Cơ duyên đưa tôi đến với Chử Thu Hằng từ một bài thơ của chị qua lời bình của nhà văn Lưu Quốc Hòa - bài thơ "Đêm". Một cảm giác mơ hồ về sự thao thiết kiếm tìm của một con tim cô đơn, thoáng đến, thúc giục tôi tìm đến trang của chị http://chuthuhang.com/, đọc và hình thành một tập thơ. "Khoảng trống..." là tên mà tôi tạm đặt cho tập thơ ấy.
Đành rằng, ai cũng có một góc khuất lặng thầm để gửi gắm ưu tư, trút bỏ muộn phiền. Ở đó, con người thoát khỏi mọi sự ràng buộc của cuộc đời thực, trở về chính mình với những ước mơ, khao khát, hạnh phúc, khổ đau, yêu thương, hờn giận... để lấp đầy khoảng trống, dù chỉ là trong hoài niệm. Thế nhưng, đến với thơ Chử Thu Hằng, tôi bắt gặp trong tâm hồn chị một khoảng trống không dễ lấp đầy. Chị đã từng tâm sự: “Tất cả các bài thơ này chị viết cho người đã mang lại cho chị những vui buồn, đau đớn trong một quãng đời. Chị là người rất cứng rắn trong công việc và làm ăn, nhưng trong tình yêu, chị yếu đuối, không thành công và rơi quá nhiều nước mắt. Nhưng, dù sao, chị vẫn vô cùng biết ơn người đã mang lại cho chị những cảm xúc đẹp đẽ, thánh thiện của tình yêu”. Dẫu biết rằng, đánh đồng tác giả và nhân vật trữ tình trong thơ là một việc làm mang tính “áp đặt” nhưng trong thơ Chử Thu Hằng, nhân vật trữ tình và cái “Tôi” của tác giả như ẩn hiện, soi chiếu cho nhau để kết thành một hình tượng đẹp - hình tượng nhân vật trữ tình. Hình tượng của một người phụ nữ trên hành trình đi tìm cái Đẹp - cái Đẹp trong tình yêu, cái Đẹp trong cuộc sống.Thấp thoáng trong thơ chị, một cái Tôi chất chứa nỗi niềm, khát khao hạnh phúc, thao thiết kiếm tìm hình bóng một tri âm, tri kỉ:
nửa kiếp nhân sinh
vẫn hoài mơ... ai người tri kỷ?
ngọt bùi chua cay đủ vị
vẫn ngơ ngác
dại khờ
như chưa một lần yêu...
(Cõi riêng)
Một cái Tôi vùng vẫy, quẫy đạp nhưng trong lặng thầm, yên phận, cam chịu với bao lo toan, vun vén cho hạnh phúc mong manh của cuộc sống đời thường. Một cái Tôi vừa muốn bứt phá, thét gào để giải phóng mình, lại vừa kìm nén, chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận:
"ngập ngừng cầm bút vẽ mình
vẽ chi?
vẽ dáng
vẽ hình
vẽ tâm
vẽ được không
những âm thầm
những trăn trở
những lặng câm
kiếp người"
(Tôi là...)
Sự giằng co trong cái ranh giới mong manh giữa hai mặt: cam chịu và tự giải phóng mình khiến nhân vật trữ tình (Tôi - cô gái) rã rời, chao đảo, chông chênh... Chính điều này tạo nên hồn thơ, xuyên suốt tập thơ của chị.
Tạo hóa ban cho người phụ nữ trái tim để yêu thương và đón nhận tình yêu thương - như một quy luật. Tình yêu của nhân vật trữ tình cũng nằm trong quy luật ấy - đằm thắm, da diết nhưng mãnh liệt, cháy bỏng:
“Chỉ một mình mình vò xé trái tim đau
Chắt lệ đắng kết thành thơ - không gửi
Cố giấu lòng mình, sao không giấu nổi
Run rẩy câu thơ, run rẩy nỗi niềm”
(Có gì đâu)
Tình yêu của chị vừa có vị ngọt ngào của cảm giác nhớ nhung, mong đợi, khắc khoải, hy vọng, vừa có vị đắng của sự hụt hẫng, chới với, vô vọng, cô đơn trong ảo vọng kiếm tìm...
“Có gì đâu... mà làm khổ con tim
Cứ bổi hổi, cứ buồn vui, cay đắng
Tôi mộng du trong giấc mơ đằng đẵng
Đau thắt lòng khi thầm lặng gọi... Người ơi
Có bao giờ người chợt nhớ đến tôi?”
(Có gì đâu)
Nỗi đau đớn, dằn vặt của nhân vật trữ tình trong thơ chị, không đơn thuần chỉ là nỗi đau của sự kiếm tìm vô vọng mà chính là nỗi đau của sự dằn vặt bởi ý thức trách nhiệm và tình yêu. Cái ranh giới giữa tình yêu và nghĩa vụ tưởng chừng như sợi chỉ mỏng manh nhưng nó lại như lưỡi dao cứa vào trái tim nhạy cảm của người phụ nữ - người vợ:
“Ngập ngừng định thốt lời Yêu
Soi gương ngó tóc muối tiêu
Thẹn thùng...”
Và chị viết:
“Van mình, mình hãy giúp ta
Dẹp cơn say kẻo vỡ òa hoàng hôn."
(Say nắng)
Lời van xin tha thiết hướng đến cả hai đối tượng - người bạn đời và người bạn tri âm tri kỉ; và hướng đến chính lòng mình: Hãy giúp tôi thoát khỏi cái chông chênh của tình yêu, cái mong manh của ranh giới thực - mơ, cái trớ trêu của số phận!...
Nhà thơ Chử Thu Hằng trong chuyến thăm Vương quốc Thái Lan, tháng 5-2012.
Tôi quý chị chính ở nỗi đau của sự đấu tranh, dằn vặt này. Dẫu yêu thương đến cháy lòng nhưng lí trí như một tia sáng cuối đường hầm, dẫn dắt chị thoát khỏi bến mơ, về với cuộc sống đời thường. Sự cố gắng cơ chừng như nghiền nát con tim dào dạt yêu thương của chị:
“vầy vò nỗi cô đơn
khi cười
khi khóc
khi úp mặt vào đêm
trằn trọc.”
(Cõi riêng)
Dẫu trong hoàn cảnh nào, tình yêu của chị cũng rất trong sáng bởi nó xuất phát từ một con tim yêu thương, biết hy sinh cho tình yêu và biết trân trọng cái đẹp trong tình yêu:
“Ta ước một điều kỳ diệu
Trở về với tuổi đôi mươi
Thân ta, hồn ta trinh bạch
Dâng lên. Trọn vẹn cho Người.”
(Ước)
Trong nỗi đau của thực tại, tình yêu tưởng chừng như ảo tưởng, vô vọng của chị trở nên lấp lánh bởi đó không phải là tình yêu của một kẻ tầm thường, chạy theo ảo giác, xa rời những cái có trong tầm tay mà đó là sự khao khát chính đáng của một trái tim biết yêu và mong được yêu thương. Ước mơ này không chỉ riêng của chị mà đó là ước mơ, khao khát của biết bao người phụ nữ. Hơn ai hết, chị là người dám nói ra ước mơ chính đáng này:
“Em ước một lần đón anh về Hà Nội
Nghe câu xẩm xoan mộc mạc giữa đời thường
Để lòng mình vơi đi bao trăn trở
Để trái tim mình lại ấm áp, yêu thương...”
(Anh có về Hà Nội với em không?)
Bìa tập thơ mới nhất của Chử Thu Hằng do Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết lời tựa.
Nhưng trớ trêu thay, sự kiếm tìm tri âm, tri kỉ của chị chỉ là một cuộc kiếm tìm trong vô vọng. Mãi mãi kiếm tìm, mãi mãi vô vọng và mãi mãi lỗi nhịp yêu thương...
“Tìm trong màu nắng, màu mây
Lời yêu xưa
Gió thổi bay mất rồi
Tìm bao cảm xúc đầu đời
Lòng giờ hoang vắng bởi giời mang đi
Tôi tìm...
Chẳng biết tìm chi
Tim hoài ảo vọng
Còn gì cho tôi...”
(Tìm)
Khoảng trống không dễ lấp đầy bởi chị là con người của ý thức trách nhiệm, con người của gia đình, chịu sự ràng buộc của đạo đức xã hội... Nỗi đau của chị cũng chính là nỗi đau của người phụ nữ xưa và nay. Dẫu biết rằng khoảng trống không dễ gì lấp đầy nhưng trong khoảng trống ấy, tình yêu dành cho Anh vẫn mãi vẹn nguyên.
Đọc thơ Chử Thu Hằng, là phụ nữ, tôi không thể không chạnh lòng. Thương người phụ nữ trong thơ, thương chị và thương cả chính mình. Muôn đời, người phụ nữ cũng chỉ là chiếc bóng nhạt nhòa. Muôn đời, vẫn không xóa được sự nghiệt ngã mà lễ giáo phong kiến đã đổ bóng xuống cuộc đời người phụ nữ xưa và nay. Mượn câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh, tôi xin kết lại những cảm xúc của mình. Xin chia sẻ với chị nỗi lòng trắc ẩn...
“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
(Xuân Quỳnh - Tự hát)
ThS Nguyễn Thị Én
(ĐH Hà Tĩnh, tháng 2-2010)