Giữa lúc rất nhiều người đang lật xới mặt trái của xã hội, xu thế ấy cũng đang có chiều hướng gia tăng trong văn chương hiện đại, nhất là văn chương trên mạng. Còn Phạm Thị Phương Thảo (PTPT) lại đặt niềm tin một cách trọn vẹn với cuộc đời, chị biết gạt đi tất cả để mỉm cười với thiên nhiên, với cõi người. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa điều thiện và cái ác, điều thiện bao giờ cũng thắng thế. Chị tin bão giông rồi sẽ qua đi, mọi khổ đau ngang trái sẽ dần vơi cạn, con người sẽ xích lại gần nhau, sống với nhau nhân ái thuận hòa, cảm thông và chia sẻ. Chỉ còn lại trong nhau vẻ đẹp vĩnh hằng đó là lòng nhân ái.
Trước bão giông và lốc xoáy của cơ chế kinh tế thị trường, phải tự tin, can đảm lắm và phải thêm vào đó một tấm lòng nhân ái - nhân ái với thiên nhiên, nhân ái với cõi người, PTPT mới có được câu thơ tài hoa và bạo liệt "Trước bão giông tôi bình thản mỉm cười". Chỉ một câu thơ mà gửi gắm được khát vọng sống, tâm thế sống của Nhà thơ.
PTPT cần mẫn mà hối hả như con ong làm mật. Chị sàng đãi, chắt lọc trong sa bồi mênh mông vô tận của cuộc sống để tìm ra những hạt bụi vàng rồi kết tinh lại thành thơ - những trang thơ ấm áp thắp lên trong trái tim người ngọn lửa của tình yêu và khát vọng.
Những năm đầu của tuổi tri thiên mệnh, PTPT ào ạt sinh nở bốn tập thơ, trên tay tôi chỉ may mắn có được tập thơ "Khúc ru nơi lưng núi", còn 3 tập kia tôi chỉ được đọc tên. Những cái tên đã gửi đến cho tôi những thông điệp về vẻ đẹp: "Hoa nắng", về nồng nàn sức lửa "Trao em mùa hạ" và về khát vọng: "Dòng sông khát vọng". Dù chị có một bút danh rất đẹp, rất hình tượng như thơ chị đã viết: "Có phải tên em / Loài cỏ thơm hoang dại / Sáng lung linh / Mướt xanh mê mải / Vẫn hồn nhiên trước tháng năm dài" nhưng chị chưa bao giờ sử dụng cho bốn tập thơ của chị. Bởi cái tên mộc mạc PTPT đã có một chỗ đứng vững chắc trong đời, thì nó cũng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thi đàn hiện đại.
"Khúc ru nơi lưng núi" là bài thơ hội tụ được đủ đầy phẩm chất thơ của PTPT, nó xứng đáng để đặt tên cho tập thơ thứ 4 này. Bao trùm lên bài thơ là tính nhân văn cao cả, là tình yêu thiên nhiên, tình yêu cõi người. Trí tưởng tượng của nhà thơ ở đây đã giống như sự vô biên của vũ trụ. Thi ảnh cứ ào ạt tuôn trào dưới ngòi bút của chị. Nó mạnh mẽ quá, mê đắm quá nên nhiều lúc ta bắt gặp ở đây cái nét mộc dung dị của ngôn ngữ, thay vào đó là một cảm xúc đã hoàn toàn chín mọng để thăng hoa.
Có một điều chắc chắn rằng gần với núi rừng hơn, hòa với núi rừng hơn thơ của PTPT lại Người hơn, có sức lan tỏa hơn. Một vài nét chấm phá PTPT đã khắc họa chân dung của những con người nơi lưng núi mù sương kỳ ảo mà nhiều khi ta cảm thấy nó chỉ tồn tại trong ước mơ và khát vọng.
PTPT đã hoàn toàn sửng sốt trước vẻ đẹp thiên thần của những em bé nơi lưng núi: "Trong trẻo thơ ngây/ Những em bé đen nhẻm như đàn sẻ nâu tóc sù ướt bết mồ hôi / Theo mẹ đi bán hàng lưu niệm / Mắt em long lanh cười / Cặp má hồng chín đỏ / Trái đào hồn nhiên ơi ...". Và đây là vẻ đẹp hoang sơ, trinh trắng của những cô gái Mông: "Đêm hồn nhiên nở dại bông hoa rừng / Những em gái mông / Mắt long lanh leng keng vòng bạc sáng cổ tay / Má chín đỏ tơ non hây hẩy / Theo điệu hát say say / Từng bước chân nhún nhảy nhà sàn". Người con gái đã hóa thân vào đất trời kỳ ảo: "Bản nhạc nào / Say đắm bùi ngùi / Hơi ấm dâng lên tay đan lượn trong mây". Còn vẻ đẹp của những chàng trai Mông: "Những chàng trai Mông kỳ lạ / Ngọt ngào điệu khèn lá / Vi vút lời non xanh gọi mời ai về ngắm đỉnh Phan-xi-păng / Xuống chợ rồi về bản/ Say vắt vẻo / Nằm ngang ...". Xin được có đôi điều về từ "nằm ngang". Con trai Mông đã uống rượu ở chợ tình thì bao giờ cũng phải say, say không biết cả đất trời rồi được vợ dìu nằm ngang trên lưng ngựa. Cứ thế con ngựa thồ đưa chàng trai về bản, về nhà. Người vợ trẻ cứ lẽo đẽo sau chân ngựa với cái gùi "cong cong" nặng nhọc vừa đi vừa trông chừng cho chồng. Người mẹ già cũng được PTPT khắc họa bằng một số câu thơ nhưng đã điển hình hóa cho người phụ nữ Mông: "Người phụ nữ ngồi thêu / Chiếc mũ xinh trên tay che giọt nắng cuối chiều le lói / Dệt xanh trời những ước mơ thổ cẩm / Bao hoa văn đua nở trên tà áo, trên khăn / Giấc mơ bay theo những ngón tay sần sùi, gân guốc / Xanh xanh ruộng bậc thang / Trập trùng ...".
Còn thiên nhiên nơi lưng núi SaPa là một thiên nhiên kỳ ảo mà nhiều khi PTPT nghĩ rằng nó chỉ tồn tại trong những giấc mơ. Đã bao lần chị dùng từ "mơ" để viết về mây, về nắng, về những gốc thông già "sẫm màu thời gian / Vi vu reo nỗi niềm vào trầm mặc bản nhạc của năm tháng" mơ về "SaPa / Chiều nghiêng xõa tóc mây / Bồng bềnh tiên nữ khoe xiêm trắng lưng trời / Gió rượt đuổi theo từng tia nắng cuối / Chiều chơi vơi / Núi chơi vơi ...". Đọc đến đây tôi bỗng nhớ hai câu thơ của Nhà thơ NPN viết về SaPa: "Cứ ngỡ lên đây đã tới trời / Không đâu vẫn đất nước mình thôi". Cái tôi trữ tình của PTPT đã hoàn toàn hòa quyện "màn đêm rơi / ánh đèn chạng vạng / ủ ấm những tình yêu / nhấp nháy với sao trời / muôn nghìn con mắt sáng phiêu diêu".
"Nơi rừng thiêng mây trắng" là một bài thơ đậm chất lãng mạn có những câu thơ bất chợt làm cho ta khi chạm đến phải bàng hoàng: "Thung lũng ai gùi/ Biển trắng mây" hoặc "Miên man khúc xuân thì vẫy gọi/ Bước chân đi/...". Rồi PTPT đặt niềm tin vào sự hồi sinh của rừng, hồi sinh của cuộc sống: "Sau nhọc nhằn của cành khô lá úa / Sau cái chết vùi của lũ ong bướm, côn trùng / Sau sự hủy diệt của môi trường / Với muôn vàn sinh linh tàn héo/ Sự hồi sinh / Sự yên bình / Những gột rửa / Những tâm linh / Lột xác bay lên". Thiên nhiên là mạch nguồn vô tận cho thơ PTPT: "Trong ta bao khát vọng/ Trào mạch nguồn thi ca tuôn chảy / Cất cánh đại ngàn / Dâng mùa thiêng / Gieo hạt vàng trên cánh đồng vời vợi / Bên người / Ngan ngát những hạt thơ".
Thơ PTPT viết rất nhiều về rừng vì như trên tôi đã nói gần với rừng thơ của PTPT người hơn, thanh thản hơn, tươi mát và bay cao bay xa thấm đậm vào cõi người thăm thẳm, có những lúc PTPT chìm vào trong hư ảo: "Rừng dang tay vẫy đùa từng ngọn gió / Lạc cỏ xanh ta quên cả lối về". Và cũng thật mãnh liệt: "Rừng vẫn xanh trước đại ngàn dâu bể / Vẫn hoang sơ huyền bí phong trần".
Chị có cái tên mộc mạc: PTPT, có bút danh kỳ ảo: Thảo Linh. Có phải vậy chăng mà thơ PTPT thường viết nhiều về cỏ, gửi gắm vào đó những khát vọng cỏ xanh. Ta vẫn biết PTPT không phải nhà thơ ngoại lệ khi khai thác đề tài "sự trường tồn và bất diệt của cỏ". Thơ chị viết về cỏ đã chinh phục, đã ám ảnh được trái tim ta, tâm hồn ta. "Bờ cỏ sậy" là một bài thơ như thế. Ta hãy đọc : "Bờ cỏ sậy ven sông Hồng nở trắng / Cuối trờ thu ta gặp lại vùng quê / Con sông ấy vẫn đỏ ngầu trong nắng / Tìm dấu xưa trên phố cũ ta về". Mê đắm và khát vọng "Đẹp mê mải niềm khát khao mong nhớ / Những đắm say vẫn quặn thắt đợi chờ" và "Biết bao lần hồn cỏ đắm trong thơ/ Xanh mơn man cả một chiều thương nhớ".
Thơ PTPT ít viết về nỗi đau nhưng khi chạm đến đề tài này thơ chị có sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh, nó xẻ chia được cho bao kiếp người. Đây là hai câu kết của bài thơ "Người đàn bà bên núi". Hai câu thơ làm tan nát lòng ta: "Vách đá nứt đau khoảng trời rạn vỡ / Chỉ lặng thầm cúi nhặt trăng rơi". "Hoa hồng tím" là bài thơ nhiều thi ảnh. Có những thi ảnh ở đây thật phi lý "Tôi lặng ngắm bông hoa xanh tím biếc / Trong sắc chiều nhuộm thẫm cả hoàng hôn/ Nét đẹp kia dễ mấy ai có được / Vẻ cô đơn như vò xé tâm hồn". Rõ ràng cái nhìn của Nhà thơ ở đây không thuộc về thị giác mà thuộc về cảm xúc, tâm linh. Chính vì thế mới có sự phi lý trong thơ.
Cuối cùng tôi muốn nói lên bài thơ "Tự hát tuổi 53". Khi đã bước vào tuổi tri thiên mệnh, PTPT mới thực sự có những suy ngẫm về những gì đã qua đi, đã tồn tại trong hơn một nửa trăm năm của đời người. Chính vì thế chị đã hoàn toàn bình tâm, một sự bình tâm đáng cho ta nể trọng: "Lặng lẽ nghe những âm thanh cuộc sống / Những cung bậc tình cảm của yêu thương / Lặng lẽ nhìn với bao nhiêu chuyển động / Trên quê hương, đất nước, những nẻo đường/ Chỉ có niềm đam mê luôn cháy bỏng / Bao tâm tư, khát vọng vẫn theo tôi / Những nghĩ suy, trăn trở giữa cuộc đời / Còn đau đáu trong từng cảm thức".
Rồi PTPT tự khẳng định: "Niềm đam mê giờ đã thành sâu lắng / Trước bão giông tôi bình thản mỉm cười".
Tôi đồng cảm với PGS, TS Trần Thi Trâm : Thơ PTPT là khúc hoan ca. Khúc hoan ca vang lên, vang mãi, vang xa vào cõi người sâu thẳm, thắp lên trong trái tim người ngọn lửa của tình yêu và khát vọng.
NPBVH Nguyễn Xuân Dương
(Số 7 đường Thành Cổ - Vệ An -Tp. Bắc Ninh
Điện thoại: 0167.224.2392)