Nhà văn Nguyễn Đông Thức sinh năm 1951 tại Quảng Ngãi, từng tham gia Thanh niên xung phong, làm báo, viết văn. Nhiều tác phẩm của anh đã ghi đậm dấu ấn một thời như Ngọc trong đá (tiểu thuyết, 1986), Trăm sông về biển (1988), Vĩnh biệt mùa hè (1992), Tiên bay về trời (2004), Như núi như mây (2006)... Hiện nay, công việc của anh gắn liền với văn học trẻ như phụ trách Tủ sách Tuổi Trẻ, biên tập tạp chí Áo Trắng….
* PV: Được biết anh mới ra mắt tập truyện ngắn có nhan đề rất ngắn là “Đời”. Anh có thể nói qua về tập truyện này được không?
- Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC: Tôi nảy ra ý định viết tập truyện ngắn này khi đang nằm trên giường bệnh. Lúc đó nhiều kỷ niệm, suy nghĩ cứ lướt qua đầu. Ra viện tôi bắt đầu viết và hoàn tất nó trước khi vào viện lần thứ hai trong năm nay. Các truyện ngắn trong tập truyện đều có nhan đề chỉ một chữ như Rượu, Ghế, Tình…
Với tôi, đó là những góc độ hẹp của cuộc sống mà tôi muốn tiếp cận như nó vốn đang tồn tại với các giá trị đúng sai, thật giả. Những chuyện đó không xa lạ, nó đang diễn ra đâu đó quanh tôi, quanh bạn và góp phần tạo nên những góc cạnh của cuộc đời hôm nay.
Đây là một sự thử nghiệm của tôi trong sáng tác và nếu sự thử nghiệm này được bạn đọc chấp nhận thì có lẽ sẽ có Đời 2, 3 viết về nhiều mặt cắt khác của cuộc sống…
* Nhắc đến thử nghiệm, là một người có nhiều gắn bó với văn học trẻ, anh có nhận xét gì về các nhà văn trẻ hiện nay, những người hay được cho là thích thử nghiệm văn chương?
- Nhà văn trẻ hiện nay có nhiều ưu thế hơn các thế hệ đi trước ở phương tiện tiếp cận cuộc sống và thể hiện. Ngoài việc cung cấp thông tin và kiến thức nhanh chóng, internet còn là một công cụ hữu hiệu để giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc. Chính qua các bạn, dần xuất hiện cái gọi là văn học mạng, nơi các nhà văn trẻ có thể sáng tác, trao đổi, bình phẩm một cách dễ dàng, thoải mái mà không chịu một rào cản nào. Thế nhưng chính công cụ này cũng có hạn chế của nó.
Nhà văn, nhất là nhà văn trẻ, vốn rất dễ bị ảo tưởng về mình, văn học mạng là nơi sự khen chê không có rào cản nên càng khiến sự ảo tưởng trở nên nghiêm trọng.
Theo tôi, xảy ra tình trạng này chính là vì thiếu hụt sự kiểm định, giống như ở nhà xuất bản hay ở các báo là khâu biên tập. Biên tập không có nghĩa là hạn chế mà góp ý cho hay hơn, chỉ rõ ưu điểm cũng như nhược điểm trong sáng tác, qua đó sẽ giúp tác giả hoàn thiện tác phẩm. Thiếu kiểm định, sự thử nghiệm ở các cây bút trẻ trên mạng dễ rơi vào kiểu viết thiên về cái tôi của mình, đôi lúc trở thành phán xét chủ quan hoặc cực đoan chủ nghĩa, thậm chí mang cả kiểu nói cố, nói cho đạt mục đích của mình hơn là thực sự là một sáng tác văn học.
* Đó là văn học trên mạng. Còn với văn học trên sách báo, là một người phụ trách tủ sách Tuổi Trẻ, biên tập tạp chí Áo Trắng, anh thấy gì ở các sáng tác của các bạn trẻ hiện nay?
- Điều đáng mừng là hiện nay vẫn có một dòng chảy văn học ngầm nhưng rất mãnh liệt trong các bạn trẻ đang học dưới mái trường. Chúng tôi đã nhận được nhiều, rất nhiều sáng tác, chứng tỏ niềm đam mê của các bạn trẻ, nhất là những bạn ở tỉnh, không hề vơi cạn. Thông qua những sáng tác này, chúng tôi đã có điều kiện phát hiện những cây bút tài năng để kèm cặp, bồi dưỡng tay nghề. Tuy nhiên, cũng phải nói là bên cạnh niềm đam mê thì sáng tác của những bạn trẻ gửi về cho chúng tôi vẫn bộc lộ hai điểm yếu lớn.
Thứ nhất là các bạn vẫn chưa thoát được xu hướng sáng tác theo khuôn mẫu. Dù mỗi số báo hay tủ sách có đặt ra chủ đề, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn có được những sáng tác có cách nhìn mới lạ, độc đáo.
Điều thứ hai nói ra thì buồn cười nhưng nó là một thực tế, đó là hiện nay các bạn trẻ viết… sai chính tả nhiều quá. Văn chương là thế giới của con chữ, viết văn mà lại sai chính tả thì khó có thể hay được. Các bạn trẻ muốn đi vào sáng tác cần hết sức chú ý điều này.
* Các nhà văn trẻ đã phần nào gây dựng được tên tuổi cho mình nhưng đồng thời cũng nhận được rất nhiều khen chê trái ngược nhau. Cá nhân anh nhận xét gì về hiện tượng này?
- Hiện nay, trong các nhà văn trẻ, tôi để ý nhiều đến những cây bút dù tuổi đời còn khá nhỏ, đề tài theo đuổi cũng trẻ trung, nhưng lại có cách viết già dặn, sâu sắc. Như Nguyễn Thiên Ngân, Phương Trinh chẳng hạn. Theo tôi, để viết được như các em, đòi hỏi phải đọc rất nhiều. Đó cũng là điểm tôi đánh giá cao các em, vì điều kiện đầu tiên để viết văn được là phải chịu đọc.
Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy ở tri thức, các bạn đi nhiều, biết nhiều, giúp mở rộng thế giới trong sáng tác của mình. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng là một cây bút trẻ có nội lực mạnh mẽ và một phong cách riêng rất độc đáo - tuy đôi lúc còn hơi cực đoan trong cách nhìn cuộc sống. Nếu tiếp tục đầu tư công sức, tôi tin các bạn trên sẽ còn tiếp tục đi xa hơn.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy một số nhà văn trẻ đang dần đi vào lối mòn trong sáng tác, cả về đề tài lẫn phong cách thể hiện. Điều đó cũng khó trách vì vốn sống của các bạn chỉ quẩn quanh chừng đó, nhiều khi thế mạnh mà được thâm canh quá thì đất tốt mấy cũng phải cằn. Tôi vẫn thường nghĩ viết văn chính là một cuộc chạy marathon, những người thiếu sức bền và không tìm cách tự tiếp sức được cho mình sẽ khó có thể theo đuổi được lâu dài.
Văn chương vốn dĩ phức tạp, việc các nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, còn chưa ổn định được phong cách, thiếu vốn sống, thiếu sự lý giải sâu sắc những vấn đề xã hội… là một điều bình thường. Chấp nhận và tin tưởng vào các em là tin tưởng vào tương lai của văn học đất nước. Các em cũng đang rất cần sự tin cậy đó để phát triển văn chương, bút pháp của mình.
TƯỜNG VY
(Báo SGGP)