Chủ nhật, 22/12/2024,


Mời tham dự tọa đàm Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường (15/10/2012) 
Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace sắp tổ chức cuộc tọa đàm mang tên “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường”, với sự tham gia của các diễn giả: các nhà văn Lê Minh Khuê, Nguyễn Quỳnh Trang, nhà thơ Nguyễn Chí Hoan và NPB Phạm Xuân Nguyên, nhân dịp tái bản cuốn tiểu thuyết “1981”, “Nhiều cách sống” và ra mắt tiểu thuyết “Mất ký ức” của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, vào hồi 18h, thứ Năm ngày 18/10/2012, tại Hội trường L’Espace- Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
 
Chân dung tác giả Nguyễn Quỳnh Trang. (Ảnh kèm bài: Cao Mạnh Tuấn)
 
Tiểu thuyết “Mất ký ức” dày khoảng 300 trang do công ty sách Phương Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn phát hành vào đầu tháng 10/2012. Cuốn sách này tiếp tục đề tài quen thuộc của hai tiểu thuyết trước về giới trẻ. Tiểu thuyết “Mất ký ức” xoay quanh 4 nhân vật chính là Jona (người kể chuyện), QT (một ca sĩ nổi danh), Kun (bạn trai thân của Jona) và Run (người đàn ông bí ẩn trong bộ đồ nâu). Một ngày kia, Kun bỗng dưng mất tích trong một thành phố ngập bụi và chết mòn, nơi con người chỉ có thể sống trong các tòa nhà được nối với nhau bằng hệ thống hành lang kính cùng các bộ máy lọc khổng lồ. Để vượt qua, Jona phải sống qua rất nhiều ngày, trong rừng cùng Run, trong thành phố cùng QT, chiến đấu với những nỗi đau, giận dữ, khủng hoảng, và các bấn loạn trong tâm hồn mình. Để rồi, các nhân vật rút ra kết luận, “vào lúc con người thật sự cùng đường, nếu không muốn nằm lại tắt thở trong đáy bùn, họ phải bò, trườn, đi tìm chỗ tựa nương, trong VÔ THỨC.
Nhận xét về tác phẩm “Mất ký ức”, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan viết: “Điều gì làm nên sức lôi cuốn của một câu chuyện về cõi nội tâm? Là tính thành thật của câu chuyện đó. Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy rõ trong tác phẩm này cái thiên hướng và năng lực của cô kể một câu chuyện lớn trong một quy mô nhỏ. Và rất khác về cách kiến tạo so với tiểu thuyết trước vốn cũng nhắm đến một chủ đề lớn, cuốn “Nhiều cách sống”, ở “Mất ký ức” này nữ tác giả trẻ tạo nên câu chuyện từ năm mươi nhăm tiểu đoạn, nhìn chung có liên hệ về tuyến tính thời gian, nhưng mặt khác nhiều tiểu đoạn chứa chất tiềm thế tách rời khỏi khối tập hợp truyện, theo hướng ly tâm rất rõ, biểu thị khả năng cắt đứt chuỗi trần thuật, khiến gây ấn tượng chao đảo thật sự của xúc cảm và tâm thế nhân vật, cũng khiến cho phần kết thúc tác phẩm tựa như một dàn xếp tạm ước nhằm đóng băng một xung đột. Những ấn tượng như vậy xuất hiện trên ranh giới giữa sự kiểm soát ngôn ngữ biểu đạt với sự buông xả dòng xúc cảm cảm tính.
Biểu hiện tính nội tâm của nó cũng tương ứng về phương diện nhân vật: bảy nhân vật, trong đó có bộ ba nhân vật chủ yếu của truyện, đều mang những cái tên nặng tính ký hiệu - tựa như người ta dùng ký hiệu trong những cái viết riêng tư tránh để người khác nhòm ngó - mặt khác thì các cái tên ký hiệu đó mở ra sự tương ứng (dẫu có thể mang tính suy đoán) về những lớp người trong xã hội đương hiện, và do đó có được mức độ khái quát từ vài biểu hiện đặc thù.
Trên những căn bản như thế, chủ đề mất-ký-ức tiếp tục đào sâu chủ đề nhiều-cách-sống khá là tự nhiên. Cuộc khủng hoảng cá nhân chia đều trên hai nhân vật nữ chính, “tôi” và “QT”, được đem đến trên một giọng điệu tự thuật-hư cấu, khúc xạ hình ảnh cuộc thành tạo vất vả và bất trắc cái mẫu hình cá thể trong xã hội đô thị mới, cái môi trường mà những cá nhân đang tìm đến nhưng lại không sẵn lòng chấp nhận các hệ lụy tinh thần ở đó, lại muốn tìm nguồn giải thoát và an ủi từ phía siêu hình…”
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang hiện là biên tập viên của báo “Thể thao & Văn hóa”. Bên cạnh công việc báo chí, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, chị còn sáng tác thơ và tham gia các cuộc trình diễn sắp đặt thơ tại Văn miếu Quốc Tử Giám và Festival Huế. Ngoài ba tiểu thuyết trên, Nguyễn Quỳnh Trang còn là tác giả của 2 tập truyện ngắn “Cho một hành trình” và “24 giờ”.
Nguồn: trangnq1981@gmail.com
             (Điện thoại: 0988 182 829)
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: