Xin kể tiếp về những tấm lòng, những tấm chân tình sắt son hơn vàng đá của đơn vị, địa phương và những đồng chí đồng đội trong cơn tai biến hiểm nghèo của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thám và Nguyễn Thị Vọng ở Đông Anh (Hà Nội).
Biết bao người nhìn thấy gia cảnh anh chị lúc đó đã xót xa ái ngại. Từ sự cảm thông sâu sắc, nhiều người đã bớt ăn bớt mặc tận tâm giúp chị Vọng từ bó rau miếng cá đến thuốc men tiền bạc để chữa chạy cho anh Thám. Sự đóng góp cả về vật chất và tinh thần của bà con họ mạc, của cấp uỷ chính quyền và các hội ngành ở địa phương xã Bắc Hồng huyện Đông Anh là vô cùng to lớn. Ơn này phải khắc cốt ghi xương.
Anh Thám và chị Vọng còn hết sức xúc động khi kể và nhắc đến tên nhiều đồng chí đồng đội thực sự là những ân nhân cao quý khác.
Đó là đồng chí Nguyễn Trọng Thu, lúc đó đương chức Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần Quân khu I, đã nhiệt tình giúp đỡ cưu mang, tận tâm tận lực cùng với mẹ con chị Vọng cứu chữa anh Thám trong lần tai biến mạch máu não lần thứ nhất. Suốt thời gian dài sau đó, đồng chí Thu vẫn cùng anh em đơn vị mình vẫn tiếp tục đóng vai trò cứu hộ đắc lực cho gia đình này. Các anh đã không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc và phương tiện để cứu sống một đồng đội cũ và giúp gia đình đồng chí đó vượt qua đỉnh dốc nguy hiểm cheo leo.
Đó là một đồng đội khác của anh Thám: Anh Nguyễn Đình Hậu công tác tại Cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng, chỉ biết được tin anh Thám bị bệnh hiểm nghèo qua điện thoại, đã ngay lập tức ân cần hỏi thăm và nhận lời giúp đỡ. Anh Hậu đã không chỉ giúp đỡ về tình cảm và tiền bạc, mà còn thông qua các mối quan hệ của mình, giúp cho gia đình chị Vọng qua được nhiều khó khăn khác. Đặc biệt, nhờ có anh Hậu, cháu Nguyễn Xuân Phương đã được công tác ổn định tại Bộ Tư lệnh Thông tin.
Đó là Bác sĩ Phó Giám đốc bệnh viên Bạch Mai Bùi Thành Chi. Giữa lúc nửa đêm, vẫn nhiệt tình chỉ đạo và chi viện phương tiện để chuyển gấp anh Thám đang bị tai biến kèm thổ huyết lần thứ ba từ Bệnh viên Đông Anh lên Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu vô điều kiện. Tại đây, bác sĩ Chi đã nhanh chóng cùng các cộng sự của mình mổ liền một lúc 4 ca: Mật, gan, bàng quang và khối u mạng sườn trên cùng một cơ thể thoi thóp như lửa tàn của anh Thám. Anh Thám may mắn đã được những bàn tay vàng cứu sống. Nhưng để chăm dưỡng thuốc thang cho anh Thám phục hồi sức khoẻ suốt gần một năm sau đó, bác sĩ Chi đã cùng cộng sự phải có một sự chăm sóc và ưu ái đặc biệt. Tất cả chi phí cho đợt điều trị đó là vô cùng lớn. Bác sĩ Bùi Thành Chi và Bệnh viện Bạch Mai vẫn không nhận của chị Vọng một đồng. Quả đúng Lương y kiêm từ mẫu. Chị Vọng còn rơm rớm nước mắt nhắc lại lời bác sĩ Chi động viên mình: “Em hãy cố lên. Có khi chồng em không chết, mà em lại chết đấy. Cứ yên tâm, mọi chi phí em không phải lo!”...
Vẫn còn nhiều người nữa thành tâm giúp đỡ anh Thám chị Vọng. Trong đó, đặc biệt nhất một người. Đó là người đã mấy năm rồi vẫn chưa biết tên, chưa biết người đó ở đâu, hiện đang làm việc gì, để gia đình anh Thám chị Vọng được giãi tỏ lòng biết ơn vô bờ bến vì cử chỉ nghĩa hiệp cao đẹp như Tiên Phật mà người đó đã dành cho họ.
Cuối năm 2005, sau lần tai biến dẫn đến phẫu thuật một lúc mấy ca, kinh tế gia đình đang lâm vào cảnh vô cùng túng bấn. Hết sức bất ngờ, anh chị Thám Vọng nhận được món quà là một sổ tiết kiệm trị giá 10.500.000 đồng, không đề tên người gửi. Đã tốn khá nhiều tiền điện thoại, đã cố tìm và gặp ai cũng hỏi, đã suy xét rồi đoán mò đoán mẫm, đến giờ này vẫn chẳng biết người rất mực thịnh tình ấy là ai. Chị Vọng kể mà xúc động nghẹn ngào. Cả hai vợ chồng đều thực tâm mong sớm biết quý danh của vị ân nhân ẩn dật đó.
Như vậy là ngoài tình cảm hiếu nghĩa của cả ba đứa con dứt ruột đẻ ra, trong những cơn tai biến mạch máu não nguy kịch của anh Thám chồng mình, chị Vọng và gia đình còn nhận được rất nhiều nghĩa cử vô cùng cao đẹp của bao người từng là đồng đội và nhiều người nặng nghĩa nặng tình khác sẵn sàng sẻ chia.
Ở đây đặc biệt nổi lên bản chất nhường cơm xẻ áo, sống chết có nhau của những người cùng mặc áo lính, cùng chung chiến hào. Thêm lần nữa, qua hoạn nạn của hai cựu chiến binh Thám- Vọng, hình tượng Anh Bộ đội Cụ Hồ được tô đậm nét, mới rạng rỡ và đáng nể phục biết bao!
Cũng không thể không nhắc tới đông đảo anh em bà con liền khúc ruột của cả anh Thám và chị Vọng. Trong đợt tai biến lần thứ ba, anh Thám bị thổ huyết phải tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu mổ liền một lúc bốn ca: Gan, mật, bàng quang và cắt u bên sườn phải, các em ruột của anh Thám như Hải và Chiến, các em gái con thím như Nhung và Bình đã lập tức lặn lội từ Quảng Ninh lên. Họ không chỉ tích cực hỗ trợ anh chị về tiền bạc quà cáp, mà còn tận tâm chăm sóc và hết lời an ủi động viên.
Cũng không thể không nhắc tới một người bạn cùng quân ngũ với chị Vọng tên là Lê Thị Dư. Chị là người thường xuyên có mặt trong những lần anh Thám bị bệnh nặng để động viên an ủi, để giúp đỡ thuốc men tiền bạc, hết lòng vì bạn đến quên cả hoàn cảnh cũng đang rất khốn khó của mình. Một lần đến thăm anh Thám ở bệnh viện Bạch Mai, chị Dư đã ở lại một đêm sẵn sàng ngủ dưới nền giúp người bệnh trở mình, thường xuyên lau chùi rớt rãi trên mặt và vệ sinh thân thể cho anh Thám. Khi về, chị Dư còn để lại một số tiền không nhỏ cho chị Vọng.
Thượng tướng Đàm Văn Nguỵ, Uỷ viên TUW Đảng,Tư lệnh QK1
tới thăm nhà vợ chồng CCB Nguyễn Văn Thám - NguyễnThị Vọng.
Trong câu chuyện thấm đẫm chất cổ tích giữa hiện tại này, có thể nhìn thấy rõ: Những nghĩa cử nhân ái cao thượng mang tới từ bên ngoài, chính là đối trọng tất yếu của nhân cách được tạo dựng trước đó và hoàn cảnh hiểm nghèo hiện tại của vợ chồng Thám- Vọng. Đây là nguyên lý ở hiền gặp lành hoặc gieo nhân nào gặt quả đó. Có nghĩa là: Trong cuộc sống, trong môi trường quân ngũ, anh Thám và chị Vọng đã sống ngay thẳng như thế nào, đã cống hiến và hết mình vì mọi người ra sao và mối tình giữa họ phải son sắt nên thơ đến mức nào, mới được bao tấm lòng xa rồi vẫn gắn bó và sẵn sàng dang tay giúp đỡ.
Ngoài những gì đã nêu trên, điều quan trọng nhất chúng tôi muốn khắc hoạ và khẳng định qua bài viết này là Tình yêu và Nghị lực phi thường vì chồng con của một người phụ nữ: Chị Nguyễn Thị Vọng. Thật khó có thể hình dung chị Vọng đã phải chịu đựng, hy sinh và khổ ải như thế nào để vượt qua ba lần chồng mình bị chết đi sống lại như vậy!
Anh Thám chồng chị Vọng bị tai biến mạch máu não gần chục năm rồi. Gần chục năm chị Vọng vừa lo chạy chữa cứu sống chăm sóc chồng, vừa lo nuôi nấng dạy bảo con cái đến nơi đến chốn.
Làm sao có thể nhớ được đã bao lần người vợ khốn khổ ấy phải chạy đôn chạy đáo lo từng đồng bạc mua thuốc, mua máu đưa chồng đi cấp cứu ở khắp các bệnh viện?! Làm sao có thể tính được những lần người phụ nữ ấy phải khóc lóc vật vã trước những cơn đau đớn thừa chết thiếu sống của chồng mình?! Làm sao có thể đếm xuể số lần chị Vọng phải cởi quần bưng bô hứng thau giặt giũ lau rửa khi anh Thám đi đại tiểu tiện?! Làm sao có thể tính được số ngày số đêm mất ăn mất ngủ để lo từ từng viên thuốc thìa cháo đến những hơi thở cơn co giật của chồng?! Làm sao có thể kể hết công sức chị Vọng đã kiên trì tập lại cho anh Thám từ cách ăn, cách uống, cách cầm đũa, cách mặc áo, cách đi lại, cách nói cười... như một đứa trẻ con mới đẻ?! Làm sao có thể đếm hết số lần ngồi xoa bóp kết hợp dạy anh tập nói và không tiếc lời an ủi động viên?! Làm sao có thể... Làm sao có thể...
Trước những cơn bạo bệnh của anh Thám, trước hoàn cảnh cả tinh thần lẫn vật chất của gia đình bế tắc tưởng không còn lối ra, có không ít kẻ tâm địa xấu xa đã buông lời độc địa, đã lợi dụng tình thế. Thật diệu kỳ là chị Vọng đã không hề nghiêng ngả, lại còn trong sáng vững vàng hơn trước thử thách đời mình. Được biết, hiện chị Vọng là một hội viên Cựu chiến binh và là “Cây văn nghệ”, hoạt động rất sôi nổi tích cực của địa phương.
Vô tình, chúng tôi bất ngờ được chứng kiến: Trong lúc anh Thám đang ngồi giữa khách khứa tiếp chuyện, vợ anh bước vào lễ phép:
- Anh Thám ơi! Con thiếu tiền. Anh cho em xin mấy trăm để trả tiền xe chở đá cho con?
Chúng tôi lặng câm tròn mắt, rồi ướm hỏi dè dặt. Thì ra mọi chuyện vĩ mô như quản lý và điều hành tại cái nhà này, luôn nằm trong tay anh Thám. Chị Vọng nói:
- Dẫu cho chồng tôi đang nằm trên bàn mổ, với tôi, anh ấy vẫn là trụ cột không thể thiếu của nhà này. Tôi và con cái chỉ là những dây leo quanh trụ cột đó mà thôi. Ai muốn làm gì, phải được anh Thám cho phép. Tôi chỉ cần chồng tôi đừng chết, là được rồi.
Anh Thám nhìn vợ rơm rớm nước mắt.
Đó không phải là công dung ngôn hạnh, là đích đến của mọi mối tình, là sống chết trọn vẹn với người mình yêu, là Tình yêu... thì là gì? Tại sao giữa thời buổi lụi đuốc kiếm tìm vẫn chẳng thấy tình yêu đích thực này, lại có một Mối tình tuyệt vời đến thế? Tại sao?
Nhờ tình yêu của chị Vọng, bây giờ anhThám đang dần dần bình phục. An nhiên ngồi đó, đã tự tay làm được nhiều việc, anh đang tỉnh táo nói cười bặt thiệp tiếp khách, chỉ đôi chân chưa vững lắm và chúng tôi bước vào nhanh quá, nên mới đành ngồi đón khách mà thôi. Anh là bằng chứng xác thực rằng: Tình yêu cổ tích đang hiển hiện giữa đời, chị Vọng- vợ anh- là tiên chứ không phải là người...
Nhờ mối tình ít có của anh chị, đến phút chót chúng tôi lại bất ngờ nữa và không chắp bút thêm cho bài viết này không được.
Các con của anh chị: Vợ chồng Nguyễn Xuân Phương và vợ chồng Nguyễn Văn Đông, sau vài năm tích luỹ nhờ thắt lưng buộc bụng, được đơn vị nơi mình công tác tạo điều kiện giúp đỡ, được gia đình vợ nhiệt tình hỗ trợ, đang đồng loạt xây nhà riêng của họ trên phần đất của cha mẹ- anh Thám và chị Vọng- cho, liền kề. Khi chúng tôi đến, những ngôi nhà có diện tích hàng trăm mét vuông nền đó, đang được hối hả đổ mê.
Cả nét mặt và giọng nói anh Thám đều hả hê:
- Vợ chồng tôi không mong gì hơn thế!
Chúng tôi chỉ biết cùng anh chị tít mắt cười hoan hỉ.
Chu Thị Đông
____________
LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.