Thứ sáu, 29/03/2024,


Quán quê (02/12/2008) 

     Quán nước ấy nằm ở trung tâm của làng cổ Đường Lâm. Đi qua cổng làng vào thăm làng Mông Phụ ta dễ dàng tìm thấy quán nước của cụ bà đã 85 tuổi nhưng trông vẫn rất minh mẫn nhanh nhẹn lạ thường.

 

     Có lẽ đã từ lâu quán nước nhỏ của bà cụ Hải đã là nơi nghỉ chân quen thuộc của những người nông dân ở làng  Mông Phụ -Đường Lâm – Hà Tây nay là Hà Nội. Quán nước ấy nằm ở trung tâm của làng cổ Đường Lâm. Đi qua cổng làng vào thăm làng Mông Phụ ta dễ dàng tìm thấy quán nước của cụ bà đã 85 tuổi nhưng trông vẫn rất minh mẫn nhanh nhẹn lạ thường.

 

Quán nước bà Hải

 

     Quán nhỏ đơn sơ  lắm, 1 cái chõng tre bày vài bao thuốc lá, vài gói kẹo lạc, kẹo dồi, vài cái bánh chè kho, tích nước chè xanh, ấm nước vối pha sẵn, cụ bán thêm ít vàng hương để các cụ trong làng đi lễ chùa…nhưng quán gợi lên một cái gì đó thật ấm cúng , gần gũi biết bao. Tuổi đã cao, một phần cụ muốn đỡ đần con cháu và tìm kiếm niềm vui nên cụ mở quán nước nhỏ ra bán. Cụ tâm sự: “già rồi không làm được việc nặng nữa, mà cứ loanh quanh ở nhà thì buồn chân, buồn tay lắm”. Vậy là từ khi quán được mở ra chẳng biết từ bao giờ nữa nó đã trở thành điểm hẹn của các cụ già trong làng Mông Phụ này, những buổi trưa  các cụ già thường ra quán nước cụ Hải trò chuyện và ăn trầu. Từ 6 giờ sáng cụ dọn quán ra bán và đến 6 giờ tối cụ mới dọn quán về nghỉ.

 

     Quán cụ bán nước vối, chè xanh, nước mía rồi có cả kẹo dồi và chè kho đặc sản của miền quê này do chính tay cụ làm. Khách hàng của cụ phần lớn là học sinh, sinh viên về thăm làng cổ Đường Lâm và những người dân  nên giá cũng rất bình dân.(chỉ một ngàn một bát trà xanh hay nước vối). Tôi có hỏi bà một câu có lẽ khá tế nhị :”thu nhập một ngày từ quán nước của cụ được bao nhiêu?”. Bà cụ chỉ cười :” chẳng đáng là bao đâu cháu ạ. Bà bán nước vì bà tìm thấy niềm vui được gặp gỡ mọi người từ nhiều nơi đến đây”.

 

     Cụ còn  tâm sự những ngày bận việc không mở quán được thì bà nhớ quán lắm . Nhớ vì cụ yêu quán nước nhỏ này vô cùng. Thường vào thứ 7 và chủ nhật thì quán cụ đông khách hơn, vì là ngày nghỉ nên nhiều du khách đến đây thăm quan và nghỉ chân ở quán cụ.Có cả những du khách nước ngoài đến thăm Đường Lâm cũng ghé chân nghỉ ở quán cụ.

 

     Thật đáng khâm phục, dù không biết chữ nhưng bà cụ lại biết làm thơ và làm thơ cũng rất hay nữa. Có lẽ tôi  phải gọi cụ với cái tên là nhà thơ dân gian.Cụ đã đọc cho tôi bài thơ do cụ tự làm mà cũng chứa đựng những tình cảm thật sâu nặng của cụ. Tôi bưng trên tay bát nước chè xanh còn nghi ngút khói mà lòng không khỏi bồi hồi, những kỉ niệm về một miền quê nơi tôi sinh ra lại ùa về vây kín trong long. Mỗi lần khách đến uống chè cụ lại đọc thơ cho khách nghe và hôm nay tôi lại là vị khách được nghe thơ của cụ:

 

Chè tươi bà hái của nhà

Nước này bà gánh giêng xa mang về

Bát sành thay cốc pha lê

Chè tươi thơm mát bà phê ngọt lành

Hôm nay gặp khách tọa khanh

Thì bà rót nước chè xanh ra mời

Mời các cháu cạn chén cho vui

Các cháu cạn chén bà thời lại chuyên.

 

     Ra về rồi mà lòng tôi xao xuyến mãi về một cụ già bán nước tóc đã bạc, hàm răng đen nhánh luôn nở nụ cười thân thiện trên môi.Trong làng Mông Phụ giờ đây đã truyền nhau câu ca dao cách điệu:

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Đến quán bà Hải nghỉ ngơi hỏi đường”

 

     như một lời nhắn nhủ du khách dừng chân nghỉ ngơi, uống nước.

 

     Đã hơn 20 năm quán nước ấy vẫn lặng lẽ đón khách đến và tiễn khách đi và ở đó có người bán nước thật đặc biệt mà có lẽ cả cuộc đời này tôi sẽ không quên.

Phùng Thị Chắt (K55 - ĐH Sư phạm Hà Nội)

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: