Thứ tư, 15/01/2025,


Nhà thơ Y Phương: Nước ta còn thì thơ lục bát còn! (27/11/2008) 

 

        Anh bạn của tôi là Nguyễn, làm thơ, tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng anh đã sớm bộc lộ cá tính văn chương khá mạnh. Anh ấy hỏi tôi rằng, vào thế kỷ hăm mốt, thơ lục bát liệu còn có đất sống không? Thấy tôi chưa kịp mở miệng, người bạn trẻ đã nhấn mạnh thêm. Trái đất ngày nay không còn là hình cầu nữa, một thế giới phẳng đã và đang hình thành. Nó sẽ phát triển bền vững và ổn định lâu dài. Bởi nhân loại đang sở hữu một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, siêu bùng nổ và ngày càng hùng mạnh. Điều đó khiến cho cả loài người và các quốc gia không còn cảm giác khoảng cách nữa. Vậy văn học nghệ thuật ở ta liệu có thể giữ vững bản sắc riêng của mình không. Đặc biệt là thơ lục bát, xin nhắc lại là: Thơ lục bát.

 

Muỗi! Tôi không nghĩ thế. Cơm tính đằng cơm. Rượu tính đằng rượu. Khác đường khác tính. Người miền núi chúng tôi vẫn nói vậy. Rượu dẫu có quý giá và ngon, nhưng không thay thế được cơm. Và ngược lại. Hầy dzà! Lại nói cái lý người Mèo rồi. Nhưng bạn đã hỏi, chả lẽ tôi lại không dám liều. Này! Tôi nhắm mắt nhảy nhé.

Khoa học bùng nổ là công việc của mấy ông bác học, mấy vị trong viện hàn lâm. Những nhà khoa học lừng danh hàng đầu thế giới. Công nhận họ là những người ưu tú nhất của hành tinh, ở thế kỷ này. Công lao ấy thật to lớn, các nhà khoa học làm thay đổi hẳn bộ mặt sinh hoạt đời sống xã hội, đến từng con người cụ thể. Phải gọi những thành quả ấy là thần kỳ. Không sai.

Nhưng với văn học nghệ thuật, có một sức sống mạnh mẽ và hoàn toàn độc lập. Đặc biệt, thơ lục bát là tài sản tinh thần vô giá của ông cha chúng ta để lại. Thơ lục bát trên sáu dưới tám, nó có hình thang, vững vàng như con đê ngăn sóng. Lục bát là con đê thơ sừng sững với thời gian. Đấy là một phát minh kỳ diệu của tổ tiên chúng ta. Đã trải qua mấy ngàn năm, lục bát vẫn là hồn cốt thi ca của người Việt. Điều này tôi nói cũng bằng thừa. Bởi đã có rất nhiều thế hệ người Việt Nam thực sự tự hào, cảm phục về thơ lục bát. Tổ quốc ta bao phen bị nhấn chìm dưới gót giày của quân xâm lược. Thế nhưng văn hóa Việt Nam không hề bị khuất phục, không bị đồng hóa. Nó vẫn trường tồn như núi sông, như cây cỏ, như miếng trầu, như tóc búi tó, như răng đen nhức. Nói như thế có vẻ đao to búa lớn, nhưng những gì ta đang sống, đã trải nghiệm, trả lời cho chúng ta rồi. Văn hóa Việt Nam mất sao được. “Truyện Kiều còn nước ta còn”. Tôi xin nhái: Nước ta còn thì thơ lục bát còn! Thơ lục bát mất sao được. Tôi đố…

Anh bạn trẻ lại hỏi. Thế tại sao bác ít làm thơ lục bát, hầu như em chưa được đọc bài lục bát nào. Vì tôi sợ. Thơ lục bát dễ làm nhưng thậm khó hay. Tôi nhớ có một ai đó nói thế này, làm thơ lục bát giống như ta luộc rau muống. Ai cũng có thể làm cho rau chín, nhưng để nó xanh giòn mà vẫn mềm rau, đòi hỏi phải có tay nghề. Phàm đã là tay nghề, dẫu có được truyền lại, thì cũng mỏi tay mờ mắt lắm lắm, mới có thể học đòi bắt chước được tý chút. Anh bạn đừng cười. Có bao nhiêu cái tinh túy của lục bát, ông cha chúng ta đều sài trước cả rồi. Còn lại vài miếng bạc nhạc với xương xẩu, thì đã có mấy bác, mấy chú, mấy anh nhanh mắt nhanh tay cỗm nốt. Thành ra tôi chỉ đứng ngoài nhìn thèm nhỏ dãi. À mà xin nói ngay. Tôi là người Tày. Người Tày không có truyền thống thơ lục bát. Đấy! Tôi chả giấu giếm gì. Cũng chẳng phải là cái thằng tôi cổ hủ cực đoan, không chịu tiếp thu cái hay cái đẹp của người khác. Tôi tự biết mình không sở trường sở đoản gì cả về khoản thơ lục bát này. Đúng không. Cho nên tôi cứ thơ tự do mà giã. Thơ tự do như người chơi cờ tướng trong túi quần, như hai gã khùng chơi bóng bàn mà không cần lưới giăng. Nó có cái cực khó đấy, nhưng cái dễ thì đúng như …tự do. Thôi, chả dám. Thằng chết cãi thằng khiêng. Bạn còn trẻ, là người học hành nhiều, có bài bản. Tôi sắp hạ thổ đến nơi rồi, mới học dỏm dăm ba câu thôi.

