Thứ bảy, 27/04/2024,


Hình ảnh người Phụ Nữ trong “LẠC DUYÊN” của Trương Nam Chi (Lê Bá Duy) (06/09/2012) 

“Lạc Duyên” - tập thơ thứ hai sau “Quà tặng tình yêu” của Trương Nam Chi do nhà xuất bản Trẻ ấn hành tháng 5 năm 2012.

            Tập thơ gồm 54 bài, với lời giới thiệu của nhà phê bình Lê Quang Trang. Phần nhiều là những bài thơ lục bát, còn lại là thơ 4 chữ, năm chữ, bảy chữ và thơ tự do. Nói thế để thấy rằng, Trương Nam Chi làm thơ đa thể. Tuy nhiên, người làm thơ cần tránh đi sự gò bó khuôn khổ về thể thơ, cứ để mạch hồn tuồn trào theo thể thơ định sẵn, mới hấp dẫn, thu hút người đọc. Trương Nam Chi biết rõ điều đó nên việc diễn đạt tình- ý không gò bó. Thơ chị cứ tự nhiên chảy giữa mạch ngầm có sẵn, và từng con chữ mang dòng cảm xúc tự nhiên của người thơ giàu nữ tính hình thành những “những đứa con tinh thần” khác biệt không lẫn lộn vào nhau.
            Bài thơ mở đầu tập thơ: “Em muốn” dắt người đọc đi vào nội tâm người phụ nữ với khát vọng giản đơn, bình thường như bao người phụ nữ khác:
Em muốn được là phụ nữ/ Trọn kiếp này/ Và cả những kiếp sau...
Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Thông thường người phụ nữ thường ước mình là đàn ông, bởi người phụ nữ xưa nay luôn vất vả cực khổ. Nguyễn Du từng thốt lên:
 “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung...”
Nữ giới bao giờ cũng khổ hơn nam giới. Thế nhưng, Trương Nam Chi lại muốn mình muôn kiếp làm người phụ nữ. Điều đó nói lên điều gì? Những câu thơ tiếp theo phần nào lý giải để bạn đọc hiểu thêm lý do mà chị muốn. Thì ra làm phụ nữ để được dịu dàng, được dựa “vào vai anh nức nở” được độc quyền với đàn ông. Muôn thuở mãi là cô Tấm dịu hiền trong “Anh”. Làm phụ nữ còn có thiên chức của người mẹ. Và được làm em mãi mãi bên “anh”...
            Ước vọng được làm phụ nữ ấy cháy bùng trở thành khát vọng. Khát vọng được thắp lên ngọn lửa để giữ mãi tình yêu tuổi trẻ nồng nàn, để soi đường trên hành trình cõi người bao vất vả cực nhọc đã trải qua. Thế nhưng, Trương Nam Chi lại biết dừng và giữ ngọn lửa trong tình yêu không cháy hết mình để thành tàn tro. Chị muốn giữ duyên tình và duyên thì của người phụ nữ mãi mãi được yêu thương, chia sẻ.
            Tôi đã đọc và tìm thấy trong hầu hết những bài thơ của chị là bóng dáng người phụ nữ. Có lẽ phần nhiều là nỗi lòng có khi cũng là nói thay cho người đàn bà khác. Dù đó là tiếng lòng hay là nhập thân thì thơ Trương Nam Chi vẫn hướng đến khát vọng hạnh phúc, hướng đến những trăn trở về phận người, có khi đẫm đầy nỗi nhớ anh da diết đến nao lòng. Và nỗi nhớ cứ “lớn dần theo năm tháng” lâu ngày thành “nỗi nhớ không tên”.
            Ý thức về tình yêu trường tồn theo năm tháng ấy cứ đeo đẳng trong suốt cả tập thơ “Lạc duyên”. Ta hãy lắng nghe tiếng “ Tíc tắc...tíc tắc” “ len vào sợi tóc” và cõi tình khô khốc, để trượt dốc trần gian. Ý thức thời gian cũng là ý thức phận người. Thời gian không dừng, con người sẽ phai tàn theo năm tháng. Đó là quy luật mà không ai cưỡng lại được. Thế nhưng, với Trương Nam Chi cứ ám ảnh. Nỗi ám ảnh lớn lên và trở thành câu hỏi đặt ra để tự mình giải thích tháo gỡ vướng mắc trong tình yêu. Nhưng đâu phải câu hỏi nào cũng dễ tìm đáp án và khi không tìm được đáp án thì đối tượng hướng đến không phải người phụ nữ mà là người đàn ông.
              Bài thơ “Câu hỏi dành cho những người đàn ông” tác giả viết:
  Anh có còn yêu em không/ Khi dưới lớp phấn son là làn da rám nắng?/ Và có còn mộng mị/ Nếu phát hiện ra em không có bộ ngực căng tròn...
            Có phải đây chỉ là câu hỏi của một người phụ nữ? Không! Đó là câu hỏi của người người? Có cả của người đàn ông. Chỉ khác là chủ thể em trở thành chủ thể anh mà thôi. Người đàn ông bao giờ chẳng yêu cái đẹp. Cái đẹp từ làn da trắng nõn đến bộ ngực căng tròn của người phụ nữ...đi qua đôi mắt người đàn ông với nhiều cảm xúc khác nhau. Trước cái đẹp thân hình diễm lệ, họ không ngớt lời ca tụng. Nào là “Bà tiên của anh, công chúa (đã từng ngủ trong rừng) của anh...” nhưng khi thời gian cướp đi xuân thì của phụ nữ, liệu người đàn ông có còn yêu không? Đó là câu hỏi thứ hai: 
 Anh có yêu em không/ Khi tin nhắn của em người đàn bà khác đọc./ Anh có dám thú nhận rằng anh yêu cô ấy là em?
 
 
            Đó là dũng cảm hay là lòng chân thành trong tình yêu. Thường khi yêu người ta thường giả dối. Thường có ý nghĩ “ bắt cá hai tay”, hoặc “tham lam” muốn yêu nhiều phụ nữ. Điều mà người phụ nữ muốn nhận là tấm lòng chân thành, là sự thủy chung, là sự thật, dù sự thật đến đau lòng....
            Ba câu hỏi đặt ra và kết thành câu hỏi lớn đặt ra:
 Nếu một ngày kia/ Thượng đế bỗng nổi trận lôi đình/ Mà chia em thành nhiều mảnh/ Thì ai trong số các anh/ Có đủ bản lãnh/ Nhận về mình / một mảnh/ vì yêu?
 
            Đến đây, bài thơ gút lại rồi mở ra một câu hỏi dành cho người đàn ông. Đúng hơn là câu hỏi dành cho người đàn ông đầy bản lĩnh. Vì yêu người đàn ông sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu. Tất cả giả định trong bài thơ cũng chỉ là giả định. Cái ý đồ đặt tác giả ra là : “anh” yêu em vì thể xác hay vì “tâm hồn”? “Thể xác” sẽ tàn phai theo tháng năm; “tâm hồn” mãi mãi tồn tại trong tình yêu. Nếu người đàn ông yêu cả hai và biết trân trọng người mình yêu, biết và hiểu rõ quy luật thời gian, biết quý trọng cái đẹp trong tâm hồn, họ sẽ sẵn sàng “nhận về mình một mảnh- vì yêu”.
Trong thực tế cuộc sống đã từng có những người yêu say đắm như thế. Và đây, tôi xin dẫn chứng để trả lời “câu hỏi cho những người đàn ông” đó là thằng gù nhà thờ Đức Bà- Pa Ri, ôm xác chết người mình yêu chết theo...
            Tóm lại, đọc “Lạc duyên” ta thấy hình ảnh người phụ nữ hiện lên vừa dịu dàng, đầy nữ tính; vừa mạnh mẽ khao khát cháy bỏng hạnh phúc. Nhuần nhụy, trữ tình làm nên chất thơ của người phụ nữ trong thơ chị. Do vậy, tập thơ có một số bài thơ, một số câu thơ đã làm lay động hồn người.
Vài nét chấm phá trên có lẽ cũng chưa nói đủ nói hết về hình ảnh người phụ nữ trong tập thơ “Lạc duyên” của Trương Nam Chi, chỉ hy vọng đem sự đồng cảm của một cá nhân với một cá nhân mà sẻ chia phần nào để cùng vươn đến cái đẹp trong tình yêu. Cái đẹp mà con người luôn hướng đến nó.
 

Bình Định, tháng 9/ 2012

 Lê Bá Duy

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đỗ Thu Yên  - truongson5885@gmail - 0163.6689.629 - Hà Nội  (Ngày 08/09/2012 14:35:02)

Đọc lời bình về hình ảnh người phụ nữ trong tập thơ LẠC DUYÊN Tôi rất đồng cảm ,Thơ của Trương Nam Chi bộc lộ rất rõ nét về cách yêu , cách chịu đựng , sự hoài nghi dễ thương , đầy nữ tính , tôi thich đọc thơ TNC đặc biệt là những bài thơ lục bát trong LẠC DUYÊN
Cảm ơn tác giả Lê Bá Duy đã giúp bạn đọc hiểu hơn những nét đẹp về hình ảnh về người phụ nứ mà tác giả TNC đã để lại trong tập thơ
LẠC DUYÊN

Đỗ Thu Yên

  Trần Văn Năm - nam@gmail.com - 0914100085 - Buôn Ma Thuột  (Ngày 06/09/2012 19:19:14)

Chưa đọc tập thơ, nhưng bài cảm nhận đã giúp tôi hiểu được phần nào của tâm hồn nữ sĩ đa cảm. Những câu thơ trích dẫn đã làm lay động lòng người. Cảm ơn tác giả bài viết!

Các bài khác: