Thứ năm, 25/04/2024,


Cảm nhận về cuốn sách Phép “làm vua” (28/11/2012) 
Quyển sách Phép “làm vua” của tác giả Đoàn Văn Thi là một công trình được biên soạn khá công phu, đúc kết từ nhiều tác phẩm có giá trị về lịch sử và danh nhân khắp đông-tây kim-cổ. Tác phẩm góp phần vào việc giáo dục về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy của nhiều danh nhân thế giới. Theo tác giả Phép ”làm vua” được hiểu là phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, mưu lược và tính cách riêng của người đứng đầu một quốc gia, một triết thuyết, một trận chiến hay cuộc chiến… Trong đó nét riêng độc đáo của từng vị vua được chắt lọc, đúc kết qua chủ trương, tổ chức và hành động; là kết quả cống hiến tích cực cho xã hội hay hậu quả thê thảm mà vị “vua“ nào đó đã gây ra. Tất cả trở thành bài học thiết yếu cho mọi người, đặc biệt là cho lớp trẻ. Nhất là những người có cao vọng làm vua.
Chúng ta chú ý đến tiêu chí chọn danh nhân và nội dung đúc kết thể hiện ở đây, những trích dẫn được chọn lọc công phu có dụng ý từ những sách báo nhiều góc nhìn khác nhau…nói nên thông điệp của tác giả gửi bạn đọc nhất là người trẻ muốn làm chính trị nói chung, người làm lãnh đạo nói riêng, nhất là người đứng đầu Quốc gia hay một lĩnh vực trọng yếu của xã hội. Vấn đề quan trọng - mà cũng là mục đích của việc biên soạn Phép “làm vua”- là giải đáp câu hỏi: Để làm vua học tập gì ở các vị vua đã qua và những gì cần lưu ý chuẩn bị cho vị “vua” tương lai? Trong ý nghĩ ấy, tập sách có những đóng góp nhất định, trên cơ sở những luận cứ khao học và lịch sử, như một giáo trình tóm tắt, dành cho mọi người nhất là lớp trẻ đang nung nấu nhiều ước vọng,. Tôi nhớ thuở học trung học, đọc chuyện Tàu bộ “Hán sử tranh hùng”, ”Tam quốc chí” rất thú vị khích lệ tính vượt trội để được như Hàn Tín, Trương Lương hoặc cỡ như Gia Cát Lượng, là một học sinh trung học, tất nhiên tôi không rút ra được phép làm vua, làm tướng gì cả, song ấn tượng khá rõ từng nhân vật lớn trong bộ truyện đặc sắc này.
Phép “làm vua” cung cấp cho ta một cái nhìn, nói theo ngôn ngữ văn học, về vai trò người đứng đầu có tầm quan trọng bậc nhất, thông qua tiểu sử tóm lược của 29 bậc vĩ nhân được lưu danh. Gồm: 13 vị vua hay người đứng đầu quốc gia như vua, 6 nhà tư tưởng với học thuyết để đời 3 vị giáo chủ khả kính của tôn giáo, 7 vị tướng soái – thần mưu. Ở mỗi vị vua đương nhiên chúng ta học được nhiều điều bổ ích; có được sự hiểu biết về những nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó thành tựu là để cho ta ngưỡng mộ, song quan trọng hơn là triết lý sống, kinh nghiệm thành công và không thành công có gía trị lịch sử và có thể ứng dụng cho mọi người. Sách còn giúp mở mang hiểu biết về lịch sử thế giới, vai trò cuả các vua trong tiến trình phát triển xã hôi từng giai đoạn và toàn cục.
Trên thực tế viết về danh nhân dễ có tư liệu, nhưng khó về cách thể hiện, sao cho đáp ứng tốt nhất đối tượng bạn đọc nào đó, vụ việc chê hoặc khen đều có thể gây bức xúc cho người này, người khác. Bởi, thấu hiểu một vị đã là vấn đề không đơn giản nhiều góc nhìn tất nhiều ý kiến khác nhau. Ví như Tần Thủy Hoàng vẫn đang được người Trung Hoa tranh luận về công, tội hay nhân vật cận hiện đại tầm cỡ ‘Vua” như chủ tịch Mao Trạch Đông được nhiều tác giả trên thế giới luận công tội, chưa có điểm dừng. Do đó một tổng hợp 29 danh nhân như sách phép “làm vua” nêu lên, phải nói là tác phẩm có ý nghĩa tổng kết lịch sử quan trọng, theo chủ đề và rất thời sự: đó là vấn đề lựa chọ chính thể, chủ thuyết và phương pháp lãnh đạo, điều hành ở các nước và vùng lãnh thổ.

Tác giả Đoàn Văn Thị tặng sách cho Nhà thơ Hồ Đình Bắc.
Không chỉ là những đúc kết có giá trị lịch sử tác giả Phép ”làm vua” còn mạnh dạn, tích cực bàn luận và có quan điểm, lập trường rõ ràng về những vấn đề theo tôi là “ở mọi thời đại”, như “đơn cực hay đa cực”. “Làm tướng làm quan nên biết”, ‘Thư gửi các bạn trẻ” với lời lẽ khiêm tốn mà thẳng thắn, có sức thuyết phục ở tài liệu dẫn chứng và ẩn dấu trải nghiệm cuộc đời của chính mình. Phải chăng đây là một dụng ý khác khi tác giả dày công biên soạn tập sách. Sách hướng dẫn cho chúng ta (không phải chỉ để dành riêng cho các bạn trẻ) những điều khôn – dại để ứng sử trong công việc của mình khi phải làm “lãnh đạo” ở bất kỳ quy mô nào; những tố chất cần thiết, những điều cần biết khi muốn làm cách mạng, làm chính trị. Vĩ nhân là những người đã thành danh, còn ”học làm người” là nỗ lực thường xuyên của mỗi cá nhân, nhất là các bạn trẻ. Đúng không?
Chúng ta đều biết, chắc chắn không phải chỉ có 29 vĩ nhân, mà hàng trăm hoặc hơn nữa nhân vât lịch sử khác có thể đưa vô tập sách Phép ”làm vua” để minh chứng chủ đề “lãnh đạo, điều hành, quản trị…” Như vậy có thể Phép ”làm vua” tập 2, tập 3 sắc nét hơn nữa từ những nhân vật đã nêu và thêm nhiều nhân vật kỳ tài trong lich sử. Việc này không chỉ dành riêng cho tác giả mà gợi ý cho các nhà biên soạn khác yêu mến nhân vật lịch sử sớm bắt tay thực hiện. Đặc biệt các nhân vật cận hiện đại lừng danh như Abraham Lin coln, Vladimir IIyich Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Nelson Mendela, Fidel Castro…; các vị tướng như: G.C,Giu-cốp, Douglas MacAthur, Võ Nguyên Giáp…; các nhân vật lịch sử tôn giáo như: vua A Dục (Phật giáo), đế chế Ottoman (Hồi giáo), Martin Luther King (Tin lành)…; những nhà văn hóa, khoa học lớn, những học thuyết kinh tế.
Cuốn sách nào cũng có phạm vi nhất định, nếu được nhiều bạn đọc tham gia bàn luận là điều khích lệ cho tác giả và những người ủng hộ như chúng tôi. Vài nhận xét riêng của người viết lời cảm nhận này cũng có giới hạn của nó. Cảm ơn các thân hữu đã cùng chúng tôi khởi thảo bài viết này.

Hoàng Văn Lễ
(Tiến sỹ sử học, chuyên viên cao cấp,
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sổ tay
xây dựng Đảng Thành phố Hồ Chí Minh)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: