Thứ hai, 06/05/2024,


Trong bảo tàng thơ về chiến tranh thống nhất đất nước (10/10/2011) 
Cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước kết thúc đã 36 năm. Dấu tích của nó trên đất đai đã được thời gian xóa mờ gần hết. Nhưng trong thơ di tích tâm trạng, di tích sự kiện thời kỳ ấy thì vẫn còn nguyên đấy. Hôm nay nhìn lại, lùi xa trong thời gian mà nhìn lại, mong thấy được đầy đủ hơn dáng vẻ, tầm vóc, phẩm chất cuộc chiến, không chỉ nhìn ở phía này mà cả ở phía kia là việc nên làm, không chỉ cho văn chương mà còn cho lịch sử, cho cả ngẫm nghĩ về cuộc sống bây giờ.
 
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu tại Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại –
Nhìn từ miền Trung tổ chức tại Sầm Sơn. Ảnh: Lãng Ma (Lucbat.com)
 
Ở Miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra, cuộc chiến tràn vào mọi mặt đời sống. Thơ viết về đề tài nào cũng thành thơ chiến trận:
-Trong thơ tình yêu: Anh ôm em ôm cả khẩu súng trường của em (Nguyễn Đình Thi). Ôm như thế kể cũng hơi vướng. Nhưng cuộc đời có vậy nên thơ chiến tranh đã in dấu ngay chỗ của thơ tình.
- Trong thơ ru con Chiến hào mặt đất dọc ngang / Sẽ dài như những con đường con đi (Xuân Quỳnh) Chiến hào quả đã thành cuộc sống của đời thường.
- Đến thơ mất chó Nghe bom thằng Mỹ nổ / Mày bỏ chạy đi đâu ? (Trần Đăng Khoa). Gọi đối phương bằng thằng và dè bỉu bom chỉ dọa được chó là vũ khí vào trận của chú bé làm thơ.
- Lên chùa thăm sư, chiến tranh cũng sà vào Sư tiễn mình tận cửa/ Mấy bông sen làm quà / Ầm ầm tàu giặc qua / Làng xa bom lại nổ (...) Đưa mình ra khỏi chùa / có sư thúc nhập ngũ / Theo mình đi đường xa.(Chế Lan Viên)
 Cuộc chiến tranh tự vệ chống không lực Hoa Kỳ đã biến mọi người dân hậu phương thành chiến sỹ, mọi mái nhà thành nơi đánh giặc Ta sẽ giết quân thù trên mỗi mái nhà ta. Đây là thành tựu của công tác tư tưởng hồi ấy, góp vào nguyên nhân của chiến thắng 30-4-1975.
Thơ trong vùng kiểm soát của đối phương không được thế. Ở đấy, có khoảng cách khá rõ về cách cảm cách nghĩ chiến tranh giữa thơ ở đô thị hậu phương và thơ nơi núi rừng mặt trận. Hiếm có sự tương hỗ cảm xúc và đồng điệu tâm hồn. Chúng tôi không có ý định phân tích nguyên nhân chính trị hay nguyên nhân tâm lý, hay những nguyên nhân gì gì của thực trạng này mà chỉ ghi nhận một đặc điểm thơ ca làm dữ liệu cho khảo sát tâm lý dân ta trong cuộc chiến.
Cảm hứng thơ chiến tranh, ở nền thơ Miền Bắc, nối dài vào những vùng giải phóng phía nam vĩ tuyến 17, về thi pháp thấy tách hai  nguồn mạch: bình luận chiến tranh và mô tả chiến tranh
Bình luận chiến tranh. Đây là sở trường của lớp nhà thơ cao niên, có thâm niên thơ, có thành tựu tác phẩm như Chế lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư...Các vị không còn ở lứa tuổi ra trận, lại có bề dày thế sự và kiến văn sâu rộng. Ngay trận đầu cuộc chiến đất đối không ở miến bắc, Chế Lan Viên đã bộc lộ một tư thế đánh giặc của thơ Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Bản thân tư thế ấy không phải tư thế cụ thể của người lính ngủ trong chum đá một cánh đồng bên Lào trong thơ Nguyễn Đức Mậu hay tình thế lính tráng cởi truồng lội sông đón tết trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Nó là tư thế của bình luận của khái quát, nó mang tầm vóc uy nghi của sự dấn thân, của lý tưởng hi sinh cao cả. Ông đặt cuộc kháng chiến đương thời vào lịch sử dân tộc và thơ say trong cảm hứng so sánh trùng điệp đầy mỹ cảm:
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn
 
Và rồi suốt cả cuộc chiến, Chế Lan Viên là nhà thơ bình luận hàng đầu về phẩm chất, tầm vóc, mức độ cuộc chiến tranh. Ông tiếp nhận mọi sự kiện thời sự không chỉ bằng cảm xúc mà chủ yếu bằng suy tưởng, thời cuộc hôm nay gắn trong tiến trình của lịch sử dân tộc. Lịch sử và cả triết học nữa nhiều khi làm bệ đỡ cho cảm hứng, tạo một thế đối xứng để nhà thơ bình luận việc hôm nay. Chi tiết đời sống không nhiều nhưng được khai thác ở nhiều bề, bề sâu, bề xa, bề suy tưởng, bề siêu thực...Mỗi tế bào cảm hứng của thơ Chế Lan Viên khi bổ ra đều như gặp hạt nhân suy tưởngở bên trong. Bài thơ Chim biếc Vĩnh Linh:
Bốn năm đạn lửa chim bay hết
Nay tiếng bom im cánh biếc về
Tiếng hót đầu tiên, ơ, lạ lắm !
Cả làng rưng lệ đứng im nghe.
 
Trò chuyện thơ bên hành lang Hội thảo. Ảnh: Lãng Ma (Lucbat.com)

Nhà thơ Văn Công Hùng, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều (trái sang)

đang xem nhà văn Văn Chinh cập nhật Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung.
Có một chi tiết của sự sống: tiếng chim trong ngày đầu giặc ngừng ném bom Miền Bắc. Chi tiết ấy chưa đủ để thành thơ. Cần một chi tiết nữa: Cả làng rưng lệ đứng im nghe. Chi tiết này không phải nét thực của đời mà là của suy tưởng tác giả, là sự sống do ông sáng chế, tạo cho bài tứ tuyệt cảm xúc tiếng chim thành một chủ đề chính luận về niềm khao khát hòa bình thường trực của dân ta. Tác động cảm xúc của bài thơ không đủ mạnh bằng tác động nhận thức. Chế Lan Viên từng có bài thơ dài về cuộc chiến năm 1972, ông đặt tên bài thơ bằng chính thể loại của nó, không gợi thơ trong chữ một chút nào, như một sự thử thách tìm thơ ngoài chữ: Thời sự hè 72, bình luận. Bài thơ in tràn một trang lớn báo Nhân Dân. Trong những ngày kết thúc chiến tranh, ngày 3 tháng 5-1975 Chế Lan Viên viết xong bài thơ dài, 200 câu, Ngày vĩ đại, tổng kết cuộc chiến, bừng bừng hào khí trúc chẻ ngói tan của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm ấy, nghe âm vang như từ Cáo Bình Ngô thời Nguyễn Trãi. Nửa tháng sau, lại có Thơ bổ sung, cũng cái tên bài rất mộc, cũng vẫn thể tích bề thế như bài trước nhưng đằm hơn những nông nỗi, những thân phận của người dân thời trận mạc, ở phía bên này lẫn phía bên kia. Ở đây nhận thức đã tạo nên cảm xúc. Cảm xúc suy tưởng trí tuệ ở bài này như muốn bổ sung cho cảm xúc vỡ òa bản năng của bài trước.
Huy Cận, ở những bài viết về chiến tranh cũng ngả sang chính luận. Có giọng chính luận còn giữ nguyên chất sống của đề tài. Bài Giờ trưa, viết ở Nam Ngạn Hàm Rồng năm 1967. Không phải chính luận nói, mà chính luận tả, tả bằng cảm giác, lất cảm giác mà thể hiện nhân thức (đấy cũng là thủ pháp suy tưởng chủ lực của Huy Cận):
Cả đất trời giữa lòng trưa rạo rực
Đang trùm ôm,đang thai nghén điều chi  
Trên đồng bằng: một niềm vui sống rất tinh vi...
Giờ trưa ấy... lại con ma Mỹ đến
Tiếng nó rống không làm rung lưới nhện
Bay lấm la lấm lét vãi bừa bom
Đạn trúng đầu, đuôi phụt khói đen ngòm
Làm tối xám một góc trời nắng lọc
Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục
Con gà mái lại đâu đây cục tác
Báo với đời thêm một trứng tròn to
Anh bộ đội ngoài đồng ngồi trên mâm pháo bóng tròn vo.
 
Nhưng thường gặp hơn ở Huy Cận là những chính luận từ chủ đề. Đề tài với ông chỉ như một cú hích đầu tiên của cảm hứng. Dẫn thơ đi lại là chủ đề. Ngã ba Đồng Lộc hay Chào Vĩnh Linh đất thánh... là chất thơ của suy tưởng, của vốn trí tuệ. Tác giả giúp bạn đọc nghĩ về cuộc chiến hơn là thấy nó, cảm giác về nó.
Xuân Diệu người thích lấy tang chứng sống của đời để tạo nên thơ (ông từng thích thú làm thơ hạn hán với tang chứng Con đỉa vắt ngang mô đất, chết) nhưng ở mảng thơ chiến tranh thì ông cũng thiên về bình luận. Lấy bình luận suy tưởng mà tạo tứ thơ, mà làm đầy bài thơ. Bài Con chim và xác chiếc tàu bay Mỹ, viết năm 1968 là một ví dụ. Ngoài đời quả có con chim chich chòe và cái xác tàu bay Mỹ bị bắn rơi. Nhưng mang con chim hồn nhiên đang reo hót bắt nó đậu lên xác nát cái tàu bay là ý định của đạo diễn Xuân Diệu dàn cảnh cho thơ chính luận của mình. Cái hay của thơ ánh lên từ ý tưởng không phải từ tình huống trực tiếp của đời sống. Nó là cái hay của dụng công. Ở Xuân Diệu, cái hay ấy có sâu sắc nhưng nhọc mệt.
Tề Hanh, Lưu Trọng Lư vốn không sở trường về bình luận, nên thơ chiến tranh không thuộc phía xuất sắccủa các ông.
Tố Hữu người có bút pháp thơ dân tộc tài ba và nhuần nhuyễn, sau thành công của bài thơ Mẹ Suốt, thơ chiến tranh ở ông gần như sa vào chính luận chay. Tôi dùng động từ sa và tĩnh từ chay với rất nhiều tiếc nuối. Ong viết Bài ca Xuân 68:
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná,một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ.
Không tự ngắm mình, anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sỹ !
Cả năm châu, Chân lý đang nhìn theo (...)
Đoạn thơ bình luận người lính giải phóng bằng toàn khái niệm: lịch sử, hiên ngang bất khuất, không tự ngắm mình... Có thề những khái niệm ấy bộc lộ được những điều cần nói trong tình hình chính trị thế giới hồi đó. Nhưng đấy là ngôn ngữ của chính trị. Không phải của thơ. Gợi thơ chỉ có một hình ảnh Thạch Sanh . Đáng tiếc lại là hình ảnh gián tiếp, lất từ tích xưa, không phải của trực giác, không gây ấn tượng. Đã thế, lại bị hình ảnh của dây ná cây chông (có vẻ anh hùng Núp) ở câu sau xóa đi thuộc tính của Thạch Sanh. Chính luận Tố Hữu lúc này hình như có vơi đi nhiều cái tung tẩy các chi tiết sống động, âm vang tiếng đất tiếng trời thuở Ta đi tới: Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát / Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca... Bài thơ dài Nước non ngàn dặm là một tập trung khá đầy đủ cả thủ pháp lẫn nội dung bình luận chiến tranh của thơ Tố Hữu. Nhiều câu thơ đẹp, có sáng tạo ngôn ngữ: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi / Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên. Một ai đó đã khen câu 8 chữ, 4 vế: m,m-x,x-tr,tr-Th,th. Tạo bốn mặt như mùa vụ chuyển xoay trong trời đất, rất lý thú. Nhưng ngay sự sáng tạo ấy cũng không hẳn là kết quả của cuộc đi ngàn dặm nước non. Ngồi ở trại sáng tác bút lực Tố Hữu có thể chế tạo được. Phải Vài chàng lính trẻ măng tơ / Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi mới đúng là chất của đời, sống động, tươi quẫy, gồ hẳn lên giữa đám câu bằng phẳng. Bài thơ dài này có giọng diễn ca dể thân, dễ thuộc, tác giả kề lể giãi bày được nhiều cảm nghĩ về nhân dân, về kháng chiến. Nhưng do thiếu cái sức sống của giác quan trực tiếp ở những chi tiết như vừa dẫn, nên bài thơ công phu mà chưa mang sức đi xa.
Bình luận chiến tranh không phải sở trường của lớp trẻ nhưng Bằng Việt lại có đóng góp. Tế bào chính luận của Bằng Việt trẻ, tươi, anh biện luận bằng hình ảnh, câu thơ lôi cuốn trong giọng nhỏ tâm tình. Nhược điểm sinh từ ưu điểm này. Có lúc chính tác giả cũng bị lôi cuốn mà thành nói lấy được, như khi anh ca ngợi chiến tranh như một sự “tiện lợi” (Những hố cá nhân tròn trăn xinh sao/ Hắn là để trồng cây sau kháng chiến / Hàng cây số hào giao thông ẩn hiện / Sẽ khơi làm mương máng mai sau)
Thơ chiến tranh trong bút pháp bình luận đã đóng góp trực tiếp vào công tác tư tưởng thời chiến. Tầm vóc cuộc chiến tranh cũng như tầm vóc của thơ hiện lên khá rõ ở đây. Nó cũng là phía phát triển trí tuệ cần có của thơ Việt, nền thơ vốn nặng về tình. Tuy nhiên để người đọc được sống thật hơn vào cuộc chiến tranh, ngấm nó vào da thịt mình, lại phải trông cậy vào những bài thơ tả trận, ít bình luận mà giàu miêu tả, giàu cảm giác. Nó là vạt thơ tung tấy của các cây bút trẻ, những người sống nhiều ở tiền tuyến. Hai mảng thơ bình luận và miêu tả ấy giúp ta thấy gần đầy đủ khuôn mặt cuộc chiến tranh. Tôi nói gần đủ vì cần một bổ sung nữa: thơ chiến tranh của chiến tuyến bên kia. Hình như cái nhìn cay đắng vào hiện thực cuộc chiến ở phía ấy cho thấy khá rõ chất hiện thực vốn có của chiến tranh cổ lai chinh chiến... Và chính nhờ đó mà thấy được toàn cảnh cuộc chiến trong mỗi thân phận con người.
Trong khuôn khổ thời gian một tham luận, tôi xin dừng ở đây. Hai phần sau xin được thưa vào dịp khác.
6-10-2011
VŨ QUẦN PHƯƠNG
(Bản gửi riêng cho lucbat.com, trân trọng cảm ơn nhà thơ VQP)
 
Các tham luận tại “Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung”
Do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 8, 9/10/2011 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa:
 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: