Thứ sáu, 19/04/2024,


Văn Thùy người cũ - tình không cũ (Trần Quang Liên) (11/11/2012) 

Dịp này năm ngoái, Trong lễ hội Lục bát Tân Mão 2011, tôi (Trần Quang Liên – Tholang) đã có dịp giới thiệu vài nét về Người và Thơ Văn Thùy. Năm nay lại gặp Văn Thùy ở Hội thơ Lục bát 2012 (Nhâm Thìn) Tholang không thể không viết vài nét về Dị nhân này.


 

           Vẫn thân hình gầy nhom, lép kẹp dạng ông đồ “búi tóc củ hành”, áo quần nặng bụi trần gian, râu bết cứng, khuôn mặt phong sương dầu dãi của “người muôn năm cũ”. Văn Thùy vừa có chuyến đi xuyên Việt về (mà đi bằng xe máy!). Thật kỳ! Ở cái tuổi 72 ít ai dẻo dai như thế.
           Trời thu Hà Nội trong xanh, gió hiu hiu thổi. Quán thơ Lục bát Văn Thùy trải chiếu ngoài trời, dưới tán cây mát rượi của sân trung tâm văn hóa Hà Nội trong ngày Lễ hội thơ Lục bát 2012. Văn Thùy có mặt vừa đúng ngày khai mạc lễ hội. Lão bảo tôi: Mình mới từ Sài Gòn ra được 3 ngày. Vẫn những “ống quyển”, chai lọ, mực bút, giấy dó viết thư pháp lỉnh kỉnh quanh chỗ ngồi và vật dụng không thể thiếu là chiếc điếu cày “quốc hồn quốc túy”. Năm nay có lẽ vội nên lão không mang tiểu đồng theo hầu. Mọi việc chép thơ tay, tặng và bán thơ lão kiêm nhiệm cả. Khách thơ chen chân quanh lão mua thơ. Những cuốn thơ viết vội, phô tô còn xộc xệch khách hồ hởi vui mừng đón nhận cười hể hả. Lão luôn tay, mướt mải mồ hôi. Người năm bảy chục, kẻ vài ba đồng lão nhận tuốt vì thơ không định giá cốt trải lòng mình. Cái bao da lão đeo trước bụng kiểu ông lái ngày xưa đã nhè tiền. Lão có “căn” thơ Lục Bát truyền thống hồn thiêng dân tộc.

Nông dân sỏ áo thi nhân
Hở hang nách rạ, cởi trần rốn quê
Bên thánh giá, bên bồ đề
Mỗi bên một đạo đôi bề âm dương
(Lục bát nam du)
Thơ người bác học cung đình
Chữ mình tấm cám thì mình ca dao.

               Thơ lão không cuộn chảy, vồ vập, cũng không câu chữ hiện đại, nhảy thang, nhảy cóc, thơ cứ nhẩn nha chữ nghĩa quê mùa như miếng trầu mặn vôi thoạt nhấm thì cay chát, sau nhai càng ấm, càng nồng, rồi sau kết khiến người ăn phải đỏ mặt bừng tai, mê mẩn như phải bùa mê.
              Ai đọc thơ Văn Thùy một lần cũng nhớ mãi. Chữ nghĩa của Văn Thùy bình dị, thực thà quá đỗi, nghe như sờ nắn được, cứ góc cạnh thấu vào gan ruột. Thơ của lão không lẫn vào ai được. Một phong cách riêng rất Văn Thuỳ! Yêu thì : “yêu chay- yêu khan- yêu suông”. Tình thì : “Bao nhiêu nước cũng là thừa/Nếu tình sét đánh còn chưa chớp lòe”, “ Không mưa đâu dễ gặp em/Có mưa mới biết tóc mềm ướp nhau”. Nhiều câu thơ sáng tạo bất ngờ, cực đỉnh thấu tình : “Tóc mẹ giắt dưới mái gianh/Một vo bối rối cuộn thành ngày xưa/Tóc chen sắc nắng màu mưa/Sớm nay sợi khuyết lại vừa mới rơi”, “Mải mê thơ phú cánh diều/Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi”…


           Lão bảo: Mình luôn có động cơ duy nhất là làm thơ để trải lòng mình ra, để người ta hiểu thêm về mình trước các vấn đề của xã hội. Trong khi tâm sự bất ngờ nghe lỏm được các tình huống của con người, mình lập tức có đánh giá, và cấu trúc thành bài thơ của mình. Đó là nói hộ người khác. Nới lòng ra, bè bạn hiểu được quan điểm của mình - mình nhẹ người. Mình chưa bao giờ có những bài thơ châm sử dụng ngôn từ ác hiểm. Nếu có bài thơ nào ở nội dung châm, chữ nghĩa cũng cẩn trọng, và hầu như nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh, hài hước, hóm hỉnh

Em đi tu? Thật vậy sao?
A đi đà phật, thảo nào bưởi chua...
Từ ngày em quét sân chùa
Cau nhà tôi cứ mất mùa liên miên
Em ăn mày oản cửa thiền
Tôi thành hành khất, lụy duyên cõi đời
Nam mô Bồ Tát trên giời
Thỉnh chuông ngộ mũ ni người hờn duyên
Cổng chùa xin tiểu lỏng then
Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa
Cái gì mà chẳng hư vô
Sao em tìm mõ trốn mùa trầu cau?
(Lời tục tử)

            Năm nay Văn Thùy khởi sắc chơi hiện đại, quán lão đặt hẳn một ca-mê-ra mi ni có ba chân cao để ghi hình khách giao lưu. Nghe đâu có người nhận 8 tập thơ chép tay của lão để tặng ca-mê-ra ấy. Liệu lão có làm thành đĩa bán không thì chưa biết. Lão cho biết chuyến đi xuyên Việt vừa rồi thêm nhiều bạn bè tốt lắm, có ghi hình cả đấy. Thơ bán được nhiều mà thơ cho cũng khá. Lão kể ở Sài Gòn có bà chủ khách sạn mê thơ lão, cho lão thuê trọ giá hời chỉ 100.000 đồng một ngày đêm. Lại nữa bà chủ sáng nào cũng mời lão cà phê để được nghe lão đọc thơ, mà thơ của lão đầy trong bụng!
           Được biết năm ngoái lão cóp nhặt vốn liếng cộng với Quỹ hỗ trợ văn chương & Cuộc sống trợ giúp lão đã in tập “Ru dọc hai màu lá” được nhiều người tìm đọc.
          Trời càng về trưa quán thơ lão càng đông.
           Lão còn muốn đi du ngoạn dài ngày chuyến nữa bằng xe thô sơ. Thật tuyệt! Chúc cho lão dị nhân mãn nguyện, thượng lộ bình an.

Để khi gần đất xa trời
Trở về ngồi gốc đa thôi
Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm…
(Văn Thùy)

         Văn Thùy người cũ tình không cũ.

24/9/2012
Tholang - Trần Quang Liên

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: