Chủ nhật, 22/12/2024,


Đong mưa, hay niềm chi chút với cuộc đời (23/07/2012) 
Đọc thơ của Nguyễn Thanh Cao (ĐT: 0913031578; Email: thanhcaont@yahoo.com.vn), trước tiên ta thấy rõ tâm trạng của một người có trách nhiệm với mọi điều trong cuộc đời này, và mỗi kỷ niệm, mỗi vùng đất anh đi qua, mỗi hoàn cảnh tạo ra trong cuộc sống của anh… đều được anh nâng niu trân trọng. Bên cạnh đó là những cảm nhận của anh về cuộc đời luôn giữ được nét tươi trẻ, đồng thời lại thể hiện rõ thiện chí của một người đứng trong cuộc, không vô tâm vô tình với bất cứ ai mà mình đã gặp, bất cứ sự kiện gì mà mình đã đi qua. Đó là những phẩm chất quý giá của một người làm thơ, và còn giữ được những ưu điểm đó, thì anh còn có thơ, còn có sức để vươn lên tầm cao hơn nữa trong thơ.
Chúng ta cũng rất ngạc nhiên là bên cạnh những cảm nhận về quê hương đất nước, về sự chiêm nghiệm cuộc sống thường ngày, thì mảng thơ tình yêu của anh cũng rất đậm đà, tinh tế, giàu cảm xúc bột phát trẻ trung, như trong các bài “Nụ hôn ngày Valentine”, “Điều chưa nói”, “Không là một nửa”, “Ngày của riêng em”, “Cái nhìn”, “Em”… Đây là một điều làm người đọc cũng khá bất ngờ, một sự bất ngờ thật sự thú vị khi biết anh đang là một cây bút có uy tín trong môi trường các bậc “lão làng” ở tòa soạn báo Người Cao tuổi.
 
Trong mảng thơ có ý thức chiêm nghiệm về việc đời, Nguyễn Thanh Cao có thế mạnh thiên về các cảm nhận lịch sử. Nhiều bài thơ, chỉ ngay từ đầu đề cụ thể cũng nói lên thiên hướng đó, ví dụ về Rùa vàng Hồ Gươm, về xe điện leng keng Bờ Hồ, về di tích thành Cửa Bắc, về Hoàng thành Thăng Long, về phố cổ Hà Nội, về chuyện xin chữ ông đồ, về hội hát xoan khai xuân ở làng quê, về Hội Lim vùng Kinh Bắc… Anh còn giữ được những cảm xúc đáng quý của một thời mặc áo lính chan hòa nghĩa tình đồng đội trong bài thơ “Cao nguyên mùa mưa”, hay cảm xúc rưng rưng về chủ quyền biển đảo của đất nước mênh mông giữa trùng khơi trong bài “Cột mốc không số”. Anh cũng quan tâm đến cả một biểu hiện của tình quốc tế anh em trong bài thơ “Tượng đài tình bạn”, một biểu tượng thiêng liêng thể hiện tấm lòng quốc tế cao cả của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Cam pu chia, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ quyền sống của người dân Cam pu chia, chống lại bè lũ diệt chủng Pôn Pốt.
Trong mảng thơ có thể gọi là “thơ thù tạc”, anh chỉ để vài ba câu thơ minh họa cho một tấm ảnh. Những câu thơ và những tấm ảnh đó đều có ý nghĩa và được chọn lọc để sáng tạo nên trong một tình huống đôi khi có ý nghĩa điển hình, vì vậy cũng đem đến cho người đọc những cảm nhận thú vị.
Nói về người, nói về đời, rút cuộc cũng phải là có đôi điều bộc bạch về mình và tâm sự kín đáo của riêng mình. Tôi muốn dừng lại ba bài thơ trong tập này đã nói lên tâm sự tác giả, hàm súc hơn nhiều so với dung lượng ngắn ngủi của chúng. Trước tiên, đó là bài “Tâm sự”. Tác giả viết:
“Màng chi cái đỉnh chon von
Rời xa trần thế cô đơn giữa trời
Chỉ ham khoai lúa cùng người
Gieo mầm, gieo chữ
cho đời thêm xanh”
Một lý tưởng sống dung dị, thanh cao, mộc mạc thế thôi, nhưng không phải ai cũng đạt được!..
 
 
Bài thứ hai là bài “Nhà anh”. Tác giả tả căn nhà của một cán bộ mấy chục năm cống hiến chỉ có mấy mét vuông nhỏ nhoi, chẳng cần phải lắp chuông cửa:
“Vẻn vẹn sáu mét vuông,
lắp làm chi thêm chật!
Thế nhưng, tác giả lại viết tiếp, rất có phong thái “lão giả an chi”:
“Bao người tòa ngang dãy dọc,
chắc gì thoải mái như anh…”
Vì lý do của anh rất ung dung tự tại:
“Anh rằng: Thế này cũng tốt,
vẫn hơn những kẻ không nhà!”
Và thế là anh có cách giải quyết thật vui vẻ, thoải mái:
“Bạn xa, bạn gần đến chơi
Giờ đây ai đứng, ai ngồi
Chúng mình cùng ra quán nước!”.
Bài thơ cuối cùng mang nặng tâm tư tác giả mà tôi muốn nhắc đến là bài “ Tuổi lững lờ”.
“Tuổi lững lờ
tựa dòng nước buông xuôi,
khúc cuối sông sắp hòa ra biển,
trông buồm mang gió đến,
chẳng mong điều xa xôi…
Và bài thơ có một cái kết thật bình tĩnh, sâu sắc, kín đáo mà cũng đầy bản lĩnh:
“Tuổi lững lờ
Người ơi!
Mấy chục mùa Đông
chưa tàn mơ mộng!”
Thực sự, bài thơ đã có được bút pháp giản dị đến lão thực của một người đã từng trải, biết mình, biết người, biết giới hạn của cuộc đời mình tới đâu, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, và không tiếc đời mình nếu mình đã biết cách thả hồn mình vào những khát khao, mơ mộng. Có lẽ đây cũng là tự sự của tác giả. Tôi mong anh luôn được sống và chiêm nghiệm như thế với tuổi mình, để từ đó, cũng luôn viết được những bài thơ giản dị mà tâm đắc như thế với cuộc đời mà anh thường xuyên yêu mến và trân trọng.
Nhà thơ  BẰNG VIỆT

    (Điện thoại: 0903. 403893)

 

 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: