Thứ sáu, 26/04/2024,


Nguyễn Thành Công (10/08/2012) 

   
    1. Vài nét về tác giả:

    Tác giả Nguyễn Thành Công, sinh ngày 30/04/1982
     Nghề nghiệp: Xây dựng dân dụng và công nghiệp
     Địa chỉ: xã Mỹ Lâm – huyện Hòn Đất - Kiên Giang
     Số điện thoại: 0975900022 
     Email: nguyenthanhcongkg82@gmail.com

    Cảm nhận về thơ: Từng câu thơ như những viên gạch xinh xinh của thời gian, không gian gắn kết nhuần nhuyễn, giúp cho tâm hồn tôi thư thái, giải tỏa bao căng thẳng áp lực của công việc và cuộc sống hàng ngày. Tôi hạnh phúc vì được thả chí tang bồng khám phá từng con chữ...

 

 

2. Chùm thơ lục bát:

ĐỢI CHỜ

Men say đã ngấm u hoài
Sao ai chưa đến cho dài đêm nay

Ai ơi! Rượu bắt đầu cay
Núi rừng nghiêng ngả, trăng lay bóng ngà

Niềm xa khắc khoải niềm xa...
Làn sương gối ánh trăng tà... ai hay?





TRƯA BIÊN GIỚI

Lên đèo Mũi Cọp ban trưa
Ta về ở với gió mưa não nùng
Xe qua đồi núi chập chùng
Lên heo hút lạnh núi rừng đường biên

Tưởng đi rũ sạch ưu phiền
Ngờ đâu bụi đỏ trên miền cuốn theo
Thôi thì về với Hòn Heo
Nghe chim ông lão kêu rêu cũng đành

Đi Hà Tiên trấn giữ thành
Thương con vượn hú trên cành chon von
Đón ta về với núi non
Bóng tà đỏ tợ như hòn máu rơi.



VU VƠ

Ôm chăn nén tiếng thở dài
Vườn sau thoang thoảng hương nhài đêm thâu
Tình ơi! Tình ở nơi đâu?
Bóng soi trên vách âu sầu hắt hiu

Gió xưa lạc bước những chiều
Còn đâu thuở bến Ninh Kiều sánh đôi
Phải chăng ngày tháng nổi trôi
Cuốn em xa... mãi xa tôi mịt mờ

Đêm hờn đêm những câu thơ
Thâm trầm tích thạch vu vơ... nốt đời...


BIỂN ĐÊM


Nằm nghe sóng thét rì rào
Cuốn ngàn hạt cát chôn vào biển sâu

Lao xao gió thổi hàng lau
Nghe như tiếng hát ngàn sau vẫn còn


VỀ ĐÂU

Gặp nhau vừa những vui vầy
Xa nhau dạ những luống đầy thương đau

Cõi tình mê đắm nông sâu
Chim kia thiếu bạn tiếng sầu lẻ loi

Tầng mây muôn dặm xa xôi
Núi cao sương trắng nơi nơi cũng là...

Một mình cô tịch gần xa
Trăm năm bến cũ... Ơi phà! về đâu?

Nguyễn Thành Công

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  VŨ VĂN THINH - vuvanthinhkienxuong@gmai.com - 01678,199,195 - T T Thanh Nê Kiến xương Thái Bình  (Ngày 01/10/2012 20:57:21)

Chào cháu THÀNH CÔNG
Chú họa và tặng cháu mấy câu thơ để đỡ buồn nơi Rừng và biển nhé
men say CHỜ ĐỢI đêm nay
niềm xa khắc khoải trăng lay bóng ngà
TRƯA BIÊN GIỚI chập trùng xa
HÒN HEO chim Lão vang ca thẫn thờ
ôm chăn tìm chốn VU VƠ
Bến NINH KIÈU hiện mờ mờ bóng em
Nằm nghe tiếng sóng BIỂN ĐÊM
Cuốn ngàn hạt cát về miền thẳm sâu

Khối tình mang nặng VỀ ĐÂU
Núi cao sương trắng, lòng sầu nhớ ai

VŨ VĂN THỊNH
ngày 1/ 10/ 2012

  Nguyễn Thành Công - victornguyenkg82@gmail.com - 0907548668 - Rạch Giá - Kiên Giang  (Ngày 31/08/2012 11:10:29)

Kính chào quý tác giả!
Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn quý tác giả đã xem và góp ý kiến cho những tác phẩm của tôi.
Lâu nay do bận công tác xa nên tôi chưa có dịp cảm ơn quý tác giả đã tân tình đóng góp, trao đổi về từ ngữ trong bài thơ " Trưa biên giới" đó cũng là những lời khuyên chân thành để tôi trau dồi thêm từ vựng của mình để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn nữa.

Xin chúc quý tác giả hạnh phúc, vui khoẻ để có nhiều bài thơ hay.
Xin chân thành cảm ơn!

Lời thơ, lời tận tâm can
Thơ sao người đấy, ngay - gian rõ ràng

  Đồng Bác Kế - kedongbacninhbinh@gmail.com - 0915303016 - Trường THCS Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội.  (Ngày 21/08/2012 7:30:35)

Chào nhà thơ trẻ Nguyễn Thành Công!
Thơ của anh rất giầu cảm xúc, mượt mà và mơ mộng.
Đọc chùm thơ của anh, bài nào tôi cũng thích, trong đó thích nhất là bài "Vu Vơ".
Chúc mừng nhà thơ trẻ!
Chúc anh vui khỏe, hạnh phúc và làm nhiều thơ hay!

  Lê Sỹ Vượng - lesyvuong531@gmail.com - 0915039863 - 1/25 Nguyền Hiền TP Nam Định  (Ngày 21/08/2012 0:03:22)

Chào nhà thơ ngành xây dựng. Tôi có bài thơ tặng xây dựng đấy:

ĐÊM CÔNG TRƯỜNG
Đêm nay trời bỗng có dông
Công trường đang đổ bê tông mái nhà
Anh kỹ sư trực ca ba
Anh vẫn làm việc vẫn hoà vào mưa

Bóng điện đêm chiếu lưa thưa
Công trường vẫn tiếng máy cưa bốn bề
Ô tô chạy nối đuôi về
Máy bơm vẫn chạy tràn trề bê tông

Hỏi em rằng có biết không ?
Công trường xây dựng đêm đông vẫn làm
Mong em giấc ngủ bình an
Trong mơ đừng nghĩ an toàn cho anh

Tập thể như một rừng xanh
Muôn cây đùm bọc ngọt lành có nhau
Mục tiêu đất nước mạnh giàu…

Lê Sỹ Vượng

  Đỗ Thu Yên  - truongson5885 - 01636689629 - Hà Nội  (Ngày 20/08/2012 18:23:32)

Chúc cây bút trẻ Nguyễn Thành Công có nhiều những viên gạch xinh xinh cho tâm thư thái .giàu cảm xúc cho thơ cho những câu thơ lục bát thật hay ..thật bay bổng .

 Hẹn gặp lại Nguyến Công Thành trong những bài thơ trên lucbat.com 


 Đỗ Thu Yên

  Trần Quang Long - tranquanglong64 - Không có - Vân Trung,Việt Yên, Bắc Giang  (Ngày 19/08/2012 11:51:38)

Gửi ông Nguyễn Tiến Bình!

Thế nào là thơ hỗn hào
Ông chửi người khác thế sao? Quyền gì?
Ông đuổi ai "Hãy về đi!"?
Già mà như thế khác gì trẻ con!

Muốn người ta tôn trọng ông
Phải học khiêm tốn biết không ông Bình!

 

  Trần Thị Tuyết Lan - tranthituyetlan@yahoo.com.vn - 098801202* - Thị xã Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh  (Ngày 19/08/2012 9:02:43)

Gửi ông Nguyễn Tiến Bình
Ông không xứng đáng mẹ cha
Vì ông nhiều tuổi nhưng mà nói năng
Không thanh lịch, rất lăng nhăng
Miệt thị người rất là hăng. Lèm nhèm!
Thơ thì chữ nghĩa lem nhem
Ra oai, tự đắc, tự khen, tự trào
Ông kêu trời đánh ai nào(Thói hàng quán chợ đất trời đánh cho!"
Tôi đây sợ quá! Xin chào! Good bye!

  Bùi Văn Thể - buivanthe@gmail.com - 098874631* - Dốc Giang, Thạch Thành, Thanh Hoá  (Ngày 19/08/2012 8:40:17)

Chào anh Nguyễn Thành Công!
Hôm nay ghé trang lucbat.com, được đọc chùm 5 bài thơ lục bát của anh.
Qua chùm thơ tôi thấy anh đã phần nào hình thành một phong cách thơ cho riêng mình. Đó là phong cách thơ giản dị, ngôn ngữ chắt lọc, thuần Việt, sáng trong, lời thơ mượt mà, nhẹ nhàng và uyển chuyển. Tuy là giản dị, trong sáng song thơ anh không kém phần tinh tế, lãng mạn và mộng mơ. Đọc chùm thơ, tôi hình dung ra tác giả là một người trẻ trung, yêu đời, yêu lao động, say mê nghệ thuật, sáng tạo và không ngừng vươn lên. Đọc chùm thơ tôi hình dung ra tác giả là một người Việt Nam yêu quê hương, đất nước đến cháy bỏng tâm hồn.
Chùm thơ của anh hay. Tôi thích!
Anh còn trẻ và tôi tin ngày mai sẽ có một tác giả thơ Nguyễn Thành Công thành công hơn!
Chúc mừng anh!

Chào ông Nguyễn Tiến Bình!
Tôi là một người Mường, sinh ra và lớn lên ở vùng núi Thạch Thành, Thanh Hoá. Tôi còn trẻ, nhưng không được học nhiều như ông. Bởi vì quê tôi nghèo, nhà tôi nghèo.
Tôi không dám bàn chuyện chữ nghĩa với ông.
Thứ nhất vì tôi nghĩ Tiếng Việt hình thành và phát triển đã ngàn đời nay chứ không phải mới có từ khi người Tây mang kí tự Latin vào Việt Nam và tạo ra chữ Việt Nam mới (Chữ quốc ngữ hiện nay). Do vậy muốn trả lời rõ viết “trập trùng” đúng hay viết “chập chùng” đúng, hay cả hai cách đều đúng thì phải có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ. Điều này ngoài khả năng của tôi. Vậy nên phải cậy nhờ các nhà ngôn ngữ học. Chị Nguyễn Thị Thanh đã làm như thế.
Thứ hai tôi không dám tranh luận với ông vì tôi sợ lại bị ông mắng cho là “Chập mạch” như ông đã mắng anh Công. Sợ ông mắng cho là người rừng như ông đã mắng chị Thanh.
Dù ông có đúng đi chăng nữa thì cách góp ý, cách ghi cảm nhận của ông vẫn là không thể chấp nhận được. Ông phán cứ như thánh ấy. Đúng hơn là ông miệt thị người ta, xúc phạm người ta.
Tôi đã đọc ý kiến của anh Trần Quang Long và ý kiến của chị Trần Thị Tuyết Lan. Xin ông hãy trả lời họ đi!
Tôi đọc hai bài trả lời chị Thanh của ông.
“GỬI CHỊ THANH- LẠNG SƠN

" Chập chùng" cũng là " trập trùng'
" Tương đương" nhau, thật vô cùng là sai!
Chị Thanh "tra cứu" hơi...dài
Mà hiểu chữ nghĩa vẫn sai vô cùng!”
Chắc là ông cố tình gắn hai chữ “Lạng Sơn” vào tên chị Thanh để tạo ra khoảng cách với Hà Nội? Để miệt thị chị ấy là người Lạng Sơn?
“Chị Thanh "tra cứu" hơi...dài
Mà hiểu chữ nghĩa vẫn sai vô cùng!”
Ông khẳng định như đinh đóng cột, nhưng bằng chứng chứng minh thì không có gì.

“LỜI NÓI THÊM

Chẳng" chập" trong, không"chập" ngoài
Sao cứ lo hoài, chị Nguyễn Thị Thanh?
Giải thích từ" chập" rõ rành
Mà không hiểu rõ- nên thành...ngu...ngơ!

Lại còn lủng củng cả thơ
Hiểu nông cạn đến không ngờ thế ni!
Chẳng ra gì hỏi và ghi
"Trập trùng" chẳng hiểu, còn đi khuyên người!

Gửi lên " miền núi" tiếng cười...
Hiểu " rừng" là " phố", còn tươi nỗi gì?”
Ông chê người ta “nông cạn”, ông bảo người ta “ngu ngơ”, ông bảo người ta “chẳng hiểu”... Những tính từ ấy gán cho ông có lẽ hợp hơn!

“Gửi lên " miền núi" tiếng cười...
Hiểu " rừng" là " phố", còn tươi nỗi gì?”
Ông ở phố và chỉ vì thế mà ông chắc ông hơn người ta ở rừng?
Không biết chị Thanh có nhầm giữa phố với rừng không, chứ ông thì nhầm lớn đấy!
Xem ra ông giỏi thơ nhỉ! Vì thấy ông gieo vần rất chuẩn. Vần “ười” ở câu trên rất hợp với vần “ươi” ở câu dưới.
Nhưng ông ơi! Chữ “Tươi” ở đây có nghĩa là gì đấy? Liệu có phải do ông bí vần mà viết bừa không? Ông giải thích giùm vì tôi là người Mường không thạo tiếng Việt như ông.
Cảm ơn ông!
Chào ông và hẹn gặp lại!


 

  Lê Hoàng Hựu - caycovang@gmail.com - 0909630539 - TP.HCM  (Ngày 19/08/2012 0:45:07)

Nằm nghe sóng thét rì rào
Cuốn ngàn hạt cát chôn vào biển sâu

Lao xao gió thổi hàng lau
Nghe như tiếng hát ngàn sau vẫn còn
....

Dừng chân phiêu lãng mỏi mòn
Qua bao gềnh thác núi non thị thành

Biển bờ cát ánh trăng thanh
Xây lâu đài cát ta dành...tặng em
 

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Số 111 , A6 , phố 8-3 , Hà Nội  (Ngày 18/08/2012 22:37:19)


GỬI CHO CHÁU LAN

Thơ gì lại có " trại nuôi'
Hỏi xem bố cháu có nguôi trong lòng
Cháu quen cả ngoài, cả trong
Cả trên, cả dưới, cả ông, cả bà
Quên cả người đáng mẹ cha
Còn đâu là nết đàn bà, cháu ơi!

Phẩm bình thơ, phải đúng lời
Thói hàng quán chợ đất trời đánh cho!

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Số 111 , A6 , phố 8-3 , Hà Nội  (Ngày 18/08/2012 22:27:37)

GỬI CHO ANH LONG

Gửi cho anh Trần Quang Long
Thơ hỗn hào thế, cho lòng ta...ghê!
Xấc xược- anh đúng giỏi nghề
Trẻ con-anh hãy "đi" về cho quang!

Sao xứng với người Bắc Giang
Ví già như trẻ- anh đang mất-người!
Côn đồ, cũng phải non tươi
Chẳng bàn thơ phú, "phang" người, là chi???



 

  Đặng hữu Lương - danghuuluonga7@gmail.com - 0313751378 - Số 9A7 Van mỹ Ngô Quyền Hải phòng  (Ngày 18/08/2012 20:11:43)


Xin chào Nguyễn Thành Công .

Tôi chưa gặp bạn lần nào
mà "ĐỌC " thơ bạn lòng sao bồi hôi " ( Hình như thơ TRẦN ĐĂNG
KHOA ) Với năm bài thơ Bạn đã đưa tôi di cùng với bạn trong nghề xây dưng
Cả Tổ quốc cũng là nhà
Xe xúc là vợ , xe là - là con ( XE làm phẳng mặt đường )
Năm bài thơ năm tâm khúc ( CHuyện nay mai bàn vì mấy anh chi
( Anh Bình , Chị Thanh , Anh Long ) còn đang tranh luận

THÊN LỜI BÀN CHO SUM XUÊ

Thứ nhất anh Bình là TÀI
Gióng lên hồi trống đúng sai ấy mà ( Xin lỗi em hay dùng lời chân quê ) Chữ nghĩa ngày tháng phôi pha !
Nhiều khi " Chính ta cũng chẳng biết ta nói gì !
NHƯNG :

Chập chùng - âm hưởng đàn bà
Trập trùng - âm hưởng - đấy là đàn ông

Trong thơ ca - Hỡi các ông (! )
Các Anh , các Chị mở lòng giúp cho
Xin đừng có tính so đo
Ai sai , ai đúng để cho lòng này
Buồn năm , buồn tháng , buồn ngày !
Chập chùng , Trùng trập - loay hoay - thế nào
Đúng sai một chút chẳng sao
Bài thơ đẹp thế - đổi trao làm gì !
Trong đời ta cũng nhiều khi
Nói năng ú ớ - có thì làm sao !
Nói đi , nói lại thế nào
Cốt cho Em hiểu - Thế nào là Yêu !
Hỏi ;
Bạn đã nói ngớ ngẩn chưa ?
Cái ngày chập chững mới vừa tuổi yêu ?

Ôi đời đẹp đến bao nhiêu !
Nói ít - Hiểu nhiều - Bạn cũng yêu TÔI .

Vài dòng tâm sự! xin chào
Lượng 18.8.2012

















 

  Trần Thị Tuyết Lan - tranthituyetlan@yahoo.com.vn - 098801202* - Thị xã Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh  (Ngày 18/08/2012 19:35:08)

Gửi ông Nguyễn tiến Bình!
“Chẳng" chập" trong, không"chập" ngoài
Sao cứ lo hoài, chị Nguyễn Thị Thanh?
Giải thích từ" chập" rõ rành
Mà không hiểu rõ- nên thành...ngu...ngơ!

Lại còn lủng củng cả thơ
Hiểu nông cạn đến không ngờ thế ni!
Chẳng ra gì hỏi và ghi
"Trập trùng" chẳng hiểu, còn đi khuyên người!

Gửi lên " miền núi" tiếng cười...
Hiểu " rừng" là " phố", còn tươi nỗi gì?”

Phố chắc gì đã hơn rừng
Đất nào đem để trồng gừng cay hơn?

Phố chắc gì đã hơn rừng
Sao ông tự đắc quá chừng hỡi ông
Chỉ tài ăn nói lung tung
Chê người ta chập còn ông thế nào
Thử lên miền núi xem sao
Người ta lại tưởng… cho vào …trại nuôi!
 

  Trần Quang Long - tranquanglong64 - Không có -  Vân Trung,Việt Yên, Bắc Giang  (Ngày 18/08/2012 15:48:44)

Kính gửi ông Nguyễn Tiến Bình!
Góp ý phải góp thế nào
Để cho có thể lọt vào lỗ tai
Tôi chưa nói chuyện đúng sai
Xin đừng vểnh mặt ra oai làm gì
Bỏ cái kiểu hợm hĩnh đi
Già mà như thế khác gì trẻ con!

Nghe lời góp ý của ông với anh Nguyễn Thành Công và chị Nguyễn Thị Thanh, dù là người ngoài cuộc, tôi cũng thấy khó chịu.

Tôi phải mượn giọng của ông để nói với ông.
Xin lỗi ông!
Từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng nói với ai như thế cả!
Chào ông!
 

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Số 111 , A6 , phố 8-3 , Hà Nội  (Ngày 16/08/2012 0:04:40)

LỜI NÓI THÊM

Chẳng" chập" trong, không"chập" ngoài
Sao cứ lo hoài, chị Nguyễn Thị Thanh?
Giải thích từ" chập" rõ rành
Mà không hiểu rõ- nên thành...ngu...ngơ!

Lại còn lủng củng cả thơ
Hiểu nông cạn đến không ngờ thế ni!
Chẳng ra gì hỏi và ghi
"Trập trùng" chẳng hiểu, còn đi khuyên người!

Gửi lên " miền núi" tiếng cười...
Hiểu " rừng" là " phố", còn tươi nỗi gì?

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Số 111 , A6 , phố 8-3 , Hà Nội  (Ngày 15/08/2012 23:17:47)

GỬI CHỊ THANH- LẠNG SƠN

" Chập chùng" cũng là " trập trùng'
" Tương đương" nhau, thật vô cùng là sai!
Chị Thanh "tra cứu" hơi...dài
Mà hiểu chữ nghĩa vẫn sai vô cùng!

 

  Nguyễn Thị Thanh - thanhthinguyen246@yahoo.com.vn - 01687406410 - Cao Lộc, Lạng Sơn  (Ngày 14/08/2012 9:35:51)

Kính gửi bác Nguyễn Tiến Bình
Cái gì không rõ thì tra google, hoặc từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ bác nhé. Không “tiện” được đâu, lại còn ví dụ đến trẻ con cũng buồn cười. Dòng thứ 2 từ dưới lên, trang 143, Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2002) ghi rõ “chập chùng” tương đương với “trập trùng”.
Dòng thứ 3, từ dưới lên, trang 1030 (sđd) giải thích “trập trùng”: Có hình thể lớp lớp nối tiếp nhau thành dãy dài và cao thấp không đều. Như vậy “mạch” bị “chập” ở đâu đó, chắc là bác đã nhận ra. Chúc bác khỏe và không bị “chập” làm rối loạn.

VẬY THÌ
NÊN SỬA TỪ SAI CHÍNH TẢ

"Chập chùng",hay chập mạch rồi?
" Trập trùng"- viết đúng cho tôi khỏi buồn!
Tiện đây,xin giải thích luôn
" Trập trùng"- cao, thấp nối nguồn liền nhau!
_______________

Bác Bình căn cứ vào đâu
Mà phán như thánh làm rầu… bài thơ
Lại “tiện” giải thích ngu ngơ
Về tra từ điển… hết ngờ khó chi
Không biết thì hỏi và ghi
Hình như bác “chập” cái gì bên trong.

NGUYỄN THỊ THANH
 

  Lê Hoàng Hựu - caycovang@gmail.com - 0909630539 - TP.HCM  (Ngày 12/08/2012 21:48:19)

....
Niềm xa khắc khoải niềm xa...
Làn sương gối ánh trăng tà... ai hay?

Xót xa lòng mắt Nguyệt cay
Sao không với hái lấp đầy mênh mông?
Trôi hờ lười biến dòng sông
Để men đưa đẩy chông chênh mạn thuyền

 

  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Số 111 , A6 , phố 8-3 , Hà Nội  (Ngày 11/08/2012 0:20:50)

NÊN SỬA TỪ SAI CHÍNH TẢ

"Chập chùng",hay chập mạch rồi?
" Trập trùng"- viết đúng cho tôi khỏi buồn!
Tiện đây,xin giải thích luôn
" Trập trùng"- cao, thấp nối nguồn liền nhau!

("Trập trùng" đồi núi liền nhau)
Một câu- thí dụ, khó đâu,hỡi mình?
 

Các bài khác: