Đất nước Việt Nam trải qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt chống Pháp và chống Mĩ. Có bao người rời xa quê hương, gia đình, vợ con, lên đường ra mặt trận. Người còn người mất, dù họ ở trong cương vị, công việc nào đi chăng nữa thì họ cũng đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và giải phóng đất nước. Mỗi một thành công mỗi một chiến thắng cái giá mà chúng ta phải trả không thể nào kể hết được, cũng không thể tính tiền bạc. Mà nó như còn mãi với thời gian ăn sâu trong kí ức của mỗi người. Như một bài học về chân giá trị của những con người đã hy sinh cho dân tộc, để chúng ta có cuộc sống hòa bình, độc lập, ấm no như ngày hôm nay.
Chính vì lẽ đó trong tôi mỗi sự kiện xẩy ra ở cuộc sống hàng ngày, luôn tạo cho chúng ta những dòng suy nghĩ, dù là nhỏ nhất cũng để lại trong mỗi chúng ta những niềm xúc cảm sâu sắc và ấn tượng khó có thể quên. Câu chuyện bắt nguồn từ một lần đi “nhậu” với nhà điêu khắc trẻ tuổi có đôi bàn tay được đánh giá là tài hoa trong làng điêu khắc đắp tượng ở Hải Phòng. Anh Cường kể về chuyến đi thăm thành cổ Quảng Trị, rồi nghĩa trang Trường Sơn, ngã ba Đồng Lộc.
Qua những lời kể của những hướng dẫn viên du lịch về những trận đánh lịch sử 81 ngày đêm của Quân giải phóng miền Nam với Quân lực Việt Nam cộng hòa có sự yểm trợ tối đa hỏa lực của Quân đội Mỹ. Quân ta dũng cảm đánh chiếm thành cổ, quân địch cố thủ. Đây là trận đánh hao tổn sức người sức của cho cả hai bên. Máu các anh thấm vào đất, tô đỏ thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Nhìn những nấm mộ liệt sĩ mầu trắng xếp hàng chạy dài tít tắp tại nghĩa trang Đường chín và nghĩa trang Trường Sơn không ít người nhìn thấy không khỏi chạnh lòng sót thương, gai gai người, rơm rớm nước mắt.
Điều làm tôi như bị thôi miên bởi lời anh Cường đang sôi nổi kể về mười cô gái thanh niên xung phong trẻ trung giữa rừng Trường Sơn khô rát da vì nắng hè và gió Lào và mùi cháy khét của bom đạn. Các cô gái thanh niên xung phong chân yếu tay mềm, trước cái sống và cái chết, các cô vẫn vô tư hồn nhiên trong trắng sống dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Trường Sơn bom đạn cày xới, bọn thần Sấm, con Ma, VO10 bất chợt ào đến dội bom rồi lại đi, để lại những mảng rừng cháy sém, những hố bom sâu hoắm, khét lồng mùi thuốc bom xen lẫn mùi của cỏ cây đã cháy hết mình vì cuộc chiến tranh tàn khốc của kẻ thù xâm lược Mỹ. Ngớt tiếng bom các cô lại bật nắp hầm lao lên, những đôi tay thoăn thoắt quốc, đào, bới, san, nấp thông đường cho những chuyến xe chở quân lương, súng đạn chi viện cho tuyền tuyến Miền Nam ruột thịt. Cũng vì những điều thiêng liêng ấy mà trong mỗi con người thời đó có dũng khí đến lạ kỳ giúp họ vượt qua tất cả để đi lên cống hiến sức mình cho công cuộc bảo vệ tổ quốc và thống nhất đất nước.
Cứ chuẩn bị đến ngày kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, các đoàn của các cơ quan ban nghành, thành phố Hải Phòng lại tổ chức những chuyến hành hương về ngã ba Đồng Lộc và nghĩa trang Trường Sơn thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Mỗi người một câu chuyện kể về đời, về gia đình về phương thức làm ăn mới, vượt khó làm giầu đi lên trong cơ chế thị trường cũng không kém phần khốc liệt. Nhưng tựu chung đều cầu chúc cho các anh, các chị yên nghỉ nơi Trường Sơn hùng vĩ những lời tri ân thật chân tình giữa người sống và người đang ở cõi vĩnh hằng.
Lại nói về đoàn của anh Cường đang lặng nghe người hướng dẫn viên du lịch kể về cái chết anh hùng của mười cô gái thanh niên xung phong anh hùng nơi ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Bên tượng đài khói hương nghi ngút, những bông hoa trắng tỏa hương ngan ngát, cùng với những món quà là những vật dụng hàng ngày cho các chị dùng như: Gương, lược, nón, khăn mùi xoa, được đặt trang nghiêm dưới những bức ảnh cùng dòng chữ ghi tên mười chị, Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Dạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hạ, Trần Thị Hường. Các chị người lớn nhất mới có 22 tuổi, người nhỏ nhất mới 17 tuổi. Các chị đã ra đi ở cái tuổi còn quá trẻ của một đời người. Điều không thể thiếu đó là khu mộ được phủ bóng mát bởi những cây Bồ Kết mùi lá Xả hăng hăng và cánh rừng Trường Sơn xanh mát.
Trên gương mặt mỗi người lúc đó xúc động dưng dưng lệ, vì người hướng dẫn viên nói đến cái chết bi thương của các cô. Ngày hôm đó các ngày định mệnh của các chị. Các chị vừa làm vừa cười vừa nói, ý ới gọi nhau. Bỗng một tốp máy bay phản lực vượt qua trọng điểm, đã bất ngờ trút một loạt bom, một quả rơi đúng vào chỗ các chị...1 phút...5 phút trôi qua... Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét. Vừa ngớt tiếng bom mọi người nhao ra gọi tên các chị. Chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, đất đá còn nóng hổi...Lặng lẽ không một tiếng trả lời... Mọi người cùng nhau đến ứng cứu đào bới mãi mới tìm được chín chị dưới đống đổ nát. Nhưng hỡi ơi bom giặc bạo tàn đã cướp đi hơi thở, sức sống trẻ trung của các chị. Mọi người đứng chết lặng bên các chị nước mắt đầm đìa, những giọt lệ vẫn biết bao lần đã rơi bên những người đồng đội ra đi, nhưng giờ đây nó cứ tuôn như chưa bao giờ được chẩy.
Họ lại nén đau để tìm chị thứ muời có cái tên là Cúc. Mọi người nói với nhau nhẹ tay đào bới từng nắm đất, vì sợ vô tình quốc vào thân chị. Ba ngày sau mới tìm thấy chị trên đồi Trọ Voi, trong đống đất đá cách đồng đội chừng 20m Trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái quốc, mười ngón tay tứa máu vì đang bới đất tìm đường ra. Chị đã về cõi vĩnh hằng trong tư thế vươn lên, dòng máu thanh xuân thấm đỏ mảnh đất ngã ba Đồng Lộc. Mọi người không nén được đau thương bật khóc!
Anh Cường kể đến đây trong tôi như trào dâng một nỗi niềm thương xót vô hạn, tôi đã khóc thầm trong ký ức, tôi nâng cốc rượu lên không gian như những lời tri ân của riêng tôi dành cho các chị. Những con người quả cảm mà tôi chưa bao giờ được gặp, mà chỉ được nghe kể lại.
Tôi đã nhiều lần đi công tác vào phía Nam qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ dọc Trường Sơn, Quảng Trị, Củ Chi, Tây Ninh... Có lần tôi đi theo làm phóng sự về anh Bản người lính của tiểu Đoàn Cát Bi Hải Phòng năm xưa, chiến đấu ở Củ Chi đất thép. Người đã bao năm đi tìm, quy tập không biết bao đồng đội về nghĩa trang và về quê hương. Nhưng ngã ba Đồng Lộc thì tôi mới chỉ ghé qua một lần, cũng bởi không có thời gian ở lâu, vì phải theo đoàn công tác của cơ quan. Qua anh Cường kể trong tôi như có cái gì thôi thúc trăn trở từ chi tiết đôi bàn tay cào đất thấm đầy máu ấy tôi đã xúc cảm viêt bài thơ tặng các chị những người anh hùng, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước được nở hoa, non sông liền một dải.
Tôi đã lấy tên bài thơ là Mười bông hoa trắng, bài thơ như một lời tri ân của tôi đến các chị những người phụ nữ thanh niên xung phong anh hùng.
Mười Bông Hoa Trắng
(Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc)
Hôm nay tôi được ghé thăm
Mười cô gái trẻ đã nằm nơi đây
Ngã ba đồng lộc chốn này
Mối căm thù máu vẫn đầy không gian!
Bởi bom đạn lũ bạo tàn
Mười thân gái trẻ vội tan kiếp người
Danh linh còn mãi ghi đời
Hương thơm mười nén nói lời tri ân
Nén đau nước mắt vạn lần!
Trái bom oan nghiệt sập hầm vùi sâu
Chín cô tìm thấy lần đầu
Một cô lẩn khuất nơi đâu mất rồi?
Cuốc đào chỉ dám nhẹ thôi
Bốc từng nắm đất bồi hồi trên tay!
Mãi tìm thấy tấm thân gầy
Tay cô máu chẩy thấm đầy đất thiêng
Cây rừng bật khóc ngả nghiêng
Linh hồn xuân trẻ thiêng liêng cao vời
Khói hương trạm tới tận trời
Bao người đứng lặng nghe lời tiễn đưa
Khóc thầm thoảng hiện bóng xưa
Muôn phần đau xót như vừa hôm qua
Dâng cho tổ quốc Việt ta
Mười dòng máu đỏ chan hòa núi sông !
Đào Vinh
Nguyễn Văn Thái - vanthai1949@yahoo.com.vn - 0904 800 649 - Phố Bến, Mỹ Tân ,Mỹ Lộc, Nam Định
(Ngày 24/06/2012 8:39:28)
Chia sẻ cảm xúc với tác giả Đào Vinh.
Nguyễn Phi Diếu - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 094.3818.817DĐ 09 0 - 286/17 Lê Hồng Phong- TP Vũng Tàu
(Ngày 23/06/2012 21:33:37)
Vinh đào - vinhhoangthp@gmail.com - 0913576936 - thp
(Ngày 21/06/2012 9:58:16)
Xin cám ơn Nguyễn Thanh Tuyên đã có nhận xét và góp ý cho bài viết. Đúng là có nhầm chi tiết một chút...
Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmail.com - 0989094933 - Hải Phòng
(Ngày 19/06/2012 16:51:19)
Qua bài viết độc giả hiểu được tấm lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc của tác giả với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và biết ơn cả một thế hệ đã chiến đấu kiên cường để báo vệ sự tồn vong của Tổ quốc . Ta càng thấm thía tấc đất tấc vàng hôm nay là giá máu xương của biết bao người. Xin chân thành cảm ơn Nhà văn Đào Vinh. |