Tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, có một người phụ nữ từ lâu đã danh bất hư truyền, vọng xa ra khỏi làng quê khuất nấp, bởi nết đẹp hiền thục và đoan trang. Người phụ nữ đó tên là Nguyễn Thị Vọng, có chồng là anh Nguyễn Văn Thám (điện thoại: 04.39581256). Mối tình nồng ấm qua bao mùa đông giá của họ, mà chị Vọng là người kiên gan chỉn chu giữ lửa, khiến chúng tôi khát khao thể hiện, vẫn chỉ sợ lực bất tòng tâm...
Đường tới nhà anh Thám chị Vọng không xa, nhưng hơi khó tìm và gập ghềnh khúc khuỷu. Phải mấy lần đến nhà, chúng tôi mới nhận thấy điều “hơi khó” ấy. Chứ lần đầu, sự thôi thúc bởi tiếng lành về một tấm gương rất mực đôn hậu, lời dặn dò thắm đượm chân tình chu đáo của anh chị qua những cú điện thoại chỉ lối đưa đường liên tiếp, làm chúng tôi thấy xe mình như chưa chạy hết ga.
Đến nhà, đã gần trưa. Tiếp chúng tôi tại phòng khách của một căn nhà nho nhỏ giữa vườn cây gồm ba người- một bà và ba ông- tất cả đều đã trạc ngũ tuần. Mọi người vồn vã đứng lên chào hỏi, chỉ một người mặc quần đùi ngồi nguyên trên ghế đợi chúng tôi bước tới bắt tay. Người phụ nữ duy nhất- chị Vọng- giới thiệu:
- Chồng tôi, anh Thám đấy. Đây là anh Quyển, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bắc Hồng. Còn đây là anh Ki, Trưởng Chi Hội Cựu chiến binh thôn Thượng Phúc.
Trong lúc chị Vọng đon đả mời nước, chúng tôi vào việc ngay.
Chồng chị Vọng, anh Nguyễn Văn Thám sinh ngày 15 tháng 10 năm 1949 tại huyện Hải Hậu tỉnh Hà Nam Ninh cũ, tức Nam định ngày nay. Giữa cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong lúc cùng gia đình định cư tại thôn Đá Cổng, xã Đồng Tiến, huyện Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, như lớp lớp thanh niên thời đó, ngày 15 tháng 10 năm 1968, anh Thám đã hăng hái lên đường nhập ngũ khi vừa mười chín tuổi. Sau huấn luyện, anh trở thành chiến sĩ trong lực lượng cao xạ pháo thuộc C14, E 213, F 363 của binh chủng Phòng không, đóng quân ở Kiến An thành phố Hải Phòng. Trong quá trình học tập rèn luyện và trực tiếp chiến đấu tại đây, anh Thám luôn nỗ lực phấn đấu và giữ vững phẩm chất của một anh bộ đội Cụ Hồ, nên có hai năm liền được toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị bình chọn là “Chiến sĩ Thi đua”. Vinh dự hơn, ngày 19 tháng 5 năm 1971, nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, anh Nguyễn Văn Thám đã được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam, tức Đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ.
Sau khi trở thành đảng viên, với quân hàm hạ sĩ, anh Thám lại được đơn vị cử đi đào tạo tại Học viện Sĩ quan Phòng không- Không quân đóng tại Sơn Tây.
Năm 1972, anh Thám được phân công về nhận nhiệm vụ mới tại đơn vị pháo 57 li thuộc C36, E214, F363 đóng quân tại khu vực Cảng Hải Phòng.
Cuối năm 1973 đến năm 1976, với quân hàm thượng sĩ, anh Thám là học viên C3, D12 của Học viện Chính trị đóng ở Bắc Ninh. Chính tại môi trường này, anh Thám nói rằng đã rất may mắn nên mới được gặp một người; và may mắn hơn, người đó lại trở thành vợ mình cho đến mãi bây giờ: Nguyễn Thị Vọng.
Chị Vọng sinh năm 1956 ở ngay mảnh đất chúng tôi đang ngồi tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Cũng giống như người sẽ là chồng mình- anh Thám, tháng 8 năm 1973, chị Nguyễn Thị Vọng đã không quản thân gái dặm trường xung phong gia nhập quân đội, khi đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Tuổi mười bảy, chị Vọng không cần đắn đo, đã dâng hiến trọn vẹn sức xuân nồng nàn phơi phới của mình cho Tổ quốc được độc lập tự do và cho cả người sẽ trở thành chồng mình: Anh Thám.
Suốt 3 năm liền, chị Vọng và anh Thám luôn cùng chung đơn vị. Có thể đây là duyên trời đã định, nên mới được “lửa gần rơm” lâu ngày đến thế. Cũng có thể do anh Thám là một sĩ quan trẻ, luôn có phong thái đĩnh đạc đường hoàng, sức khoẻ và triển vọng dồi dào, lại chu đáo và mẫn tiệp, vẻ ngoài trắng trẻo đẹp trai. Còn chị Vọng cũng chẳng kém ai. Nữ quân nhân vốn thôn nữ ấy trắng tinh, thơm tho tựa hoa nhài, cũng làm giỏi hát hay và đuôi mắt dài lúng liếng, từng khiến không ít đấng mày râu trong ngoài đơn vị phải liểng xiểng… Nhưng, duyên phận, trời đã định rồi. Họ yêu nhau và chỉ của nhau mà thôi.
Sau thời gian dài tìm hiểu, năm 1977, anh Thắm và chị Vọng quyết định kết hôn. Do cùng chung đơn vị, lại được mọi người từ chỉ huy đến chiến sĩ hết mực vun vào, đám cưới của anh chị được thủ trưởng trực tiếp đứng ra tổ chức. Lễ Thành hôn đơn giản, chỉ có bánh kẹo, nước trà, hoa pháo và những bộ áo lính làm lễ phục của chú rể cô dâu. Nhưng không hề giản đơn khi có đủ mẹ cha của cả hai bên và đại diện chính quyền địa phương cùng lãnh đạo đơn vị đứng ra tổ chức. Đám cưới của anh Thắm và chị Vọng còn thực sự là lễ trọng, mang lại niềm vui bằng bao bài hát ngợi ca và thấm đẫm tình cảm chia ngọt xẻ bùi của những người mặc áo lính. Trước chúng tôi, cả anh và chị vẫn không giấu được vẻ xúc động khi nhớ lại, đáy mắt của cả hai vẫn nhìn nhau sóng sánh ngậm ngùi.
Trước và trong đám cưới, họ luôn xứng đáng là đôi trai tài gái sắc. Họ đã là vợ chồng hạnh phúc bên nhau trong ấm ngoài êm. Đến một ngày tiếng súng nơi biên giới Tổ quốc vang lên…
Chị Vọng không thể ngăn được nước mắt trong lúc gói ghém hành trang đưa chồng ra trận. Anh Thám phải gấp rút cùng đơn vị tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Những địa danh hiểm yếu tại Ba Trúc, Bảy Núi, Sông Kình… ở An Giang, lại là nơi anh Thám cùng đồng đội không tiếc máu xương gìn giữ.
Khi tiếng súng tạm yên, giữa năm 1979, anh Thám được trở về với cấp bậc trung uý, tiếp tục công tác tại Học viện Chính trị C4, trực tiếp phụ trách học viên văn hoá lớp 10 trước khi được tuyển vào trường học chính khoá. Đây cũng là thời gian chị Vọng đang mang trong mình cái thai đầu lòng- niềm vui và cực nhọc lúc này đều quá lớn. Nhưng tất cả còn lớn gấp bội khi tháng 12 năm 1979 ấy, chị Vọng sinh cho anh Thắm một đứa con trai xinh xắn đầu lòng và mẹ tròn con vuông. Tên cháu là Nguyễn Xuân Phương. Cháu Phương chào đời trong tình cảm đón đợi và hết lòng yêu thương đùm bọc của cả cha mẹ lẫn ông bà và anh em cùng đơn vị.
Sau khi vợ sinh con, anh Thám lại nhận được lệnh cùng đồng đội tiếp tục đi tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai và Hoàng Liên Sơn. Bao toan lo cho vợ con còn đỏ hỏn đành gác lại, một lần nữa anh Thám tiếp tục lăn xả cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thiêng liêng.
Lúc này, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cấp trên giải quyết cho chị Vọng được rời quân ngũ và chuyển ngành. Chị trở thành mậu dịch viên của Công ty Công nghệ phẩm Đông Anh. Xa chồng, thiếu sự giúp đỡ và tình cảm của anh, phải chăm sóc và bươn chải nuôi con một mình… nhân cách và bổn phận của người phụ nữ xuân sắc này đang được thử thách.
Hơn một năm sau, anh Thám mới được đơn vị cho tranh thủ nghỉ phép thăm vợ con ít ngày. Tình cảm vợ chồng bị dồn nén suốt bao ngày xa nhau, như vỡ oà, như nổ bung, để bù đắp. Những đêm trắng mừng mừng tủi tủi nằm bên con không cần ngủ. Những khao khát thương yêu và cả lo nghĩ toan liệu đều không còn chỗ để giãi bày. Anh chị cố ghì riết lấy nhau bởi nỗi sợ ngày sau xa cách. Biên giới tổ quốc luôn cần phải phòng thủ vững mạnh. Anh Thám lần nữa ôm vợ vào lòng, rủ rỉ động viên mấy lời, khẽ khàng đẩy ra và lặng lẽ gật đầu. Anh đi.
CCB Nguyễn Thị Vọng trong một buổi họp mặt đồng đội cũ.
Những năm tháng sống trong quân ngũ, dù ở cương vị công tác hay thuộc biên chế của đơn vị nào, anh Nguyễn Văn Thám luôn là người đứng mũi chịu sào, không bao giờ ngại khó ngại khổ để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao và đặc biệt là sẵn sàng hết mình vì đồng chí đồng đội trong mọi hoàn cảnh. Ngoài bản chất do giáo dục để thành một anh bộ đội Cụ Hồ, ở anh còn là sự tái hiện sâu sắc truyền thống đạo lý hun đúc qua nhiều hệ, được mẹ cha truyền lại. Không có gì là khó hiểu, khi anh Thám luôn là tấm gương sáng cho anh em chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Để mãi đến bây giờ, những tình cảm cao quý ấm áp một thời kia, vẫn tươi mới nồng nàn lấp lánh.
Thêm nữa, người vợ tần tảo thảo hiền đẹp người đẹp nết và đứa con trai đầu bụ bẫm nơi quê nhà, lại là điểm tựa, là lửa ấm nâng đỡ thúc dục anh Thám hăng say vượt qua bao gian nan vất vả hiểm nguy nơi tuyến đầu.
Cháu trai Nguyễn Xuân Phương cũng còn là niềm vui, niềm an ủi lớn lao đối với cả người mẹ, người vợ đang xa chồng. Mấy tháng sau ngày anh Thám về phép đợt đầu, chị Vọng lại viết thư báo tin cho chồng, mình đã có thai cháu thứ hai. Đây không chỉ là niềm vui, là minh chứng cho mối tình dạt dào hạnh phúc của họ, nó còn là sự khởi đầu của một thử thách mới, đặc biệt là với người vợ ở hậu phương. Dẫu biết rằng vợ mình là một người giàu bản tính chịu thương chịu khó, rất mực yêu chồng thương con. Nhưng nhận được thư, anh Thám càng hiểu hơn vợ mình đang phải đối mặt với biết bao cam go khốn khó trong hoàn cảnh đơn chiếc tay xách nách mang giữa thời buổi nền kinh tế đất nước lâm vào cảnh suy kiệt, lại chiến tranh giặc giã chưa yên. Một chút quà từ xa gửi về, một lời an ủi động viên thấu tình đạt lý, hơn bao giờ hết chính là liều thuốc quý, để gìn giữ và bồi bổ cho tình yêu của chị Vọng và anh Thám lúc này.
Khi cháu trai thứ hai Nguyễn Văn Đông ra đời được hơn một tuổi, sau một lần về phép, đến giữa năm 1983, anh Thám lại nhận được tin vợ mình vừa sinh cháu thứ ba. Hạnh phúc là biểu hiện tột cùng của tình yêu. Nhưng hạnh phúc của cặp vợ chồng này, giờ đây đã đẫm đầy mồ hôi và nước mắt.
Khi nhận thức rõ chồng mình đang bận công tác chiến đấu nơi xa, chỉ một thân mình phải chắt chiu bươn chải lo tròn bổn phận của một người vợ ở hậu phương và người mẹ với ba đứa con thơ dại, không thể nói chị Vọng không có lúc nao lòng. Từng lọn rau bó củi ngày thiếu đói, từng giọt sữa quặn vắt giữa đêm thâu, từng bước thấp bước cao lúc nắng sối trên đầu... và bao lần tủi thân gạt thầm nước mắt. Nhưng bằng chính tình yêu với người chồng mẫu mực, với những đứa con như kỳ vọng của đời mình, chị Vọng đã gắng gỏi gượng lên, với công ty làm tròn trách nhiệm của một nhân viên, với gia đình tranh thủ ngoài giờ làm thêm bất cứ việc gì để có thêm thu nhập. Thời buổi ấy, ổn định cuộc sống gia đình và cá nhân, để thực sự yên tâm công tác và và cống hiến hết mình cho đất nước, là một khó khăn không nhỏ đối với nhiều người. Nhiều gia đình, đủ vợ đủ chồng chung lưng đấu cật nuôi dạy con cái còn vô cùng chật vật. Huống chi một nách ba con còn đỏ hỏn, chị Vọng lại chỉ có một mình? Vốn thiên phú dồi dào tình mẫu tử, vốn được rèn giũa sớm trong môi trường quân nhân, lại được hỗ trợ bởi tình yêu dẫu xa cũng gần với chồng mình, chị Vọng đã vượt qua tất cả. Các con chị mỗi ngày một lớn, đều phổng phao ngoan ngoãn sớm biết thương mẹ nhớ cha. Dẫu chồng biền biệt xa nhà, Chị Vọng vẫn âm thầm chủ động lo toan để cả ba đứa con đều được lần lượt đến trường đi học.
Tại nơi đóng quân xa xôi, nghĩ tới gia cảnh nhà mình, anh Thám càng thêm thương con xót vợ. Nhưng đất nước vẫn còn nguy cơ giặc dã, dân tình phải chịu nhiều can qua đói khổ, ngoài việc cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ, anh Thám còn tranh thủ cải thiện để gom góp mang về giúp vợ từng chút hạt mít khô, từng miếng vải nhỏ, từng cây bút cuốn vở... làm quà. Những món quà đó sao mà đơn giản, thậm chí còn trở nên nực cười trong mắt một số người, nhưng chính nó là thước đo phẩm cách người chồng người cha của anh Thám trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Càng hiểu thấu hoàn cảnh khó khăn của gia đình bao nhiêu, anh Thám cũng càng thương yêu nể phục người vợ của mình bấy nhiêu. Bởi trong suốt nhiều năm, chị Vọng đã chịu bao cực nhọc, vững vàng thay anh- một mình cùng lúc hoàn tất bổn phận của mấy người. Chính chị Vọng và những đứa con thân yêu là điểm tựa, là động cơ gần gũi giúp anh Thám đóng góp mhiều hơn với thành tích chung của đơn vị.
Sau 21 năm liên tục phấn đấu ở những vị trí mũi nhọn trong vai trò một người lính, năm 1989, anh Thám được đơn vị cho ra quân. Anh được hưởng chế độ nghỉ hưu khi đang mang hàm Thiếu tá. Trở về gia đình trong trách nhiệm làm chồng làm cha với đồng lương hưu không thể gọi là khá. Hai anh chị Thám – Vọng lại tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn trong hoàn cảnh mới. Đặc biệt là anh Vọng, công ăn việc làm và bình ổn tâm lý để tái hoà nhập, luôn là trở ngại không nhỏ thường gặp của mọi người lính vừa ra quân.
Lúc này, cháu đầu Nguyễn Xuân Phương của hai anh chị đã đang học lớp 5, còn cháu út Nguyễn Tuấn Anh vừa bước vào lớp 1. Các cháu càng lớn càng mừng, nhưng chu cấp đầy đủ nhu cầu cho các cháu ăn học lại rất khó toan lo. Hai vợ chồng anh chị Thám- Vọng đã không kể ngày đêm, không quản ngại bất cứ việc gì. Khó khăn chất chồng đã trở thành niềm vui, khi họ được chung lưng đấu cật nuôi dưỡng con mình lớn khôn học hành tiến bộ.
Sau hơn 10 năm liên tục cố gắng công tác tại Công ty Công nghệ phẩm huyện Đông Anh, năm 1992, chị Vọng được cơ quan cho về nghỉ mất sức.
Từ đây, hai anh chị chỉ còn duy nhất một việc: Vun vén hạnh phúc của mình bằng cách tập trung nuôi dạy con cái nên người. Không phụ lòng cha mẹ, cả ba cháu đều chăm chỉ ngoan ngoãn, vừa đỡ đần mẹ cha mọi nơi mọi lúc, vừa liên tục phấn đấu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến suốt nhiều năm.
Những tưởng cuộc sống gia đình từ đây đã bớt khó khăn, cuối năm 1998, một tai hoạ khủng khiếp bất ngờ dội xuống. Nếu những khó khăn không nhỏ trước đây cũng chỉ coi là một, thì tai hoạ mới ập đến này phải lớn gấp trăm: Anh Thám đột ngột bị tai biến mạch máu não, liệt toàn bộ nửa người bên trái. (Xin lưu ý, đây mới chỉ là lần thứ nhất).
Cuối năm 2001, anh Thám lại bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên phải. Đây là lần thứ hai.
Năm 2004, một lần nữa, anh Thám lại bị tai biến, kèm thổ huyết, cùng hàng loạt sự cố về gan, mật, bàng quang và khối u mạng sườn... lần thứ ba.
Có thể nói, đây thực sự là những đòn quá nặng, những quả bom tấn, đã tới tấp giáng xuống một gia đình, một tấm thân quá bé nhỏ mảnh mai: Chị Nguyễn Thị Vọng.
Ba lần tai biến mạch máu não, đã biến anh Thám từ một người đàn ông năng động vạm vỡ, là trụ cột đứng mũi chịu sào đưa gia đình vượt qua sóng gió, bỗng chốc trở thành một hình nhân bấy bớt, một gánh nặng không thể xẻ chia trên vai người đàn bà đã quá nhiều kham khổ kia. Đến nay, anh Thám vẫn ngậm ngùi kể: “Có những lúc, tôi chỉ như một cục thịt- vô giác vô tri”.
Ông bà xưa từng nói Lửa thử lòng, gian nan thử sức. Ông bà cũng còn nói Thức lâu mới biết đêm dài.
Giữa cơn tai biến, thật may, đã bộc lộ ngay những tấm chân tình khiến cho không chỉ người trong cuộc phải xúc động.
Trước hết, xin kể về hiếu nghĩa của ba đứa con anh Thám chị Vọng. Các cháu đã dần khôn lớn. Cháu nào cũng học giỏi, chăm ngoan và sớm có thói quen tự lập. Trước tai biến của cha, trước khó khăn gia đình chưa thấy đường ra, khá nhiều lần, các cháu đã đồng loạt xin nghỉ học, để có thời gian và dành dụm tiền bạc giúp mẹ chữa bệnh cho cha giữa lúc ngặt nghèo. Không thể nhớ được các cháu đã bao lần mắt mờ bụng rỗng đến trường, bao lần san nhường miếng ăn quần áo sách vở cho nhau, bao lần quýnh quáng làm mọi việc đỡ đần mẹ những lúc cha nổi cơn đau, bao lần đi làm mướn làm thuê- kể cả cuốc bẫm cày sâu- để có tiền đỡ mẹ...
Cháu đầu Nguyễn Xuân Phương, nối nghiệp cha, đã tốt nghiệp Đại học Quân sự, hiện mang hàm Thượng uý, công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin. Để an lòng người cha đang tật nguyền, Phương đã lấy vợ và có một cháu gái bi bô gọi anh Thám của chúng ta là Ông Nội. Mặc dù còn nghèo chưa có nhà riêng, nhưng mới đây, vợ chồng Phương đã dành dụm mua được cho cha mẹ mình một cái tủ lạnh và một chiếc tivi đời mới. “Đây chỉ là quà mọn”- Phương nói.
Cháu thứ hai Nguyễn Văn Đông, từng được mẹ- chị Vọng- xúc động xen lẫn tự hào kể: “Mỗi sáng ra khỏi nhà để đến trường, trông cháu trắng trẻo bảnh bao như một công tử bột. Nhưng tối về đến nhà, nhìn cháu không khác gì vừa tắm bùn giống hệt một con trâu.” Hai lần thi đại học chỉ thiếu một hoặc nửa điểm, không một lần xin tiền mẹ, Đông quyết chí thui thủi làm thuê làm mướn lấy tiền tự ăn tự học để phấn đấu đạt bằng được mục đích của mình. Đông đã tốt nghiệp Cao đẳng khoa Chế tạo máy, hiện đang công tác tại Nhà máy Xích-líp Đông Anh và vẫn kiên trì tiếp tục thêm để dành bằng cấp cao hơn nữa. Với người sẵn ý chí bản lĩnh thế, việc đó chẳng khó gì.
Cháu trai út Nguyễn Tuấn Anh cũng chẳng chịu kém cạnh các anh mình. Lúc nào Anh cũng gần gũi chịu khó giúp mẹ chăm sóc cha. Không nề hà việc nhỏ việc to lúc sớm lúc khuya, ngoài giờ đến lớp. Hiện Anh đã tốt nghiệp Trung cấp In và đang làm việc tại một Công ty In Sách Giáo khoa của Nhà nước.
Không thể nói cháu nào giỏi giang hiếu nghĩa hơn cháu nào. Bởi cả ba cháu, không chỉ xứng đáng là niềm tự hào của cha mẹ- anh Thám chị Vọng, mà còn là những tấm gương sáng cho nhiều thanh niên hiện tại phải noi theo.
Chu Thị Đông
(Còn tiếp)
______________
LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.