“Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”
Cứ mỗi lần nghe câu hát trên, tôi lại chạnh nghĩ đến những ngày đầu tiên theo chồng về làm dâu ở Kado – Đơn Dương .
Những năm cơ cực thời bao cấp, đối với một cô giáo vùng sâu núi thẳm như tôi, không ít gian nan trong cuộc sống, và khi đó tôi mới thực sự biết câu nói “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội vạn đèo cũng qua”, Tình yêu của tôi dành cho anh ấy thật nhanh chóng được chấp cánh đi vào cuộc sống hôn nhân, bạn bè ai cũng bất ngờ về ngã rẽ cuộc đời của tôi…
Tháng 3/1976 tôi đã giã từ tất cả những người thân, từ bỏ tham gia những buổi văn nghệ thanh niên, bỏ lại sau lưng thanh phố Sài Gòn thân yêu mà tôi có biết bao kỷ niệm để theo chồng lên vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng.
Thời gian mới về nhà chồng, tôi bắt đầu tập tành với những công việc lao động chân tay,không biết bao nhiêu việc kể sao cho xiết, những công việc này tôi chưa hề bao giờ biết đến ,mặc dù tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng chưa hề vất vả bằng sức lao động của mình.
Thoạt đầu công việc khó khăn nhất đối với tôi là tập thế nào để có thể biết dùng đôi gánh để gánh nước dùng sinh hoạt gia đình, gánh nông sản theo mùa, gánh thóc đến nhà máy để chà gạo, gánh quần áo ra suối giặt …
Gia đinh tôi là người mới đến, chưa có điều kiện đào được giếng nên phải đi xin nước ở nhà cùng xóm, giếng này cách xa nhà gần 300m, và sâu hơn 20 thước. Tôi còn nhớ thả từ từ dây thùng múc nuớc mà tôi nhẩm hát một đoạn nhạc vui thùng mới chạm xuồng mặt nước, thật là lãng mạn, đi gánh nước mà cứ hát cho quên mệt nhọc… Nhưng đến khi quay đầy hai thùng nước, tôi gánh buớc đi loạng quạng vì chưa quen, lảo đảo cứ như thùng đi một nơi người đi một ngả muốn té nhào… tôi đã tập mỗi ngày sẽ đỗ đầy thêm một chút nước, cho quen lần với cái nặng oằn xuống trên vai. Những đêm về nằm ngủ hai bờ vai tôi ê ẩm bầm tím. Chồng tôi cũng xót xa và lấy rượu gừng thoa vào cho bớt nhức, dần dà tôi cũng buớc đi được những bước mềm mại hơn môt chút, nhưng không thể nào uyển chuyển dáng đi như những cô thôn nữ, nhiều nguời trong thôn đã khen tôi sớm thích nghi với hoàn cảnh, thầm tội nghiệp cho người con gái thành phố là tôi…
Tác giả Kiều Huệ (bìa phải) cùng những người bạn thơ
Giai đoạn đó, thường những buổi sáng ở nhà chỉ điểm tâm hoặc khi một củ khoai lang, hay cái bắp tươi khi vào mùa, còn không chỉ ăn sáng với chén khoai lang khô nấu điểm ít gạo ăn với mắm cái (loại mắm cá cơm muối thật mặn không có gia vị), những món ăn này tôi vẫn nhớ mãi…
Đôi lúc nhớ về Sài Gòn, nhớ bữa cơm gia đình, khi còn ở nhà, chưa thiếu thốn và luôn vất vả tôi rưng rưng ngấn lệ. Đã vậy cuộc sống ở đây thay đổi hoàn toàn…tối đến không có điện, thắp sáng bằng chiếc đèn dầu nhỏ xíu, đến dầu hỏa cũng phải tiết kiệm, muỗi và bọ chét rất nhiều, sự tối tăm thiếu ánh sáng là môi trường cho loài vật này sinh sôi nẩy nở thêm . Nhà tôi nền đất nên bị bọ chét búng lên người cắn, ngứa gãi đến rướm máu, mà chẳng có thuốc xức, chỉ biết lấy rượu xoa vô cho êm, thời đó ở vùng sâu làm gì có tiệm thuốc tây nào.
Tôi hiểu nếu không có tình yêu, có lẽ tôi khó lòng vươt qua hoàn cảnh sống như vậy. Đôi bàn tay mềm mại của đứa con gái đã chai sần lên vì hằng ngày phải làm bạn với cái cuốc, cái rựa, cái búa bửa củi, cùng với những công việc nặng nhọc nhà nông, mà lâu dần tôi mới quen được.
Ông bà ta có câu :”Xay thóc thì khỏi bồng em”còn tôi vừa giữ em, vừa bồng con, lo cơm nước cho gia đình chồng, phơi thóc ,gĩa gạo, nuôi gà vịt , heo… công việc luôn dầy đặc không ngơi tay, đang làm công việc này tôi đã nghĩ đến công việc kế tiếp, làm thuần thục cho đến khi trời khuya.
Ngoài việc hưởng đồng lương của cô giáo vùng sâu, vùng xa kinh tế mới, tôi không có khoản thu nhập riêng nào, nên việc mỗi lân muốn về Sài Gòn thăm ba mẹ, bạn bè thật là khó thực hiện. Có lần tôi phải xin me chồng thùng bắp hoặc thùng lúa đem bán đổi lấy cái vé xe đò, còn quà mang về thành phố cho cha mẹ ruột, có khi vài chục bắp tuơi hoặc vài ký khoai lang, hay vài ký đậu xanh hoặc đậu phộng.
Vào mùa hè nọ, một trong số phụ huynh, là người khá gỉả nhất trong thôn làng, đã ngỏ ý cho tôi một con heo mọi con mới rã bày.
”Gia đình tôi xin biếu cô một CON HEO MỌI, cô ráng chăm cho nó mau lớn, từ nay đến Tết đem bán cũng có tiền vê Sài Gòn ăn Tết”
Họ đã biết tôi luôn mong có dịp về thăm gia đinh khi hè hoặc Tết, nhưng cũng rất khó khăn tài chánh, nên họ đã biếu tôi con heo mọi đen nhẻm đó, mong cải thiện đời sống .
Ngày xưa Mẹ tôi cho con heo đất, tôi đả chắt chiu để dành bằng những đồng bạc lẻ. Bây giờ tôi cũng có một con heo, nhưng nó là con heo mọi đen thật bằng xương bằng thịt ,tôi phải vỗ béo nó để làm hầu bao.Thoạt tiên tôi chẳng có gì để làm chuồng cho heo con, ngoài đống gốc tre mà hôm truớc chồng tôi đã đốn từ trong rừng về, phần ngọn đã chẻ đề làm lạt buộc tranh lợp mái chái nhà. Tôi đem phần gốc này, tạm quây lai một ô nhỏ để nhốt chú heo, và bỏ thêm một mớ rơm rạ vào đó để heo nằm cho ấm, cái chuồng tạm quá đơn sơ …nhưng điều kiện chỉ có vậy.
Mỗi buổi sáng, sau khi mọi người trong gia đình đã ra đồng làm việc, tôi đem thóc lúa, bắp đậu hoặc thuốc rê ra sân phơi…tùy theo mùa nào thức nấy. Cho con bú no, thả gà khỏi chuồng và nấu xong nồi cám heo, công việc kế tiếp là tôi gom quần áo lao động của mọi người trong nhà gánh xuống suối giặt …
Sau khi giặt xong quần áo, trong lúc chờ phơi quần áo cho khô ráo bớt… để gánh cho nhẹ, tôi đi tìm rau dại mọc dọc 2 bên bờ suối về nấu cho heo con ăn. Thường nhà người ta thi có trồng nhiều rau lang không phải cắt rau dại, nhưng gia đình tôi là người dân mới đến điều kiện còn eo hẹp, nên phải đi doc bờ suối tìm cắt rau dại, tôi đặt thêm lờ dưới dòng suối bắt cá…Thỉnh thoảng có vài con lươn, hoặc mấy con cá long tong vài con cá rô, đem chiên giòn, cũng tạm được thưởng thức một bữa ăn ngon miệng cho cả nhà
Tôi hay loanh quanh bên bờ suối, tận hưởng không khí thiên nhiên cho quên mệt nhọc, chừng nào thấy hai bầu sữa căng lên, nhắc tôi nhớ đến đứa con dại tròn 5 tháng tuổi đang ở nhà với chú em út bốn tuổi, tôi mới vội vã gom quần áo, quảy gánh về, sợ con khát sữa, chưa kể trên đường từ suối về nhà, nếu thấy có hạt đậu sen đã khô trên triền dốc đồi, tôi cũng tranh thủ hái đem về rang lên, giã nhỏ thay làm cà phê uống cho đỡ ghiền, vì trong vùng núi xa xôi chẳng có một quán cà phê nào cả, thèm cà phê phải đi bộ hơn hai cây số. Mùi đậu rang nấu nước uống cũng thơm thơm vị đặc trưng, nhất là vừa ăn một củ khoai lang nướng rồi uống một tách “Cà phê” tự chế cũng tuyệt lắm
Những buổi tối trời lạnh, ngồi soạn giáo án, tôi nhâm nhi ly “cà phê đậu sen” nóng hổi đầy thú vị, mới biết vừa lòng với những gì mình đang có là một điều hạnh phúc.
Tôi đến trường dạy vào buổi chiều. Ngôi trường đơn sơ nhỏ bé cách nhà tôi khoảng 200m nếu chui tắt qua hàng rào, nếu đi con đường chính phải hơn 500m
Cả ngày trởi công việc luôn tay, tôi cũng không còn thì giở để nghĩ suy,buồn chán,tôi thường chui hang rào qua lớp học cho kịp giờ lên lớp, vì tôi luôn tất bật vội vả.
Tôi bồi hồi nhớ lại sao ngày xưa mình liều lĩnh đến vậy, đã bỏ con thơ cho đứa bé bốn tuổi trông chừng ,rồi đi làm công việc ,một hôm xuống suối về đến nhà tôi thấy miệng thằng bé con nhai nhóp nhép một hạt bắp, vì cháu khát sửa khóc, chú út đã dỗ dành cháu cho ăn hạt bắp đó. Thật hú hồn hú vía…
Những ngày mùa, tôi nhiều việc bận rộn hơn . Con khóc đòi mẹ, cơn mưa sắp đến mà bắp thi phơi đầy ngoài sân, thêm con heo cứ kêu loạn lên đòi ăn cám, khiến tôi luýnh quýnh … Vội kéo mớ thuốc lá và bắp phơi ngoài sân, rất nhanh nhẹn, công việc đã tập cho tôi sắp xếp linh hoạt giỏi giang hơn, cứ bộn bề lo toan đâu con rảnh rổi để nhớ và buồn …tôi làm việc như một cái máy tự động, luân phiên các việc rất nhuần nhuyễn, nhớ lại rồi tự khen mình sao mà …tiến bộ vậy .
Chỉ những phút phút giây đi cắt rau đơm lờ ở suối, tôi mới thoáng nhớ về Sài Gòn mà thấy lòng bâng khuâng tiếc nhớ những ngày xưa tuổi học trò bay xa, những kỷ niệm thời vàng son của con gái mờ nhạt, những sinh hoạt trong giáo xứ trong các hội đoàn đã khép lại ….Ôi sao mà nao lòng …Hoặc đêm nào ngồi bên ngọn đèn dầu ngồi khâu lại cái bao rách để sáng mai có đựng bắp,luá, mới nhớ về cha mẹ, có lần mải quên đã để cây kim khâu đâm trúng ngón tay chảy máu, tưởng như máu chảy trong tim mình quặn thắt.
Thời gian cũng qua mau,với núi việc không bao giờ dứt, tôi chẳng để ý đến chú heo mọi nuôi đã được bao lâu, chỉ biết ngày ngày cho heo ăn …cái bụng của nó càng ngày càng xệ xuống tới sát đất,trông ục ịch đến dễ thương quá chừng.
“Ụt ơi mày ráng mau lớn nhé.tao sẽ kiếm nhiều rau cho mày ăn…”
Tôi cũng tìm thấy chút niềm vui mỗi khi cho CON HEO MỌI ăn.
Một ngày kia, vì phải đưa con đi chích ngừa ngoài huyện, chuyến xe bị trễ, vế đến nhà tôi không nghe tiếng con heo kêu đòi ăn như mọi khi, ra sau chuồng tôi hoảng hốt. Ôi thôi, con heo nó đã phá tanh banh những gốc tre che chắn, heo đã đào mấy cái gốc tre lèn nằm chênh hênh và nó đâu mất tiêu rồi…
Tôi ra phía sau vườn nhà tìm heo:
“Ut …ụt… ơi mày đâu ụt ơi …!”
“Tao biết mày đói bụng mà, tao xin lỗi mày…ụt ơi… ụt ut ơi, mày ở đâu ,tao về rồi nè…tao cũng đói bụng lắm ụt ơi…”
Trời đất ơi chú heo kia rồi, hôm nay đã mập hơn trông thấy, nó nằm gần luống khoai chưa đến ngày thu hoach củ, phơi cái bụng no kềnh bóng lưỡng. Heo đã bươi hết mấy luống khoai rồi, nó đói nên tim cái ăn. Những dây rau lang nằm vương trên mặt đất, mấy củ khoai trơ bằng ngón tay nó ăn chán chê và nằm im re, không cần biết đến công lao của tôi đã vun trồng mấy luống khoai, thật là tai hại .
Đằng kia mất đám rau thơm, hành lá mới lú mầm xanh, nó cũng phá tanh bành rồi…Trời ơi là trời !
“Heo mọi ơi mày quậy quá.laị còn mấy bụi chuối của tao mày cũng đào lên…hu hu…” Như không nghe thấy tiếng khóc của tôi, chú heo mọi nằm tỉnh queo, phơi cái bụng căng tròn.
Tôi nghĩ không thể chần chờ nữa, phải xây gấp cho chú heo một cai chuồng vững chắc thôi. Thế là gần nửa tháng lương dạy học của tôi đi đứt để mua vật liệu làm chuồng heo, một cái chuồng bằng gạch khá vững chắc đã xây xong.
Mẹ chồng tôi thấy vậy đề nghị sẽ mua thêm hai con heo nữa để Tết có thit ăn, cô em chồng cũng gom mua thêm một con nữa, vì cả nhà ai cũng nhìn con Ụt của tôi mà khen tôi có tay nuôi khéo, nên quyết định“ủng hộ” tôi nuôi thêm ba con nữa, tôi đã có thêm một công việc nặng nề hơn. kiếm rau cho heo nhiều gấp bốn lần trước kia, phải lặn lội nắng mưa, rồi giã gao lấy cám , và gánh bắp đi xay nữa. mệt ơi là mệt. ..
Có những đêm ngủ tôi mơ màng nghe tiếng heo đói bụng kêu inh ỏi nhức đầu, khổ thật, bầy heo ơi, chúng mày lớn mau đi, tao khồ lắm .
Những ngày cuối năm mọi người đều nôn nóng về quê ăn Tết ,riêng tôi cũng nôn nao có dịp trở về Sài Gòn, để đón cái Tết cùng với cha mẹ ruột mà mấy chục năm qua tôi chưa hề rời xa ..Tôi cần có kinh phí để thực hiện chuyến về nhà ăn Tết.
Con ụt của tôi vì nuôi trứớc hai tháng nên nó đã lớn hơn mấy con kia nhiều, nhưng tôi cũng ráng chờ thêm gần sát Tết bán sẽ có giá hơn
Cuối cùng con heo của tôi đã sang tay người khác, đổi lại tôi có được số tiền nhỏ cùng với tháng luơng Tết, cầm trong tay tờ giấy phép đi đường, tôi đã có thể tự tin về Sài Gòn hưởng một cái Tết vui vẻ, thân thương với gia đình và gặp lại bè bạn.
Trong cuộc đời tôi có nhiều chuyển đi chơi xa, nhưng chưa có lần nào trong tâm tư tôi lại vui sướng như chuyến đi từ Đơn Dương về Sài gòn vào năm đó, ngồi trên xe tôi miên man suy nghĩ, nhờ những thành qủa lao động, nhờ công vỗ béo chú heo mọi đã góp phần cho tôi có được chuyến đi về thăm nhà, thêm rủng rỉnh ít tiền như lần này. Tôi lại mơ màng nghe có tiếng heo kêu ụt ụt ở đâu đó…sau lưng tôi.
“Ụt ơi! mày đừng trách tao nhé, chăm sóc mày mấy tháng trời tao cũng khg nỡ bán mày cho người ta làm thịt đâu…vì tao đã nuôi nấng mày vất vả mà .
Tôi cũng suy nghĩ mông lung, cuộc đời mình không hiểu sao lại có những câu chuyện như vậy…Con heo mọi chỉ là một con vật mình nuôi vỗ béo để làm thịt, nhưng hằng ngày cho nó ăn nhằm mục đích bán kiếm tiền…tôi nhớ tiếng kêu đòi ăn mỗi khi thấy bóng tôi đã trỡ nên thân thuộc…Hình ảnh CON HEO MỌI bị trói ngược trên bàn cân vẫn còn in đậm trong ký ức tôi.
Chẳng được bao lâu, vì sức khỏe của đứa con trai, tôi đã không thể tiếp tục sống ở Đơn Dương, lý do chính là trước đó đứa con gái đầu lòng tròn mười sáu tháng tuổi đã mất ở vùng kinh tế mới vì bịnh sốt xuất huyết, khi phát hiện đã không có phương tiện đưa cháu đến bệnh viện kịp thời. Để tránh những lo lắng tôi quyết định trở về Sài gòn sống với bên ngoại chữa bịnh cho con. Khi chuyển đi Lâm Đồng tôi đã cắt hộ khẩu ở Sài Gòn để hưởng chế độ giáo chức của nơi công tác, cho nên khi trở về thành phố tôi phải khó khăn mới nhập lại được hộ khẩu nơi cũ của mình. Thời gian suốt mấy năm tôi không xin được dạy học lại, vì chưa có hộ khẩu, đời sống kinh tế tôi đã làm nhiều công việc tư do, nghề dạy học đã tạm thời chấm dứt từ đó.
Sau này, để phấn đấu với cuộc sống tôi phải trải qua nhiều công việc làm kiếm tiền góp vào kinh tế gia đình ,nhưng tôi không bao giờ quên được câu chuyện kiếm tiền từ chú heo mọi của một giáo viên miền núi, để thực hiện chuyến về thăm Sài Gòn nhân dịp Tết.
Đã hơn 50 muà Xuân trong cuộc đời, chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc cho bằng được về nơi minh đã gán bó hơn nửa đời người, là lần được trở lại Sài Gòn đón Tết cùng cha mẹ ruột của minh cái năm xa xưa đó…sau ngày mình lấy chồng ở xa.
KIỀU HUỆ
(CLB lucbatsaigon)