Chủ nhật, 22/12/2024,


Đặng Cương Lăng và bài thơ Bà mẹ mang hình trăng (Nguyễn Thúy Hạnh) (23/12/2012) 
 
 
Nhà thơ Đặng Cương Lăng là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội và cũng là thành viên của trang Lucbat.vn. Năm 2011, ông đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm hồn Việt”. Ngày 17/3/2012, ông được trao giải Tư cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” lần 2. Mới đây, ông lại vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ viết về “Đạo nghĩa”. Sau đây xin giới thiệu vài cảm nhận về bài thơ được giải Nhất cuộc thi viết về “Đạo nghĩa” của ông.
 
 
 
 
BÀ MẸ MANG HÌNH TRĂNG
 
 
Bà mẹ mang hình trăng
Đi ngang qua chiến tranh
Năm người con sao sáng
Đã hiến dâng non ngàn.
 
Trong ngôi nhà thắp lửa
Bao tình nghĩa nước non
Bao tình người chan chứa
Lòng mẹ hết héo hon.
 
Bạn con khắp bốn phương
Ngày giỗ, Tết sớm tối
Dâng lên mẹ tình thương
Cả mùa xuân chín tới.
 
Bà mẹ mang hình trăng
Lắng sâu hồn non nước
Thiếu vắng người con đẻ      
Lại thêm nhiều con nuôi.      
 
Mái ấm là trời cao
Sân nhà là đất rộng
Gió sớm trưa ra vào
Tóc Người bay lồng lộng.
 
Bà mẹ mang hình trăng
Nhẹ bước trong bình yên
Ngàn vì sao toả sáng
Giữa đất trời yêu thương.
                                             Hà Nội, 14/10/2012
                                                            Đặng Cương Lăng
                                                           
 
Lời bình:
 
Không biết tự bao giờ hình ảnh trăng đã đi vào văn học Việt Nam như một huyền thoại kỳ diệu. Những truyền thuyết như “Chú Cuội cung trăng”, Hằng Nga trộm thuốc trường sinh và Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời sau khi dẹp giặc Ân; đó là những gì rất đỗi đời thường, sâu nặng hồn Việt, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đã có rất nhiều tác giả thành công khi đưa hình ảnh trăng vào sáng tác của mình, bởi vì nói đến trăng là nói đến một sự tỏa sáng, một hình ảnh lung linh giữa muôn vàn vì sao đẹp đẽ nhất. Đặng Cương Lăng là một trong những nhà thơ có được thành công ấy. Bài thơ  “Bà mẹ mang hình trăng” của ông là một bài thơ có “tứ” mới lạ khi viết về người mẹ. Nhờ đặc điểm đó, bài thơ này đã không chỉ đoạt giải cao nhất của cuộc thi viết về “Đạo nghĩa” mà còn đưa tên tuổi Đặng Cương Lăng gần gũi hơn với bạn đọc.
Người mẹ trong bài thơ của Đặng Cương Lăng là bức tranh sinh động tô thắm thêm hình ảnh đẹp của những bà mẹ Việt Nam. Đó là những người phụ nữ đôn hậu, thủy chung, suốt đời thầm lặng hy sinh cho chồng con, cho đất nước, cho dân tộc. Những người phụ nữ ấy đã đi qua chiến tranh dưới làn mưa bom bão đạn, giống như những mùa trăng đi qua bão giông dưới một bầu trời sũng nước.
Với những câu thơ năm chữ được viết theo thể tự do, mỗi khổ thơ là những dòng hồi ức và cảm xúc của người con khi nghĩ về người mẹ kính yêu. “Người mẹ mang hình trăng” hiền hậu bao dung và tảo tần ấy luôn tỏa sáng suốt chặng đường dõi theo bước con đi. Bóng trăng khi khuyết khi tròn, lúc mờ lúc tỏ. Khi trăng khuyết thì trăng lặng lẽ đứng ở xa, nơi thượng nguồn thăm thẳm. Khi trăng tròn thì trăng lại về gần, vỡ òa cùng bờ tre ruộng mía. Có lúc trăng đầy chiếu vàng mùa lúa chín, có mùa trăng vơi chấp chới những bồn chồn như bao nỗi buồn chiến tranh còn hằn sâu, đôi khi lại nhói đau làm héo hon lòng mẹ… Chiến tranh đã mang đi bóng cha bóng anh tạc vào bìa rừng vách núi, chỉ còn lại những hụt hẫng chênh vênh bên mẹ chới với cùng trong đục cuộc đời. Bởi vì có nỗi mất mát nào lớn hơn khi:
“Năm người con sao sáng
Đã hiến dâng non ngàn”
 
 
 
 
Khi đất nước bình yên, những vết thương trong lòng mẹ từ năm xưa nay đã thành sẹo. Những vết sẹo ấy phần nào mờ nhạt đi theo năm tháng cuộc đời. Trong ngôi nhà của mẹ giờ đây đầy nắng, đầy mưa, biết bao vui buồn đan xen vào nhau, hòa quyện vào nhau, đầy ắp tình yêu thương, tình đời trong sáng. Tình người chan chứa, tình nghĩa nước non, tình anh em đồng chí tràn dâng trong ngôi nhà được thắp bởi một màu xanh thiên nhiên đậm đà của một mùa xuân hương sắc vừa chín tới. Một mùa xuân râm ran tiếng cỏ thức, lao xao tiếng nói cười, tiếng vào ra lắng sâu hồn non nước.
“Trong ngôi nhà thắp lửa
Bao tình nghĩa nước non
Bao tình người chan chứa
Lòng mẹ hết héo hon.
 
Bạn con khắp bốn phương
Ngày giỗ, tết sớm tối
Dâng lên mẹ tình thương
Cả mùa xuân chín tới.
 
Bà mẹ mang hình trăng
Lắng sâu hồn non nước
Thiếu vắng người con đẻ      
Lại thêm nhiều con nuôi
 
Mái ấm là trời cao
Sân nhà là đất rộng
Gió sớm trưa ra vào
Tóc Người bay lồng lộng”
Hình ảnh “thiếu vắng người con đẻ, lại thêm nhiều con nuôi”, không chỉ thể hiện sự hy sinh thứ quý giá nhất của cuộc đời người mẹ (đó là hy sinh những người con dứt ruột đẻ ra của mình) mà còn nói lên tình yêu thương bao la của con người với con người. Đó là tình quân dân, tình đồng bào đồng chí của một dân tộc có những người mẹ, người con yêu nước kiên cường. Từ hình ảnh này đã làm cho ta chợt nhớ đến hình ảnh người mẹ trong thơ Tố Hữu trước đây: “Bầm yêu con yêu luôn đồng chí. Bầm quý con bầm quý anh em”. Chính tình cảm mẹ con, đồng chí ấy đã đoàn kết toàn dân ta thành một khối thống nhất, vững như đồng, không gì chia cắt nổi.
Bà mẹ mang hình trăng
Nhẹ bước trong bình yên
Ngàn vì sao toả sáng
Giữa đất trời yêu thương”
Khổ thơ cuối của bài thơ là bức chân dung đẹp nhất vẽ về người mẹ. Điềm đạm và bao dung, thanh tao và ấm áp, cao cả và sáng lạn. Bức chân dung người mẹ được chính người con thân yêu của mình vẽ vào thời bình yên để bày tỏ lòng đền ơn đáp nghĩa. Khi trời cao không còn tiếng gầm rú của bom đạn mà chỉ còn phảng phất tiếng gió nhẹ nhàng dưới bóng trăng vàng lồng lộng đong đưa cùng bóng mẹ.
Tại sao tác giả lại không dùng những hình tượng khác để miêu tả hình bóng mẹ mà lại sử dụng ánh trăng? Phải chăng bóng trăng dịu hiền như bóng mẹ, bóng mẹ đẹp tựa bóng trăng. Có lẽ do trăng là Nguyệt, trăng là Hằng, trăng là sáng. Ánh sáng là yếu tố cần thiết đối với chu trình sống của sinh vật. Ánh sáng tạo nên trái đất. Trăng là thứ ánh sáng diệu kì lan tỏa rộng đi khắp muôn nơi, ngọn nguồn ngõ ngách. Có thứ ánh sáng nào thanh tao, thánh thiện và gần gũi với chúng ta hơn ánh trăng? Có thứ gì trong cuộc sống mà lại không cần ánh sáng? Vật chất cần ánh sáng để nóng chảy, hòa tan, trùng ngưng, tích tụ. Cây cối cần ánh sáng để quang hợp, con người cần ánh sáng để vượt qua tăm tối tìm về yêu thương. Có tình cảm nào lớn rộng, bao dung và mênh mông như tình mẹ. Có tấm liếp nào che chắn rộng rãi như tấm liếp mà mẹ đã che chắn cho con. Có ngọn lửa nào ấm áp hơn trái tim của mẹ. Hạnh phúc lớn nhất trên đời của con là có mẹ. Có tình yêu nào đẹp bằng tình yêu của những người phụ nữ yêu nước dành cho đất nước. Một ngày của con sẽ ra sao nếu thiếu mẹ và một đất nước sẽ ra sao nếu thiếu những người phụ nữ yêu nước.
 
 
 
Tác giả Nguyễn Thúy Hạnh và Nhà thơ Chử Thu Hằng tại hội thơ Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn
 
 
Bài thơ là một công trình nghệ thuật tài năng của tác giả khi viết về bà mẹ Việt Nam. Xét dưới một góc hẹp nào đó bài thơ còn chưa thực sự uyên bác về ngôn từ, chưa có nhiều từ ngữ “bác học” nhưng cái “tứ” được thể hiện trong bài thơ là một thành công bất ngờ mang tính sáng tạo cao của tác giả. Đó là kết quả của những trải nghiệm, của lao động tư duy và sáng tạo nghệ thuật miệt mài, bền bỉ. Đó là kết quả của sự quang hợp để tạo nên những chiếc lá xanh của những cây đại thụ. Cái “tứ” của bài thơ chính là cái “thần” của bài thơ. Chính cái “thần” ấy đã làm đẹp thêm bức tượng. Nếu không có “thần” thì “tượng” vẫn chỉ là “đá” và dễ dàng vỡ vụn theo thời gian. Bài thơ như một tấm thảm được dệt bởi muôn vàn ánh trăng lấp lánh đang được trải rộng ra chiếu sáng khắp non ngàn trùng điệp. Đồng thời nói lên tình mẹ con đậm đà sâu sắc, toát lên vẻ đẹp của triết lý “Uống nước nhớ nguồn” và “Đền ơn đáp nghĩa” trong cuộc sống. Đó còn là bài học đạo đức giầu tính nhân văn để giáo dục con người. Bài học biết ơn đấng sinh thành, bài học về công cha nghĩa mẹ, bài học về sự sẻ chia và tình yêu thương nhân loại. Những bài học đó sẽ tô đẹp thêm tố chất của con người trong cuộc sống. Bài thơ ngợi ca sự hi sinh thầm lặng và cao quý của những bà mẹ Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Đọc xong bài thơ ta như thấy lòng mình nhẹ nhõm, lâng lâng xúc động, cảm kích trước nghĩa tình mẹ con và cao cả hơn là tình non nước, nhưng đều chung lại ở một điểm đỏ giao thoa tình người. Không những thế mà ta còn tìm thấy ở  đó sự tràn ngập ánh trăng vàng tươi và rọi soi xuống trái đất sinh tồn, mộng mơ. Ánh trăng nào đi dọc tuổi thơ con, ánh trăng nào lửng lơ “treo” nơi đầu súng, ánh trăng nào mang bóng hình của mẹ với mái tóc bạc phơ đùa vui với gió. Ta khỏa tay theo dòng nước mát để vớt lên từng gợn ánh trăng vàng và ta dang tay ôm gọn vào lòng mình hình bóng mẹ, tiêu biểu cho 45 triệu phụ nữ Việt Nam anh hùng bất khuất, mãi mãi ấm áp, nồng nàn, đượm lửa trái tim, thắp lên tình yêu thương da diết.
 
 
Nguyễn Thúy Hạnh
(Vietseri)
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Ngô Trường Sơn - truongson.kh@mard.gov.vn - 0922552255 - Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội  (Ngày 10/01/2013 10:54:08)

Cảm ơn chị Nguyễn Thúy Hạnh với những lời bình sâu sắc và thấu hiểu tình cảm, tính cách của tác giả Đặng Cương Lăng. Phải có một tâm hồn đẹp, yêu đất nước đến nhường nào thì anh mới viết ra được những vần thơ nhân văn và đầy ý nghĩa như thế. Cũng phải có một tâm hồn đồng điệu, hiểu biết sâu sắc như thế nào thì chị mới có được những lời bình hay và đắt như thế....
"Cả cuộc đời, cha đi bộ đội
Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương
Và những vết thương, trên ngực cha
Cứ trở gió lại đau nhức nhối
Chiếc ba lô, gió sương đã gội
Gia tài cha tặng mẹ, chỉ thế thôi..."
(Phan Long)
Xin cảm ơn mẹ của chúng ta, các bà mẹ Việt Nam, không cần được phong anh hùng cũng là những anh hùng và là nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ sáng tác . Xin cảm ơn chị Thúy Hạnh, đặc biệt là anh Cương Lăng đã cho anh em thưởng thức những vần thơ và lời bình đặc sắc như thế!

Các bài khác: