Thứ tư, 24/04/2024,


Đạo diễn Dư Kim Hoàng: Làm phim tài liệu như trải nghiệm với cuộc đời (06/12/2008) 

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, Dư Kim Hoàng từng đoạt giải II quốc tế tranh cổ động Cuba - Moncada, 1984; giải III tranh cổ động đề tài Bác Hồ, 1985. Năm 1988, nhận công tác tại Đài Truyền hình TPHCM, ông chuyển sang học đạo diễn khóa đầu tiên phía Nam (hệ Đại học) của Trường Điện ảnh Việt Nam.
            Một số phim tài liệu ông tham gia thực hiện, tiêu biểu: Một ba bốn, Huy chương vàng LHTHTQ, 1995; Một đời quang gánh, HCV, 2000; Mê-công ký sự (Tổng đạo diễn Phạm Khắc); giải Cánh Diều vàng - Hội Điện ảnh Việt Nam, 2006…

            PV: Thưa đạo diễn, là một trong những nghệ sĩ khá gắn bó với thể loại phim tài liệu truyền hình, đề tài nào được ông quan tâm nhất?

 

 Đạo diễn DƯ KIM HOÀNG: Khi làm phim, chúng tôi thường phụ thuộc theo yêu cầu công việc chung của Đài truyền hình, của hãng phim TFS. Còn suy nghĩ riêng, thực lòng mỗi lần bắt gặp những kịch bản viết về cuộc đời, số phận con người, nhất là số phận những người phụ nữ biết hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống cứ làm tôi đáu đáu trong lòng.

Khi thực hiện phim Một đời quang gánh, dù chỉ ghi nhận những mảnh đời thường trong cuộc sống, nhưng tôi rất xúc động về hình ảnh của một bà mẹ tần tảo nắng mưa, hơn 40 năm gánh xôi đến bán ở một góc phố nuôi con ăn học. Hàng ngày, dòng người đi qua, dòng đời trôi qua, mấy ai để ý đến những con người thật quen thuộc ở chung quanh mình! Một trường hợp khác, tôi muốn nhắc đến chị Nguyễn Thị Lý, người nữ thương binh bị cụt mất cả hai chân với ước mơ một mái ấm gia đình (phim Tự sự).

Nhưng rồi, mọi điều như chôn chặt trong đáy lòng, chị vẫn sống lặng lẽ… Khi tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Nghính ở Bến Tre để làm phim Võ Văn Mẫn và đồng đội, chúng tôi thật xúc động trước một bà má Nam Bộ hiền lành, bình dị mà cao cả khi nói về nỗi mất mát của mình, về sự hy sinh anh dũng của con trai …! Dường như những nỗi đau khổ của người phụ nữ đều lặn vào sâu thẳm trong tâm hồn của họ.

 

Nhân đây, nhắc đến bộ phim tài liệu lịch sử “Những người con gái trong Nam Kỳ khởi nghĩa” do ông thực hiện, cảm nhận của ông về các nhân vật lịch sử như thế nào?

 

Đây cũng là những ngày làm phim đầy cảm xúc và ấn tượng đặc biệt của chúng tôi về những nhân vật tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Đọc lịch sử, đọc kịch bản, chúng tôi chỉ mới hình dung một phần nào về tiếng chân đi những đoàn quân của Nguyễn Thị Thập, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Thử, Nguyễn Thị Được, Trần Thị Biên, Nguyễn Thị Hồng… trong cuộc nổi dậy ở Hóc Môn-Bà Điểm, Long Hưng-Mỹ Tho, Vũng Liêm-Vĩnh Long, Bạc Liêu-Cà Mau…

Nhưng khi nghe kể chuyện hay tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử, chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục. Những người phụ nữ bên ngoài trông mảnh mai, yếu đuối mà mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt đến không ngờ… Dù xuất thân là trí thức hay bình dân, nông dân hay tiểu thương… họ đều bộc lộ tấm lòng yêu nước, hy sinh hạnh phúc riêng của mình. Trên cái nền chung lịch sử năm 1940, tuy chưa thể gọi là đầy đủ, năm tập phim đã ghi nhận vai trò và những đóng góp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của những người phụ nữ yêu nước làm cách mạng trong thời điểm ấy…

 

Gần đây bộ phim “Mê-công ký sự” được đánh giá khá thành công, là một trong số các đạo diễn thực hiện, xin cho biết thêm “chuyện bếp núc” của thể loại ký sự?

 

Ký sự nói một cách nôm na là từ đề cương kịch bản, chúng tôi vừa đi đường, vừa ghi nhận. Trước đây, chúng tôi may mắn đã có chút ít kinh nghiệm khi làm phim Trung Hoa ký sự nên rất “mê” khi nói đến Mê-công ký sự. Những công việc này triển khai từ ý tưởng của cố đạo diễn-NSND Phạm Khắc. Có thể nói đề tài của ông đưa ra “đánh trúng” ngay khát vọng làm phim kiểu khám phá của anh em làm phim tài liệu. Nó làm dậy “men” trong lòng mọi người.

Công việc thực hiện Mê-công ký sự ròng rã 6 năm trời, đi theo lưu vực dòng sông Mê-công qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận trên đường đi biết bao khám phá địa thế, phong cảnh, đời sống con người, phong tục, tập quán, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo… của những vùng đất. Thông điệp mang lại cho con người nhiều vấn đề: địa lý, môi trường, kinh tế, văn hóa… và cả trách nhiệm chung bảo vệ dòng sông mẹ xuyên.

 

Từ trải nghiệm dài qua nhiều bộ phim, chút kỷ niệm “dọc đường gió bụi” của đạo diễn?

 

Lúc làm phim Mê-công ký sự ở Trung Quốc, anh em có thể chết ngạt nếu không có sức khỏe tốt khi lên vùng Tây Tạng. Riêng bản thân tôi từng là nạn nhân của… một chú chó ngao “khủng khiếp” trên vùng đất cao nguyên này! Cách nay đúng một năm, khi thực hiện phim Huyền bí sông Hằng ở Ấn Độ, Nepal, lần đầu tiếp xúc với cái lạnh băng tuyết gần chân núi Everest, đoàn phim ai cũng bị vỡ mạch máu trong mũi; còn đường đi vách núi cao cheo leo, vực thẳm sâu hun hút! Thót tim! Nhớ đời!

Hiện nay, tôi đang chuẩn bị làm một bộ phim đề tài văn hóa. Kinh nghiệm sẽ giúp chúng tôi suy nghĩ đến những góc độ văn hóa trong nước. Nhưng, xin hãy chờ… 

 

                  KIM ỬNG (Báo SGGP)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: