Hôm đó là ngày 24 tháng Chạp, chỉ còn 6 ngày nữa là Tết, chân tôi yếu lắm rồi, tôi không còn tự đi lại được nữa. Đã lên đến bệnh viện lớn nhất Sài Gòn rồi vậy mà tôi lại phải tiếp tục chuyển viện vì bệnh không đỡ. Tôi cầm giấy chuyển viện đưa vào phòng khám của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, sau khi khám và chụp phim phổi xong, kết quả phổi của tôi rất tốt không hề có vấn đề gì. Bác sĩ lại viết giấy chuyển tôi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Trường với Hằng lại dìu tôi ra đường bắt xích lô qua Viện chấn thương chỉnh hình. Đầu giờ chiều tôi được gọi vào khám trước. Hai bác sỹ khám và trao đổi với nhau xong rồi quay sang nói với tôi:
- Chỉ còn hai ngày nữa là bệnh viện nghỉ Tết rồi, giờ anh viết cho em một giấy hẹn cho em về nhà ăn Tết, qua Tết lên đây nhập viện.
Thật sự lúc đó tôi cảm thấy choáng váng, nằm viện gần cả tháng trời mà vậy mà tiền thì mất, tật thì vẫn phải mang. Bước chân ra khỏi phòng khám nước mắt của tôi cũng trào ra luôn. Không còn cách nào khác chúng tôi cũng chỉ biết dìu nhau ra bắt xe ôm để trở về phòng trọ kẻo tối.
Khoảng gần 8 giờ tối hôm đó, người yêu tôi cùng với một người bạn của anh ra chơi. Anh không biết tôi về, chỉ ra chơi với Trường như mọi khi. Khi bước chân vào phòng nhìn thấy tôi anh tưởng tôi đã được ra viện nên anh mừng lắm, anh cứ hỏi tíu tít:
- Phương! Em về lúc nào vậy, em có khỏe không? Hôm nay em đã được ra viện rồi hả?
Nhưng khi biết bệnh của tôi không đỡ được tí nào anh ấy buồn lắm. Hôm đó không khí ngột ngạt, buồn chán bao trùm hết cả căn phòng của tôi. Ai cũng ngồi im lặng, anh cũng chỉ ngồi chơi một lúc rồi cũng ra về để tôi nghỉ ngơi, nhìn theo anh ấy tôi cảm thấy đau đớn vô cùng.
Gần một tháng trời mới gặp lại người yêu lẽ ra tôi phải rất vui mừng, nhưng ngược lại khi nhìn thấy anh ấy tôi cảm thấy đau khổ vô cùng, bởi căn bệnh quái ác kia đã khiến cho tôi phải ngồi liệt một chỗ mất rồi.
Tôi không còn gì nữa cả và tôi cũng không xứng đáng với tình yêu của anh, tôi không muốn anh vì tôi mà phải đau khổ.
Chưa lên xe hoa, cuộc đời đã gắn liền với giường bệnh và chiếc xe lăn
Tối hôm sau anh Chín lại ra thăm tôi và hôm đó cả phòng tôi tăng ca chỉ có mình tôi ở nhà. Tôi nghĩ đó là cơ hội tốt nhất nên khi tôi với anh ngồi chơi nói chuyện với nhau, tôi đã nói lời chia tay với anh ấy:
- Anh ạ! Em cảm ơn tình yêu của anh đã dành cho em, nhưng từ nay em không thể đón nhận tình yêu của anh được nữa. Anh đừng ra thăm em nữa.
Nghe tôi nói vậy, ngồi trầm ngâm một lúc anh Chín nói với tôi:
- Cho dù em có thế nào thì anh cũng không bao giờ rời xa em, từ nay anh không muốn nghe em nói như vậy nữa.
Từ đó đêm nào anh ấy cũng ra thăm tôi. Cho dù tôi có ý tránh né anh thì anh lại càng dành nhiều thời gian để quan tâm tôi nhiều hơn. Thật sự lúc đó tôi cũng không biết anh được phép đi chơi, hay là anh trốn đơn vị mà đêm nào anh cũng ra chơi với tôi 9 giờ đến 10 giờ đêm anh ấy mới trở về đơn vị.
Có nhiều lần tôi nhìn thấy cùi tay của anh bị trầy xước, bầm dập rất nhiều. Tôi hỏi:
- Tay anh bị làm sao mà trầy xước hết vậy?
Anh ấy trả lời:
- Lúc chiều anh chơi bóng chuyền ở trong đơn vị nên anh bị té ấy mà.
Mãi sau này, tôi mới biết anh ấy bị trầy xước hết tay, đó là do anh bị ngã lúc trèo tường rào để trốn đơn vị ra với tôi.
Lần đầu tiên hai chị em tôi ăn một cái Tết xa gia đình trong một hoàn cảnh ai nhìn vào cũng phải rơi nước mắt.
Đặc biệt là hôm mồng Bốn Tết là ngày sinh của tôi, cũng chính vì từ nhỏ đến lớn tôi có biết sinh nhật là gì đâu, nên hôm đó tôi cũng không nhớ. Vậy mà người yêu của tôi lại nhớ ngày sinh nhật ấy. Lúc đó cũng khoảng 9 giờ sáng anh tới phòng tôi hai tay anh xách hai túi to đùng:
- Anh xách gì ra mà nhiều vậy?
Anh trả lời:
- Hôm nay là sinh nhật của em nên anh mua mấy thứ, lúc nữa mấy người bạn của anh cũng ra chơi với em đấy.
Anh vừa nói chuyện với tôi vừa soạn mọi thứ ra để đi rửa, nào là thịt cá, rau sống, hành, ngò, ớt, sả và hai con gà to lắm. Thật sự tôi rất xúc động trước sự quan tâm của người yêu, tôi cũng không ngờ trong lúc mình bệnh tật ngồi liệt một chỗ rồi mà người yêu của mình vẫn còn yêu thương, quan tâm như vậy.
Đã 22 năm trôi qua kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, hôm đó tôi mới được nghe bài hát chúc mừng sinh nhật.
Hy vọng từ nước Pháp xa xôi..
Qua Tết em trai tôi cũng lo đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi, bạn bè của tôi cũng lo công ăn việc làm, đứa nào cũng phải vào cuộc mưu sinh. Chỉ còn lại tôi với đôi chân bại liệt, tôi không thể tự lo cho mình được nữa. Không còn cách nào khác đành phải viết thư về nhà để nói thật tình hình để mẹ vào chăm sóc tôi. Nhận được thư gia đình tôi rất lo lắng. Hai ngày hai đêm ngồi trên chiếc xe khách Nghệ An - Sài Gòn mẹ cũng vào đến phòng trọ của tôi. Hơn một năm trời rồi hôm đó tôi mới được sà vào lòng mẹ, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng khi nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ.
Nhưng mẹ tôi đã khóc rất nhiều khi nhìn vào đôi chân bại liệt của tôi. Mẹ vừa khóc to vừa trách chị em tôi:
- Tại sao bệnh tật ra nông nỗi này rồi các con mới báo cho cha mẹ biết.
Thấy mẹ khóc nhiều quá Trường động viên:
- Thôi mẹ đừng khóc nữa giờ có mẹ vào với chị em con là con yên tâm rồi. Không muốn để cha mẹ đau khổ nên chị em con muốn tự mình cố gắng nhưng không ngờ bệnh của chị lại phức tạp như vậy. Bởi vậy mẹ đừng khóc nữa mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn lo cho chị mẹ ạ.
Trưa hôm đó nghe tin mẹ tôi đã vào anh đã ra thăm mẹ ngay. Ngồi chơi được một lúc anh nói với mẹ:
- Bác ạ! Má con mất sớm bởi thế mà con rất thiếu thốn tình cảm của một người mẹ. Bác là mẹ của Phương từ nay bác cho phép con được gọi bác là mẹ.
Nghe anh ấy nói vậy mẹ tôi xúc động lắm, trong lúc bệnh tật của tôi như thế, chạy trốn còn không kịp, đằng này anh ấy vẫn một lòng một dạ yêu thương tôi, lại còn muốn làm con của mẹ tôi nữa chứ.
Biết anh mồ côi má, nên mẹ tôi cũng thương anh ấy lắm. Mẹ tôi cũng là một người phải chịu rất nhiều thiếu thốn tình cảm của một người cha, người mẹ. Vì vậy mà mẹ cũng coi anh như một đứa con của mẹ.
Từ hôm ấy, mẹ và anh Chín xưng hô với nhau cứ “mẹ mẹ, con con” như ruột thịt vậy. Thời gian đó anh Chín cũng sắp sửa ra quân, nên anh ấy cũng tranh thủ ra chơi với mẹ con tôi thường xuyên hơn. Vì yêu anh nhiều nên lúc nào tôi cũng mong anh rời xa tôi để không phải đau khổ và khóc vì tôi.
Cuối cùng thì tôi cũng phải rời xa anh trước để lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Hôm đó làm thủ tục nhập viện xong, tôi được đưa lên Phòng 206 Khoa Cột sống A.
Mấy ngày đầu, các Bác sỹ ở Khoa Cột sống A cũng điều trị cho tôi theo hướng bệnh Lao cột sống như ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi xem phim cộng hưởng từ của tôi, bác Thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trưởng khoa Cột sống A lại cho tôi sang Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để chụp phim xạ hình xương, chụp phim xong các Giáo sư, Bác sỹ Khoa Cột sống A đã hội chẩn lại và kết quả đúng là tôi bị căn bệnh cũ tái phát.
Lúc đó bác Thành Trưởng khoa nói với tôi:
- Căn bệnh u máu trong tủy sống của cháu là một loại bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện của bác cũng không chữa được căn bệnh của cháu. Nhưng cháu cứ nằm đây chờ ông Ru-Nô người Pháp chuyên gia mạch máu, đầu tháng tư ông ấy sẽ sang Việt Nam. Bác sẽ liên hệ với ông ấy để nhờ ông ấy chữa cho cháu.
Trước ngày ra quân anh Chín đã lên bệnh viện thăm tôi. Khi nghe nói bệnh viện cũng không chữa được căn bệnh quái ác của tôi. Anh đau khổ không khác gì tôi, rồi khóc và nói:
- Phương ạ! Cho dù thế nào thì em cũng phải gắng hết sức mình để chờ bằng được ông Ru-Nô em nhé. Không được đầu hàng số phận.
Hôm đó anh đã ở lại bệnh viện chăm sóc tôi hai ngày hai đêm. Lúc nào anh cũng đặt một cái ghế nhựa bên cạnh giường tôi để ngồi quạt cho tôi.
Anh vừa quạt vừa nói chuyện với tôi, suốt ngày như thế: Em cố gắng ngủ đi để anh quạt cho em ngủ. Ngày mai anh phải về nhà rồi, cũng phải mất một thời gian nữa anh mới lên thăm
em được.
Sáng hôm sau trước lúc ra về anh còn ngồi đút cháo cho tôi ăn xong. Tình yêu của anh dành cho tôi khiến cho bao nhiêu người bệnh nhân cùng phòng với tôi phải cảm động và ai cũng phải trầm trồ.
Tôi cứ nằm đếm thời gian mong từng ngày qua đi. Thế rồi tháng Hai cũng đã qua, tháng Ba cũng đã hết, và tháng Tư tôi trông chờ cũng đã đến...
(Còn nữa)
Nguyễn Thị Phương
-----------------------------------------------------------------
Phối hợp với các đồng nghiệp báo Tiền Phong, chúng tôi sẽ trích giới thiệu nhiều kỳ cuốn tự truyện “Cổ tích tình yêu” trên www.lucbat.com. Rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ và động viên của bạn đọc gần xa dành cho tác giả cuốn sách, bằng cách viết comment ngay dưới bài viết này; hoặc qua email: baolongphuongchin@gmail.com, điện thoại: 01652 937160.