Bác có đồng ý với em, thời của các cụ cứ hàng một rồng rắn mà đi trên bờ ruộng. Vừa đi vừa làm thơ à ơi đưa đẩy. Đến đây mận mới hỏi đào,vườn hồng đã có ai vào hay chưa. Chúng ta đang sống là thời siêu tốc độ. Loáng một cái, tất cả đã biến mất. Chưa kịp phát hiện ra đâu là đực, đâu là cái, đâu là xấu, đâu là đẹp. Đào với chả mận, nghe mà sốt ruột. Cứ toạc móng heo em có dám bỏ chồng về ở với anh không hay khỏa thân trong chăn thèm chồng cho nó nhanh. Ấy! Đừng nóng tính, anh bạn. Đang trưa ăn mày vào chùa. Sư ra cho một lá bùa rồi đi. Lá bùa chẳng biết làm gì. Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày. Chẳng biết nhớ có chính xác không, nhưng theo tôi, đó là một trong những bài thơ đọc một lần thấy thích ngay. Hiện đại đấy chứ. Hình như đấy là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Đồng Đức Bốn. (Tác giả) Thiêng thế. Vừa nhắc đến anh, có ngay một trận mưa rào. Ăn mày cửa phật là hiện thực đời sống ngày nay. Trong thời đại công nghiệp, do áp lực của công việc, nên nhiều nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… đã tìm đến cửa Phật để thư giãn, vừa là để ăn mày. Một sự ăn mày tâm linh. Nhưng sư ra mà không giảng giải gì, chỉ cho một lá bùa. Lá bùa phải chăng là những tri thức siêu việt của nhà Phật. Là sự tự giác ngộ. Tự anh nhận thức lấy. Tu tại tâm. Nếu tôi không nhầm, điều này chỉ xảy ra ở thế kỷ hăm mốt. Thế kỷ mà các nhà khoa học đã đạt đến trình độ nghiên cứu hơn hẳn ngày trước. Nếu bạn chưa tin, hãy đi cùng tôi tới Câu lạc bộ Hiệp hội các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Bạn sẽ chứng kiến tận mắt các học giả, nhà khoa học cả ta lẫn tây đang miệt mài om ma ni tê mê hông …lăn lưng ra mà thiền tập cùng yôga, vào các buổi chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần. Văn hóa phương Đông đang có cơ thắng thế văn hóa phương Tây. Nói thế có ngoa không nhỉ. Nhưng sự thật là nhiều nước trên thế giới, đã áp dụng phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của giáo sư bác sỹ biệt tài Nguyễn Tài Thu. Vì thế, châm cứu Việt Nam là một bí ẩn. Cũng vậy. Đàn bầu Việt Nam là một bí ẩn. Tất nhiên, thơ lục bát của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nó là một món đặc sản.

 

              Nhà thơ Y Phương (thứ 2 từ phải qua) và bạn bè.

 

       Nhưng, nói đi thì nói lại. Chắc chắn đã, đang và sẽ có một bộ phận người từ chối thơ lục bát. Họ cho rằng thể thơ ấy, từ lâu không còn hợp thời nữa. Hãy cất nó vào trong rương cùng với khăn xếp áo the, quần thâm quạt mo, thuốc lào cơi trầu. Thơ lục bát đã được toàn dân quy chuẩn là toàn bích, nó có niêm luật rõ ràng mạch lạc. Thơ lục bát là hàng hóa đặc biệt đã được đóng hộp, hãy cứ để nguyên đai nguyên kiện. Có bảo hành vô thời hạn. Nếu ai đó có ý định làm mới, bóp méo hoặc phá cách, cứ thử đi, nhưng không được sai luật bằng trắc. Trên thực tế, đã có nhiều nhà thơ tên tuổi và để lại nhiều thi phẩm lục bát độc đáo. Đó là một sự sáng tạo thành công đáng kể của các nhà thơ Việt Nam đương đại. Song, vấn đề chính yếu là ở tính nhịp điệu tốc độ cà rịch cà tang của thể thơ. Hình như thơ lục bát chỉ hợp với khung cảnh mây tre đan nhâm nhi nhàn tản. Có vẻ như nó không ăn kịp với suy nghĩ và việc làm của con người ngày nay. Thậm chí có người tung hô rất to, đòi cách tân thơ Việt một cách triệt để. (Nói nhỏ nhé, điều này có người nói cách đây non thế kỷ rồi. Hi hi hi). Có kiên quyết cách tân như thế mới hòng đuổi kịp thơ thế giới. Nhưng đuổi cái gì và như thế nào thì không một ai nói cho ra ngô lai ra khoai lang tím. Các bác cứ viện dẫn ông Ốp, ông Ép, bà Hytotôbô… nói thế này kia. Tại sao không nêu hẳn cái sự đời của xã hội, con người Việt Nam bức xúc như thế nào. Tôi thì không bao giờ tin những kẻ vung tay quá óc, to mồm lên mà gào thét. Tôi chỉ nể sợ bông hoa lặng lẽ thơm, con cá lặng lẽ lớn, mặt trời lặng lẽ tỏa sáng, bào thai lặng lẽ nở. Anh muốn nói gì cũng được, miễn có thơ hay. Đúng không bạn. Thơ hay tự nó khẳng định sự “tồn tại hay không tồn tại”. Nhưng mà bạn ơi, nói đến những vấn đề có hơi hướm “ný nuận”, tôi lại thấy đau đầu nhức óc quá rồi. Xin phép bạn cho tôi được ngồi trên cỏ, dùng cơm canh với rau muống luộc dầm sấu. Nó giải sầu ngon lành như thơ lục bát.

 

                              Theo Y Phương (Vietimes)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: