Thứ năm, 25/04/2024,


Ba bài thơ viết về tâm trạng của ba người phụ nữ (Chu Văn Keng) (20/10/2012) 

Lục bát Việt Nam: Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20.10.1930 - 20.10.2012), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những hoài niệm, là nguồn cảm xúc để sáng tác 3 bài thơ của tác giả Chu Văn Keng hiện sống ở Cộng hòa Liên bang Đức về ba người phụ nữ.

          Bài Lòng mẹ  tôi viết bài thơ này về mẹ tôi, khi phải chứng kiến nỗi đau khổ tột cùng của Bà lúc nhận giấy báo tử anh cả tôi (hy sinh trong trận Mậu Thân 1968 tại Củ Chi):

LÒNG MẸ

Ruột Tằm đau quặn nhả Tơ
Con đi chiến trận mẹ lo đêm ngày
Tơ kia dệt lụa tháng ngày
Thẫn thờ mẹ nhẩm… ngày này xa con
Tơ Vàng mẹ những hằng mong
Không làm vướng chỉ để lòng Tằm đau

 

             Bài Đêm thu hồ Gươm tôi viết về kỷ niệm mối tình đầu của tôi vào những năm 70 của thế kỷ trước, lúc đó chúng tôi đều là sinh viên năm thứ ba Khoa Toán Đại học tổng hợp Hà Nội, hai đứa tôi lững thững trên cầu Thê Húc ngắm trăng lung linh soi bóng mặt Hồ lòng tràn đầy mộng mơ về cuộc sống mai sau…

ĐÊM THU HỒ GƯƠM
Nhớ Hồ Gươm những năm 70

Nước Hồ lay tháp Thiên Thanh
Rỡn rờ liễu rủ buông mành chờ trăng
Trăng ngần đợi gió dẫn sang
Tháp Rùa lấn bóng thênh thang mây trời
Chồng chềnh Thê Húc nghiêng soi
Liêu xiêu câu hát ru hời người ơi
Ngọc Sơn run rủi cõi đời
Nao lòng nỗi nhớ một thời Hồ Gươm


             Bài Thơ cho con gái nơi quê nhà tôi viết về một người mẹ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cuộc sống gia đình tan vỡ, đã phải gửi hai đúa con gái cho mẹ đẻ để đi sang Đức theo diện hợp tác lao động, trải bao gian khổ xứ tuyết lạnh, chắt chiu từng đồng xu để gửi về nuôi con ăn học, khi hai con đã yên bề gia thất thì tuổi thanh xuân đã qua đi lúc nào không hay… và chị say sưa với thơ để sống tiếp phần đời còn lại trên đất khách quê người…

THƠ CHO CON GÁI NƠI QUÊ NHÀ

Lại mùa hoa tuyết đến rồi
Con ơi lòng mẹ rối bời như tơ
Tuyết rơi lòng mẹ thẫn thờ
Tình thơ liệu đủ, mẹ chờ kiếp sau?
Bao mùa sương tuyết phiêu du
Lắng trong đời mẹ, lời ru ơi à...

Berlin, Tân Mão 2011
Chu Văn Keng
(Berlin – CHLB Đức, ĐT: 00 49 30 2966 1360
E-Mail cv-keng@gmx.de)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Đình Chữ - trinhđinhchu@gmail.com - 0938272747 - 4D5, cư xá304, F25, Q.Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh  (Ngày 29/11/2012 10:14:56)

Trịnh Đình Chữ - trinhđinhchu@gmail.com - 0938272747 - 4D5, cư xá304, F25, Q.Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh (Ngày 24/11/2012 12:13:37)

Mấy ngày nay, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần ba bài thơ của bạn C.V.Keng trên Bloger của lớp toán K13DHTH. Tôi nghiệm ra rằng mình càng đọc càng thấy thích thú hơn, suy nghĩ nhiều hơn về những vần thơ của một con người đã từng trải nghiệm, nặng tình và sâu lắng.
Về mặt bình thơ, tôi xin không dám tham gia nữa, bởi lẽ đã có bài bình rất hay, rất sâu sắc, rất kĩ lưỡng của nhà phê bình N.Đ.Hóa. Tôi không dám" múa rìu qua mắt thợ" nữa.
Chỉ có điều khi đọc ba bài thơ ngắn của bạn Keng và bài bình khá dài của Hóa tôi thấy mình thật là may mắn, vinh hạnh được là thành viên của lớp K13Toan mà trong đó có những con người rất thú vị, không những giỏi về những con số, về các phương trình toán học mà còn là những thi nhân tài ba. Thậm chí còn là những nhà phê bình văn học, biết bình thơ thật tuyệt.( Tôi có cảm tính cá nhân rằng các người giỏi toán nếu không viết văn hoặc làm thơ thì thôi, thậm chí họ rất ít viết nhưng hễ viết là rất hay, rất sâu sắc, logic.)
Tôi cũng có nhận được mail của bạn Keng gửi từ Đức về để hỏi thăm và chúc sức khỏe gia đình tôi. Sau đó có đề nghị tôi tham gia họa thơ của bạn. Với lòng yêu thơ và với tình cảm chân thành, tôn trọng dành cho người bạn đồng môn, đồng nghiệp xa xứ tôi thấy mình không những phải tham gia mà còn tham gia nhiệt tình và đầy đủ.
Lần trước khi bạn có bài thơ về Huế đã gây cho tôi một xúc động về một con người rất nặng lòng với gia đình, quê hương, bạn bè nhưng lại không về dự hội lớp được. Để thể hiện sự tôn trọng và quý mến của mình tôi đã họa bài thơ đó và đưa lên blog lớp của lớp( lúc đó vì cảm xúc tức thời, nên bài thờ đó chưa chắc đã đạt yêu cầu lắm, mong các bạn thông cảm)
Lần này đọc ba bài thơ của bạn là những bài thơ ngắn nó nặng tình mẫu tử của một con người hiếu thảo, nó lưu luyến và hoài niệm trong sáng về mối tình đầu xa xăm nơi quê nhà khi ta còn phiêu bạc, nó cảm thông chia sẻ sâu sắc cho thân phận người mẹ bất hạnh, tận tụy và hi sinh.
Để đồng lòng với hai bạn Keng và Hóa cũng là thực hiện lới đề nghị" Mỗi độc giả là một tác giả" của bạn Keng. Tôi xin gửi ( cũng là để họa) lại bài thơ thứ ba bằng một bài thơ ngắn. Thơ của bạn là một lá thư của người mẹ ở xa quê gửi cho con ở quê nhà thì bài thơ của tôi là tâm trạng người bố ở quê nhà gửi cho con chốn xa. Xin mời các bạn thưởng thức và cho ý kiến góp ý, bổ sung

THƯ THĂM CON
Sài Gòn- Sydney biết bao đường đất
Mà sao con ơi bố thấy rất gần
Bởi từ ngày có con du học
Nhắc tới Australia như nhắc tới người thân

Hỡi đại bàng non hãy cố gắng bay xa
Tung cánh trẻ giữa không gian dài rộng
Hít hơi ấm của trời cao gió lộng
Để tạo đà vươn tới tương lai

Nhớ ngày nào con lên một lên hai
Bố nắm tay con dắt đi từng bước
Thời gian trôi nhanh ai mà biết được
Con đã lớn khôn bố vẫn thấy dại khờ

Xa nghìn trùng muốn mượn mấy vần thơ
Gửi tới con yêu bao niềm hi vọng
Vừa âm thầm mà lại vừa cháy bỏng
Con ơi con, con có hiểu cha không

TRỊNH ĐÌNH CHỮ
TP. HỒ CHÍ MINH - 11/2012
 

  Trịnh Đình Chữ - trinhđinhchu@gmail.com - 0938272747 - 4D4, cư xá304, F25, Q.Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh  (Ngày 24/11/2012 12:13:37)

Mấy ngày nay, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần ba bài thơ của bạn C.V.Keng trên Bloger của lớp toán K13DHTH. Tôi nghiệm ra rằng mình càng đọc càng thấy thích thú hơn, suy nghĩ nhiều hơn về những vần thơ của một con người đã từng trải nghiệm, nặng tình và sâu lắng.
Về mặt bình thơ, tôi xin không dám tham gia nữa, bởi lẽ đã có bài bình rất hay, rất sâu sắc, rất kĩ lưỡng của nhà phê bình N.Đ.Hóa. Tôi không dám" múa rìu qua mắt thợ" nữa.
Chỉ có điều khi đọc ba bài thơ ngắn của bạn Keng và bài bình khá dài của Hóa tôi thấy mình thật là may mắn, vinh hạnh được là thành viên của lớp K13Toan mà trong đó có những con người rất thú vị, không những giỏi về những con số, về các phương trình toán học mà còn là những thi nhân tài ba. Thậm chí còn là những nhà phê bình văn học, biết bình thơ thật tuyệt.( Tôi có cảm tính cá nhân rằng các người giỏi toán nếu không viết văn hoặc làm thơ thì thôi, thậm chí họ rất ít viết nhưng hễ viết là rất hay, rất sâu sắc, logic.)
Tôi cũng có nhận được mail của bạn Keng gửi từ Đức về để hỏi thăm và chúc sức khỏe gia đình tôi. Sau đó có đề nghị tôi tham gia họa thơ của bạn. Với lòng yêu thơ và với tình cảm chân thành, tôn trọng dành cho người bạn đồng môn, đồng nghiệp xa xứ tôi thấy mình không những phải tham gia mà còn tham gia nhiệt tình và đầy đủ.
Lần trước khi bạn có bài thơ về Huế đã gây cho tôi một xúc động về một con người rất nặng lòng với gia đình, quê hương, bạn bè nhưng lại không về dự hội lớp được. Để thể hiện sự tôn trọng và quý mến của mình tôi đã họa bài thơ đó và đưa lên blog lớp của lớp( lúc đó vì cảm xúc tức thời, nên bài thờ đó chưa chắc đã đạt yêu cầu lắm, mong các bạn thông cảm)
Lần này đọc ba bài thơ của bạn là những bài thơ ngắn nó nặng tình mẫu tử của một con người hiếu thảo, nó lưu luyến và hoài niệm trong sáng về mối tình đầu xa xăm nơi quê nhà khi ta còn phiêu bạc, nó cảm thông chia sẻ sâu sắc cho thân phận người mẹ bất hạnh, tận tụy và hi sinh.
Để đồng lòng với hai bạn Keng và Hóa cũng là thực hiện lới đề nghị" Mỗi độc giả là một tác giả" của bạn Keng. Tôi xin gửi ( cũng là để họa) lại bài thơ thứ ba bằng một bài thơ ngắn. Thơ của bạn là một lá thư của người mẹ ở xa quê gửi cho con ở quê nhà thì bài thơ của tôi là tâm trạng người bố ở quê nhà gửi cho con chốn xa. Xin mời các bạn thưởng thức và cho ý kiến góp ý, bổ sung

THƯ THĂM CON
Sài Gòn- Sydney biết bao đường đất
Mà sao con ơi bố thấy rất gần
Bởi từ ngày có con du học
Nhắc tới Australia như nhắc tới người thân

Hỡi đại bàng non hãy cố gắng bay xa
Tung cánh chẻ giữa không gian dài rộng
Hít hơi ấm của trời cao gió lộng
Để tạo đà vươn tới tương lai

Nhớ ngày nào con lên một lên hai
Bố nắm tay con dắt đi từng bước
Thời gian trôi nhanh ai mà biết được
Con đã lớn khôn bố vẫn thấy dại khờ

Xa nghìn trùng muốn mượn mấy vần thơ
Gửi tới con yêu bao niềm hi vọng
Vừa âm thầm mà lại vừa cháy bỏng
Con ơi con, con có hiểu cha không

TRỊNH ĐÌNH CHỮ
TP. HỒ CHÍ MINH-2000

  Chu Văn Keng - cv-keng@gmx.de - 00 49 30 2966 1360 - Berlin, CHLB Đức  (Ngày 05/11/2012 2:23:58)

Để đáp lễ (cho phải đạo), tôi xin phép được có đôi lời để cảm ơn ông bạn Đồng môn của tôi với sự cảm phục về "Tài bình thơ"...Một sự trân trọng nhất với ông:

Kính chào PGS TS Nguyễn Đình Hóa!

Thật cảm động trước lời bình của Bác cho 3 bài thơ của tôi,xin cảm ơn Bác...

Bác có nhã ý trách tôi:sao không có bài thơ nào viết cho người bạn đời của mình,có đấy Bác ạ,nhưng "ngại" chưa đưa ra "khoe" với các Bác...nhân dịp này tôi xin trình các Bác bài thơ (tôi làm nhân 60 năm tuổi của tôi-Canh Dần 2010) để tặng "bà xã":

VỚI EM

(Tặng bạn đời)

“Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”
Việt Phương

Tình yêu thánh thiện sáng ngời
Với em trong trẻo một thời hoa niên
Đành rằng duyên phận tại thiên
Với em mãi mãi bách niên xuân đời
Tuổi xuân con gái một thời
Với em giữ trọn một đời sắc xuân
Đời người bao nỗi gian truân
Với em là lẽ thường luân ở đời
Phong ba bão táp mưa rơi…
Với em mãi vẫn thảnh thơi “Xương Rồng”
Đường đời khúc khủy bềnh bồng
Với em thăm thẳm trời hồng dõi theo…

Đến rồi tóc bạc răng long
Với em giữ trọn tấm lòng thủy chung...

Berlin,Canh Dần 2010

TB:Bài thơ này tôi đã đăng ở lucbat.com và nguoiviet.de

Một lần nữa xin cám ơn "Nhà bình thơ" của lớp toán: k13 toan 68 - 72

Trân trọng

Chu Văn Keng

  Chu Văn Keng - cv-keng@gmx.de - 00 49 30 2966 1360 - Berlin, CHLB Đức  (Ngày 04/11/2012 19:02:44)


Xin được giới thiệu với Độc giả Lục Bát quán bài Cảm nhận thơ cuả một người bạn học với tôi-Đó là PGS Nguyễn Đình Hóa, hiện ông vẫn đang giảng dạy tại Đại Học Quốc Gia Hà-Nội(mặc dù nay đã quá tuổi nghỉ hưu)

Cảm nhận thơ

Nhân dịp ngày phụ nữ VN 20-10, tôi nhận được email của nhà thơ lớp ta C.V.Keng mời đọc và cảm nhận 3 bài thơ viết về những người phụ nữ rất gần gũi với anh. Lâu nay chỉ quen viết chứng minh toán học, lập luận ngang phè rồi đắc chí vỗ đùi tự khen mình đúng, thằng khác sai hết. Bây giờ thấy khó mà viết cho ra văn vẻ được, lại còn phải bình thơ nữa chứ. Thật là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, cứ coi như mình trở lại thời đi học phổ thông, được cô giáo dạy văn ra cho một đề tập làm văn “Hãy viết cảm nhận của em khi đọc 3 bài thơ nhân ngày 20-10 của C.V.Keng ….”. Và đây là bài nộp cho cô giáo.

CẢM NHẬN BA BÀI THƠ NHÂN NGÀY 20-10

Mặc dù mới bắt đầu là độc giả thơ của C.V. Keng cách đây chưa lâu, từ khi anh giới thiệu với bạn bè cùng khóa K13 Toán ĐHTH Hà Nội (1968-1972) trang thơ của mình trên lucbat.com, tôi đã sớm hâm mộ anh qua những câu lục bát đậm chất ca dao. Anh đã mặc nhiên trở thành “nhà thơ” của K13, mặc dù K13 có một số “nhà thơ” nữa, nhưng chưa đến tầm cỡ vượt ra ngoài blog K13toan6872 sang tận … Đức quốc!

Gặp nhau sau 40 năm, dịp anh cùng gia đình về HN, con người C.V.Keng đúng như tôi hình dung qua thơ, trầm tĩnh và hướng nội, dường như đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm của cuộc đời, rất điển hình của mẫu người ở tuổi tóc đã cuối thời hoa râm, đầu thời cước bạc; mẫu người ưa suy ngẫm về quá khứ và chiêm nghiệm trong thực tại, đang nói về ngày nay (bất cứ chủ đề gì) bỗng bùi ngùi nhắc đến “ngày xưa …”.

Những chủ đề C.V. Keng muốn nói qua thơ những bài thơ này không mới, cái đặc biệt là ở chỗ cảm nhận của riêng anh như người trong cuộc. Nỗi lo lắng xót thương của người mẹ cho đứa con dứt ruột đẻ ra đang ở chiến trường, nơi cận kề cái chết, qua cảm nhận của C.V.Keng

Ruột Tằm đau quặn nhả Tơ
Con đi chiến trận mẹ lo đêm ngày

“Ruột tằm đau quặn nhả tơ” không còn vô hình nữa mà thật hiện hữu, cụ thể. Lòng mẹ hiền nhân ái, “lo tơ vàng vướng chỉ để lòng Tằm đau”, lo cho con từ lúc tập đi, con ngã mẹ đau, cho đến tuổi vào đời, thức đợi con mỗi khi về muộn. Và không biết đã có ai như C.V.Keng thấu hiểu và cảm thông với người mẹ phải đi lao động ở nước ngoài, con thiếu mẹ, mẹ xa con, thương con và thương chính bản thân mình. Kiếp này đành lỗi hẹn, “mẹ chờ kiếp sau”

Tuyết rơi lòng mẹ thẫn thờ
Tình thơ liệu đủ, mẹ chờ kiếp sau ?

Tôi có thắc mắc là tại sao C.V.Keng mới chỉ viết về người mẹ, người yêu mà chưa được đọc bài nào anh viết về người vợ. Vợ mới là người sống với ta gần nhất và cũng là lâu nhất. Vậy mà thật là bất công ! Chắc anh có nhiều bài còn hay hơn nhiều (tôi tin thế) về người vợ đảm đang thủy chung hết mực, có lẽ những bài thơ này chứa chan tình cảm yêu thương, những tâm sự thầm kín, những kỷ niệm riêng tư chỉ nên đọc giữa 2 người !
Tôi đọc lại nhiều lần bài kỷ niệm Hồ Gươm (vì luôn thích thơ tình yêu), những câu tả cảnh đẹp Hồ, hình ảnh nên thơ nên nhạc, in dấu trong tâm trí không chỉ một người khi xa Hà Nội.

Trăng ngần đợi gió dẫn sang
Tháp Rùa lấn bóng thênh thang mây trời

Tôi đã dành hẳn một buổi chiều đi dạo quanh hồ, ngắm tháp Rùa một mình “thênh thang” giữa Hồ Gươm, như kiêu sa ngó quanh phố phường Hà Nội chật chội, ầm ĩ và nhốn nháo. Tôi đã đứng mãi trên cầu Thê Húc, cây cầu đỏ duyên dáng uốn bờ vai cong thon thả soi bóng trên lăn tăn mặt nước Hồ. Ừ có lẽ khi ngây ngất hồn thơ ta sẽ cảm nhận được “Chồng chềnh Thê Húc nghiêng soi” như C.V.Keng. Tôi tự nhắc mình lần sau phải mang theo một bầu rượu, như người ta thường nói “bầu rượu túi thơ” mới được. Và có say sưa ngả nghiêng trời đất như thần tửu thần thơ Lý Bạch thì chắc là sẽ thấy được “nước Hồ lay tháp Thiên Thanh”.

Đáng ra theo cấu trúc của bài tập làm văn, đến đây phải có vài câu nêu những khiếm khuyết, gọi là góp ý với tác giả. Tuy nhiên, xin các bạn miễn cho tôi nhiệm vụ quả thực là khó khăn mà lại thiếu tế nhị này. Vì như thế không khác gì trong các cuộc họp kiểm điểm phê bình, bao giờ người ta cũng rào đón, bắt đầu bằng: “đồng chí X có nhiều ưu điểm, điểm A, điểm B, … nhưng… và nhưng ….

Mời nhấn vào đường link này http://lucbat.com/news.php?id=10999 tới bài đăng trên lucbat.com để đọc toàn văn 3 bài thơ và tự mình rung cảm cùng tác giả.

Hà Nôi, 10/2012
NGUYỄN ĐÌNH HÓA

Các bài khác: