Thứ bảy, 20/04/2024,


Nghề chẳng phụ người (08/12/2008) 

     Ngồi đối diện với bà trong một quán cà phê của buổi chiều cuối thu se lạnh, tôi chợt nhận ra rằng: Bước đi lạnh lùng của thời gian đã chẳng thể để lại nhiều dấu ấn trên con người bà: Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn miệng tươi tắn và giọng nói ấm áp đến mê hoặc. Bà đã chẳng khác gì nhiều so với Kim Tiến của hơn 30 năm về trước... Quần bò, áo len rộng và giày thể thao khiến không một ai khi gặp lại nghĩ rằng bà đang ở tuổi lục tuần.

 

     Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp bà đó là một sự gần gũi, thân thiết đến khó tả. Dường như giữa hai con người mới gặp nhau này không có khoảng cách. Tôi chưa kịp hỏi gì bà đã nói luôn: "Người ta viết về cô cũng khá nhiều rồi. Cháu hãy hỏi cô những gì mới mẻ nhé. Cô không thích sự lặp lại".

 

     Nói vậy nhưng chưa kịp để tôi hỏi điều gì, bà đã thể hiện sự bức xúc rất "nhà nghề" của mình: "Nói thật với cháu, cô cảm thấy rất buồn về một chiều hướng không hay trong cách phát âm tiếng Việt của đa số các phát thanh viên truyền hình và MC hiện nay. Cô rất muốn mình cùng với đồng nghiệp sẽ tổ chức được một cuộc tọa đàm về vấn đề phát âm tiếng Việt. Một thực trạng đáng buồn là, không hiếm phát thanh viên hiện nay đã thả nổi vấn đề phát âm tiếng phổ thông sao cho chuẩn. Họ chỉ quan tâm đến nội dung mà không còn chú trọng đến sự thể hiện. Ngày xưa thời của cô, việc này rất được lưu tâm. Có khi chỉ là những câu nói đùa, những chuyện hài hước tếu táo được nói ra trong giờ nghỉ giải lao cũng bị thủ trưởng nhắc nhở. Không phải họ hà khắc, mà họ có lý do chính đáng của họ. Bởi hơn ai hết, những người lãnh đạo ấy hiểu rằng: Đối với nghề phát thanh viên thì cuộc đời và công việc liên quan mật thiết với nhau. Vì thế khi đã lên hình thì mình cũng phải giữ sao cho cuộc sống trong sáng. Nếu có cuộc sống thiếu đứng đắn, khán giả mà biết được như thế sẽ không hay"

 

     Cuộc đời thế nào thì khi lên hình sẽ phản ánh đúng thế ấy. Minh chứng cho việc này là: Có một đồng nghiệp của cô hồi đó rất thích nói chuyện tếu táo, và thích nhại lại giọng nói nhịu, nói lắp của người khác. Một hôm khi làm chương trình truyền hình trực tiếp về "Tết cổ truyền ở Campuchia", người đó đã nói thành "Tết cổ truồng", làm cả đài được phen hú vía

 

     Dường như đã giải tỏa được phần nào những bức xúc bấy lâu trong lòng, nghệ sĩ Kim Tiến trở nên dí dỏm hơn hẳn khi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm khi còn làm ở Đài Truyền hình. Hồi đó, điều kiện làm việc còn muôn vàn khó khăn. Những phát thanh viên như bà phải ngồi "đóng đinh" trong một căn phòng nóng nực, không có điều hòa, lại dưới những ánh đèn hàng nghìn oát. Có khi ngồi đọc bản tin mà mồ hôi chảy vào mắt cay xè. Các phát thanh viên nam có người còn trên complê, dưới quần đùi để giảm bớt sức nóng.

 

     Hồi đó có một đoàn của UNICEP đến dạy cho các phát thanh viên kỹ thuật phát âm, kỹ thuật thể hiện. Một người trong đoàn (người Malaysia) đã ngồi vào ghế của phát thanh viên, chưa đầy hai phút sau người đó đứng dậy nói một câu duy nhất: "Tôi không hiểu tại sao các bạn không bị "rán vàng" dưới cái nhiệt độ khủng khiếp này"…

 

     Dù vất vả nhưng vui, vì những người như bà đã nhận được tình cảm nồng nhiệt trìu mến của hàng triệu triệu khán giả. Được khán giả tôn trọng thì mình cũng phải tìm cách để đáp trả những tình cảm tốt đẹp ấy. Chả thế mà trong suốt 15 năm trời, Kim Tiến đã chỉ để một kiểu tóc ngắn duy nhất. Hỏi lý do thì bà trả lời rằng: "Vì khán giả hồi đó thích thế!". Cũng đã nhiều lần bà muốn làm mới mình bằng cách để một kiểu tóc khác nhưng ngay sau đó, bà nhận được rất nhiều phản hồi từ phía khán giả, yêu cầu được thấy Kim Tiến với kiểu tóc cũ…

Khi tôi hỏi: "Cô có cảm thấy mình thiệt thòi không, khi chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, mà theo cháu điều đó là xứng đáng?". Bà bảo cũng buồn, nhưng nỗi buồn ấy cũng chẳng kéo dài bao lâu bởi đã có những khán giả yêu mến gửi thư đến an ủi rằng: "Từ lâu, trong lòng chúng tôi, chị đã là nghệ sĩ của nhân dân". Thậm chí còn có một cụ già từ miền Nam viết thư ra cho bà tâm sự: "Tôi cảm nhận được sự chân thành và trìu mến của Kim Tiến đối với khán giả ngay cả từ câu "Chào các bạn! Các bạn thân mến!". Tôi thấy có nhiều người bây giờ chào rất hời hợt". Bà bảo như thế là sự cố gắng, tâm huyết của mình đã được đền đáp. Khán giả yêu mến mình và thấy mình trân trọng họ ngay cả từ câu chào thì còn gì hạnh phúc hơn.

 

     Vì thế nên bây giờ trong các giờ giảng dạy của mình cho các phát thanh viên trẻ, bà đều nhấn mạnh rằng: "Đừng bao giờ nghĩ trước mặt mình chỉ là ống kính, mà phải luôn tâm niệm trước mặt mình là ánh mắt của bao nhiêu người, trong đó có cả những người thân yêu nhất của mình. Vì vậy hãy nói như đang nói với người thân. Có vậy chúng ta mới không giống như những cái máy nói vô hồn".

 

     Một kỷ niệm cũng rất đáng nhớ trong đời phát thanh viên của nghệ sĩ Kim Tiến: Những ngày đầu vào nghề, bà cùng với đài truyền hình nhận được rất nhiều phản hồi từ phía khán giả của các địa phương gửi đến. Họ nói rằng: "Sao cái cô Kim Tiến giọng gì mà yếu ớt thế, tiếng hít thì to ơi là to?". Việc này đã được đưa ra rút kinh nghiệm trong đài, còn bà thì chỉ biết cố gắng hết sức để nói cho thật to, thật rõ. Nhưng "oan uổng" thay, điều sai sót đó lại không nằm ở người phát thanh viên mà do kỹ thuật đường truyền. Ở Hà Nội thì hoàn toàn bình thường, nhưng khi về các đài địa phương, sóng yếu đi, âm thanh và lời nói thậm chí còn không trùng khớp nhau… Rất may là chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra qua cái sự hiểu lầm này.

 

     Nghệ sĩ Kim Tiến tâm sự, nghề phát thanh viên là niềm đam mê của bà. Thi hai lần vào đài truyền hình để làm phát thanh viên nhưng đều không đỗ, bà bảo, đi đường thẳng không được thì đi đường vòng, lâu hơn một chút nhưng vẫn tới đích. Thi trượt vào phát thanh viên nhưng bà lại trúng tuyển vào Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam. Sau đó một thời gian, Trưởng phòng Phát thanh gặp bà ở sân cơ quan và nói: "Em có muốn sang bên này làm việc với bọn anh không?". Tất nhiên đó là ý nguyện của mình nên bà không thể từ chối. Từ đó đến nay, dù đã về hưu nhưng bà vẫn ngày ngày gắn bó với Đài Truyền hình. Quả là hiếm thấy một người nào lại yêu nghề và say nghề như bà.

 

     Không chỉ thành công với vai trò phát thanh viên mà Kim Tiến còn rất được yêu mến trong công việc của người thuyết minh phim. Bà bảo hồi đó không có phim truyền hình như bây giờ mà chỉ có phim truyện nhựa thôi. Mỗi phim truyện nhựa thường kéo dài tới 90 phút, chia ra làm khoảng 10 tập, mỗi tập chỉ độ 9 phút. Thường thì buổi chiều bà đã phải đến Đài để khớp phim, còn đến tối là đọc trực tiếp trên truyền hình luôn. Có một hôm, người kỹ thuật viên chẳng hiểu lơ đễnh thế nào đã đút nhầm ruột tập 4 sang vỏ của tập 2, khiến bà được một phen toát mồ hôi. Như thường lệ, đến giờ chiếu phim, bà ung dung vào phòng đọc. Bà bỗng giật mình khi phát hiện ra đây không phải là nội dung của tập hai, mà là của tập 4. Thoáng một chút bối rối, bà lấy lại bình tĩnh và phản ứng rất nhanh. Một mặt cứ thuyết minh theo trí nhớ của mình, dù có thể không được chính xác lắm nhưng vẫn còn hơn là để hình ảnh câm. Sau đó tay thoăn thoắt mở đúng chỗ thoại để người xem không bị gián đoạn.

 

     Đấy mới chỉ là nhầm ruột phim, nguy hiểm hơn là nhầm sóng. Đó là lần bà đang đọc thuyết minh cho một bộ phim truyện nhựa của Triều Tiên thì có người xuống kiểm tra đường truyền vệ tinh. Chẳng hiểu họ kiểm tra thế nào mà cắt phéng mất hình ảnh phim trước mặt bà, thay vào đó là kênh bóng đá (tất nhiên sự cố này nó chỉ xảy ra từ phòng Tổng Khống chế của đài đến phòng của bà, còn sóng phát trên truyền hình thì vẫn là phim của Triều Tiên). Đúng là một sự cố ngoài sức tưởng tượng. Tiếng Triều Tiên thì bà biết thế nào mà dịch chứ. Nhưng cũng không thể để sóng trắng trên truyền hình được, bà nhanh trí lấp chỗ trống bằng cách cứ đọc, có thể lời thoại của người này sẽ gắn vào miệng của người kia. Nhưng có còn hơn không. Miệng thì vẫn thuyết minh còn hai tay thì khua khoắng loạn xị ngậu, những mong có ai đó nhìn thấy để vào giải cứu giúp. Khoảng 2 phút sau cũng có người nhìn thấy và ứng cứu. Người nhìn thấy hành động của bà hôm đó còn trêu rằng: "Cứ tưởng Kim Tiến đang nghỉ giải lao, tập thể dục cho đỡ mỏi"… Thật là những sự cố bất khả kháng nhưng nếu đối phó được sẽ thấy mình trưởng thành lên rất nhiều…

 

     Giờ đây, khi không còn ăn vào "sức lực của tuổi trẻ" nữa, bà phải tự cải thiện bằng cách tập thể dục. Mà món "khoái" nhất của bà là đi bơi. Một tuần trời Hà Nội ngập lụt, không có chỗ để bơi mà bà cảm thấy sức khỏe và giọng đọc của mình giảm đi trông thấy…

 

     Nghệ sĩ Kim Tiến bảo: "Cuộc đời chẳng ai hoàn hảo cả. Có cái này thì lại khuyết cái kia". Cơn bĩ cực lớn nhất của đời bà cũng đã qua đi. Giờ đây bà đang sống hạnh phúc bên người chồng là một doanh nhân thành đạt. Và cứ mỗi thứ bảy, vợ chồng cô con gái cùng với đứa cháu ngoại lại thu xếp công việc để trở về xum vầy bên bữa cơm gia đình ấm cúng với ông bà. Hạnh phúc tuy muộn mằn nhưng dẫu sao nó cũng đã được bù đắp xứng đáng…

Ngọc Anh -VNCA 93

(Nguồn: Cand.com)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: