Nhà thơ Ái Nhân tên thật là Bùi Cao Thế quê ở Quang Vinh – Ân Thi – Hưng Yên. Tôi gặp anh trong một sự tình cờ tại văn phòng CLB sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam. Sự đồng cảm khiến chúng tôi nhanh chóng quen nhau. Anh tặng tôi hai tập thơ: Kiếp dã tràng và Đa mang, in ở NXB Hội nhà văn. Đọc thơ anh tôi chạnh lòng khắc khoải, những áng thơ vừa mặn mà sâu lắng song cũng đầy khát vọng, khát vọng đến cháy lòng: “Ta muốn xé trời xanh may áo mỏng; Che cho em khỏi lạnh buổi heo về; Vũ trụ này chật chội lắm đam mê; Ta chỉ khát thơ ta là lửa!” (bài “Khát” trong tập “Kiếp dã tràng”). Những vần thơ đầy ám ảnh trăn trở tôi… Chúng tôi ngày càng thân quen nhau.
Bìa tập thơ "Khúc lãng du"
Tôi còn được biết Ái Nhân nhiều hơn qua lời kể của nhà thơ Lê Xuân Hương (người thầy giáo dạy toán của anh khi còn học cấp 3); được biết Ái Nhân là một học sinh giỏi của trường, một tấm gương nghị lực vượt lên hoàn cảnh...
Hết phổ thông anh vào bộ đội, học và trở thành sỹ quan chính trị quân đội. Anh nguyện cống hiến trọn đời cho binh nghiệp…
Song thật trớ trêu một tai nạn... đã cướp đi hoài bão của anh khi anh vừa tốt nghiệp lớp giáo viên quân đội. Một năm sau, anh lại bị thần kinh khi là giáo viên của trường sỹ quan lục quân II. Thật là “họa vô đơn chí” có những lúc anh tưởng rằng tuyệt vọng. Song chính nghị lực tiềm tàng trong sâu kín trái tim người lính đã giúp anh vượt lên số phận “Nửa đời cay đắng vẫn cười” … "Nửa đời nguyên trái tim yêu hết mình".(bài “Nửa đời tôi”)
Ái Nhân rất tài hoa, một ba lô thơ lãng du đây đó; lúc thì khắc bút kiếm tiền; khi vác hàng thuê; lúc đạp xích lô… trời không phụ công anh đã cho anh khả năng bát sát (xem tướng) kiếm tiền nuôi thơ, nuôi mình... Ngang đường có khi anh còn chữa bệnh cứu người… Tôi cứ ngỡ có khi cụ Tản Đà tài hoa y, lý, tướng số đã tái thế ... vào anh.
Vừa rồi Ái Nhân tặng tôi bản thảo tập thơ “Khúc lãng du” và nhờ tôi viết lời cảm nhận. Tôi băn khoăn không biết nên viết thế nào cho phải. Những ám ảnh về con người, cuộc đời và thơ của anh lại dâng lên cuộn chảy trong tôi.
Tôi đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần 101 bài thơ của anh, trong đó có một bài thơ tự do (như kiểu đoản trường ca “Làng tôi dáng mẹ”) còn lại là thơ lục bát.
Thơ anh thao thiết nỗi niềm:
“Nửa cuộc đời phiêu lãng viết thơ yêu
Tôi khao khát viết thơ tặng mẹ
Tặng quê hương xin tạ lỗi với người!”
(bài “Làng tôi dáng mẹ”)
Anh như người mắc nợ với quê hương !
Tôi cảm thấy rất rõ một Ái Nhân lãng tử, một tâm hồn phiêu lãng mà chất phác chân thành, nhạy cảm với cái đẹp: “ Gặp em một thoáng... tương tư…”
Để rồi: “Ngẩn ngơ tình khúc dã tràng lãng du!” (bài “Khúc lãng du”).
Có lúc bắt gặp “Mắt lá dăm rớt lối mòn” mà hồn “Thi nhân lạc cõi mây mù… hư không” (bài “Rớt”).
Có khi gặp một bóng hồng anh lại muốn mình: “Nhà tù sẽ mọc… riêng tù mình tôi” (bài "Nguyện").
Thơ Ái Nhân như lời bộc bạch chân thành mà vô cũng lãng mạn “Hồn hoang cánh gió, đằm mình cõi mây” (bài “Mộng du”).
Có lúc lại “Thả hồn vạn dặm rong chơi” (bài “Ru hồn vạn dặm”).
Có khi “Chắt phong trần cất rượu cay; Đãi mưa nắng nhặt lấy ngày bình yên; Đong thời gian đếm ưu phiền…” (bài “Mênh mang”).
Nỗi buồn trong thơ Ái Nhân thật mênh mang, vô định “Nghiêng trời tôi nhặt… cô liêu tình mình” (bài “Nhặt cô liêu”).
Yêu cái đẹp, tương tư vô vọng… song đọc thơ anh vẫn thấy toát lên một tấm lòng nhân ái. Anh “Trải lòng thương kiếp nhân sinh”… "góc bể, chân trời" "Trước ăn mày tàn tật… rưng rưng!” (bài “ Làng tôi dáng mẹ”).
Anh cảm thông cho thân phận nhỡ nhàng: “ Nhìn hoa gạo rụng ta thương em buồn”! (bài “ Tháng ba”).
Anh trải lòng mình chia sẻ với những số phận “ Thương em thân phận cô Kiều; má hồng môi thắm đồng tiền lúm mơ” (bài “Phượng chiều”) và "Thương cho bao kiếp đào hoa; đêm mưa thu chẳng có nhà trú chân” (Bài "Đêm thu mưa"). Anh thương chính số phận của mình, nhấm nháp nỗi đắng cay trong từng ngụm rượu: “Chén sầu cháy kiếp thơ tôi lạnh lùng” (bài “Với xuân”)..
Anh: “Cạn… cùng dâu bể phong ba; Nặng lòng thương cả thiên hà, nhân gian!” (bài “Cạn”).
Trái tim thi nhân chia sẻ và bao dung. Anh không oán trách cuộc đời mà khuyên người: “Đắng cay chớ trách cuộc đời; Trách trời sao đặt tim người trái ngang” (bài “Trách”).
Mượn ca dao nhẹ nhàng tinh tế anh nhắn nhủ lớp trẻ: “Yêu nhau cởi hết cho nhau; Vội vàng khéo kẻo đắng đau một đời!” (bài “Kẻo”).
Thơ Ái Nhân còn là sự chắt chiu trải nghiệm tinh tế: “Thu buồn rơi giọt đa đoan; Hồng nhan rơi để phai tàn lòng nhau” (bài “Rơi”).
Rất đào hoa “Đa tình rơi cõi đa mang” song cũng rất chắt chiu ấp ủ: “Đất đen ủ sắc hoa tươi; Thi nhân ủ cả đất trời vào thơ” (bài"Ủ").
Yêu mẹ anh đã cảm nhận niềm mong mỏi của mẹ, của người già: “Tuổi già mong vẹn cháu con; Nguyện cầu ước trọn… vuông tròn cao xanh” (bài “Mong").
Những nỗi niềm trong “Khúc lãng du” có thể tìm thấy ở rất nhiều bài. Song tôi còn thấy một sự ngào ngạo trong thơ anh: “Hiên ngang sống giữa đất trời; ngẩng đầu đi thẳng nói lời trái tim”... "Nguyện lòng sống dọc bấy nay ; Thế gian khối đứa bảo thằng này ngang" (bài “Nguyện lòng”).
Và hơn thế nữa…
Viết về trăng có lẽ không ai hơn Hàn Mặc Tử, yêu trăng đến nỗi Hàn tưởng trăng là của riêng mình: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho?” Còn Ái Nhân thì: “Trăng như thiếu nữ mộng du; Đê mê quyến rũ hồ thu khoả mình” để rồi “Vần thơ dát ánh trăng vàng; Cởi trần… câu tứ ôm nàng mộng du”. Ôi thật lạ!(Cởi trần... ôm nàng (Trăng) mà mộng du (!)...) thì thật là ngang tàng, táo tợn! xưa nay chưa có bao giờ. Thật điên!... điên hết chỗ nói ! Mà ừ nhỉ.. Ái Nhân từng đã một thời điên cơ mà !...
Đọc cả trăm bài thơ lục bát trong tập “Khúc lãng du”, những bài thơ ngắn gọn mà tinh tế, cái hồn, cái điệu luôn gắn quyện vào nhau như một dòng chảy ăm ắp tình người. Ái Nhân cho ta thấy những thăng hoa thi vị, những trăn trở kiếp người, kiếp tình, những trải nghiệm đắng cay… những nuối tiếc ngậm ngùi.
Thơ Ái Nhân buồn. Buồn là đúng thôi bởi cuộc đời dâu bể đắng cay, chua chát, nổi chìm... Nhưng anh vẫn "Nửa đời muốn đốt trời thơ cháy mình !" anh từng nói với tôi: “Nếu như nhân loại thêm một người làm thơ, thêm một người yêu thơ thì có lẽ sẽ bớt đi nhiều điều xấu xa, đen tối”.
Tôi mượn đoạn kết bài thơ “Làng tôi dáng mẹ” làm đoạn kết bài viết của mình: “Câu thơ quê hương bay gió thổi; Tôi tảo tần cày xới; Trên cánh đồng thơ; Mơ gặt mùa vàng; Chắt chiu nắng, ươm mầm, gieo hạt; Thêm tình xanh… nhân loại bớt khô cằn!”.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc tập thơ “Khúc lãng du” - một Ái Nhân phiêu lãng, cao ngạo... mà sâu lắng tình người !.
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2012
Nhà thơ Trần Ngọc Tài
PCT CLB Sáng tác VHNT VN