajdu, Judy Watson, Bùi Chát…; rồi các bài dịch về nghệ thuật mới, về các vấn đề có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Tiếp theo đó là những bài tranh luận nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ với Phan Nhiên Hạo, Trần Wũ Khang, Trần Lương, Trần Hải Minh… trên các báo và website.

Mấy năm gần đây Như Huy làm thơ khá nhiều, đăng tải trên các website chuyên văn học, trên website và blog cá nhân. Tập Những câu phức (NXB Hội Nhà văn & NS Bách Việt, 2008) là một minh chứng. Qua tập này, người đọc thấy Như Huy là người say mê ngôn ngữ, mê tạo chữ, mê ghép nghĩa. Ví như bài thơ này, in trên blog của chính anh:

 

 Một bài thơ

 

Anh biết một bài thơ luôn chính là ngôn ngữ của bài thơ đó, luôn chính là bóng đổ của bài thơ đó, luôn chính là nhịp điệu của bài thơ đó, luôn chính là tác giả của bài thơ đó, luôn chính là phần còn lại của bài thơ đó, luôn chính là phác thảo của bài thơ đó, luôn chính là gương soi của bài thơ đó, luôn chính là kẻ đạo văn của bài thơ đó, luôn chính là phần tẩy xóa của bài thơ đó, luôn chính là sự khởi đầu của bài thơ đó, luôn chính là hình nhìn nghiêng của bài thơ đó, luôn chính là cuộc vượt thoát của bài thơ đó, luôn chính là chỗ nối dài của bài thơ đó, luôn chính là kỷ niệm của bài thơ đó, luôn chính là thao tác trừu xuất của bài thơ đó, luôn chính là đáy của bài thơ đó, luôn chính là ốc đảo của bài thơ đó, luôn chính là sự hoang mang của bài thơ đó, luôn chính là nỗi ám ảnh của bài thơ đó, luôn chính là quyền thống trị của bài thơ đó, luôn chính là góc tối của bài thơ đó, luôn chính là tư liệu của bài thơ đó, luôn chính là hồi tưởng của bài thơ đó, luôn chính là ngữ pháp của bài thơ đó, luôn chính là mê cung của bài thơ đó, luôn chính là các giải pháp của bài thơ đó, luôn chính là nỗi luyến tiếc của bài thơ đó'.

 

                             

 

           Nhà thơ, nhà phê bình Inrasara, trong bài “Như Huy khai vỡ hiện thực như thực từ giữa những câu phức” cho rằng: “Đây là tập thơ [thuần] triết lí đầu tiên xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, từ sau 1975, có lẽ. Diễn tả cảm thức hậu hiện đại bằng lối viết hậu đại, trong nỗ lực nhận diện hiện thực cuộc sống, tình yêu, ngôn ngữ, thi ca,… Cho dù anh chưa rời bỏ vẻ nghiêm cẩn (seriousness) trong công cuộc (Tại sao? Trong lúc anh ý thức minh nhiên về nó: “Đừng-bao-giờ-đánh-mất-khả-năng-hài-hước”), nhưng có thể khẳng định: Đây là một nhát cuốc khai phá dũng mãnh.”

 

Như Huy của thi ca như thế, nhưng trên hết, cá nhân tôi cho rằng hoạt động và đóng góp chính của Như Huy là ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác và các ý niệm của nó.

 

Như Huy trong nghệ thuật thị giác

 

Trong nghệ thuật thị giác, lĩnh vực mà Như Huy được đào tạo và tự đào tạo rất bài bản trong nhiều năm qua, anh chỉ luôn khát khao một điều rất cụ thể, nhưng cũng rất khó khăn, đó là thay đổi ý niệm về quá trình tạo tác và thưởng lãm nghệ thuật.

 

Nỗ lực thay đổi ý niệm trong nhận thức và cách nhìn nghệ thuật được anh thế hiện qua tác phẩm, điều đó đã rõ. Bên cạnh đó, anh cũng dịch, viết rất nhiều bài liên quan trực tiếp và sâu sát đến vấn đề này.

 

Như Huy đã tham gia rất nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung, tại nhiều địa phương và ở nhiều nước. Những triển lãm tiêu biểu có thể kể tên, không xếp theo thứ tự thời gian: Những tên người, Tưởng niệm các em bé tại Beslan, Hành trình, Cà-phê Sài Gòn, Cheongju Incident point, Căn phòng ký ức, Xin chào-My Darling, Milkdernity, Những cuộc trạm chán bất ngờ và thảm họa vi tế, Những con chuột của Kafka…

 

Các thực hành nghệ thuật của Như Huy thường quan tâm tới mối liên hệ giữa hiện tại và quá khứ, cùng sự đan xen của các chiều kích không thời gian, và cả về sự khác/dị biệt của các tuyến thời gian trong ý niệm và nhận thức của con người hôm nay.

 

Xem các tác phẩm của Như Huy, các dự án mà anh làm giám tuyển (curator), và đọc các bài viết về nghệ thuật thị giác của anh, nhất là bài tham luận gần đây anh trình bày tại hội thảo quốc tế về nghệ thuật Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, với tựa đề “Nghệ thuật Việt Nam: Hậu Đổi mới”, người ta thấy hiện ra một quan điểm khá rõ nét: Anh luôn đề nghị một cách làm nghệ thuật thị giác theo cách của Việt Nam.

 

Điều này không nói rõ ra thì người đọc sẽ lầm Như Huy là kẻ bảo thủ, muốn quay trở về với các quan niệm và chất liệu truyền thống của Việt Nam, nhưng rõ ràng là không phải như vậy.

 

Như Huy và những cộng sự của mình, trong các dự án nghệ thuật như Xin chào-My Darling, Việt dã nghệ thuật… muốn thoát ra khỏi “hình tướng” và sự lệ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá một chiều của phương Tây trong các phương thức làm nghệ thuật thị giác. Như Huy không muốn thành kẻ minh họa, người thi công hay là nô lệ của các quan niệm từ bên ngoài đang áp đặt khá phổ biến và thô thiển trong các loại hình nghệ thuật mới của Việt Nam.

 

Từ góc độ này, ta có thể thấy ra được chiều kích tư duy phản hậu thực dân, mà theo tôi là một trong những chiều kích tư duy rất quan trọng của Như Huy, cũng như sẽ là chìa khóa để có thể cắt nghĩa mọi hành xử lý thuyết và thực hành nghệ thuật của Như Huy.

 

                     

                                         Tác phẩm 'Những cái tên'

 

Trong mấy năm qua, việc diễn ngôn và tái định nghĩa chính con người/hành động của nghệ sĩ Việt Nam hôm nay đã đẩy Như Huy vào tình thế “đối đầu” bất đắc dĩ, biến anh thành kẻ cô đơn, và đa phần phải bước đi độc đạo.

Làm nghệ thuật theo cách của Việt Nam có thể không tương khớp, không “giống” với quan niệm và khái niệm của phương Tây về chuyện này, nhưng sẽ hợp lý hơn, bởi suy cho cùng, Việt Nam vẫn là Việt Nam, các nghệ sĩ trong bầu khí quyển đó phải có cách làm của riêng mình để tìm cách nói ra những thông điệp của riêng mình.

 

Họ phải là người kể câu chuyện của bản thân, chứ không phải kẻ minh họa những cái nhìn khuôn định và sẵn có, dù là của bất kỳ ai hay phe nào. Trong chương trình Tài năng Nghệ thuật Trình diễn do Đại Sứ quán Đan Mạch tổ chức vừa rồi, chính những mâu thuẫn của Như Huy (Sài Gòn) và nghệ sĩ Trần Lương (Hà Nội) đã phần nào hé lộ về quan niệm và cách làm của mỗi người - cũng như của những nghệ sĩ chọn theo một trong hai hướng này.

 

Khát vọng

 

Trên blog của dự án Việt dã nghệ thuật, dự án nghệ thuật công cộng Như Huy là giám tuyển năm 2008, Như Huy có ghi một câu khẩu hiệu (slogan): “Làm thế nào để có thể làm nghệ thuật bằng cách không-làm-nghệ-thuật. Làm thế nào để có thể là nghệ sĩ mà không cần phải trở nên ngôi sao hay triết gia?”.

 

Hiện nay Như Huy đang theo học triết với một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc học này, như Như Huy cũng có lần nói với tôi, không phải để giúp anh có thể trở thành một dạng kiểu triết gia nào đó. Trái lại, anh coi nó như một nhu cầu nhận thức, không phải chỉ về các vấn đề triết học nói chung, mà còn để nhận rõ điều gì là tiền đề cho các quan niệm của phương Tây về nghệ thuật, mà gần đây đang được áp dụng cứng nhắc và theo kiểu hàng loạt, bất chấp văn cảnh vào các quốc gia như Việt Nam. Qua đó, bản thân anh sẽ tìm cách phản biện lại một cách có hiệu quả với các mô hình áp đặt đó.

 

Nói cách khác, như tôi hiểu, để lặp lại cái slogan trên kia của chính anh, việc học này chính là cách duy nhất để có thể làm nghệ thuật “mà không cần phải trở thành triết gia”.

 

Tôi viết bài này với tư liệu và hình ảnh mà cá nhân sưu tập được, không thông qua Như Huy, bởi, dù khá nổi tiếng, nhưng Như Huy vẫn là người rất e dè khi nói về mình; vẫn hay tỏ ra thẹn thùng khi ai đó gọi anh là nghệ sĩ nổi tiếng.

 

Hiền Hòa (Vietnamnet)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: