Đôi mái tranh liêu xiêu nằm kề nhau dưới tán lá của những cây xà cừ cổ thụ, chính là nét chấm phá đầu tiên về một bức tranh. Ở đó tất cả đều là một gam màu trầm ấm, giản dị, đơn sơ như chính tên gọi của nó vậy: Chợ quê.
Khoảng đất rộng nhô mình lên khỏi sóng lúa dập dờn quanh năm là chợ làng tôi. Gắn bó với người nông dân nên chợ chẳng thể xa nổi cây lúa. Như hạt gạo củ khoai chợ làng tôi chỉ tranh tre mái lá. Đất trung du lại sẵn tre sẵn cọ nên chợ giản đơn một chỗ bán hàng. Cũng đơn giản lắm, những thức hàng chợ quê, nào lúa gạo, nào rau quả, nào những con giống, những liềm, cuốc xẻng... cho những vụ mùa sắp tới, nào hàng quà cho người già con trẻ lúc tan chợ về. Mùa nào thức ấy, đều đặn chăm chỉ như thành quả lao động của người dân quê tôi.
Chợ quê họp ở bờ đê
Nắng thì đội nón, mưa về áo mưa
Chợ quê bán những rau dưa
Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây
Chợ quê bán thúng khoai đầy
Bán đôi lợn giống, bán bầy gà con
(Chợ quê – Nguyễn Đức Mậu)
Chợ quê, bình thường mộc mạc, giản dị ngay cả trong tên gọi. Khắp vùng quê tôi chỉ gọi chợ theo tên làng và cũng chỉ độc nhất một từ: chợ Di, chợ Chang, chợ Bâm, chợ Đầm, chợ Me... Tên chợ đã thành tên đất. Chẳng phải ông cha tôi kiệm lời hay không tìm ra một cái tên mĩ miều. Mà chính những nghĩ suy hết sức giản đơn đã tạo nên cái chất của người quê, đã tạo nên tên gọi vừa thân quen mà hết sức thiêng liêng.
Từ hồi còn lũn tũn cho đến bây giờ lớn khôn, trong tôi không nguôi cái cảm giác háo hức ngóng bà trông mẹ đi chợ về. Vì tôi biết trong chiếc làn mây trĩu nặng tay bà, tay mẹ, thể nào cũng có quà cho tôi. Một chiếc bánh đa, dăm cái kẹo bột hay quả hồng bác hàng xóm đi bán gửi cho tôi phá cỗ Trung Thu. Yêu lắm thương lắm, không phải vì đồng quà tấm bánh mà cao hơn, sâu hơn nhiều. Tình làng nghĩa xóm sự đùm bọc chở che thăng hoa từ những thứ tưởng chừng không thể cất cánh bay được!
Phiên chợ đã xóa đi sự im ắng, tĩnh lặng của vùng quê nghèo khi mỗi tháng họp tới... 12 lần vào những ngày mồng Một, Ba, Sáu, Tám. Cái náo nức của trẻ con hòa vào bước chân của người đi chợ tạo nên không khí nhộn nhịp tưng bừng. Từ ánh sáng của những chiếc đèn dầu trong phiên chợ sớm ngày giáp Tết đã thắp lên niềm vui, tia hy vọng đẩy lùi đêm đông lạnh ngắt.
Gốc cây cổ thụ già, mái lá rêu phong đã ghi dấu sự khắc nghiệt của thời gian. Và tranh tre lá nứa chẳng thể nào cưỡng nổi sức mạnh của bê tông mái ngói. Không còn trông thấy sự tiêu điều của chợ lúc hết người, đáng ra phải vui nhưng trong tôi thoáng chút ngậm ngùi. Lâu rồi đồ chợ quê chẳng còn thuần chất quê nữa hàng từ thành phố, hàng từ Trung Quốc tràn sang. Những chậu vải nhuộm giờ nhường chỗ cho những tấm vải mỏng tang, mát mẻ. Chiếc kẹo bột, cái bánh đa ngậm ngùi bên những chiếc kẹo phẩm xanh phẩm đỏ. Và mùi lá khô mỗi chiều tôi thấy sực lên mùi khét của những túi ni-lông. Còn một điều nữa, đã chẳng còn ai gửi cho tôi trái hồng vào những đêm rằm Trung Thu. Tiếng quát tháo của người gửi quả đã cuốn đi một phần hồn vía chợ quê tôi. Để tôi giờ nay tìm lại nét thơ trong tranh vẽ chợ quê.
Người quê mới thật tấm lòng
Đẹp như bông lúa trổ bông tháng Mười
Cơm ăn mẻ bát xứ Người
Trong lòng canh cánh, góc trời chợ quê
(Chưa rõ tác giả)
Lời bình: Trần Thị Lâm Thao - Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội
Thơ: Lucbat.com tuyển chọn
Chợ quê bên đường
Em về lại với quê anh
Nắng rơi trên những mái tranh ngoan hiền
Đất nghèo lắm bụi cũng quen
Hàng cây ngủ thật bình yên bên đường
Về đây chợ cũng khác thường
Cá không có bạn đứng buồn lẻ loi
Mớ rau đã trật trưa rồi
Dăm con tép bạc nói lời gió sương
Chợ quê nhóm dọn bên đường
Chân quê sấp ngửa còn vương bóng chiều
Chênh vênh trong gió cánh diều
Chẳng nghe chim vịt cũng nhiều nhớ thương.
(Nhật Quỳnh)
Chợ quê
Chợ quê trên chợ dưới thuyền
Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ
Từ ngày con nhện lửng lơ
Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài!
Em cười chẳng biết với ai
Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu...
Một hôm tôi quyết hỏi liều
Muốn sang... phải bắc cầu kiều sao đây ?
Em đùa nhắn gió thách mây
Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy...
Ai ngờ từ đấy phân ly
Bảy năm biền biệt tôi đi không về
Giận em ném lại câu thề:
'Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa!...'
Giảng đường sớm nắng chiều mưa
Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy
Thế rồi phượng thắm mùa thi
Thế rồi bác sĩ trường Y, như lời...
Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
Thuyền em vẫn đậu bên sông
Gặp em tay níu tay bồng... bốn con!...
Áo ai giờ nhạt màu son
Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê...
(Tuyển tập thơ Thơ Nhà Giáo Tp.HCM – NXB Trẻ 1997)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Chợ quê I
Chợ quê họp ở bờ đê
Nắng thì đội nón, mưa về áo mưa
Chợ quê bán những rau dưa
Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây
Chợ quê bán thúng khoai đầy
Bán đôi lợn giống, bán bầy gà con
Ruộng vườn mưa nắng héo hon
Mẹ già áo vá, chắt bòn từng xu
Chợ quê có bác Xẩm mù
Lần theo dấu gậy, hát ru não lòng
Xúm đông người đứng chật vòng
Chợ quê có đám xiếc rong mới về
Chợ quê có mấy trai quê
Sau ngày gặt hái, làm nghề xe ôm
Hôm nay trời trở gió nồm
Chợ quê bánh đúc mắm tôm dậy mùi
(Nguyễn Đức Mậu)
Chợ quê II
'Chợ Quê đã lắm dọc hành
Đã già quả mướp, lại xanh trái đào
Mớ cần cắt ngắn bờ ao
Dỏ trưa tép nhảy, rào rào giữa phên
Lọ kẹo bột, miếng đường phèn
Con gà mũm mĩm, gáy trên nóc lồng
Chợ Quê đã bé quả Bòng
Đã già mớ cải, cỗ lòng lại ôi...
Chợ quê bánh đúc bẻ đôi
Mắm tôm quyệt miệng, chờ người khách sang
Khoai đầu luống, gái giữa làng
Chợ quê đợi thúng, bưng sàng, ngả nong
Người quê mới thật tấm lòng
Đẹp như bông lúa trổ bông tháng Mười
Cơm ăn mẻ bát xứ Người
Trong lòng canh cánh, góc trời chợ quê....